Đồng chí Song Hào, tên khai sinh là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20/8/1917 tại xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ vị trí, hoàn cảnh nào, đồng chí luôn giữ vững khí tiết cộng sản, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước
Trong những năm tháng toàn dân tộc vùng dậy, chớp thời cơ, tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, đồng chí Song Hào với cương vị là Bí thư Phân khu Nguyễn Huệ đã chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tiễn của các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang để lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.
Năm 1936, đồng chí Song Hào tham gia hoạt động cách mạng trong Phong trào Mặt trận bình dân. Năm 1937, đồng chí phụ trách tổ chức Ái hữu thợ thêu, Thanh niên dân chủ (sau này là Mặt trận phản đế) tại Nam Định. Tháng 4/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Đầu năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 7 năm tù và bị gianm cầm, đày ải qua nhiều nhà tù: Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu. Ở trong tù, đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh.
Năm 1943, đồng chí được chỉ định làm Bí thư chi bộ tại nhà tù Chợ Chu (Thái Nguyên), cùng các đảng viên trong chi bộ liên lạc với tổ chức đảng ngoài nhà tù để hoạt động. Không cam chịu cảnh tù đày, với ý chí kiên cường “Phải vượt ngục ! Phải tìm cách thoát tay giặc để hoạt động”, đồng chí Song Hào bàn bạc với các đồng chí của mình cùng bị giam giữ, tích cực chuẩn bị vượt ngục.
Đồng chí Song Hào trong hồ sơ mật thám Pháp (Ảnh tư liệu)
Tháng 10/1944, đồng chí Song Hào cùng với 11 tù nhân khác tổ chức vượt ngục thành công, thoát khỏi nhà tù Chợ Chu, được đồng chí Chu Văn Tấn thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ cử về vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên hoạt động. Tháng 12/1944, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Khu căn cứ Nguyễn Huệ [1]. Phân khu Nguyễn Huệ có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, có tổ chức gây ảnh hưởng lớn đến đông đảo quần chúng.
Tháng 1/1945, cơ quan Phân khu Nguyễn Huệ được chính thức thành lập: “Cơ quan là một chiếc lán nhỏ ở sâu trong rừng, bên một dòng suối nhỏ, cách làng chừng một, hai cây số. Nơi đây rừng núi xanh rì, dân cư thưa thớt…” [2]. Đồng chí Song Hào và các đồng chí trong Phân khu nỗ lực khắc phục khó khăn, gian khổ, tìm mọi biện pháp để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng: “Các đồng chí đã phải trải qua biết bao nỗi gian truân cực khổ. Những ngày đầu tiên, chưa có chỗ đứng, nhiều đồng chí đã phải măng nứa, củ mài, nước suối cầm hơi. Đêm đêm lần xuống bản làng, ngày ngày đợi từng người lên nương rẫy để tìm cách gặp gỡ làm quen, rồi dần dần tiến tới tuyên truyền giác ngộ cho họ”.[3] Mặc dù phải trải qua những ngày tháng gian khổ vừa phải lo địch càn rừng, sục núi, vừa phải ăn không có muối, chuối xanh luộc trừ bữa, nhưng với phương châm hoạt động đúng đắn, đồng chí Song Hào và các đồng chí trong Phân khu Nguyễn Huệ đã gây dựng được phong trào và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tháng 8/1945, đồng chí Song Hào là người trực tiếp chỉ đạo lực lượng cách mạng và nhân dân hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang khởi nghĩa giành chính quyền thành công và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ tại đây. Cuối năm 1945, trên cương vị Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, đồng chí tiếp tục có nhiều đóng góp trong đấu tranh chống phản động, tiễu phỉ, đồng thời củng cố, phát triển vững chắc các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa bàn 3 tỉnh. Những thành quả đó góp phần tạo ra những tiền đề quan trọng để Trung ương Đảng, Chính phủ xây dựng Tuyên Quang, Thái Nguyên thành căn cứ địa vững chắc-Thủ đô kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tháng 7/1947, đồng chí Song Hào là Chính trị Ủy viên Khu 10, rồi sau đó Chính trị Ủy viên Liên khu 10. Trong thời gian đó, đồng chí cùng Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu lãnh, lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Liên khu tích cực xây dựng lực lượng, đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc phía Tây và phía Nam căn cứ địa Việt Bắc, đồng thời từng bước khôi phục, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn Tây Bắc; đồng thời có những chỉ đạo, giúp đỡ nhân dân các tỉnh Bắc Lào kháng chiến chống Pháp[4].
Trung tướng Song Hào cùng đơn vị hành quân vào chiến trường B5, năm 1972 (Ảnh tư liệu)
Tháng 11/1949, sau khi Liên khu 10 và Liên khu 1 sáp nhập thành Liên khu Việt Bắc, Mặt trận Tây Bắc được thành lập, đồng chí Song Hào làm Chính ủy Mặt trận Tây Bắc, Bí thư Ban cán sự Lào Bắc. Với địa bàn chiến trường quen thuộc, đồng chí cùng với quân và dân Tây Bắc đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, giải phóng hoàn toàn tỉnh Lào Cai, một phần tỉnh Yên Bái, tạo thế chiến lược vững chắc cho các chiến dịch giải phóng Tây Bắc và Thượng Lào sau này.
Giữa năm 1951, đồng chí Song Hào đảm nhiệm trọng trách Chính ủy Đại đoàn 308, Bí thư Đại đoàn ủy [5]. Với những tài năng, đức độ, uy tín, nhiệt huyết và kinh nghiệm của mình, đồng chí đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng Đại đoàn 308-Đại đoàn “quả đấm thép” của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của các chiến dịch Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Song Hào được Trung ương Đảng phân công làm Ủy viên Tổng Quân ủy, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1955-1961), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1961-1977), Chính ủy Chiến dịch Trị -Thiên (1972). Ghi nhận những công lao của đồng chí đối với đất nước, Đảng, Nhà nước đã quyết định thăng quân hàm Trung tướng cho đồng chí năm 1959 và quân hàm Thượng tướng năm 1974.
Năm 1977, đồng chí Song Hào được phân công làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, phụ trách toàn diện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong cả nước. Từ năm 1982 đến 1987, đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội.
Cuối năm 1989, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập, đồng chí Song Hào được Ban Bí thư phân công làm Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ năm 1990 đến năm 1992.
Ngày 9/1/2004, đồng chí Song Hào từ trần.
Với gần 70 năm hoạt động cách mạng, vượt qua bao khó khăn thử thách của những năm tháng chiến tranh, đồng chí cống hiến trọn cuộc đời cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Song Hào luôn ngời sáng phẩm chất của người cán bộ cách mạng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, một vị tướng tài ba, thanh liêm, tận tụy, sâu sát với thực tiễn, gắn bó với đồng bào, chiến sỹ.
Kỷ niệm 18 năm ngày mất Thượng tướng Song Hào (2004-2022), một vị tướng thanh liêm, giản dị của Quân đội nhân dân Việt Nam; nhắc lại những sự kiện lịch sử gắn liền với những cống hiến của đồng chí, cũng là dịp để mỗi chúng ta khắc ghi sự hy sinh, cống hiến của nhiều thế hệ cách mạng cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú và đầy nhiệt huyết cống hiến của đồng chí là tài sản tinh thần quý báu của Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam. Tài sản đó cần được bồi đắp, phát huy, noi gương, nhằm góp phần rèn luyện, bồi đắp nhiệt huyết cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Huệ Dương
[1] Thành lập tháng 2/1944 gồm một phần huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hóa-Thái Nguyên; Sơn Dương, Yên Sơn- Tuyên Quang và Chợ Đồn- Bắc Kạn.
[2] Song Hào: Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 29-30.
[3] Song Hào: Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 30.
[4] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945-1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 72.
[5] Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1: Lịch sử Sư đoàn 308, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr. 129.