Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến công vĩ đại không những của dân tộc Việt Nam mà còn của cả nhân loại trong thế kỷ XX. Mặc dù đã lùi xa vào quá khứ 70 năm, nhưng những giá trị, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam cũng như những thất bại của Pháp vẫn được giới nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục mổ xẻ như một lực hút, một chủ đề bất tận
Sau ngày 07/5/1954, cái tên “Điện Biên Phủ” trở thành đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho đông đảo các nhà khoa học, các giới nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị, lịch sử, văn hoá, kinh tế… Tất cả những nghiên cứu dù ở dưới góc độ nào? cách tiếp cận ra sao? đều để đi tìm nguyên nhân trả lời cho câu hỏi “Việt Nam đã thắng Pháp ở trận Điện Biên Phủ như thế nào?” và “Tại sao Pháp lại để thua Việt Nam ở trận Điên Biên Phủ?”. Một thất bại đã làm giảm uy tín của Pháp nhiều nhất trong chiến tranh thuộc địa, buộc Pháp phải từ bỏ Việt Nam và Đông Dương, nơi đã tốn bao tiền của và sinh mạng để chiếm giữ nó.
Tướng Navarre là người chỉ huy cuối cùng của Pháp có mặt ở Đông Dương, với cố gắng cao nhất trong vòng 18 tháng sẽ chuyển bại thành thắng. Điện Biên Phủ, pháo đài quan trọng, Bộ chỉ huy Pháp và Navarre chắc chắn nó giống như một miếng mồi nhử quân của tướng Võ Nguyên Giáp sa vào bẫy, dùng nó làm cối xay thịt nghiền nát Việt Minh. Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra như vậy, nó đã trở thành mồ chôn của hàng nghìn binh lính và sĩ quan Pháp.
Sự phán đoán và đánh giá thấp đối thủ là nguyên nhân chủ yếu đưa đến thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Khó khăn lớn nhất cho cả Việt Nam và Pháp trong trận Điện Biên Phủ là vấn đề hậu cần. Trong tính toán của người Pháp hòng vượt qua Việt Nam bằng cầu vận chuyển hàng không mà Pháp cho là chiếm “ưu thế tuyệt đối”. Giữa vùng rừng núi hiểm trở, rậm rạp, cách Hà Nội hơn 500 km, việc vận chuyển, tiếp tế cho Điện Biên Phủ, với Pháp, không gặp khó khăn gì. Cầu hàng không có thể cấp cho Điện Biên Phủ một ngày 200 tấn hàng hoá. Chính vì vậy, khi lên kế hoạch, Navarre dường như không mấy bận tâm, đổi lại chỉ tính toán đến việc khó khăn trong hậu cần, tiếp tế của Việt Minh, rằng rừng núi không giúp gì, chỉ là gây thêm khó khăn cho đối phương.
De Castries tại Điện Biên Phủ, ngày 04/4/1954 (Ảnh tư liệu)
Navarre không hề hay biết, vấn đề này Bộ Chỉ huy Mặt trận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hội đồng cung cấp Mặt trận của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tính toán một cách tỷ mỷ và đầy khoa học. Navarre và các sĩ quan Pháp biết phương tiện vận chuyển của Việt Minh chỉ là bằng xe đạp. Song trong tính toán của giới tình báo Pháp, xe đạp hai bánh có thể thồ với mức cao nhất gấp 2 đến 2,5 lần trọng lượng người điều khiển xe. Với vóc dáng bé nhỏ của người Việt Nam, đã đưa đến sự chủ quan của người Pháp. Thực tế đã không như vậy. Với sự thông minh và sáng tạo tuyệt vời, Việt Nam đã biến một chiếc xe đạp thồ vận chuyển được tới 250 kg, tức là gấp từ 5 đến 6 lần. Và trong chiến dịch này. Việt Nam có cả đội quân xe thồ lên tới 21 nghìn người. Đội quân xe thồ dễ nguỵ trang, không cần đường lớn. Máy bay trinh sát Pháp bay cả ngày cũng không phát hiện thấy gì đặc biệt, đâu là pháo phòng không, đâu là pháo mặt đất và đâu là xe đạp? Và Bộ chỉ huy tối cao của Pháp ở Đông Dương đã hoàn toàn tin tưởng đến kết quả khả quan ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn ngược lại. Điện Biên Phủ không diễn ra như kế hoạch chiến thuật mà Pháp đã vạch ra với sự tuyệt đối và hoàn mỹ. Rằng Điện Biên Phủ sẽ là bàn đạp để tìm và diệt đối phương trong vùng lân cận, là pháo đài ngăn chặn mũi tiến công sang Lào của Việt Minh.
Sai lầm trong đánh giá đối phương, hệ thống tình báo thật sự là nguyên nhân dẫn tới sự phá sản của kế hoạch tác chiến, vì đã đánh giá đối phương thấp hơn nhiều so với sự thật.
Đó là đánh giá và phán đoán sai lực lượng pháo binh và pháo phòng không mà Việt Minh có thể kéo vào Điện Biên Phủ. Khi lính dù Pháp đã biến Điện Biên Phủ thành pháo đài kiên cố nhất, các trại lính được bố trí một cách ngăn nắp, không khí Điện Biên Phủ là không khí ở cứ điểm quân sự hiện đại, không có vết tích nào của lạc hậu, các cụm pháo vươn nòng, nằm giữa ụ súng lắp bằng bao tải cát như thách thức pháo binh đối phương. Pháp cho rằng nếu Tướng Võ Nguyên Giáp liều thử sức thì chắc chắn từng đống xác quân Việt Minh chất cao ngoài hàng rào bảo vệ.
Khi một số quan chức trong chính giới Pháp đến thăm Điện Biên Phủ, đã nêu vài điều chú ý: Điện Biên Phủ nằm trong thung lũng, về mặt tác chiến, các mục tiêu trong thung lũng thường là mồi cho pháo binh, và hỏi Navarre và De Castries tính toán kỹ chưa? Câu trả lời các quan chức Pháp ở Paris nhận được là sự khẳng định rằng Điện Biên Phủ sẽ an toàn, cho dù nếu Tướng Giáp có các loại pháo tốt và biết cách sử dụng chúng.
Trung tá Piroth (bên phải) chỉ huy pháo binh Pháp tại Điện Biên Phủ đã tự sát chỉ vài ngày sau khi các cứ điểm vòng ngoài thất thủ, vì không thể bắt pháo binh Việt Nam "câm họng" như đã nói (Ảnh tư liệu)
Hơn nữa như theo đánh giá qua các trận đánh trước đó, qua điều tra trinh sát, sử dụng kỹ thuật hiện đại trinh sát từ trên không xuống, dùng phim đen trắng, phim màu và tia hồng ngoại chụp ảnh quanh vùng… Pháp cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Việt Minh và Tướng Giáp sẽ dùng pháo uy hiếp.
Thậm chí, giả thiết “Tướng Giáp có đưa được một số khẩu pháo vào trận địa” cũng đã được kỹ lưỡng suốt hai tiếng đồng hồ tại cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp. Nhưng kết luận cuối cùng của De Castries, Cogny, Navarre đều nghĩ nếu Việt Minh có bắn thì cũng chỉ bắn được vài phút, số đạn pháo đưa vào trận địa cũng hết mà thôi. Người Pháp đã kết luận như vậy trước khi Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ nổ súng.
Nhưng ngày 13/3, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công trung tâm đề kháng Him Lam ở vòng ngoài, Pháp vẫn coi thường đối thủ của mình. Kết quả, quân Pháp đã hết sức hoang mang lo sợ, không thể hình dung được, bằng cách nào Việt Minh đưa được pháo 105mm lên núi cao, bất ngờ giáng đòn sấm sét vào đầu chúng. Chỉ huy pháo binh Pháp tại Điện Biên Phủ, với chút danh dự của sĩ quan chỉ huy còn sót lại, đã tự sát. Nhưng sĩ quan này không tự sát chỉ vì danh dự, mà đó là sự sụp đổ hoàn toàn về mặt tư tưởng, tinh thần, khi biết rằng sự mở đầu cho Điện Biên Phủ như thế, pháo binh Việt Nam đã gầm lên dữ dội như thế, cũng là dấu chấm hết của Điện Biên Phủ.
Sự bất đồng ý kiến trong nội bộ tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương và sự chủ quan của bản thân Tướng Navarre, người chỉ huy tối cao cũng là nguyên nhân quan trọng của sự thất bại nặng nề của Pháp ở Điện Biên Phủ. Giữa Navarre và Cogny có một sự bất hoà, Navarre luôn nghĩ rằng Cogny không thực tâm cộng tác với mình. Vì vậy, trong kế hoạch Điện Biên Phủ, Navarre không hề tin vào sự thành thật của Cogny và các báo cáo mà người của Cogny báo cáo về. Navarre chỉ tin vào báo cáo do người của ông ta soạn thảo. Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Giai đoạn về sau này, khi Điện Biên Phủ sắp sửa nguy ngập, Navarre và Cogny không nói chuyện với nhau mà chỉ liên hệ với nhau qua đường công văn. Như vậy, sự rạn nứt trong nội bộ tướng lĩnh, sự không tin tưởng lẫn nhau là nguyên nhân làm cho các tướng lĩnh Pháp không nhận được các báo cáo chính xác.
Ngoài ra, việc Navarre đánh giá thấp khả năng quân đội của Tướng Giáp sẽ không đủ khả năng đánh lớn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến sự thất bại ê chề của Pháp ở Điện Biên Phủ. Nava không tin là tướng Giáp lại có thể chỉ huy một trận chiến lớn như trận Điện Biên Phủ khi nó nổ ra. Navarre cũng không tin cả chiến thuật của Tướng Giáp lẫn khả năng vận chuyển, tiếp tế cho một đội quân lên tới trên dưới 50.000 người trong diều kiện địa hình rất hiểm trở như Điện Biên Phủ. Họ cho rằng việc đó, chỉ có quân đội Pháp mới có thể làm được. Trước năm 1954, Navarre chưa bao giờ gọi "đối thủ" của mình là "Đại tướng" Võ Nguyên Giáp cả. Navarr chỉ gọi đối thủ quan trọng của mình là Giáp mà thôi. Navarre cũng không chịu "thừa nhận" đối thủ của mình vào hàng "tướng". Cho đến tháng 01/1954, Navarre mới gọi là “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” trong một báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương khi nhắc đến tình thế quân Pháp ở Điện Biên Phủ "có thể" nguy cấp trước sự tiến công của quân ta. Đó là lần đầu tiên, Navarre dành vinh dự cho đối thủ của mình, điều mà lẽ ra ông ta phải làm sớm hơn.
Điện Biên Phủ thất thủ còn có nguyên nhân là việc chọn người chỉ huy không phù hợp. Navarre đã chọn De Castries, một sĩ quan mà theo Navarre suy nghĩ là sẽ rất phù hợp với kế hoạch càn quyét và tiêu diệt đối phương. De Castries là một sĩ quan trưởng thành từ người lính, chuyển từ kỵ binh, sau chuyển làm sĩ quan thiết giáp. De Castries được phong cấp tướng có sự tranh cãi trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp của Pháp. Họ cho rằng đó là sự đe doạ nguy hiểm cho uy tín của quân đội Pháp. Thời kỳ cuối trận chiến, De Castries đã gần như không làm việc, giam mình trong hầm trú ẩn dưới lòng đất. Mọi việc chiến sự hằng ngày, ra mệnh lệnh, đưa quân đi đánh trả gần như ông ta phó mặc hoàn toàn cho cấp dưới. Điều đó cho thấy rõ ràng đối với binh lính Pháp là De Castries không thích hợp là viên chỉ huy trong cuộc chiến đấu này. Không có được uy dũng để tự sát như viên Đại tá chỉ huy pháo binh, chiều ngày 07/5, De Castries đã chấp nhận để bị bắt sống, chấp nhận kết cục bại trận một cách nhục nhã và thê thảm.
Thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ có thể xem xét từ một số lý do nêu trên, nhưng có lẽ như nhiều quan chức quân sự và chính trị của Paris sau này thừa nhận, quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ không phải chỉ đối mặt với đội quân 50.000 người của tướng Giáp, mà họ phải đối mặt với cả một dân tộc, với quyết tâm không gì ngăn cản nổi để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Ngọc Diễn