Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và quân đội của họ cũng vậy, tin rằng mình có sức mạnh bất khả chiến bại. Nhưng họ đã thua tại Việt Nam. Vậy tại sao họ thua cuộc, những chuyên gia và học giả Mỹ đã góp phần lý giải điều này, 50 năm sau ngày Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam
Sứ mệnh quá lớn, chi phí quá cao
Vào lúc cao điểm của cuộc chiến, Hoa Kỳ có hơn nửa triệu quân ở Việt Nam. Chưa bao giờ Hoa Kỳ đưa đến một lãnh thổ nhỏ hẹp như miền Nam Việt Nam một đội quân đông đến như thế để “chống cộng sản”, “bảo vệ thế giới tự do”.
Chi phí chiến tranh thật đáng kinh ngạc đối với một cuộc xung đột nhỏ. Năm 2008, một báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ ước tính tổng chi phí cho cuộc chiến là 686 tỷ USD (hơn 950 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay).
Tiến sỹ Luke Middup, một chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Hoa Kỳ tại Đại học St Andrews ở Anh, nói rằng: có một tinh thần lạc quan chung trong những năm đầu của cuộc chiến. Mỹ hoàn toàn nhận thức được những khó khăn - có rất nhiều hoài nghi về việc liệu quân đội Mỹ có thể hoạt động trong môi trường này hay không, mặc dù vậy, Chính phủ Mỹ, cho đến năm 1968 vẫn tự tin rằng cuối cùng họ sẽ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, niềm tin đó bị suy yếu và đặc biệt bị tan vỡ bởi cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 và cuối cùng, sự thiếu sự hỗ trợ của Quốc hội để chi trả cho cuộc chiến đã buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải rút quân vào năm 1973.
Quân đội Hoa Kỳ không thích hợp với kiểu chiến đấu này
Các bộ phim Hollywood thường mô tả những người lính trẻ của Hoa Kỳ phải vật lộn để đối phó với môi trường rừng rậm, trong khi những chiến binh Việt Cộng khéo léo len lỏi qua những bụi cây rậm rạp để thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ.
Tiến sỹ Middup thừa nhận: "Bất kỳ đội quân quy mô lớn nào cũng sẽ gặp khó khăn khi chiến đấu trong một số môi trường mà Mỹ được yêu cầu tham chiến.
"Có những nơi đó là loại rừng rậm nhất mà bạn có thể tìm thấy ở Đông Nam Á."
Theo Tiến sỹ Middup, điều quan trọng hơn là chính những người nổi dậy luôn chọn thời gian và địa điểm của trận chiến, và họ có thể rút lui về nơi ẩn náu an toàn bên kia biên giới ở Lào và Campuchia, nơi các lực lượng Hoa Kỳ tthường bị cấm truy đuổi, chỉ có thể dùng bom hay pháo, nhưng hiệu quả rất kém với những cánh rừng râm rạp rộng mênh mông.
Bức ảnh nổi tiếng về cuộc di tản của người Mỹ tại thời điểm kết thúc chiến tranh Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Hoa Kỳ thua trận ngay trên sân nhà
Chiến tranh Việt Nam thường được gọi là "cuộc chiến truyền hình đầu tiên" và mức độ báo chí đưa tin về cuộc chiến là chưa từng có.
Đến năm 1966, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ ước tính 93% gia đình Hoa Kỳ có ti vi, các thước phim họ đang xem ít bị kiểm duyệt hơn và mang tính trực tiếp hơn so với các cuộc xung đột trước đó.
Đó là lý do tại sao các cuộc giao tranh xung quanh khuôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân lại có sức ảnh hưởng lớn đến vậy. Khán giả được chứng kiến gần như trực tiếp rằng quân giải phóng miền Nam có thể đưa cuộc xung đột vào ngay trung tâm của chính quyền miền Nam - và vào phòng khách của công chúng Hoa Kỳ.
Từ năm 1968 trở đi, việc đưa tin phần lớn là bất lợi cho cuộc chiến - hình ảnh những thường dân vô tội bị sát hại, bị thương và bị tra tấn được chiếu trên truyền hình và báo chí khiến nhiều người Mỹ kinh hoàng và quay lưng với cuộc chiến.
Các cuộc biểu tình phản chiến đã thu hút rất nhiều người tham gia. Chính quyền và người biểu tình thường đụng độ.
Tại một cuộc biểu tình như vậy vào ngày 4/5/1970, 4 sinh viên biểu tình ôn hòa tại Đại học Kent State ở Ohio đã bị Vệ binh quốc gia bắn chết."Cuộc thảm sát bang Kent State" chỉ khiến nhiều người phản đối chiến tranh hơn.
. Nhưng hình ảnh về sự tàn bạo của nước Mỹ đã lan rộng khắp nơi trên thế giới. Cả thế giới ghê tởm cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Việc bắt buộc thanh niên đi quân dịch, cũng như hình ảnh quan tài của những người lính Hoa Kỳ được đưa về quê nhà, có tác động tai hại đến tinh thần của công chúng. Hơn 58.000 quân nhân Hoa Kỳ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh.
Hoa Kỳ đã thua trong cuộc chiến truyền thông
Không giành sự ủng hộ ở Nam Việt Nam
Các nhà quan sát khách quan ước tính trên 1/3 dân số miền Nam có cảm tình với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cuộc chiến tranh tại Việt Nam trở nên đặc biệt tàn bạo khi Mỹ sử dụng những loại vũ khí khủng khiếp.
Một trong những vũ khí đó là bom napalm (một hóa chất gây cháy ở 2.700C và bám vào bất cứ thứ gì nó chạm vào) và chất độc da cam (một chất hóa học khác được sử dụng để làm rụng lá cây rừng, nơi đối phương trú ẩn, nhưng cũng giết chết mùa màng, gây ra nạn đói).
Các chiến dịch "tìm và diệt" đã giết chết vô số thường dân vô tội trong các sự kiện như vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968, nơi binh lính Hoa Kỳ sát hại hàng trăm thường dân Việt Nam - một vụ việc tai tiếng nhất của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Con số dân thường thiệt mạng đã khiến quân đội Mỹ bị người dân địa phương xa lánh, kể cả khi những người này không có khuynh hướng ủng hộ Mặt trận. Hầu hết họ chỉ muốn tiếp tục cuộc sống và muốn tránh chiến tranh nếu có thể.
Đến miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã phải vật lộn để giành được sự ủng hộ của người dân Nam Việt Nam, nhưng cuối cùng đã không thể có được nó.
Tuy người Mỹ có mang đến sự phát triển kinh tế cho miền Nam Việt Nam, nhưng ngay cả những người làm việc trong các cơ quan của Mỹ, đặc biệt là phụ nữ, luôn thấy rằng họ bị kỳ thị.
Hoa Kỳ di tản viên chức Mỹ và những người Việt Nam làm việc cho họ khỏi Sài Gòn, ngày 29/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Quân Giải phóng có tinh thần tốt hơn
Những người lính giải phóng chắc chắn đã có động lực tốt hơn so với người miền Nam Việt Nam và các đồng minh.
Quân giải phóng chiến đấu có lý tưởng hơn, có tinh thần chiến thắng mạnh mẽ hơn so với những người được gọi đi quân dịch để “bảo vệ miền Nam”.
Các nghiên cứu của Hoa Kỳ tìm hiểu động chiến đấu của quân giải phóng và kết luận họ có động lực rất lớn, bởi vì họ coi những gì họ đang làm là yêu nước, tức là thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Khả năng tiếp tục chiến đấu của quân giải phóng bất chấp thương vong rất lớn cũng là bằng chứng về sức mạnh tinh thần của họ. Khoảng 1.100.000 bộ đội giải phóng đã hy sinh trong chiến tranh, nhưng các lớp thanh niên miền Bắc vẫn tiếp tục lên dường.
Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ được quán triệt tới mọi người dân. Người dân Việt Nam chấp nhận mọi mất mát, đau thương, với niềm tin rằng chỉ cần chiến tranh kết thúc, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: Xây dựng lại đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Chính phủ miền Nam Việt Nam không được lòng dân và tham nhũng
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon tiên đoán miền Nam Việt Nam sẽ thất thủ sau khi quân đội Hoa Kỳ rời đi.
Người Mỹ tin rằng miền Nam đã bị thống trị bởi một thiểu số tôn giáo - người Công giáo. Hơn 1 triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam tạo ra một lực lượng quan trọng trong nền chính trị của Nam Việt Nam. Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Diệm, đã có chính sách kỳ thị đạo Phật, làm cho nhà nước Nam Việt Nam không được lòng đại đa số dân chúng, những người theo đạo Phật.
Nhiều người miền Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa là “hàng nhập ngoại”, là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân mới là Hoa Kỳ.
Sự hiện diện của trên 500.000 lính Mỹ đã nhấn mạnh thực tế rằng chính phủ Việt Nam Cộng hòa đang dựa hoàn toàn vào người nước ngoài. Nhiều người miền Nam thấy rằng Nam Việt Nam không xứng đáng là quốc gia độc lập mà họ có thể xả thân, chiến đấu và hy sinh vì nó.
Việt Nam Cộng hòa được mô tả là quốc gia đầy rẫy tham nhũng. Từ khi thành lập cho đến khi tan rã, tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn do khoản viện trợ khổng lồ của Hoa Kỳ từ năm 1960 đến năm 1975, đã làm lệch lạc, biến dạng nền kinh tế của miền Nam Việt Nam.
Về quân sự cũng vậy, Hoa Kỳ không bao giờ có thể xây dựng một quân đội Nam Việt Nam đáng tin cậy, có năng lực.
Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đối mặt với những giới hạn mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không gặp phải
Như trên đã nói, thương vong lớn của quân giải phóng có thể được bù đắp sau một thời gian rất ngắn và dường như kéo dài vô tận.
Yếu tố quyết định là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có khả năng duy trì trạng thái chiến tranh tổng lực trong một thời gian rất dài, một nỗ lực tập trung mà Việt Nam Cộng hòa không thể có được.
Mặc dù tổn thất lớn về nhân lực, Quân Giải phóng vẫn có thể huy động lực lượng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng cho đến khi nó thắng lợi hoàn toàn.
Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa không có được điều đó.
Chi vài chục nghìn quân Mỹ chết trận tại Việt Nam, công chúng Mỹ đã sôi sục lên, xuống đường đòi Chính phủ đưa những người con của họ về nước.
Sau Tết Mậu Thân, Westmoreland yêu cầu thêm 206.000 quân sang Việt Nam, chính phủ Mỹ chỉ có thể đáp ứng 35.000 quân.
Còn quân đội Việt Nam Cộng hòa thì tinh thần chiến đấu kém, ỷ lại vào sự hỗ trợ hỏa lực của Mỹ, trong nhiều trường hợp tránh đụng độ Quân giải phóng để cầu an.
Trong giai đoạn cuối cuộc chiến, dù có giảm, Liên Xô và Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng trong thời gian đó, người Mỹ thấy rằng họ nên để Việt Nam Cộng hòa tự xoay xở, họ không cần phải chi tiền khi lính Mỹ đã rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Paris.
Sau hết tất các những lý do nói trên, lý do bao trùm là cuộc chiến đấu thống nhất non sông của nhân dân Việt Nam là chính nghĩa, còn cuộc chiến tranh Hoa Kỳ tiến hành tại Việt Nam là phi nghĩa, bị cả thế giới lên án.
Bình Nguyễn