Làm đủ mọi thủ đoạn để lên nắm quyền và bám giữ quyền lực, nhưng cuối cùng, ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Vậy điều gì đã buộc Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa?
Áp lực từ tình hình quân sự, chính trị trong nước
Từ sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, khả năng chính quyền Sài Gòn sụp đổ đã bắt đầu xuất hiện. Do không có lực lượng chính trị ủng hộ nên Nguyễn Văn Thiệu không tổ chức được cuộc mít tinh nào để ủng hộ chính quyền của mình. Tiếp theo những chiến thắng dồn dập của quân giải phóng trong thời gian cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn thấy rằng lần này sẽ có chuyển biến lớn. Không một đoàn thể hoặc chính khách nào lên tiếng tố cáo Mặt trận Dân tộc Giải phóng vi phạm Hiệp định Paris nữa. Áp lực của quân giải phóng càng lớn, giới chính trị Sài Gòn càng gây áp lực mạnh mẽ, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, để hy vọng thành lập chính phủ liên hiệp theo tinh thần Hiệp định Paris.
Có thể kể đến tên một số tổ chức sau:
Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris của Luật sư Trần Ngọc Liễng, lý do đưa ra là Nguyễn Văn Thiệu không thực hiện nghiêm túc Hiệp định Paris, nên phải tập hợp lực lượng chống Nguyễn Văn Thiệu.
Tổ chức Lực lượng hòa giải dân tộc của Phật Giáo, đi nói chuyện ở hầu hết các tỉnh, dựa vào hệ thống chùa chiền để tập hợp, giải thích về Hiệp định Paris và công tác hòa giải của dân tộc.
Phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh cũng hoạt động mạnh, chĩa mũi nhọn vào chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Nhóm này do tướng Nguyễn Cao Kỳ chắp nối và muốn thay Nguyễn Văn Thiệu bằng một Chính phủ chống cộng khác. Nguyễn Cao Kỳ luôn lăm lẽ chiếc ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, nhiều lần đe dọa đảo chính. Phong trào này ra ba bản cáo trạng phổ biến rộng rãi, nêu đích danh những việc làm của Thiệu như mua biệt thự nào, tham nhũng bao nhiêu tiền công quỹ… Lực lượng Công Giáo di, cư từ chỗ ủng hộ, quay sang đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Sự kiện “Linh mục đi hót rác” mà tiêu biểu là Linh mục Phan Khắc Từ có tiếng vang rất lớn trong dư luận, làm Nguyễn Văn Thiệu càng thêm bối rối.
Một phong trào khác là phong trào cứu đói và đi phát gạo. Cảnh sát của chính quyền Sài Gòn ra sức ngăn chặn vì phong trào này có ý nghĩa chính trị rất lớn, ngay giữa Thủ đô Việt Nam Cộng hòa mà phải đi phát gạo cứu đói thì còn gì là “phồn vinh” của chế độ nữa.
Phong trào đấu tranh của các luật sư cũng góp phần vào việc đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Về phía “thành phần thứ ba”, đã đưa nhiều kiến nghị, tuyên cáo đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Văn phòng báo chí của Đại tướng Dương Văn Minh cũng ra thông báo đòi Nguyễn Văn Thiệu rút lui để thành lập một Chính phủ được quân dân miền Nam ủng hộ, có khả năng kiến tạo hòa bình trong khuôn khổ Hiệp định Paris.
Vai trò của báo chí những ngày này có tác dụng rất lớn. Kể từ sau cuộc đấu tranh của báo chí Sài Gòn nổi tiếng với Ngày ký giả đi ăn mày 10/10/1974, ngày 26/1/1975, báo chí Sài Gòn và 18 đoàn thể và nhiều nhân sĩ, trí thức công khai đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Báo Điện Tín đã công khai đăng đầy đủ tin chiến sự và tin hoạt động của các nhóm đối lập, tạo không khí hoang mang trong hàng ngũ Nguyễn Văn Thiệu, gây rối ren về mặt chính trị. Tờ báo Đối Diện do Linh mục Chân Tín làm Chủ nhiệm là tờ báo công khai chống Mỹ, có ảnh hưởng lớn. Những bài nói về miền Bắc, những bài dịch của các nhà báo Mỹ cũng có tác động lớn đến dư luận.
Nguyễn Văn Thiệu đã đàn áp báo chí, bắt 18 nhà báo và đóng cửa 5 tờ báo. Thậm chí cảnh sát Sài Gòn còn bắn chết nhà báo Pháp Pual Lesandry, Phó phân xã AFP tại Sài Gòn ngày 14/3/1975, vì dám đưa tin về thắng lợi của quân giải phóng ở Tây Nguyên. Sự kiện gây phẫn nộ giới báo chí Sài Gòn và toàn thế giới.
Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ và cuộc rút chạy kinh hoàng khỏi Tây Nguyên, phong trào đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức càng thêm mạnh mẽ.
Một cuộc biểu tình của nhân dân Sài Gòn chống Nguyễn Văn Thiệu độc tài, tham nhũng (Ảnh tư liệu)
Nhiều quân nhân tại ngũ đến trước Quốc hội Sài Gòn mang theo bảng yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Đầu tiên là Đại úy Đào Vũ Đạt. Bị chính quyền Sài Gòn tố cáo là bị tâm thần, Đào Vũ Đạt đến Quốc hội Sài Gòn nói rõ: Anh không hề bị bệnh tâm thần và không chịu áp lực của ai hết. Anh yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vì ông ta không đủ khả năng lãnh đạo quốc gia.
Sau Đào Văn Đạt là Trung sĩ Hồ Vương Tuấn, thiếu tá Nguyễn Văn Thìn. Cảnh sát Sài Gòn bắt giam cả 3 người, nhưng không ai thay đổi ý kiến.
Ngoài ra còn sức ép của Pháp hậu thuẫn lực lượng thân Pháp. Nhóm Dương Văn Minh cho biết ý định thay thế Nguyễn Văn Thiệu và yêu cầu Pháp ủng hộ để thực hiện Hiệp định Paris. Tổng thống Pháp Giscard d’Estaing ủng hộ Dương Văn Minh và truyền đạt cho Đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie Merillon vận động Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn là G. Martin thúc ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Ngày 2/4/1975, Thượng viện Sài Gòn bỏ phiếu đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức với 41/42 phiếu thuận.
Như vậy, cho đến đầu tháng 4/1975, tình hình trong nước không còn ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu nữa. Tình hình chiến sự bi đát, tình hình chính trị rối ren. Quân đội sụp đổ từ Tây Nguyên đến các tỉnh đồng bằng ven biển, dẫm đạp lên nhau mà chạy, các lực lượng chính trị đối lập lên án, Hoa Kỳ và Pháp quay lưng, Nguyễn Văn Thiệu không còn sự ủng hộ trong nước nữa. Ngay cả những người thân cận cũng tính chuyện Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi.
Áp lực từ Washington, nguồn sống của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu
Áp lực trong nước buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức hết sức mạnh mẽ, nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn cố dựa vào viện trợ Mỹ để tiến hành chiến tranh.
Biết mình được Hoa Kỳ ủng hộ, trước yêu cầu đòi từ chức của các lực lượng đối lập, Nguyễn Văn Thiệu từng tuyên bố: "Tôi chỉ từ chức khi nào người Mỹ không chấp nhận tôi".
Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ, nước Mỹ đang muốn tìm lối thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, nên ngay cả viện trợ cũng bị cắt giảm. Hoa Kỳ quay lưng với đồng minh Nam Việt Nam và quay lưng với Nguyễn Văn Thiệu.
Sau khi Nixon từ chức, Gerald Ford lên thay, tuyên bố Học thuyết Thái Bình Dương 7 điểm, trong đó điểm số 7 về Đông Dương nói rõ “Cần theo đuổi chính sách kiềm chế tương đối ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương”.
Tháng 8/1974, hạ viện Mỹ đồng ý chuẩn chi 700 triệu USD trong số 1,1 tỷ USD đã được chấp thuận viên trợ cho miền Nam Việt Nam, nhưng sau khi tính phí tổn của chương trình viện trợ quốc phòng, con số thực chỉ còn 500 triệu USD.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa nói riêng và Việt Nam Cộng hòa nói chung sống chủ yếu nhờ viện trợ Mỹ, nên việc cắt giảm đến hơn 50 % viện trợ đã đặt chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước nguy cơ sụp đổ. Nếu không có viện trợ bổ sung, quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ cạn kiệt nguồn lực vào tháng 6/1975.
Đến cuối tháng 3/1975, về phía Hoa Kỳ, chỉ có Đại sứ Martin vẫn tìm cách ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu. Còn Quốc hội Hoa Kỳ đã bắt đầu lạnh nhạt, bàn lùi, vì họ thấy rằng dù có viện trợ nhiều nữa cũng khó cứu vãn được tình hình.
Nguyễn Văn Thiệu và một số quan chức Hoa Kỳ: Wayne Hays, Spiro T. Agnew,
Gerald R. Ford, Carl Albert , tháng 5/1973 (Ảnh tư liệu)
Khi phái đoàn Quốc hội Sài Gòn sang xin viện trợ, một số Chủ tịch Ủy ban Quốc hội Mỹ từ chối không nhận quà của phái đoàn sang cầu viện. Hoa Kỳ đã không còn tin tưởng Nguyễn Văn Thiệu nữa.
Tuy nhiên, để làm yên lòng Nguyễn Văn Qhiệu, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn cử một phái đoàn đến Sài Gòn điều tra tình hình.
Từ ngày 22/3 đến 2/4/1975, đoàn 8 nghị sĩ Mỹ đến Sài Gòn nghiên cứu tình hình để viện trợ cho Nguyễn Văn Thiệu. Đoàn đã tiếp xúc với giới báo chí, dân biểu đối lập, các đoàn thể quần chúng, tất cả đều yêu cầu Hoa Kỳ không viện trợ cho Nguyễn Văn Thiệu nữa.
Hiểu được thái độ của Hoa Kỳ qua phái đoàn điều tra, Nguyễn Văn Thiệu và binh lính Sài Gòn thêm hoảng hốt vì không có viện trợ Mỹ, quân lực Việt Nam Cộng hòa không còn vũ khí để chiến đấu. Đến đầu tháng 4, cơ số đạn của mỗi quân nhân đã giảm từ 500-800 xuống còn hơn 100.
Ngày 16/4, khi Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện Hoa Kỳ từ chối thông qua gói viện trợ bổ sung 327 triệu USD cho Việt Nam Cộng hòa do Đại sư Martin đề xuất, Nguyễn Văn Thiệu biết mình không còn được Hoa Kỳ ủng hộ nữa. Từ chức chỉ còn là vấn đề ngày giờ.
Ngày 20/4, Tổng thống Gerald Ford và Kissinger chính thức thông báo cho đại sứ Martin biết chủ trương của Hoa Kỳ là Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.
Cuối cùng thì Đại sứ Martin cũng phải quay lưng. Chiều 20/4/1975, Đại sứ Hoa Kỳ đến thăm Nguyễn Văn Thiệu, truyền đạt ý kiến: “Tôi tin rằng một vài ngày nữa, các tướng lãnh của ông sẽ đến đề nghị ông từ chức”.
Sau Hiệp định Paris, Hoa Kỳ rút đi, Nguyễn Văn Thiệu biết sẽ đến lúc mình phải ra đi, nhưng không ngờ ngày đó lại đến nhanh đến thế. Khi Đại sứ Martin chính thức thông báo, Nguyễn Văn Thiệu biết mọi chuyện đã đến hồi kết.
Và Nguyễn Văn Thiệu phải ngậm ngùi rời chính trường Sài Gòn ngày 21/4/1975, một ngày sau khi gặp Đại sứ Martin. Nếu cố bám giữ quyền lực, ông ta có thể phải chịu số phận bi thảm như anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu.
Có lẽ cũng là đúng lúc, bởi trong cũng trong ngày 21/4, “cánh cửa thép” Xuân Lộc, cánh cửa cuối cùng bảo vệ Sài Gòn đã bị đập tan.
Lê Minh