Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022), nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã dâng hiến cả cuộc đời cho độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc. Dù ở cương vị nào, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ sâu sát với thực tế, gắn bó mật thiết với nhân dân, hy sinh vì lợi ích của nhân dân, là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo
Sớm hòa mình vào phong trào “vô sản hóa” để giác ngộ quần chúng
Năm 1928, sau khi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí tích cực nghiên cứu, học tập các tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như Đường Kách mệnh, báo Thanh niên…, sớm nhận thức được vai trò của quần chúng nhân dân, thấu hiểu nỗi thống khổ của họ, từ đó bồi dưỡng lòng căm thù những kẻ xâm lược, thống trị đất nước.
Cùng với thời gian, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhận thức ngày càng rõ hơn, muốn xóa bỏ cảnh áp bức, bóc lột, thì phải bắt tay vào vận động quần chúng lao khổ, gần gũi, thấu hiểu nỗi đau, tâm tư tình cảm và nguyện vọng của quần chúng lao khổ, phải tập hợp, đoàn kết họ thành một khối thống nhất, đồng lòng đứng lên chống lại ách thống trị của đế quốc, phong kiến. Đồng chí thấu hiểu, làm cách mạng, muốn thành công thì không thể không dựa vào lực lượng đông đảo của quần chúng nhân dân. Chính điều này đã góp phần định hình phong cách hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đó là gần dân, trọng dân, gắn bó với nhân dân, nhất là khi đảm nhận trọng trách các vị trí lãnh đạo của Đảng.
Khi được nghe đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp giảng giải về tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của các giai cấp trong sự nghiệp cách mạng: công nông là chủ cách mệnh, công nông là gốc cách mệnh[1].
Mười sáu tuổi, đồng chí được cử tham gia phong trào “vô sản hóa” ở các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ ở Hải Phòng nhằm không chỉ rèn luyện bản thân, mà còn góp phần mở rộng cơ sở của tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên.
Được sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hoạt động ở vùng mỏ than Đông Bắc, trung tâm lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam lúc đó.
Với bí danh Phùng, đồng chí xuống mỏ làm phu cuốc than trong hầm sâu, luôn thiếu không khí, tối tăm, nặng nhọc, tai nạn rình rập từng phút, giây.
Cùng ăn, ở trong điều kiện sống bần hàn của những người công nhân mỏ Vàng Danh, những ngày lao động cực nhọc, giúp Nguyễn Văn Cừ thấu hiểu hơn nỗi thống khổ của những người công nhân mỏ, bồi dưỡng lòng căm thù đối với chủ nghĩa thực dân, mà trực tiếp là giới chủ mỏ thực dân, thấm thía nỗi đau của người dân mất nước.
Đồng chí lấy chính những nỗi khó khăn, cơ cực và cả sự bất hạnh của những người thợ mỏ để giáo dục, giác ngộ, bồi dưỡng họ lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và “trang bị bước đầu cho họ ý thức đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản”.
Sự gắn kết giữa hoạt động thực tiễn với không ngừng tự học để nâng cao trình độ lý luận, đã rèn luyện phẩm chất cách mạng của chính bản thân đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Nhờ vậy, lập trường giai cấp công nhân của Nguyễn Văn Cừ được xác lập không chỉ trong nhận thức mà cả trong hành động cách mạng.
Thành quả của việc tham gia phong trào “vô sản hóa” của Nguyễn Văn Cừ chính là việc đồng chí đã lựa chọn được một số công nhân mỏ hăng hái, nhiệt tình để thành lập một chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và nhờ sự giác ngộ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, từ tháng 2 đến tháng 4/1930, các chi bộ Đảng lần lượt được thành lập ở các mỏ Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả và Cửa Ông.
Báo Tin tức thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (Ảnh tư liệu)
Lãnh đạo thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, xuất bản báo Tin tức và Dân chúng để vận động quần chúng nhân dân
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 25/8 đến ngày 04/9/1937, khi mới 26 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã cùng Ban Chấp hành Trung ương đề ra chủ trương xây dựng Mặt trận dân chủ Đông Dương, một hình thức mặt trận đoàn kết dân tộc thay thế cho Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương trước đó.
Đây là một chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng và đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong lúc tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến mau lẹ.
Với tư cách là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chủ trương, phải tiến hành cuộc đấu tranh chống khuynh hướng “tả” (đưa ra khẩu hiệu quá cao) và đề phòng cả khuynh hướng “hữu” (không chú trong phong trào quần chúng).
Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 3/1938) đã thể hiện những chủ trương cụ thể của Đảng về công tác quần chúng như: củng cố và chỉnh đốn công tác vận động công nhân; đề ra các biện pháp cụ thể đẩy mạng công tác vận động nông dân ở ba miền; đẩy mạnh công tác vận động phụ nữ làm cho phong trào phát triển cả về chiều rộng và bề sâu và “xây dựng một đoàn thể thanh niên có tính chất chính trị và quần chúng rộng rãi”[2].
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo việc triển khai nghị quyết của Đảng trong thực tiễn.
Ngay sau hội nghị, việc thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương được đồng chí quan tâm, chỉ đạo, cụ thể hóa: xuất bản báo Tin tức ở Hà Nội và báo Dân chúng ở Sài Gòn. Hai tờ báo này góp phần quan trọng trong thức tỉnh và giác ngộ quần chúng, giáo dục đảng viên, lôi kéo quần chúng tham gia Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Tác phẩm "Tự chỉ trích" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (Ảnh tư liệu)
Viết tác phẩm “Tự chỉ trích” thấm đậm tinh thần “vì quần chúng”, “phục vụ lợi ích quần chúng”
Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp tham gia cuộc bút chiến, phê phán những tư tưởng sai lầm “tả khuynh” về quan điểm chính trị, về phê bình và tự phê bình, về đoàn kết trong Đảng, sai lầm về nguyên tắc tổ chức… Đồng chí đã viết nhiều bài báo, nhất là tác phẩm “Tự chỉ trích” vào tháng 7/1939.
Nội dung của “Tự chỉ trích” thể hiện sự vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn, nêu ra những vấn đề chiến lược, chỉ đạo chiến lược trong phong trào cách mạng, toát lên tư tưởng “vì quần chúng, phục vụ lợi ích của quần chúng” cũng như vai trò lãnh đạo, tiên phong của những người đảng viên cộng sản. Đồng chí khẳng định “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh họ”[3]. Chính điều này cho thấy “Tự chỉ trích” là một công trình tổng kết thực tiễn sâu sắc, đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của Đảng.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong bối cảnh toàn Đảng đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Minh Dương
[1] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Kỷ yếu hội thảo khoa học đề tài nghiên cứu cấp cơ sở năm 2002-2003 “Tiểu sử và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ”, năm 2003, tr.30.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr 356.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.644.