Tổng thống Dương Văn Minh đã đi vào lịch sử là vị tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, tuyên bố đầu hàng quân giải phóng sáng ngày 30/4/1975. Vào những ngày cuối tháng 4/1975, trong bối cảnh chính quyền Sài Gòn đứng trước bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn, tại sao tướng Dương Văn Minh lại chấp nhận ra làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và đầu hàng sau đó chưa đầy 48 giờ ?
Nhiều lý do được nêu ra về sự kiện tướng Dương Văn Minh ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa vào những giờ phút cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Có những người cho rằng đến phút cuối, Dương Văn Minh vẫn còn tham chức quyền. Cũng có ý kiến cho rằng Dương Văn Minh hy vọng có thể thương lượng một cuộc ngừng bắn với quân giải phóng.
Tuy nhiên, những người hoạt động cùng Dương Văn Minh lại có những ý kiến khác. Họ cho rằng Dương Văn Minh, với tính cách ôn hòa, có thể thương lượng và giảm bớt đổ máu của cả hai phía trong giờ phút cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Giáo sư Lý Chánh Trung cho biết, ông đã đặt câu hỏi với tướng Dương Văn Minh rằng trong lúc vận mệnh Việt Nam Cộng hòa đã không thể cứu vãn, ra làm Tổng thống để làm gì. Dương Văn Minh trả lời: “Tôi cũng biết như vậy, nhưng ở đây còn là vấn đề nhân đạo. Bớt đổ xương máu chừng nào hay chừng ấy”. Ông Lý Chánh Trung cũng cho rằng, ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Dương Văn Minh đã nhận rõ tình thế, không hề có ảo tưởng về một giải pháp chính trị về thành lập một chính phủ liên hiệp nữa.
Luật sư Trần Ngọc Liễng cho biết: khi Tổng thống Trần Văn Hương chịu bàn giao chính quyền cho Dương Văn Minh, ông cũng đã hỏi Dương Văn Minh: “Tình hình đã thay đổi rồi, giờ này còn nhận chức làm gì nữa ?”. Dương Văn Minh nêu hai lý do tại sao mình quyết định như vậy.
Thứ nhất, nếu Dương Văn Minh không đứng ra nhận chức, Nguyễn Cao Kỳ sẽ làm đảo chính. Nguyễn Cao Kỳ lúc đó còn hăng hái chống cộng và đặc biệt khát khao chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa từ lâu. Nếu Nguyễn Cao Kỳ nắm quyền, máu sẽ đổ nhiều, dân chúng còn khổ đau thêm nữa. Trên thực tế, ngày 27/3/1975, Nguyễn Cao Kỳ đã lập ra Ủy ban cứu nguy dân tộc với ý đồ gạt Thiệu, lập cp do Kỳ làm Thủ tướng để “chặn đứng cuộc tiến công của cộng sản”.
Thứ hai, Hoa Kỳ đã hứa với Nguyễn Văn Thiệu, sau Hiệp định Paris, nếu cộng sản tiến vào Sài Gòn, Hoa Kỳ sẽ thả bom CBU. Dương Văn Minh phản đối điều đó vì bom CBU là vũ khí giết người hàng loạt, sẽ tổn hại xương máu cả hai bên. Vì vậy, Dương Văn Minh phải chấp nhận đứng ra làm Tổng thống để ngăn cản việc này, dù biết chế độ Sài Gòn không còn cứu vãn được nữa.
Còn một lý do nữa, lúc đó đang lan truyền tin đồn, pháo binh quân giải phóng đã chuẩn bị hơn 20.000 trái đạn pháo tầm xa hạng nặng, sẽ pháo kích nội đô Sài Gòn nếu chính quyền Việt Nam Cộng hòa không chịu đầu hàng. Tin này khiến dư luận Sài Gòn càng hoang mang, khiếp sợ.
Hồ Văn Minh, nguyên Phó Chủ tịch Hạ viện Sài Gòn cho biết, khi Trần Văn Hương chấp nhận trao quyền cho Dương Văn Minh, Hồ Văn Minh có hỏi: “Theo Đại tướng, tình hình đã đến thế này, còn có thể làm gì được nữa?”. Dương Văn Minh trầm ngâm rồi nói: “Tình hình tuy đen tối, nhưng vẫn phải làm chính trị, tôi nghĩ bên kia cũng cần mình !”.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh
Theo Hồ Văn Minh, không phải ai cũng sẵn sàng dấn thân vào thời điểm ấy. Đồng thời bộ ba “Dương Văn Minh-Nguyễn Văn Huyền-Vũ Văn Mẫu” được cho là hợp lý nhất vào thời điểm đó, nhất là về phía các tôn giáo, Nguyễn Văn Huyền đại diện cho Công Giáo, Vũ Văn Mẫu đại diện cho Phật Giáo.
Luật sư Lý Quý Chung cho biết, có người hỏi ông: “Tại sao sao Dương Văn Minh đi từ chống cộng sang chấp nhận giải pháp liên hiệp và làm một con cờ đầu hàng ?”. Theo Luật sư Lý Quý Chung, Dương Văn Minh là một “công chức” làm tướng, chứ không phải là một “tướng lĩnh quân sự” theo đúng nghĩa của nó. Dương Văn Minh có tình cảm dân tộc, có thể không tán thành Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, có lúc đi với Mỹ, nhưng không quyết tâm chống cộng.
Ảnh hưởng tập thể của nhóm người thân cận, cộng tác với Dương Văn Minh cũng rất lớn. Đồng thời thái độ không đồng tình với Hoa Kỳ về nhiều chủ trương của Dương Văn Minh cũng là một thuận lợi khi liên hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong số những người cộng tác và quan hệ với Dương Văn Minh, có nhiều người có mối quan hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Chân Tín (đang chủ bút tờ báo Đối Diện), Dương Văn Ba…đều có ảnh hưởng đến Dương Văn Minh. Riêng Dương Văn Ba là người đã góp phần chuyển biến tư tưởng nhiều thành phần từ hữu sang tả. Dương Văn Minh được nhiều người ủng hộ, sẽ cùng nhau đi đến chính phủ ba thành phần và liên kết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Trong bối cảnh lúc đó, Dương Văn Minh cũng chấp nhận chọn một trong hai con đường sau khi lên làm Tổng thống. Một là có thể thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, thành lập được Chính phủ liên hiệp thì tốt, mặc dù khả năng này rất khó xảy ra. Thứ hai là trở thành nhân vật “cầm cờ” chế độ miền Nam để kết thúc cuộc chiến tranh theo hướng ít đổ máu cho cả hai bên cũng như ít sự tàn phá thành phố Sài Gòn nhất có thể.
Thực ra, Dương Văn Minh và cộng sự đứng ra nhận trách nhiệm vào những giờ phút cuối của chế độ Sài Gòn cũng không nghĩ đến việc đầu hàng, bởi lẽ họ cho rằng chỉ có đối đầu, kiên quyết tiến hành chiến tranh đến phút cuối cùng thì mới phải đầu hàng. Chính phủ Dương Văn Minh nghĩ nhiều hơn đến việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đồng thời, Dương Văn Minh cũng bác bỏ những ý kiến yêu cầu “tử thủ” Sài Gòn.
Chủ trương như vậy, nên sau khi thành lập Chính phủ sáng ngày 28/4/1975, chính quyền Sài Gòn đã bỏ các luận điệu hô hào chiến đấu, “tử thủ” đến cùng trên đài phát thanh, nói nhiều hơn đến những khẩu hiệu hòa bình, thương thuyết với Mặt trận.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh bị buộc phải đọc lời đầu hàng quân giải phóng trưa ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Trong Chính phủ 2 ngày của Dương Văn Minh không có các chỉ huy quân đội có thực lực, vì từ trước đó, Nguyễn Văn Thiệu đã loại những người thân tín với Dương Văn Minh ra khỏi bộ máy quân đội. Chính phủ Dương Văn Minh phần lớn là lực lượng chính trị trong giới báo chí, trong số dân biểu Sài Gòn đối lập với phe cánh Nguyễn Văn Thiệu.
Trong lễ nhận bàn giao chức Tổng thống, Dương Văn Minh không chịu treo Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa, cũng không tuyên bố trung thành với Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa như thường lệ. Tuy nhiên, trong diễn văn của Dương Văn Minh vẫn nói câu: “Cầm súng tại chỗ và bảo vệ phần đất còn lại”.
Sau này, Giáo sư Lý Chánh Trung có hỏi tại sao không bỏ câu đó trong diễn văn nhậm chức, Dương Văn Minh nói rằng: Lúc đó, Nguyễn Cao Kỳ đang yêu cầu được làm Thủ tướng, hoặc Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Việt Nam Cộng hòa để lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng hòa chống cộng đến cùng. Nguyễn Cao Kỳ đang đe dọa làm đảo chính. Nên trong diễn văn nhậm chức, Dương Văn Minh không bỏ câu nói đó, để tránh làm Nguyễn Cao Kỳ nổi giận, mặc dù thâm tâm, Dương Văn Minh ý thức mọi chuyện đã an bài với chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Khước từ Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh đề cử một chính khách dân sự, giáo sư Bùi Tường Huân vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hai cơ sở cách mạng là Nguyễn Hữu Hạnh và Triệu Quốc Mạnh được cử nắm quân đội và cảnh sát.
Chiều ngày 28/4/1975, khi phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu phi đội A 37 ném bom Tân Sơn Nhất, Chính phủ Dương Văn Minh và nhiều người còn nghĩ Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính.
Việc đầu tiên sau khi thành lập, Chính phủ Dương Văn Minh thả tù chính trị, tuyên truyền cho nhân dân Sài Gòn hiểu rõ không có việc “tắm máu” khi quân giải phóng vào Sài Gòn, đổi tên Bộ Thông tin Chiêu hồi thành Bộ Thông tin, sử dụng danh xưng “Mặt trận Dân tộc Giải phóng” thay cho danh xưng “Việt Cộng” trong các văn bản của chính quyền, chuẩn bị băng ghi âm lời phát thanh kêu gọi quân đội Việt Nam Cộng hòa buông vũ khí vào sáng 30/4/1975.
Như vậy, trong giờ phút cáo chung của chế độ Sài Gòn, Dương Văn Minh đã đứng ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với mong muốn giảm thiểu những đổ máu cho cả hai phía. Theo các nhân chứng lịch sử chứng kiến đoạn kết của chế độ Sài Gòn, đây có lẽ là sự lý giải hợp lý hơn cả về việc Dương Văn Minh ra nhậm chức trong bối cảnh sự tồn tại của chế độ Sài Gòn chỉ còn được tính bằng giờ.
Bình Nguyễn