70 năm trước, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc chiến tranh, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã làm chấn động nước Pháp và làm đảo lộn kế hoạch của Hoa Kỳ
Chiến thắng Điện Biên Phủ - nỗi kinh hoàng của giới cầm quyền Pháp
Ngay sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ, De Jean, Cao ủy Pháp tại Đông Dương đã lập tức gửi thông điệp cho người Pháp với những lời lẽ cay đắng: “Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (kỷ niệm chiến thắng phátxít Đức 8/5), đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta phải chịu”1.
Sự thất bại ở Điện Biên Phủ đã gây ra một sự choáng váng sâu sắc cho giới cầm quyền của Pháp và họ tìm cách đổ lỗi cho nhau. Tạp chí Paris Match số ra ngày 08/5/1954, đã nhấn mạnh: Điện Biên Phủ thất thủ đến Paris “qua một bức điện ngắn ngủi ba dòng lan nhanh như vệt thuốc súng”2. Thủ tướng Pháp Joseph Laniel vội chạy đến Bourbon (trụ sở Quốc hội) để thông báo tình hình bằng giọng đứt quãng: “Chính phủ… vừa được tin… tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ… đã thất thủ”3. Thủ tướng Joseph Lanien đã phải thốt lên: “Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà... Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế”4.
Tại phiên họp Chính phủ ngày 11/5/1954, cuộc họp được cho là bi thảm nhất của nước Pháp, Nghị sĩ Francois Mitterrand (sau là Tổng thống Pháp) đã dồn dập chất vấn chính phủ của Thủ tướng Joseph Lanien về việc để mất Điện Biên Phủ.
Có thể thấy, thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành “nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là nỗi thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa”5 và cũng đặt dấu chấm hết cho sự ảnh hưởng quân sự của Pháp tại châu Á…
Sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ không chỉ làm cho giới cầm quyền Pháp điêu đứng mà còn tạo ra một làn sóng đấu tranh phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam. Thất bại ở Điện Biên Phủ làm cho bầu không khí hoảng hốt, lan tràn khắp trên đường phố Paris và những thành phố lớn khác. Điện Biên Phủ không còn là niềm kiêu hãnh của nước Pháp đế quốc mà trở thành một cơn giông đè nặng lên thủ đô. Các cuộc biểu tình của nhân dân Pháp yêu cầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm về tấn bi kịch thảm khốc ở Điện Biên Phủ. Toàn thể các giai cấp trong xã hội Pháp đòi hỏi một cách quyết liệt hơn bao giờ hết việc chấm dứt ngay lập tức cơn ác mộng Đông Dương. Nhân dân Pháp kiên quyết đòi “Nội các chiến tranh” của nước Pháp phải từ chức và ký ngay Hiệp định đình chiến ở Đông Dương6. Trước làn sóng đấu tranh phản đối của nhân dân, Chính phủ của Thủ tướng Joseph Laniel buộc phải từ chức.
Tướng Cogny và Đại tá De Castries thị sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Nỗi ám ảnh thất bại ở Điện Biên Phủ còn đeo đẳng nước Pháp trong nhiều năm, nhiều thập kỷ. Điều này được phản ánh sâu sắc qua hồi ký của các chính trị gia, các tướng lĩnh, các công trình nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước Pháp. Người Pháp dã thừa nhận: “Trong toàn thế giới, trận Waterloo trước đây không gây tiếng vang bằng, Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn hãy còn vang vọng”7.
Cũng với nhận định như thế, nhà sử học Mỹ gốc Pháp viết: “Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa”8 và “Tất cả chúng ta biết rằng, dù lịch sử phải sang trang, nhưng chưa có trang sử nào - dù vinh quang hay thảm khốc nhất - có thể viết lại được. Chấp nhận quá khứ tức là chấp nhận mình, đó là một nghĩa vụ đối với tất cả chúng ta”9.
Điều này chứng tỏ, nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử của nước Pháp.
Chiến thắng Điện Biên Phủ làm đảo lộn kế hoạch của Hoa Kỳ
Điện Biên Phủ đối với Mỹ cũng là một thất bại đau đớn. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho chiến lược quân sự của Mỹ và các nước phương Tây bị đảo lộn. Do đó, sau Điện Biên Phủ năm 1954, Mỹ đã lập ra các khối liên minh quân sự nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và tác động của Điện Biên Phủ ra các nước xung quanh.
Tờ Công nhân nhật báo, số ra ngày 10/5/1954, đồng chí William Z. Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đã viết: “Quân đội Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ là thất bại thảm hại của riêng thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại lớn lao của kế hoạch chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ… Chiến thắng Điện Biên Phủ “đã lộ rõ sự phá sản chính sách của Phố Wall hòng chinh phục các nước ở Đông Nam Á”10.
Nhà sử học Bernard Fall cũng nhấn mạnh: Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ11. Vì “Từ năm 1951, Mỹ viện trợ cho là 119 triệu đô la, 300 triệu vào năm 1952, 500 triệu vào năm 1953 và một tỷ vào năm 1954. Cho đến tháng 5/1954, tổng nguồn viện trợ Mỹ dành cho Pháp đạt tới con số 2,2 tỷ đô la”12. Điều này có nghĩa là khi Pháp thua, tức là Mỹ cũng thua. Do đó, khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã triệu tập ngay cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia vào hôm sau - một cuộc họp đã vi phạm cả tính chất thiêng liêng của việc nghỉ cuối tuần.
Phó Tổng thống Mỹ Nixon trong một chuyến thị sát chiến trường Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá, phân tích tình hình quân sự ở Đông Dương và đưa ra những phương án “cứu nguy” cho thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ. Sau Điện Biên Phủ năm 1954, Mỹ đã lập ra các khối liên minh quân sự nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và tác động của Điện Biên Phủ ra các nước xung quanh. Song, những toan tính của Mỹ cũng không cứu vãn được những thất bại của Pháp ở Việt Nam, nên Mỹ đã tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ và tiến hành một cuộc chiến tranh thực dân mới ở Việt Nam. Song, Mỹ luôn bị ám ảnh bởi thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Khi quân và dân Việt Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968) vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền Nam - nơi được xem là hậu phương an toàn của Mỹ, đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cuộc tiến công Tết làm rung chuyển nước Mỹ, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược, buộc Tổng thống Lyndon B.Johnson phải tuyên bố xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Như vậy, do bị ám ảnh về trận Điện Biên Phủ năm 1954, phía Mỹ đánh giá sai lệch ý đồ và mục tiêu chiến lược của đối phương, dẫn đến thất bại đau đớn13.
Đến năm 1972, Mỹ tiếp tục thất bại nặng nề trong trận “Điện Biên Phủ trên không” và buộc phải chấp nhận mọi điều khoản của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh, quân đồng minh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Âm mưu, kế hoạch của Mỹ muốn biến Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới bị phá sản.
Có thể khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu mới của Mỹ và cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ”14, nên “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX”15.
70 năm đã qua, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn có giá trị thời đại. Cả thế giới nhắc đến “Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ”16 với một sự yêu mến, ngưỡng mộ. Phát huy tinh thaanhg của chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết một lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, thịnh vượng.
Trọng Hùng
______________
1 Văn Trọng Mạc, Đăng Vinh Nguyễn, Thế Dũng Hoàng: Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.138.
2, 3 Nguyễn Phú Hưng, Chiến thắng Điện Biên Phủ qua dư luận quốc tế, http://tapchiqptd.vn, ngày 12/5/2014.
4 J. Lanien: Thảm trạng Đông Dương (Le dram indochinois), Nxb. Polong, Paris, 1957, p.1.
5, 7 Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.579, 579.
6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2004, tr.255.
8 Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh: Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.285.
9 Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.14.
10 Theo Tờ Công nhân nhật báo, số ra ngày 10/5/1954.
11 Trịnh Vương Hồng (Chủ biên): Điện Biên Phủ hợp tuyển công trình khoa học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.1161.
12 Trần Đức Cường: Điện Biên Phủ - Nỗi ám ảnh của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 1994, số 2, tr.18.
13 Trần Hữu Huy, Điện Biên Phủ - Sự ám ảnh của quân Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, https://vov.vn/chinh-tri/dien-bien-phu-su-am-anh-cua-quan-my-trong-chien-tranh-xam-luoc-viet-nam-855667.vov, ngày 7-5-2021.
14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.271.
15 Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.50.
16 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr.385.