Không phải ngẫu nhiên mà báo chí quốc tế mệnh danh vùng trời Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972 là vùng trời có lưới lửa phòng không mạnh nhất thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Lưới lửa phòng không 3 tầng và hiệu quả của nó đã khiến cho bất kỳ phi công Mỹ nào cũng phải e ngại, thậm chí sợ hãi khi phải bay vào vùng trời Hà Nội
Cố gắng trong cơn cùng quẫn
Đến năm 1972, sau những thất bại về quân sự, chính trị, ngoại giao trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, để cứu vãn tình thế, Tổng thống Mỹ và giới diều hâu tiến hành bước phiêu liêu quân sự mới, “vung lưỡi gươm thần B.52” để gây sức ép tối đa với đối phương”- trọng tâm là mở cuộc tấn công đường không mang mật danh Linebacker II vào Hà Nội.
Ngày 14/12/1972, kế hoạch mở cuộc tập kích B52 vào Hà Nội được chính quyền Nixon thông qua với niềm tin mãnh liệt vào “sức mạnh không thể tưởng tượng nổi” của không quân chiến lược Mỹ.
Trong chiến dịch đường không, không quân Mỹ kết hợp chiến thuật tập kích ồ ạt, liên tục ban đêm với đánh phá dai dẳng kéo dài cả ban ngày, kết hợp ném bom ở độ cao 9 - 11 km của B52 và độ cao trung bình và thấp (500-1000 m) của máy bay F111; áp dụng thủ đoạn nghi binh, gây nhiễu, kết hợp với các loại vũ khí tự động, thông minh…
Vào lúc 19 giờ 40 ngày 18/12/1972, những tốp máy bay B52 trút bom xuống Hà Nội, mở đầu đợt ném bom ồ ạt, liên tục, với qui mô chưa từng thấy, kéo dài suốt 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Mỏ, Kép, Thái Nguyên. Trọng tâm của đợt tập kích đường không chiến lược này là Hà Nội với 444 lần chiến B.52 ném bom rải thảm vào ban đêm (chiếm 60% tổng số lần chiếc máy bay B.52 xuất kích) và hơn 1.000 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá ban ngày. Máy bay Mỹ ném bom bừa bãi vào cả bệnh viện, trường học, khu phố, bến xe, nhà ga làm 2.368 người chết, 3,526 người bị thương. Cả khu phố Khâm Thiên ở Hà Nội bị san phẳng. Má bay Mỹ đánh vào nhiều mục tiêu ở ngoại vi thành phố. Sân bay và Đài phát sóng Mễ Trì bị bom B.52 phá hoại nặng. Một số trận địa tên lửa, cao xạ bảo vệ Nội Bài, Cầu Đuống, Gia Lâm bị không quân Mỹ đánh trúng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thế bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân đã quyết chiến và quyết thắng quân xâm lược ngay trên bầu trời Thủ đô Hà Nội. Trong ngày đấu chiến đấu, quân dân ta đã diệt 3 chiếc B.52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ ở cánh đồng Phủ Lỗ và Thanh Oai, bắt sống 7 tên giặc lái, bắn rơi 4 máy bay chiến thuật. Đêm 20 rạng ngày 21-12, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đánh thắng một trận xuất sắc, bắn rơi 7 chiếc B.52, có 5 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 12 giặc lái. Liên tiếp trong bốn ngày đêm, từ ngày 21 đến ngày 24-12-1972, bắn rơi 26 máy bay Mỹ.
Pháo cao xạ trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh tư liệu)
Thất bại ê chề và cay đắng
Cuộc tập kịch chiến lược quy mô lớn của không lực Hoa Kỳ trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972) bị quân và dân ta đập tan: 81 máy bay hiện đại Mỹ trong đó có 34 máy bay B.52, 5 máy bay F111 bị bắn rơi, nhiều chiếc rơi ngay xuống Thủ đô Hà Nội, hàng trăm giặc lái bị chết, 45 tên bị bắt sống, trong đó có 33 giặc lái B.52.
Quân và dân Hà Nội anh hùng đã lập công đầu, bắn rơi 25 máy bay B.52. Bộ đội tên lửa, bộ đội rađa - lực lượng chủ lực của thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không đã bắn rơi 30 máy bay B.52, góp phần quyết định đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của địch. Lực lượng phòng không dân quân tự vệ góp phần xứng đáng vào chiến công chung bắn rơi 11 máy bay chiến thuật hiện đại Mỹ. Cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội trở thành nguồn động lực, niềm tin của nhân dân cả nước. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nêu gương quân dân Hà Nội: Cả nước đang hướng về. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội.
12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng trên bầu trời miền Bắc cuối năm 1972 là một chiến dịch phòng không đạt tới mức tiêu diệt cao nhất, oanh liệt nhất, trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đây cũng là một chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B.52 của đế quốc Mỹ, giáng cho không quân chiến lược Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược. Những “trận đánh khủng khiếp” của quân dân Thủ đô Hà Nội làm cho “tinh thần người lái tại các căn cứ B.52 đến điểm suy sụp”[1].
Dư luận Mỹ và báo chí phương Tây đã phơi bày sự thất bại của “ lưới gươm thần B.52” của Mỹ trước sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam. “Lưới lửa phòng không ghê gớm ở Bắc Việt Nam đã buộc Mỹ phải trả một giá đắt, cái giá không thể trả mãi được. Nếu đưa B.52 ra Bắc Việt Nam và chịu mức độ vừa qua (từ ngày 18 đến 29/12) thì chẳng phải là một thiên tài toán học cũng thấy được rằng cuối cùng Mỹ sẽ hết nhăm B.52”[2].
Tên lửa SAM 2, nỗi kinh hoàng của phi công Mỹ (Ảnh tư liệu)
Sức mạnh tổng hợp của lưới lửa phòng không chiến tranh nhân dân
Đúng như dự kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mỹ chỉ chịu thua sau khi bị thua đau trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ phía bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại biểu Chính phủ ta để bàn việc ký hiệp định.
Trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972, cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại ở thủ đô diễn ra ác liệt, đã sáng ngời tinh thần dũng cảm, trí tuệ, quyết đoán, sáng tạo của Đảng, bộ đội và nhân dân Việt Nam, đi đầu là quân dân Thủ đô; khẳng định sức mạnh chiến tranh nhân dân đất đối không có đủ sức mạnh và khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, cổ vũ mạnh khí thế quyết chiến quyết thắng của quân và dân cả nước.
Phát huy tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ; làm nên chiến công mang tầm vóc thời đại, buộc Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris (27/01/1973), chấp nhận rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam, mở ra thời cơ lớn cho quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn thoàn miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Bài học lịch sử từ Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”- phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trong chiến tranh cách mạng, hơn 50 năm qua mang giá trị lý luận, gợi mở cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng hiện nay.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bộ Quốc phòng, quân dân ta đã xây dựng thành công thế trận phòng không ba thứ quân đầy sáng tạo và mưu trí, tạo nên lưới lửa phòng không nhân dân có sức mạnh làm thất bại mọi cuộc tấn công của lực lượng không quân nhà nghề, thiện chiến nhất cùng và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất – “niềm tự hào” bất khả chiến bại của nước Mỹ lúc đó như “pháo đài bay B52”, “ Lưỡi gươm thần B2”, cùng nhiều loại máy may chiến đấu khác…
Trong thắng lợi chung của cả nước, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Quân và dân thủ đô đã chủ động thiết lập một thế trận phòng không ba thứ quân chiến đấu liên hoàn (không quân, tên lửa, cao xạ), hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, công tác tổ chức lực lượng, và bố trí trận địa, lực lượng phòng không – không quân biên chế trong đội hình của 26 trung đoàn phòng không, 41 tiểu đoàn tên lửa, 4 trung đoàn không quân, 36 đại đội ra-đa. Lực lượng cơ động của Bộ cùng cùng lực lượng tại chỗ, các đơn vị, tổ đội dân quân tự vệ tại khu phố, phường, xã, quận, huyện, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện... đã tiến hành phối hợp chiến đấu, hình thành thế trận hiệp đồng chiến đấu nhiều tầng, nhiều lớp, 30 trận địa tên lửa, 100 trận địa pháo cao xạ, hàng trăm trận địa súng pháo bắn máy bay tầm thấp được đặt trên các nóc nhà, các vị trí xung yếu. Lực lượng phòng không nhiều tầng nhiều lớp đó đã tạo ra một lưới lửa phòng không dày đặc, khiến cho bầu trờ Hà Nội trở thành bầu trời nguy hiểm nhất đối với không quân Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Với chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hà Nội lập nên kỳ tích “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, chấn động dư luận thế giới, Hà Nội được các lực lượng tiến bộ và nhân dân trên thế giới biết đến, vinh danh là Thủ đô Anh hùng, là biểu tượng cho phẩm giá và lượng tri nhân loại.
Trần Đoàn