Tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây đúng 75 năm. Không phải ngẫu nhiên mà sau 4 năm nước nhà giành được độc lập và kháng chiến chống Pháp, Bác lại viết tác phẩm này, vào thời điểm giữa năm 1949. Vậy tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh nào và có vị trí như thế nào trong di sản tư tưởng của Người để lại cho dân tộc ta ?
Thứ nhất là từ yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Dựa vào sức mình là chính, trong khi đất nước còn trong hoàn cảnh phải lấy yếu chống mạnh, khi cuộc kháng chiến vẫn còn đang ở trong thế giằng co, về mọi mặt, chúng ta còn chưa bằng đối phương, cho nên yêu cầu những đức tính cần, kiệm, liêm, chính với cán bộ nói chung với nhân dân nói riêng để nhằm xây dựng và phát triển nguồn lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tương quan lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch, đặc biệt là về vũ khí. Tại thời điểm tháng 12/1946, về pháo binh Pháp có 108 khẩu, ta có 12 khẩu, Pháp có 32 chiếc xe tăng, xe thiết giáp, 98 máy bay, 70 tàu chiến, ta không có. Đến thời điểm tháng 12/1950, Pháp có 216 khẩu pháo, ta có 25 khẩu, Pháp có 62 xe tăng, xe thiết giáp, 198 máy bay, 169 tàu chiến các loại, ta vẫn không có. Thời điểm tháng 3/1954, Pháp có 594 khẩu pháo, ta có 80 khẩu, Pháp có 50 máy bay, 391 tàu chiến, 10 trung đoàn, 6 tiểu đoàn, 10 đại đội xe tăng, xe thiết giáp, trong khi ta vẫn chưa có các loại vũ khí này. Như vậy là trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ưu thế về vũ khí luôn nghiêng hẳn về phía thực dân Pháp[1].
Như vậy là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là giai đoạn trước năm 1950, khi chúng ta vẫn phải “chiến đấu trong vòng vây”[2] thì việc trau dồi, rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính của cán bộ càng có ý nghĩa quan trọng. Chỉ từ sau năm 1950 trở đi, sau chiến thắng Biên Giới, chúng ta mới có điều kiện nhận được viện trợ của bạn bè quốc tế, vấn đề vũ khí và trang thiết bị quân sự mới được cải thiện. Mặc dù vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt coi trọng các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, coi đó là động lực tinh thần và tạo ra động lực vật chất cho cuộc kháng chiến. Chính vì vậy, khi được báo cáo về trường hợp của Cục trưởng Cục quân Nhu Trần Dụ Châu tham ô tài sản công, bớt xén khẩu phần ăn mặc của chiến sĩ, lối sống xa hoa lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phải xử lý nghiêm để làm gương. Trên thực tế, từ sau khi Trần Dụ Châu bị xử tử hình, việc tham ô, tham nhũng trong quân đội nói riêng và trong cán bộ các cấp nói chung giảm hẳn và hầu như không có[3].
Bác Hồ- Tấm gương về tinh thần cần cù lao động sản xuất (Ảnh tư liệu)
Thứ hai là thực trạng xuất hiện ngày càng nhiều thói hư, tật xấu của cán bộ đảng viên sau khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, trong bối cảnh chúng ta phải toàn tâm, toàn ý, đồng sức, đồng lòng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, sau khi trở thành Đảng cầm quyền, đã bắt đầu xuất hiện những thói hư, tật xấu, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ đảng, cán bộ chính quyền. Những thói hư, tật xấu này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo và phê phán trong một số bài viết trong những năm 1945-1948.
Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh huyện và làng ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 căn bệnh của cán bộ, công chức lúc bấy giờ, cụ thể là “trái phép”, “cậy thế”, “hủ hóa”, “tư túng”, “chia rẽ”, “kiêu ngạo” và yêu cầu ai đã mắc phải thì kiên quyết sửa chữa, ai chưa mắc phải thì chú ý tránh đi.
Tháng 3/1947, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những khuyết điểm cán bộ các cấp phải kiên quyết tẩy trừ là “địa phương chủ nghĩa”, “óc bè phái”, “óc quân phiệt quan liêu”, “óc hẹp hòi”, “ham chuộng hình thức”, “làm việc lối bàn giấy”, “vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”, “ích kỷ”, “hủ hóa”.
Tháng 10/1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nghiêm khắc phê phán các chứng bệnh tệ hại của cán bộ như bệnh “nể nang”, bệnh “tham lam”, bệnh “lười biếng”, bệnh “kiêu ngạo”, bệnh “hiếu danh”, bệnh “thiếu kỷ luật”, “óc hẹp hòi”, “óc lãnh tụ”, bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh “kéo bè kéo cánh”, bệnh “cận thị”, bệnh “tị nạnh”, bệnh “xu nịnh a dua”, bệnh “cá nhân” bệnh “kém tính đàng”...
Những thói hư, tật xấu đó của cán bộ, đảng viên có nguy cơ và trên thực tế đã làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với cán bộ cách mạng, đối với kháng chiến. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, phải rèn luyện các đức tính cần, kiệm, liêm, chính trong công việc hằng ngày của mình để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó nêu gương, làm cơ sở động viên tinh thần và sự đóng góp của toàn dân cho cuộc kháng chiến vẫn còn đang ở trong giai đoạn khó khăn.
Thứ ba là trong tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích cặn kẽ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính của người cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói đến cần, kiệm, liêm, chính, chúng ta có thể thấy điều này trong một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đầu tiên là tác phẩm Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Giám đốc Sở Công an khu XII, ngày 11/3/1948, trong thư Bác dạy:
“Cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.
Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.
Phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo”[4].
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Ảnh tư liệu)
Sau đó, đến tháng 5/1948, trên các số báo Cứu quốc ngày 30, 31/05 và ngày 1, 2/6/1949 đăng các bài viết của tác giả Lê Quyết Thắng, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những đức tính người cán bộ cần trau dồi và rèn luyện là cần, kiệm, liêm, chính.
Sau này các bài báo này được tập hợp lại và xuất bản bởi Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I năm 1949, trở thành một cuốn sách giáo dục đạo đức cho cán bộ cách mạng nói riêng và nhân dân nói chung.
Đến tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa nhắc đến cụm từ "cần, kiệm, liêm, chính". Đó là trong những lời dạy Người viết vào sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tại chiến khu Việt Bắc khi Người đến thăm Trường.
“Học để làm việc,
làm người,
làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể,
“ “ giai cấp và nhân dân,
“ “ Tổ quốc và nhân loại.
Muốn đạt mục đích, thì phải
cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư”[5].
Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[6].
Như vậy, trong 4 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến cụm từ “cần kiệm liêm chính”, trong đó tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính” tập hợp những bài báo của người trên báo Cứu quốc là tác phẩm đầy đủ nhất, được Bác giải thích cặn kẽ nhất, cụ thể nhất, dễ hiểu nhất, dễ học tập và làm theo nhất những đức tính người cán bộ cần có để bảo đảm cho công tác xây dựng Đảng cũng như công tác lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc đến thắng lợi.
[1] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945-1975)- thắng lợi và bài học, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 487.
[2] Tên một cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
[3] Xem thêm bài: Một đám cưới năm 1950 của GS Nguyễn Khắc Phi, Tuoitreonline, https://tuoitre.vn/mot-dam-cuoi-nam-1950-147909.htm .
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 622.