Thứ tư là tác phẩm ra đời nhằm cảnh báo việc vi phạm đạo đức cách mạng, vi phạm pháp luật đã xảy ra ở một số cán bộ đảng viên đến mức phải xử lý kỷ luật
Trong những ngày đầu kháng chiến đã xảy ra một số vụ việc phạm tội cả về hình sự và kinh tế. Tòa án cấp đã mở các phiên tòa để xét xử nghiêm minh.
Có thể lấy ví dụ, năm 1947, Tòa án Quân sự do đồng chí Bùi Lâm, khi đó là Công cáo Ủy viên, trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết vụ xử bị cáo tên là Thông về tội giết hại dân quân ở bến đò Đoan Vỹ, thuộc tỉnh Ninh Bình. Lợi dụng quan hệ họ hàng thân thiết với nhiều cán bộ cao cấp, tên Thông trong đơn vị dân quân làm nhiệm vụ bảo vệ bến đò đã ngang ngược đâm chết một dân quân tên là Ngọ. Trong quá trình xét xử vụ án, mặc dù có hàng chục bức thư tay và không ít người “xin gặp”, thậm chí có những lời dọa nạt từ nhiều cấp dội xuống, nhưng các lực lượng nn ninh dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Lâm, vẫn giữ nghiêm kỷ cương và đã phá được vụ án, trừng trị nghiêm khắc kẻ thủ ác.
Ngày 20/11/1948, Tòa án binh khu Trung ương xét xử vụ án làm gián điệp cho địch do Nguyễn Huy Phú cầm đầu. Ông Phan Tử Lăng, Ủy viên Chính phủ thực hành quyền công tố đã tuyên phạt những bản án thích đáng đối với tên cầm đầu và đồng bọn. Trong đó tuyên phạt tử hình ba tên Nguyễn Huy Phú, Đoàn Phú Bối, Nguyễn Sỹ Bắc; tuyên phạt khổ sai chung thân đối với Vũ Ngọc Lý, tuyên phạt 20 năm khổ sai với các tên Nguyễn Bá Hân, Vũ Văn Dĩnh và Nguyễn Kim Tuệ, phạt 15 khổ sai các tên Nguyễn Đăng Các và Nguyễn Văn Chung, miễn nghị cho Nguyễn Văn Lưỡng vì đã chết.
Tại tòa án binh Mặt trận Tây Bắc do ông Ngô Minh Loan làm chánh án xét xử tên Đỗ Văn Nam can tội làm tay sai cho Pháp. Ông Đặng Ái, Ủy viên Chính phủ đã kết luận tội trạng của tên Nam, phân tích nêu rõ hành vi phạm tội phản quốc, làm phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tòa án binh Mặt trận Tây Bắc đã kết án tử hình Đỗ Văn Nam.
Tháng 3/1949, Tòa án Quân sự xét xử Đặng Đình Dương, Trưởng Ty Công an tỉnh Hà Nam, phạm tội tham ô, nhận hối lộ, bắt giữ người trái pháp luật, gây mất đoàn kết nội bộ ở Hà Nam. Mặc dù vụ án rất phức tạp và chịu áp lực lớn, nhưng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Lâm về điều tra và thực hành quyền công tố, Đặng Đình Dương đã bị truy tố ra Tòa án quân sự và nhận hình phạt nghiêm khắc nhất[1].
Có thể nói, trong bối cảnh đất nước độc lập chưa lâu, lại phải kháng chiến và kiến quốc trong bối cảnh thế và lực còn chưa mạnh, việc rèn luyện đạo đức người cán bộ cách mạng, trong đó có những đức tính cần, kiệm, liêm, chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tránh cho cán bộ rời vào các hoàn cảnh tương tự. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” nói trên.
Bác Hồ - tấm gương lao động cần cù suốt đời (Ảnh tư liệu)
Thứ năm là tác phẩm ra đời trong bối cảnh Đảng bắt đầu mở các lớp học bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên với việc thành lập Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc
Bắt đầu từ tháng 2/1949, theo chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bắt đầu mở các khóa đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc.
Bước vào năm 1949, thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt” để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Về phía ta, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc với khí thế “Tích cực cầm cự và chuẩn bị Tổng phản công”.
Trong bối cảnh đó, tháng 1/1949, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu diễn ra tại Chiến khu Việt Bắc. Trong báo cáo Tích cực cầm cự và chuẩn bị Tổng phản công trình bày tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Việc học tập chủ nghĩa cộng sản, nghiên cứu lý luận Mác-Lênin trong Đảng phải là một việc hằng ngày của mỗi đồng chí chúng ta. Đảng phải giúp cho các đồng chí đủ điều kiện học tập lý luận và chủ nghĩa, cũng như nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng. Mỗi đồng chí bất cứ làm việc gì, cũng đều phải xếp thì giờ học tập lý luận và chủ nghĩa cho đều”[2].
Trên cơ sở đó, Hội nghị nêu ra chủ trương mới về công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ: “...Muốn có đủ cán bộ đảng làm công tác chính quyền khi Chính phủ mở trường đào tạo cán bộ chuyên môn...Đảng phải tuyển lựa một số đảng viên cho đến học để sau ra làm việc. Các đồng chí có uy tín đối với các nhà chuyên môn ngoài Đảng phải chú ý tuyên truyền, giác ngộ cho họ, để tổ chức cho họ thành cán bộ của Đảng. Ở các lớp chuyên môn do Chính phủ mở, Đảng nên phái người đến dạy những bài về chính trị để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng trong các nhà chuyên môn. Hoặc tự các đồng chí ta phải mở những lớp nghiên cứu chính trị cho các nhà chuyên môn để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng”.
Thực hiện chủ trương của Hội nghị, Trường Đảng Trung ương ra đời và đi vào hoạt động. Tháng 2/1949, Trường Đảng cao cấp mang tên Nguyễn Ái Quốc bắt đầu khóa giảng dạy đầu tiên. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp lãnh đạo công tác tuyên huấn, đồng thời phụ trách Trường Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Lê Văn Lương,Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, là Giám đốc đầu tiên của Trường. Các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Lê Tất Đắc, Hà Huy Giáp là Phó Giám đốc.
Trong hoàn cảnh kháng chiến, Trường được xây dựng giữa vùng rừng núi thuộc căn cứ địa Việt Bắc. Địa điểm xây dựng đầu tiên của Trường là ở xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nơi ăn ở của học viên, lớp học, hội trường đều làm bằng tranh, tre nứa, lá. Để giữ gìn bí mật, đề phòng địch ném bom bắn phá, nhảy dù “chụp” bắt cán bộ, địa điểm của Trường luôn phải ngụy trang và luôn di chuyển. Cán bộ nhân viên và học viên nhà trường đã khắc phục khó khăn, chịuđựng gian khổ, nhiều lần tự mình xây dựng cơ sở của Trường.
Trường Đảng Trung ương từ đây trở thành trường huấn luyện cán bộ hoạt động thường xuyên mang tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là cột mốc lớn đánh dấu bước phát triển mới trong công tác huấn luyện, đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng, là sự khởi đầu trang lịch sử vẻ vang của hệ thống trường Đảng nói chung và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng.
Sau khi hình thành, với chức năng, nhiệm vụ, nội dung huấn luyện được xác định rõ ràng, Trường Đảng mang tên Nguyễn Ái Quốc đã đẩy mạnh đào tạo cán bộ phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công nhân cầu đường (Ảnh tư liệu)
Trong năm 1949, Trường mở liên tiếp 2 khóa bồi dưỡng. Khóa I mở từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 4/l949, có 40 học viên . Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm hoạt động của Trường. Theo dõi tình hình học tập của cán bộ tại Trường, Người khuyến khích học viên thi đua học tập tốt, tặng phần thưởng cho một số đồng chí có nhiều thành tích về học tập, rèn luyện.
Khóa II mở vào tháng 9/1949, với 175 học viên. Khóa học khai giảng tại khu rừng thuộc làng Luông, xã Quảng Nạp (nay là xã Bình Thành, huyện Định Hóa). Vinh dự lớn cho khóa học này là ngay buổi đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm Trường và người đã đề tặng và sổ vàng của Trường những dòng chữ nổi tiếng như chúng ta đã biết, trong đó có nhắc đến “cần, kiệm, liêm, chính”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ mục đích học tập. Người nhấn mạnh sự nhất quán giữa mục đích và phương châm, phương pháp học tập; giữa việc trau dồi, nâng cao kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Đó là những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo cán bộ.
Thứ sáu, tác phẩm ra đời chính từ tấm gương cần, kiệm, liêm, chính của vị Chủ tịch Chính phủ kháng chiến
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Chính người luôn nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính qua tư tưởng, đạo đức, tác phong hằng ngày. Chính Người luôn là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo. Người từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”và “… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[3]. Nên chính bản thân người luôn nêu gương các đức tính cần, kiệm, liêm, chính mặc dù ở cương vị Chủ tịch nước, người hoàn toàn có quyền đòi hỏi một cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn. Chúng ta luôn thấy một vị Chủ tịch của Chính phủ kháng chiến giản dị, mộc mạc, tiết kiệm, suốt đời nghĩ về nước, về dân. Đó cũng là lý do Đảng ta đặt vấn đề nêu gương, noi gương, xây dựng Đảng về đạo đức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Có thể nói, tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” ra đời trong bối cảnh khách quan và chủ quan nêu trên, có ý nghĩa lý luận sâu sắc trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
75 năm qua, tác phẩm giữ vị trí quan trọng trong di sản tư tưởng của Người về công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
[1] Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam (1960 - 2020), lưu hành nội bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội, 2020, tr.53 -54.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.10, tr.66.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 284 và t. 6, tr. 16.