Câu thơ của Tố Hữu đã nói lên tấm lòng của Bác với thiếu nhi Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu nhi. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941, khi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, về tại Pắc Bó (Cao Bằng) hoạt động những năm đầu đầy khó khăn, gian khổ, song mỗi khi có dịp là Người đến với các cháu thiếu nhi. Những năm gian khó này, trong các bài thơ vận động cách mạng, thì thiếu niên, nhi đồng là đối tượng được Bác Hồ quan tâm đặc biệt:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”…
“Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…”.
Bác luôn dành tình thương yêu, động viên thế hệ măng non đất nước qua những bài thơ, lá thư nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 mà Người luôn thương nhớ các cháu.
Ngày đất nước giành được độc lập, tự do sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong thư gửi học sinh ngày Khai trường đầu tiên tháng 9/1945, Bác Hồ đã nói hết tấm lòng thương yêu và ân cần đối với thiếu nhi, đồng thời Bác rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của tuổi trẻ, là thiếu nhi với tương lai đất nước. Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trong hoàn cảnh kháng chiến, Bác vẫn luôn quan tâm đến thiếu nhi. Ngày 1/6/1950, Bác có Thư gửi thiếu nhi toàn quốc đăng trên báo Sự Thật số 134.
“Các cháu yêu quý! Ngày 1/6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới.
Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô.
Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến.
Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...
Bác mong các cháu ngoan ngoãn. Bác chúc các cháu mạnh khỏe. Bác gửi các cháu nhiều cái hôn”.
Tiếp đó, ngày 1/6/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhi đồng toàn quốc, đăng báo Cứu Quốc số 1828.
Bác Hồ đến thăm các cháu thiếu nhi Trại nhi đồng tại
Chiến khu Việt Bắc, năm 1950 (Ảnh tư liệu)
Thư viết: “Ngày 1-6 là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình. Mà những người lớn thì tỏ tình yêu quý nhi đồng và đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho nhi đồng.
Chú, bác, anh, chị ra sức kháng chiến, tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại can thiệp Mỹ để các cháu được tự do, khỏi làm nô lệ.
Chú, bác, anh, chị thi đua tăng gia sản xuất để các cháu được cơm no áo ấm.
Thế là người lớn đấu tranh cho nhi đồng.
Mà các cháu cũng đấu tranh. Các cháu đấu tranh thế nào? Các cháu:
- Thi đua học tập,
- Thi đua giúp đỡ gia đình các thương binh, tử sĩ.
Thế là các cháu đấu tranh”.
Tết Trung thu năm 1951, tại Việt Bắc, những ngày kháng chiến dù rất bận cùng Trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng những ngày Trung thu về, Người luôn ước ao, tâm niệm:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”.
Tết Trung thu năm 1952 Bác Hồ lại viết thư gửi tới tất cả các cháu thiếu nhi Việt Nam ở trong, ngoài nước. Cuối thư Bác làm bài thơ gửi tặng các cháu. Đây là một bài thơ mà tất cả chúng ta đều không thể nào quên, và sau đó đã thành một bài hát thật đầy tình cảm, trìu mến giữa Người với thiếu niên, nhi đồng:
“Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh.
Tính các cháu ngoan ngoãn,
Mặt các cháu xinh xinh.
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,
Tuỳ theo sức của mình.
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh”.
Với Bác trong mỗi bài thơ, bức thư, câu nói của Người, bên cạnh tình yêu thương bao la còn là những lời chỉ bảo, dặn dò từng li từng tí đối với thiếu nhi: “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng...”. Người động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân một nước độc lập, tự do: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”.
Trung thu năm 1953 và 1954, trong bối cảnh cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết liệt và cuối cùng giành thắng lợi với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có thư gửi nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế, đảng trên báo Nhân Dân số 115 và báo Nhân Dân số 190. Người chúc các cháu thiếu nhi vui vẻ, mạnh khỏe, ngoan ngoãn, tiến bộ. Người đặc biệt gửi lời khen ngợi thiếu niên nhi đồng vùng bị tạm chiến đã hăng hái tham gia kháng chiến. Người căn dặn trong bất cứ hoàn cảnh nào, thiếu nhi phải ngoan ngoãn, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khoẻ và tiến bộ.
Thực hiện Hiệp định Giơnevơ, nhiều cháu thiếu nhi miền Nam cùng gia đình tập kết ra miền Bắc. Nhân dịp Trung Thu năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thiếu nhi các trường miền Nam. Bác khuyên thiếu niên, nhi đồng phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ, giữa thiếu niên và nhi đồng, giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác, giữa các cháu miền Nam với các cháu và đồng bào địa phương. Ngừi căn dặn: “Các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc để trở nên những nhi đồng có tổ chức, có kỷ luật”.
Năm 1961, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tháng 5/1961, Người đã gửi thư chúc các cháu thiếu nhi cả nước với 5 lời dạy của Người – mà đến nay là những lời nhắc nhở mỗi cháu thiếu niên, nhi đồng luôn nhớ: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Cho đến hôm nay, thiếu nhi cả nước vẫn xem như đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội Thiếu niên Tiền phong. Cũng ngay trong lá thư năm 1961 này, Bác Hồ ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng ác liệt. Ở miền Nam, Mỹ tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ, ở miền Bắc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt. Mỗi khi hướng về Nam, nơi người dân đang sống dưới ách caai trị của Mỹ và tay sai, nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam luôn trỗi dậy trong tim Bác. Trong thư gửi các cháu thiếu nhi miền Nam năm 1965, Bác hằng ao ước:“Đến ngày Nam Bắc một nhà. Các cháu xúm xít thì ta vui lòng. Bắc Nam sẽ sum họp một nhà. Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung. Nhớ thương các cháu vô cùng,Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Ngày 9.2.1967, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với các cháu thiếu nhi xã Tam Sơn,
Tiên Sơn, Hà Bắc, nơi có phong trào HTX Măng Non, quê hương phong trào "Nghìn việc tốt"
(Ảnh tư liệu)
Ba tháng trước lúc Người đi xa, nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, ngày 1/6/1969, dưới bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng Báo Nhân Dân, số 5526. Bài báo có nội dung không dài, trong đó Bác đề cập những thành tích của thiếu niên, nhi đồng hai miền Nam, Bắc; những vấn đề tồn tại. Và từ đó Người đề ra trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chăm sóc, giáo dục các em. Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Người viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực. Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bản Di chúc của mình, Người cũng hai lần nhắc đến thiếu niên, nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết thúc, Bác viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Trước khi về với thế giới người hiền, Người căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Những lời căn dặn, cùng những hành động, tình cảm lớn lao của Bác Hồ với thiếu nhi mãi mãi khắc sâu trong tâm trí các thế hệ trẻ thiếu nhi Việt Nam và đó là lòng mong ước của Người với tâm niệm luôn coi “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà”...
Cả cuộc đời mình, Bác Hồ đã luôn dành tất cả tình thương yêu bao la cho các cháu thiếu niên nhi đồng, cho thế hệ trẻ, cho toàn dân tộc, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã đúc kết về Người: “Chỉ biết quên mình, cho hết thảy; Như dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã luôn thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Trong những năm đổi mới, trẻ em luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Tháng 6/2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 55-CT/TW Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Những quan điểm được thể hiện trong các văn kiện của Đảng là cơ sở quan trọng để hình thành các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như các cấp chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em, tôn trọng, bảo đảm và thực thi các quyền trẻ em.
Đến nay, cả nước có khoảng trên 18 triệu trẻ em, sinh hoạt trong các tổ chức của Đội Thiếu niên Tiền phong, Sao Nhi đồng, Đội Tuyên truyền măng non… Công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em ngày càng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, nhằm thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng và cũng là thực hiện di nguyện thiêng liêng của Người trước lúc đi xa.
Tiến Duy