Tạm ước Việt- Pháp 14/9/1946 được ký kết giữa đại diện Cộng hòa Pháp là Marius Moutet và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chủ tịch Hồ Chí Minh.Tạm ước có ý nghĩa thế nào đối với tình thế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó ?
Vì sao ta ký “Tạm ước Việt- Pháp”
Từ ngày 19/4 đến ngày 11/5/1946, tại Đà Lạt, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức một hội nghị trù bị, gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt và Pháp. chuẩn bị Hội nghị Fontainebleau (Paris) sẽ chính thức khai mạc vào tháng 7/1946.
Ngày 31/5/1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu khởi hành sang Pháp tham dự Hội nghị Fontaineblau.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên đường thăm Cộng hòa Pháp.
Hội nghị Fontainebleau sau đó diễn ra kéo dài hơn 2 tháng, từ ngày 6/7/1946 đến ngày 10/9/1946, nhưng không đem lại kết quả cụ thể nào vì hai bên đã bế tắc ở hai điểm bất đồng then chốt, đó là: 1)Việc thống nhất ba kỳ: Bắc, Trung, Nam; 2) Trao trả độc lập cho nước Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với Đảng Cộng sản, các tầng lớp nhân dân Pháp, đại biểu Việt kiều, các nhân sĩ, trí thức, một số người đứng đầu các đảng phái ở Pháp. Người ra sức tuyên truyền, làm sáng tỏ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, nâng cao uy tín quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tỏ rõ thiện chí hòa bình trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền và thống nhất của dân tộc.
Do thái độ ngoan cố và hiếu chiến của phía Pháp, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp tại Fontainebleau không đi đến kết quả mong muốn.
Để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nán lại thêm ít ngày nữa trên đất Pháp để tiếp tục cuộc thương lượng với Chính phủ Pháp.
Ngày 12/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet một dự thảo gồm 11 điểm.
Ngày 14/9/1946, Marius Moutet gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một dự thảo của Pháp.
1 giờ sáng 15/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet đã ký bản Tạm ước (modus vivendi) Việt – Pháp 14/9/1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946 (Ảnh tư liệu)
Nội dung cơ bản và ý nghĩa của Tạm ước 14/9
Tạm ước 14/9 đã làm cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ thiện chí hòa bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mặc dù phải nhân nhượng thêm về quyền lợi kinh tế, văn hóa.. cho Pháp, song Việt Nam đã kiên trì quan điểm độc lập trong Liên hiệp Pháp, cam kết quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ, khẳng định đàm phán sẽ tiếp tục, ngừng bắn ở Nam Bộ từ ngày 30/10/1946: “Hai bên sẽ đình chỉ hết mọi hành động xung đột và võ lực”. Hai bên cam kết tôn trọng các quyền tự do dân chủ; Pháp sẽ thả những người yêu nước Việt Nam bị bắt giữ; hai bên sẽ quyết định thể thức về trưng cầu dân ý ở Nam Bộ; Vệt Nam sẽ trả lại các tài sản của người Pháp đã bị tịch thu, sẽ tôn trọng tài sản và cơ sở kinh tế của người Pháp và cho phép họ hưởng các quyền tự do tương tự như cáccông dân Việt Nam kể cả quyền tự do kinh doanh và sẽ ưu tiên sử dụng các cố vấn và chuyên gia Pháp; Việt Nam sẽ cho phép các cơ quan giáo dục, khoa học Pháp được tự do hoạt động, trả lại Viện Paster ở Hà Nội cho Pháp; Việt Nam đồng ý coi đồng bạc Đông Dương là đồng tiền duy nhất cho toàn Đông Dương và đồng ý sẽ lập một liên minh hải quan với các thành viên khác của Liên bang Đông Dương…
Tạm ước 14/9 quy định hai bên sẽ tiếp tục cuộc đàm phán chậm nhất là tháng 1/1947. Tạm ước 14/9 chứa đựng những nhân nhượng cao nhất về kinh tế, thương mại mà Chính phủ Việt Nam có thể dành cho Pháp. Đó là những nhân nhượng cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta có thể cam kết. Nếu nhượng bộ thêm nữa sẽ vi phạm đến độc lập, chủ quyền tối cao của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới sân bay Le Bourget ở Paris ngày 22/6/1946 (Ảnh tư liệu)
Nội dung của bản Tạm ước 14/9 là sự thỏa thuận tạm thời giữa ta và Pháp về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận. Chính phủ Pháp phải thi hành các quyền tự do, dân chủ và phải ngừng bắn ở Nam Bộ; Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tạm thời nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hóa ở Việt Nam.
Tạm ước 14/ 9 là một sách lược ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nội dung Tạm ước 14/9 là một sự thỏa thuận có tính chất tạm thời về một số vấn đề về kinh tế, tài chính, văn hóa, còn hiệp định tổng thể và dứt khoát sẽ được thương lượng trong những cuộc đàm phám vào đầu năm sau.
Tạm ước 14/9 thể hiện sự nhạy bén, tư duy sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ sở để chúng ta có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, chứ không phải tư tưởng “sợ Pháp” hay đầu hàng thực dân Pháp như một số phần tử phản động đang ra sức xuyên tạc, vu cáo nhằm hạ thấp vai trò của Đảng, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đánh giá chủ trương ký Tạm ước 14/9 và trước đó là Hiệp định Sơ bộ 6/3, Chủ tịch Hồ chí Minh cho rằng: “Việc này cũng làm cho nhiều người thắc mắc và cho là chính sách quá hữu. Nhưng các đồng chí và đồng bào Nam Bộ lại cho là đúng. Mà đúng thật. Vì đồng bào và đồng chí ở Nam Bộ đã khéo lợi dụng dịp đó để xây dựng và phát triển lực lượng của mình.
Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình. Dù thực dân Pháp đã bội ước, đã gây chiến tranh, nhưng gần một năm tạm hòa bình đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực lượng căn bản”[1].
Trong tình thế lúc bấy giờ, Tạm ước 14/9 chưa thỏa mãn ý nguyện của Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam, nhưng đó thật sự là động thái ngoại giao khéo léo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự mềm dẻo trong sách lược, cứng rắn trên nguyên tắc, đây là bước đi cần thiết, biến thời gian thành lực lượng vật chất, củng cố thực lực một cách toàn diện chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một mẫu mực tuyệt vời về sự nhân nhượng có nguyên tắc để giữ hòa bình.
75 năm đã qua, ý nghĩa của Tạm ước 14/9 vẫn còn nhiều giá trị lịch sử.
Đặng Hoàng
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 27-28.