Khu vực Bắc Trung Bộ và Nam sông Hồng là nơi có vị trí chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là vùng chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung của đất nước. Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa ở khu vực Bắc Trung Bộ và Nam sông Hồng đã tạo nên nhiều biến đổi cho đời sống của người dân. Trong đó, văn hóa nông thôn cũng xuất hiện những biến đổi, tập trung ở các khía cạnh chính như ứng xử trong quan hệ, giải trí, phong tục tập quán - tín ngưỡng và lối sống.
Quá trình đô thị hóa làm biến đổi văn hóa nông thôn. Ảnh minh họa.
Ứng xử trong quan hệ
Trong phạm vi gia đình
Nếu trong gia đình truyền thống, không gian sinh sống của trẻ em chủ yếu bó hẹp trong phạm vi hẹp, mọi hành vi của trẻ em đều được kiểm soát bởi gia đình, họ hàng và cộng đồng thì trong xã hội hiện nay, phạm vi hoạt động của trẻ em rất rộng lớn, quan hệ xã hội được mở rộng, thậm chí, trẻ em sinh hoạt bên ngoài gia đình nhiều hơn trong môi trường gia đình. Sự chuyển đổi của cơ cấu kinh tế, sự đa dạng hóa ngành nghề và quá trình phi nông nghiệp hóa nông thôn đã chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp, cha mẹ thường xuyên đi làm ăn xa nhà hoặc làm việc ở các cơ sở sản xuất bên ngoài gia đình. Việc cha mẹ không có thời gian hoặc có quá ít thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái cho thấy đã xuất hiện một khoảng trống trong việc kiểm soát, giáo dục con cái [3].
Kết quả phân tích xã hội học tại địa điểm chọn mẫu tại tỉnh Nam Định cho thấy, chỉ có 6,3% những người được hỏi cho biết trẻ em cấp 1 học tốt hơn, trong khi đó tỷ lệ cho rằng “kém hơn” chiếm đến 25,5% và tỷ lệ này cũng cao nhất trong tất cả các cấp, 6,3% “tốt hơn” và 20,9% kém hơn đối với trẻ em cấp 2. Sự chênh lệch giữa tốt và kém của học sinh cấp 3 nhỏ hơn: 5,0% so với 8,6%. Điều đáng quan tâm là có một tỷ lệ đáng kể bố mẹ trả lời “không biết”, thông tin này có thể nói lên sự quan tâm chưa đúng mực của một bộ phận cha mẹ đối với việc học hành của con cái trong quá trình đi làm ăn xa và mâu thuẫn giữa mục đích di cư lao động và kết quả học tập của con cái [9].
Trong quan hệ cộng đồng
Quá trình đô thị hóa không chỉ cải thiện đời sống kinh tế của người dân mà còn nâng cao đời sống tinh thần của họ. Nghiên cứu cho thấy một số quan hệ cộng đồng mới được hình thành, điều này được thể hiện qua mối quan hệ, giao tiếp hằng ngày của người dân không chỉ bó mình trong quan hệ gia đình, họ hàng mà mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp của người dân được mở rộng hơn. Tuy nhiên mối quan hệ của họ thường hướng đến các nhóm cùng sở thích, theo nhu cầu của từng đối tượng. Các mối quan hệ này không đơn thuần dừng lại ở quan hệ họ hàng, làng xã mà là các mối quan hệ xã hội đa chiều, phức tạp do sự pha trộn nhiều tầng lớp dân cư và chuyển đổi các mô hình cư trú [10].
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng văn hóa xã hội, mở rộng mạng lưới thông tin đại chúng, tăng cường quan hệ làm ăn, buôn bán giữa các vùng miền đã làm cho diện mạo nông thôn ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Ở nông thôn đã xuất hiện những yếu tố văn hóa đô thị mới mẻ, hiện đại, sự truyền bá các sản phẩm văn hóa, các loại hình văn học, nghệ thuật có giá trị, sự du nhập lối sống, phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, tiến bộ đã làm cho văn hóa, trình độ hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nông dân các vùng đô thị hóa, nhìn trên tổng thể được nâng lên [7].
Giải trí
Đối với mỗi người dân, khi kinh tế gia đình phát triển, mức sống được nâng lên, cuộc sống được cải thiện, người dân có điều kiện hưởng thụ và chăm lo cho cuộc sống cho bản thân và gia đình tốt hơn, điều kiện sinh hoạt văn hóa của họ tăng lên rất nhiều. Một nghiên cứu tại Mễ Trì, một vùng ven đô của Hà Nội vào năm 2011 đã cho thấy tỷ lệ gia đình có các phương tiện nghe nhìn tăng lên rõ rệt, trong số các gia đình được khảo sát, hầu như gia đình nào cũng có tivi, radio, đầu video, karaoke, báo chí, sách,... điều này giúp họ dễ dàng hơn trong giải trí, đồng thời việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của người dân cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Đa số người dân đều khẳng định khi có thời gian rảnh rỗi họ sẽ tiếp cận với các hoạt động văn hóa giải trí. Đáng chú ý là có tới 61,1% người dân được khảo sát chọn hình thức giải trí là đọc sách, 59,5% đi chơi và gặp gỡ bạn bè khi có thời gian, 58,6% xem băng đĩa video. Ngoài ra một số hoạt động khác như đến các điểm vui chơi giải trí, ngủ, nghỉ ngơi, đi du lịch, chơi thể thao cũng được nhiều người dân lựa chọn [10].
Phong tục tập quán, tín ngưỡng
Cưới xin là một sinh hoạt văn hóa gắn bó với đời sống mỗi con người, trở thành một hoạt động không thể thiếu trong cộng đồng người dân ở nông thôn. Hoạt động cưới xin ở nông thôn có được những bước chuyển biến đáng kể, đã tiết kiệm, đỡ tốn kém, gọn gàng, không gây ảnh hưởng phức tạp cho xã hội và theo đời sống mới.
Trong nghi thức, một lễ cưới đúng nghĩa sẽ phải trải qua những bước tiến hành và ngày càng có sự thay đổi giữa quá khứ và hiện đại. Một số tục lệ trong đám cưới xưa đã được lược bớt để phù hợp với đời sống hiện đại. Hiện nay chỉ còn giữ lại 5 lễ chính là dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, đón dâu, lại mặt thay vì 7 lễ như trước đây. Đặc biệt trước sự du nhập nhanh chóng của nền kinh tế thị trường và tốc độ đô thị hóa nhanh ở Việt Nam, trang phục lễ cưới cũng có nhiều thay đổi rõ nét, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa [1].
Việc tang lễ theo lối cũ với những hủ tục đã được xóa bỏ, nếu như trước đây trong đám tang, vẫn còn cảnh lăn đường, khóc mướn, bắc cầu đưa thi hài người chết qua đầu con cháu, rắc vàng mã (khi đưa tang), việc chôn cất chủ yếu là địa táng, thì hiện nay đã thay đổi nhiều theo hướng văn minh hơn. Nổi bật nhất là đối với hỏa táng, nhiều vùng nông thôn ở Bắc Bộ khi mới tuyên truyền vận động rất khó. Người dân lo ngại ảnh hưởng tới vấn đề tâm linh, nhưng nay đã có những chuyển biến lớn. Nghiên cứu ở Đông Anh (Hà Nội) cho thấy, từ năm 2006 đến hết năm 2017, toàn huyện có 13.261 người qua đời, trong đó có 5.074 số đám tang thực hiện hỏa táng, tỷ lệ hỏa táng tăng đều qua các năm: Từ 4,7% vào năm 2006 đến nay đã đạt hơn 80% [4].
Lối sống
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kéo theo sự tăng trưởng kinh tế về năng suất lao động vùng nông thôn, sự biến đổi về lối sống, cơ cấu xã hội dân cư đang làm thay đổi nhu cầu xã hội. Lối sống đã thay đổi tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn ở một số mặt trong phương thức hoạt động ngành nghề, hoạt động tiêu dùng, cách thức vui chơi giải trí, định hướng giá trị con người. Đặc biệt, cuộc cách mạng tin học với hệ thống internet hoạt động hiệu quả làm tăng hàm lượng trí tuệ không chỉ trong ý thức, động cơ mà hành động của mỗi con người, thông tin ngày càng thu hẹp không gian và tăng tốc thời gian, làm tăng sự giao lưu hợp tác, sự liên kết mọi hoạt động, hình thành lối sống công nghiệp và kéo theo nó là trình độ quản lý, tác phong làm việc hiện đại [2].
Các phương tiện công nghệ thông tin đã dần trở nên quen thuộc đối với gia đình nông thôn. Số máy vi tính mà các gia đình có chiếm 24,7%; trong đó số máy nối Internet là 12,7% [8]. Kết quả này phù hợp với nhận định của tác giả Lê Quý Đức, việc áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào đời sống thường ngày của người dân nông thôn đã lý giải được quá trình đa dạng hóa, đa phương hóa máy móc thiết bị hiện đại, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và trên cơ sở đó mà hiện đại hóa nông thôn bao gồm tất cả các lĩnh vực đời sống vật chất và đời sống tinh thần hướng tới trình độ văn hóa văn minh hiện đại [6].
Trong hoạt động ngành nghề, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp là một phần quan trọng của sự phát triển cá nhân, gia đình trong lối sống ngày nay của người dân thôn quê. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở cả 2 lĩnh vực nghề nghiệp là nông nghiệp và phi nông nghiệp thì mong muốn của hầu hết các bậc cha mẹ vẫn là cho con đi thoát ly, làm cán bộ công chức nhà nước. Với những bậc cha mẹ làm nghề phi nông nghiệp thì có đến 77,2% cha mẹ mong muốn cho con gái và 64,3% mong muốn cho con trai đi thoát ly khỏi nông thôn, không có trường hợp nào mong muốn cho con gái làm ruộng tại địa phương, mong muốn cho con trai làm ruộng tại địa phương cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) [5].
Lời kết
Như vậy, qua tiếp cận các nghiên cứu xã hội học, có thể thấy rằng sự biến đổi văn hóa nông thôn khu vực Bắc Trung Bộ và Nam sông Hồng là một tất yếu không thể tránh khỏi do tác động của quá trình đô thị hóa. Văn hóa nông thôn, dù được nhìn nhận với tư cách là một thiết chế xã hội cơ bản hay với tư cách là một nhóm xã hội, đều chứa đựng nhiều yếu tố tạo nên sự thay đổi. Sự thay đổi đó điều chỉnh chính bản thân cá nhân trong mỗi cộng đồng cho phù hợp với xã hội và đồng thời cũng điều chỉnh xã hội cho phù hợp với điều kiện cụ thể bên ngoài. Hệ quả tạo ra là sự biến đổi văn hóa nông thôn mới, có khả năng thích ứng tốt hơn với sự biến đổi của xã hội để thay thế văn hóa truyền thống cũ. Đó là xu hướng tiến bộ chung dù cho cũng còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Điều quan trọng nhất là phải gìn giữ được những giá trị tốt đẹp, quý báu của văn hóa truyền thống và phát huy những mặt tích cực của văn hóa hiện đại, tạo ra sự phát triển văn hóa Việt Nam tiến bộ, phát triển.
-------------------------------
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1]. Bùi Xuân Hòa (2017), So sánh phong tục hôn nhân truyền thống và hiện đại của người Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
[2]. Nguyễn Văn Hiên (2010), Lối sống người Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa hiện nay, Tạp chí Văn hóa học.
[3] Lê Văn Hùng (2016), Biến đổi các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 03/8/2016.
[4]. Nguyễn Mai (2018), Chuyển biến trong việc tang ở Đông Anh, Báo Hà Nội Mới.
[5]. Đặng Thị Nhàn (2010), Định hướng nghề nghiệp cho con cái, Nghiên cứu Gia đình và Giới, 27-38.
[6]. Lê Đức Quý (2005), Vai trò của văn hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp vùng đồng bằng sống Hồng, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[7]. Phạm Văn Quyết (2012), Những biến đổi của xã hội nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa những năm đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học xã hội và Nhân văn, 238.
[8]. Dương Thùy Trang (2013), Biến đổi cơ cấu lao động việc làm của hộ gia đình nông thôn trong quá trình đô thị hóa, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Hà Nội.
[9]. Đoàn Văn Trường (2015), Tác động của di cư lao động tới khả năng tiếp cận giáo dục của con cái tại các hộ gia đình ở nông thôn hiện nay, Trong sách: Chuyển biến kinh tế - xã hội và Giáo dục Hà Nội, Nhà xuất bản Thế giới, tr.266-273.
[10]. Bùi Văn Tuấn (2018), Tác động của đô thị hóa đến các vấn đề xã hội vùng ven đô Hà Nội hiện nay, nghiên cứu trường hợp xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ tư Việt Nam học, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội, tr.770-771.
Văn Trường