Giờ đây, du khách về thăm hồ Kẻ Gỗ thường được hướng dẫn vào thắp hương tưởng nhớ đồng chí Lê Duẩn tại đền thờ đồng chí trên một hòn đảo ven hồ. Mọi chuyện bắt đầu từ tâm tình của đồng chí Lê Duẩn với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh mấy chục năm về trước
Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 -10/7/1986), học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, một kiến trúc sư chiến lược, một nhà tổ chức tài năng của đất nước ta, sinh ra tại xã Triệu Ðông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có quê gốc ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Với Hà Tĩnh, Tổng Bí thư luôn luôn dành rất nhiều tình cảm, sự quan tâm đối với quê hương. Với tấm lòng vì nước, vì dân, đồng cảm và thấu hiểu trước những khó khăn của nhân dân nơi đây, đồng chí luôn đau đáu tâm niệm mong muốn đem lại cuộc sống không còn phải lo “chạy đói” từng bữa, người dân ai cũng có cơm ăn, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chính vì vậy, Tổng bí thư Lê Duẩn đã cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh phát huy ý chí, nghị lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đã giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội.
Có thể nói, dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Hà Tĩnh khi nói về Tổng bí thư Lê Duẩn, không thể không nhắc tới công trình đại thuỷ nông trọng yếu của tỉnh nhà - hồ Kẻ Gỗ. Đây không chỉ là một trong những hồ đập lớn nhất Việt Nam mà nó là công trình giúp Hà Tĩnh “đổi đời”, đã đi vào lịch sử như một huyền thoại cho đến tận ngày nay.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp đã tiến hành khảo sát và cho xây dựng hồ chứa nước tại Kẻ Gỗ, với thiết kế để có sức chứa 85 triệu mét khối nước thì phải làm trong vòng 20 năm. Nhưng mới làm được hai năm thì chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra mà xây dựng công trình này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, nên Pháp buộc phải dừng lại, rồi bị lãng quên.
Năm 1957, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương Hà Tĩnh, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của bà con nơi đây đang trông chờ một công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Vì vậy, Người đã yêu cầu “Phải lục hồ sơ hồ Kẻ Gỗ, nghiên cứu trước để khi có thời cơ mà xây dựng”.
Lễ mít tinh khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ (Ảnh tư liệu)
Đến năm 1971, sau khi đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh làm việc với Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tấn về xây dựng hồ Kẻ Gỗ và đã được Bộ Thủy lợi trình hồ sơ lên Ban Bí thư (khi đó đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất), Hội đồng Chính phủ xin được xây dựng hồ Kẻ Gỗ và đã được chấp thuận.
Ngày 23/12/1974, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Quyết định 318/TTg, phê duyệt đề xuất nhiệm vụ xây dựng hồ chứa nước Kẻ Gỗ tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên.
Chỉ sau vài tháng tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập, trong niềm hân hoan, phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân, công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ chính thức được khởi công đúng ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (ngày 26/3/1976), đã mang sức sống và sự hiệt huyết của tuổi trẻ gửi gắm vào công trình.
Lúc bấy giờ, xây dựng hồ Kẻ Gỗ là một việc hết sức khó khăn, bởi đây là một công trình rất lớn, khối lượng công việc “phá đá”, “đào sỏi”, “xẻ núi”, “ngăn sông” hết sức đồ sộ. Theo thiết kế ban đầu, xây dựng hồ Kẻ Gỗ dài gần 30 km, có sức chứa 345 triệu mét khối nước, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ và phải làm mất 10 năm mới hoàn thành, nhưng trong điều kiện đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, các loại thiết bị, máy móc đều thiếu thốn, phải dùng sức người là chính, trong khi cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nơi ở chỉ là những lán trại đơn sơ.
Trên công trường thường xuyên có khoảng 10 nghìn đội viên thủy lợi, hàng chục nghìn lượt người huy động đột xuất từ các hợp tác xã, khu phố, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, quân đội của Hà Tĩnh và Nghệ An lao động hăng say ngày đêm. Thấu hiểu những sự mệt nhọc của người dân trên công trường và tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, khi nhìn cảnh tượng đồng ruộng bị bỏ hoang vì không có nước tưới, bà con phải chịu cảnh thiếu đói quanh năm, người dân Hà Tĩnh rất nóng lòng và khát khao mong muốn công trình sớm được hoàn thành, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã hết sức trăn trở.
Bằng tình yêu thương nhân dân và tài năng của mình đồng chí đã kịp thời có nhiều quyết sách giúp đỡ Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ, rút xuống còn 6 năm, rồi 3 năm. Không những vậy, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về thăm Hà Tĩnh và trực tiếp đi thị sát công trình hồ Kẻ Gỗ, chỉ đạo khai thác, vận hành và thăm hỏi, động viên những người dân đang làm việc trên công trường và bà con nhân dân vùng lân cận.
Hồ Kẻ Gỗ mùa nước cạn, chiếc cầu dẫn vào hòn đảo nhỏ nơi xây dựng Đền thờ đồng chí Lê Duẩn
Nhờ được sự quan tâm và chỉ đạo của Tổng Bí thư, công trình từ thiết kế ban đầu của người Pháp phải làm mất 20 năm cũng chỉ chứa được 85 triệu mét khối nước, được Việt Nam thiết kế và thi công chỉ mất 3 năm mà có thể chứa hơn 300 triệu mét khối nước, có thể tưới cho hơn 15.000 ha đất canh tác vốn khô cằn, hạn hán của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh, trở thành những cánh đồng tươi tốt có thể sản xuất 2-3 vụ trong năm, đồng thời còn góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du, giúp bà con ổn định cuộc sống, không còn phải lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về.
Ngày 3/2/1979, hồ Kẻ Gỗ đã làm lễ mở nước đợt đầu, hàng nghìn nông dân các huyện bất chấp trời mưa gió, rét mướt đã kéo nhau ra hai bên bờ kênh để đón dòng nước ngọt trong niềm vui khôn tả và tràn ngập niềm hạnh phúc.
Đến ngày 26/3/1980, công trình hồ Kẻ Gỗ khánh thành, theo các tuyến kênh chính dài 250 km, nước từ hồ đã chảy về, đã biến một vùng quê nghèo từ nay đã bắt đầu thay da đổi thịt.
Có thể nói, công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ là minh chứng cho việc ý Đảng hợp lòng dân, với quyết tâm sắt đá và ý chí tự lực, tự cường, không chịu khuất phục trước đói nghèo và sự khắc nghiệt của tự nhiên. Dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng, do đồng chí Lê Duẩn làm Tổng Bí thư, Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung, Hà Tĩnh nói riêng lúc bấy giờ đã làm nên kỳ tích, xây dựng nên một hồ thủy lợi kỳ vỹ cho đến tận ngày nay.
Bằng tấm lòng thành kính và sự biết ơn Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với mảnh đất và con người Hà Tĩnh, đặc biệt là với công trình thủy lợi hồ Kẻ Gỗ, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ công ơn đồng chí ngay trên công trình này, tại điểm dừng chân của Tổng Bí thư khi về thị sát công trình - một hòn đảo giữa lòng hồ, mà giờ đây bà con nhân dân trìu mến gọi với cái tên “Đảo cụ Duẩn”.
Bùi Nhung