Từ năm 1965, khi Hoa Kỳ đưa quân vào trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, thì cũng là lúc phong trào phản chiến nổ ra tại Hoa Kỳ. Phong trào bùng phát mạnh mẽ từ sau sự kiện Tết Mậu Thân và đỉnh cao vào tháng 5/1970, khi có đến 4 triệu người Mỹ xuống đường. Vậy nguyên nhân nào làm cho phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ bùng nổ ngày càng mạnh mẽ, có tác động tích cực đến việc chấm dứt chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ tại Việt Nam
Hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh Việt Nam
Ngay từ tháng 3/ 1966, Thượng nghị sĩ William Fulbright đã nói: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam làm cho nước Mỹ yếu đi. Nó là một gánh nặng lớn cho nước Mỹ và tôi thấy chúng ta không thể nào tiến hành chiến tranh mà không phải trả bằng một giá rất cao”[1]. Một cuộc chiến tranh hao người tốn của, kéo dài và thiệt hại tăng lên đến mức không chịu nổi trong khi chiến thắng còn xa vời khiến công chúng Hoa Kỳ mệt mỏi và không còn kiên nhẫn thêm được nữa. Năm 1965, có 1.369 lính Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam, năm 1967 con số đó tăng lên 9.337 người. Và không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1968, phong trào phản chiến bùng nổ hết sức mạnh mẽ. Năm 1968 là năm xác lính viễn chinh đưa về nước tăng lên đến mức cao nhất, trung bình hơn 1.000 xác mỗi tháng, tổng số là 14.589 người và đến cuối năm 1969, đã có hơn 40.000 lính Hoa Kỳ tử trận trong chiến tranh xâm lược Việt Nam[2]. Trong khi Hoa Kỳ đã đưa sang Việt Nam gần 500.000 quân chiến đấu, vượt xa dự kiến ban đầu, sau Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, Tướng Westmoreland tiếp tục xin tăng thêm 206.756 quân, khiến cho công chúng Hoa Kỳ cảm thấy không biết cần bao nhiêu quân mới giành được thắng lợi và yêu cầu về số quân đó chỉ được Quốc hội Hoa Kỳ chấp nhận ở con số 24.300.
Một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trên đường phố Hoa Kỳ (Ảnh tư liệu)
Mặc dù là nước Mỹ giàu mạnh nhất thế giới nhưng cuộc chiến tranh sa lầy tại Việt Nam trở thành gánh nặng không thể chịu nổi đối với Hoa Kỳ. Thời điểm 1968-1969, trung bình mỗi ngày, Mỹ chi 82 triệu USD cho chiến tranh Việt Nam. Chi phí quân sự tăng vọt, cứ 100 USD thuế thì 52,9 USD chi cho quân sự trong đó 19,5 USD chi cho chiến tranh Việt Nam và hậu quả là trong vòng 10 năm tiền thuế tăng gấp ba lần, tất cả do người dân gánh chịu. Đến năm 1972, theo tính toán của Bộ Thương mại Mỹ và một số nhà kinh tế học, chi phí cho chiến tranh Việt Nam và Đông Dương đã ngốn từ 352 tỷ đến 900 tỷ USD[3]. Con số thống kê mới nhất (tháng 6 năm 2019) của trang USATODAY.COM là 843 tỷ USD. Chiến tranh Việt Nam làm cho các chương trình trong nước của chính quyền Washington bị tổn hại nghiêm trọng khiến cho người dân Hợp chúng quốc phải lựa chọn hoặc là chiến tranh Việt Nam hoặc là những cải cách trong nước. Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng, bị chia rẽ. Tháng 2/1968, nguyên chủ tịch Ngân hàng dự trữ Liên bang ở NewYork phải thú nhận: “Sự dính líu của chúng ta vào lục địa châu Á… là trung tâm của các khó khăn chính trị, xã hội và kinh tế trong nước và trên quốc tế của chúng ta”[4]. Eisenhower cho rằng: “Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến tranh”[5]. Trong diễn văn nhậm chức Tổng thống ngày 20/1/1969, Nixon phải thừa nhận: “Nước Mỹ đang có khủng hoảng về tinh thần, mắc kẹt trong chiến tranh, cấu xé và chia rẽ, xơ xác tơi bời, chửi nhau như vỡ chợ. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra căng thẳng gay gắt với nước Mỹ không riêng gì về mặt kinh tế, quân sự mà cả về xã hội cũng như chính trị”[6]. Tỷ trọng thương mại Hoa Kỳ trong thương mại thế giới giảm từ 48% năm 1948 xuống 25% năm 1964 và chỉ còn 10% năm 1969. Thâm hụt ngân sách 3,8 tỷ USD năm tài chính 1966 tăng lên 25,2 tỷ USD năm tài chính 1968[7]. Trước nguy cơ thất bại không thể cứu vãn của chế độ tay sai ở miền Nam và do sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Hoa Kỳ, Quốc hội Hoa Kỳ phải cắt giảm viện trợ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu từ 1.614 triệu USD tài khoá 1972-1973 xuống 1.026 triệu USD tài khoá 1973-1974 và chỉ còn 701 triệu USD tài khoá 1974-1975, bằng 29% tài khoá 1972-1973. Ngay trong ngày Buôn Ma Thuột thất thủ, Quốc hội Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị của Tổng thống Gerald Ford xin thêm 300 triệu USD viện trợ quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Những tội ác chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn bị phơi bày trước dư luận thức tỉnh lương tri của nhân dân Mỹ
Chiến tranh Việt Nam diễn ra trong thời đại truyền thông đã phát triển mạnh mẽ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã đi vào tận phòng ngủ của các gia đình Mỹ. Cùng với vô tuyến truyền hình, nhiều phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh đã không ngại hy sinh, theo sát cuộc chiến tranh, thông tin đến dư luận những sự thật của cuộc chiến tranh tàn khốc. Mặc dù chính quyền Washington ra sức bưng bít, nhiều tội ác chiến tranh được phơi bày trước dư luận tạo ra sự phản ứng gay gắt.
Hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám đốc cảnh sát Sài Gòn bắn chết một tù binh giải phóng ngay trên đường phố Sài Gòn cho thấy sự vi phạm trắng trợn công ước quốc tế về đối xử với tù binh chiến tranh.
Bức ảnh nổi tiếng "Hành quyết tại Sài Gòn" (Saigon Execution) của tác giả Eddie Adams
gây phẫn nộ dư luận thế giới
Sau đợt 1 Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, dưới sự chỉ huy của Trung uý William Calley, một đại đội quân đội Hoa Kỳ đã tàn sát 504 dân thường vô tội tại làng Mỹ Lai, Sơn Mỹ, Quảng Ngãi ngày 16/3/1968, được phơi bày ra ánh sáng, làm xúc động dư luận Hoa Kỳ và thế giới.
Những vụ tự thiêu phản đối chế độ độc tài Nguyễn VănThiệu, phản đối sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, kêu gọi lập lại hoà bình của những Phật tử yêu nước như Nhất Chi Mai năm 1967.
Sự tàn bạo của chuồng cọp Côn Đảo được đưa ra ánh sáng bởi nhóm nghị sĩ và nhà báo tiến bộ Mỹ August Hawkin, William Anderson, Thomas Harkin, Don Luce… tháng 7-1970 làm sửng sốt dư luận thế giới.
Hình ảnh Chuồng cọp Côn Đảo bị đưa ra ánh sáng làm cả thế giới ghê tởm
Cảnh những khu dân cư tại miền Bắc Việt Nam bị tàn phá bởi bom Mỹ được nhà báo Harrison Salisbury công bố, cho thấy một cuộc chiến tranh chống lại dân thường, làm cho bất kỳ người dân Hoa Kỳ nào có lương tâm cũng phải hổ thẹn.
Phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh Nhật Bản Isicaoa Bun-Do đi theo sát cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, công bố hàng trăm bức ảnh về tội ác chiến tranh của lính viễn chinh và tay sai, làm dư luận thế giới căm phẫn. Tiêu biểu là bức ảnh một lính Hoa Kỳ thuộc Sư đoàn bộ binh số 25 đang xách trên tay mảnh xác một chiến sĩ giải phóng bị trúng đạn phóng lựu, năm 1967 tại Tây Ninh. Chính tác giả bức ảnh cũng cảm thấy ghê tởm khi bình luận “Tôi có cảm giác không biết hắn ta là quỷ hay là người ?”.
Không phải ngẫu nhiên mà các tầng lớp nhân dân Hoa Kỳ và thế giới tổ chức hàng chục cuộc hội thảo về tính chất cuộc chiến tranh Việt Nam và tất cả đều đi tới kết luận đúng như bản “Tuyên bố về mục tiêu” của những binh sỹ Hoa kỳ phản chiến cuối năm 1970 nêu rõ: cuộc chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến tranh không hợp pháp, không đạo đức và không chính nghĩa”[8].
Lập trường đúng đắn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân tiến bộ thế giới
Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong chiến tranh cách mạng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện đường lối ngoại giao thêm bạn bớt thù, đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại. Ngay từ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II, tháng 7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bất kỳ người nào, nước nào không thân Mỹ đều có thể làm mặt trận thống nhất (dù là tạm thời) với ta”[9].
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tuyên bố về lập trường hoà bình, giải quyết cuộc chiến tranh bằng thương lượng. Tháng 4/1965, Thủ tướng Phạm Văn Đồng công bố lập trường 4 điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam. Ngày 24/01/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm tới nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng 60 nước, tố cáo chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam và trình bày lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam là người đại diện chính nghĩa, hợp pháp cho nhân dân miền Nam, luôn chú ý tăng cường mở rộng quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Chính phủ và nhân dân các nước. Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã nhiều lần nêu ra những giải pháp nhằm giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh Việt Nam, như giải pháp toàn bộ 10 điểm về vấn đề Việt Nam ngày 8/5/1969, những tuyên bố ngày 17/9/1970, ngày 12/10/1970, ngày 1/7/1971 … được dư luận Hoa Kỳ và dư luận thế giới đánh giá là hợp lý, có tính chất xây dựng, mở đường cho việc giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam bằng thương lượng. lúc đó, chính quyền Hoa Kỳ luôn tỏ ra ngoan cố, âm mưu kéo dài chiến tranh, tìm kiếm thắng lợi quân sự, đi ngược lại quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam là “Mặt trận số hai chống đế quốc Mỹ”, là “mặt trận thống nhất phản đế giữa nhân dân Việt – Mỹ”. Tuy không đóng vai trò quyết định, song phong trào góp phần tạo ra những điều kiện quốc tế thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Phong trào thức tỉnh nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, góp phần làm thay đổi chính sách của Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ đối với chế độ tay sai ở miền Nam Việt Nam, từ đó tạo ra sự thay đổi so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho cách mạng miền Nam. Nó cũng gây sức ép lên chính quyền Hoa Kỳ trong quá trình đàm phán dẫn tới việc ký kết Hiệp định Paris.
Đặc điểm và tính chất phong trào khiến cho nhiều nhà chính trị, nhà nghiên cứu lịch sử gọi đó là “Cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ”. Cả “hai cuộc chiến tranh” đó đã chấm dứt, nhưng những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam hay những trang sử buồn thảm của Hoa Kỳ luôn là lời nhắc nhở, cảnh báo những mưu đồ của các thế lực hiếu chiến, đi ngược lại quyền lợi của các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình.
[1] Báo Nhân Dân, ngày 21-7-1966.
[2] Các số liệu trên dẫn Jeff Stein- Marc Leepson: Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993 và Mai cơn Máclia: Việtnam- Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb. Chính trị quốc gia , Hà Nội, 1990.
[3] . Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ tại Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 346.
[4] Gabrien Côn cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh – Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, Nxb. Quan đội nhân dân, Hà Nội, 1989, tập 1, tr. 267.
[5] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ tại Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 163.
[6] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ tại Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 187
[7] Gabrien Côn cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh – Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989, tập 1, tr. 264, 267.
[8]. Giôdép A. Amtơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 348.
[9]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 15, tr. 172.