Ph. Ăngghen, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới. Ông là cộng sự đắc lực và có công lớn phát triển học thuyết C. Mác, học thuyết giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng tạo, mẫu mực về vận dụng học thuyết Mác nói chung, lý luận vào thực tiễn nói riêng
Ph. Ăngghen nghiên cứu các trào lưu tư tưởng trước C. Mác
Cũng giống C.Mác, Ph. Ăngghen đã nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, đặc biệt là, là triết học cổ điển Đức, kinh tế - chính trị cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.
Phương pháp nghiên cứu lý luận của ông rất đặc biệt. Đó là, luôn gắn chặt với thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Trên cơ sở đó, Ph. Ăngghen cùng với C.Mác, xây dựng nên hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.
Ph. Ăngghen vận dụng sáng tạo, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác
V.I. Lênin chỉ rõ: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph.Ăngghen”(1). C. Mác và Ph. Ăngghen viết chung nhiều tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Mặt khác, nhiều công trình nghiên cứu của Ph. Ăngghen là do phát triển những tư tưởng hình thành trong quá trình trao đổi thường xuyên với C. Mác. Và ngược lại, nhiều tác phẩm của C. Mác được viết với những ý tưởng và kiến thức của Ph. Ăngghen. Việc vận dụng sáng tạo, bảo vệ và phát triển học thuyết C. Mác của Ph. Ăng ghen được thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau đây:
Một là, Ph. Ăngghen cũng như C.Mác, không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải rập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn.
Mỗi lần tái bản tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” Ph. Ăngghen đều viết lại lời tựa với những nội dung mới, bám sát tình hình hình thực tiễn và những nhận thức lý luận mới của ông. Một số nhận định trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản sau này đã được chính Ph. Ăngghen khẳng định nếu viết lại thì cũng phải bổ sung. Từ đó, ông yêu cầu những người cộng sản: “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”(2).
Sau khi C.Mác qua đời, Ph. Ăngghen đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện một công việc rất nặng nề và hết sức khó khăn, đó là chỉnh lý, biên tập và xuất bản tiếp tục các bản thảo còn lại của bộ “Tư bản”- tác phẩm vĩ đại nhất của C.Mác.
Ph. Ăng ghen đã “kiên quyết bác bỏ những mưu toan giáo điều hóa học thuyết Mác, biến học thuyết đó thành một mớ những công thức bất biến. Ðồng thời, ông đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, coi thường những điều kiện và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh. Khi tình hình thay đổi và cuộc sống hiện thực đặt ra những vấn đề mới, ông dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm của mình. Ông thẳng thắn thừa nhận sai lầm của ông và C. Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng 1848-1852 khi nhận định về tình hình thế giới, về chủ nghĩa tư bản, về phương pháp, sách lược cách mạng của phong trào công nhân...”(3).
Hai là, Ph. Ăngghen đã bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác: “Trên thực tế đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, các trào lưu tư tưởng vô sản là xuyên suốt, liên tục, trở thành cái chung, tính quy luật đặc trưng, đồng thời là động lực cho sự phát triển chủ nghĩa Mác”(4). Việc bảo vệ, phát triển học thuyết Mác của Ph. Ăngghen có thể xem xét ở các góc độ dưới đây:
Nghiên cứu toàn bộ di sản tư tưởng của C. Mác, có thể khẳng định: “mỗi một nội dung, luận điểm của Ph. Ăngghen cũng như V.I. Lê nin đều gắn với đấu tranh, phê phán một loại quan điểm, một nhân vật cụ thể. Ở các giai đoạn khác nhau và quan điểm, thuộc đối tượng phê phán khác nhau có nội dung, đặc điểm, phương pháp đấu tranh, phê phán cũng khác nhau, nhưng thống nhất ở tiếp nối tính logic và xu hướng ngày càng gia tăng tính chất phức tạp, gay go, quyết liệt”(5).
Cụ thể: “cuộc đấu tranh loại bỏ những nội dung bất hợp lý, không phù hợp trong quá trình kế thừa, đồng thời cải biến, sáng tạo ra tri thức lý luận mới, đấu tranh thống nhất với bảo vệ và phát triển những quan điểm của C. Mác với những nhân vật chống phá, xuyên tạc, phủ nhận”(6).
Đấu tranh trong sự thống nhất lý luận với thực tiễn phong trào đấu tranh của công nhân.v.v;
Nổi bật, bao trùm là đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, phản động, phản khoa học của những người phi Mác xit.
Cuộc đấu tranh này được thể hiện sâu sắc trong từng nội dung lý luận, từng luận điểm và trở thành phong cách, phẩm chất của các nhà Mác xít, đặc biệt, qua cuộc đấu tranh trực diện của Ph. Ăng ghen ...để bảo vệ chân lý của chủ nghĩa Mác.
C. Mác và Ph. Ăngghen (Tranh tư liệu)
Ph. Ăngghen, tấm gương ngời sáng về tình bạn vĩ đại trong nghiên cứu khoa học
Ph. Ăngghen được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm, nhiệt huyết của một chiến sỹ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi vì tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thủy chung, cảm động, hiếm có với C.Mác. Tình bạn vĩ đại ấy được thể hiện rõ trong nghiên cứu khoa học.
Mặc dù đóng góp rất lớn cho học thuyết C. Mác, song Ph. Ăngghen luôn khiêm tốn và luôn vô tư khi nhường cho C.Mác vị trí số một và Ph. Ăngghen chỉ tự nhận mình là “cây vĩ cầm số 2” bên cạnh C.Mác. Thực tế, với những tác phẩm viết riêng và viết chung, đặc biệt những tác phẩm viết sau khi C. Mác qua đời, chứng tỏ Ph. Ăngghen là “một nhà bác học thiên tài” (từ của C. Mác gọi Ph. Ăngghen). V.I.Lênin khẳng định: “Giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình là tác phẩm sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến sỹ mà tình bạn đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của con người” (7).
Khi đánh giá công lao to lớn của Ph. Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, V. I. Lênin viết: “Sau bạn ông là Các Mác, Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác và Phriđrích Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Phriđrích Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại” (8). .
Khi Ph. Ăngghen chỉnh lý, biên tập và xuất bản các bản thảo còn lại của bộ “Tư bản”- tác phẩm vĩ đại nhất của C.Mác. V.I. Lê-nin cho rằng, thông qua công việc quan trọng này: “Ăngghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Ăngghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được” (9).
Ph. Ăng ghen-tấm gương vận dụng sáng tạo lý luận sáng mãi
Những cống hiến vĩ đại của Ph. Ăngghen đối với học thuyết C.Mác và phong trào cách mạng của giai cấp vô sản thế giới gần 180 năm qua là không thể phủ nhận. Nó tiếp tục soi sáng sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người trên thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.
Noi theo tấm gương sáng ngời của Ph. Ăngghen vận dụng sáng tạo lý luận, nói trên, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần thực hiện tốt mấy việc sau đây:
Một là, cần có thái độ và phương pháp đúng đắn trong tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại.
Chúng ta biết rằng, nhờ vận dụng sáng tạo và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại (kinh tế-chính trị cổ điển Anh, triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp) mà Ph. Ăngghen đã cùng với C. Mác sáng lập ra học thuyết vĩ đại.
Do đó, cần tránh hai khuynh hướng trong tiếp cận những học thuyết, thành tựu khoa học, công nghệ mới. Thứ nhất, quá đề cao những học thuyết, thành tựu khoa học, công nghệ mới có thể thay thế tất cả các học thuyết trước đây, kể cả chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai, coi thường những học thuyết, thành tựu khoa học, công nghệ mới. Từ đó, chối bỏ ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ mới vào thực tiễn.
Hai là, cần tiếp tục vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn.
Từ tấm gương vận dụng sáng tạo học thuyết C. Mác nêu trên và những lời căn dặn của ông, đặc biệt, quán triệt phương châm: “Xem xét một vấn đề cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể”, cần tiếp tục vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể dùng “ngọn đèn pha” lý luận cách mạng và khoa học để “soi sáng” sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Ba là, đấu tranh, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Học tập tấm gương vĩ đại của Ph. Ăngghen trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, cần đặc biệt chú ý:
Thứ nhất, chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là thời điểm mà các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, cần đề cao cảnh giác, tăng cường các hoạt động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Việc đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực không khoán trắng cho Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW mà cần có sự phối kết hợp đồng bộ, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, tinh thần cảnh giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ hai, các cấp ủy Đảng cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện nhận thức lệch lạc trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nơi cơ quan, đơn vị, địa phương mình đang lãnh đạo.
Ph. Ăngghen không chỉ là người thày vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới, người đã có công lao to lớn trong xây dựng học thuyết Mác-Ăngghen mà còn là tấm gương vĩ đại, sáng mãi về vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn nói chung, vận dụng sáng tạo, đấu tranh, bảo vệ, phát triển học thuyết Mác nói riêng.
Minh Lê
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.110.
(2) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, tập 18, tr 128.
(3) GS. TS. Lê Hữu Nghĩa: “Nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 02/01/2018.
(4), (5), (6) PGS. TS Nguyễn Bá Dương: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018. tr 345- 346.
(7) (8), (9) Mạnh Hà, “Tình bạn vĩ đại giữa C.Mác và Ph.Ăngghen”, Tạp chí Tuyên giáo An Giang (Điện tử) ngày 08/5/2018.