Vừa được hưởng không khí độc lập chưa đầy một tháng, nhân dân Nam Bộ đã phải đương đầu với cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp. Với ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, nhân dân Nam Bộ đã đại diện cho dân tộc Việt Nam trong cuộc đối đầu với các thế lực thực dân hiếu chiến sau ngày độc lập không lâu
Tham vọng của thực dân Pháp
Mặc dù phải lưu vong sang châu Phi, Chính phủ lâm thời do tướng Ch. de Gaulle đứng đầu vẫn không từ bỏ tham vọng quay trở lại tái lập ách thống trị thực dân ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong trường hợp Nhật Bản thua trận tại châu Á.
Ngày 1-2-1944, Ch. de Gaulle lập ra Lực lượng Viễn chinh Pháp ở Đông Dương do Tướng Blaizot chỉ huy, chuẩn bị cho việc chiếm lại Đông Dương làm thuộc địa.
Sau khi nước Pháp thoát khỏi ách chiếm đóng của Đức, Chính phủ lâm thời của Ch. de Gaulle chuyển về Paris. Ngày 12-9-1944, Ch. de Gaulle chỉ định tướng Mordant làm Tổng đại diện của Chính phủ Pháp ở Đông Dương.
Ủy ban Hành động giải phóng Đông Dương được thành lập vào cuối năm 1944, do Bộ trưởng Bộ Thuộc địa René Pleven cầm đầu. Sau đó, Ủy ban này được nâng cấp thành Ủy ban Liên bộ về Đông Dương do chính Ch. de Gaulle làm Chủ tịch.
Ngày 24-3-1945, nửa tháng sau cuộc đảo chính của Nhật lật đổ sự cai trị của Pháp ở Đông Dương, Ch. de Gaulle ra bản Tuyên bố Brazzaville, theo đó Đông Dương vẫn thuộc chủ quyền của Pháp, gồm năm xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Campuchia) hợp thành Liên bang Đông Dương nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Ch. de Gaulle hứa sẽ ban cho các xứ ở Đông Dương một số quyền tự trị. Như thế, Việt Nam sẽ không được độc lập và vẫn bị chia cắt làm ba miền.
Nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Ch. de Gaulle ngay lập tức cử Đại tướng Leclerc làm Tổng chỉ huy Đạo quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (16-8-1945), Đô đốc Thierry d’Argenlieu làm Cao ủy Pháp tại Đông Dương (17-8-1945), Cédile và Messmer làm Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Bộ và Bắc Bộ.
Ngày 16-8-1945, Ch. de Gaulle chỉ thị cho Cao ủy d’Argenlieu: “Sứ mệnh hàng đầu của Cao ủy là lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương”.
Mỹ ủng hộ Pháp tái xâm lược Đông Dương
Để thực hiện tham vọng tái chiếm Đông Dương, Pháp cần có sự ủng hộ và giúp đỡ của Mỹ. Vì vậy, ngày 22-8-1945, Ch. De Gaulle bay sang Washington.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mặt trận Việt Minh đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Riêng với Mỹ, Việt Minh đã cung cấp cho tổ chức tình báo Mỹ OSS những tin tức tình báo về lực lượng Nhật ở Đông Dương và đã cứu thoát 17 phi công Mỹ. Tuy vậy, khi thế chiến kết thúc, Chính phủ Mỹ lại cho rằng “một chính phủ ở Đông Dương bị Việt Minh thống trị có thể có hại cho quyền lợi của Mỹ” và chủ trương “loại trừ càng xa càng tốt ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương”.
Mặt khác, Mỹ muốn lôi kéo Pháp về phe mình để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô nói riêng và của phe xã hội chủ nghĩa nói chung ở châu Âu. Vì vậy, tiếp Ch. de Gaulle ngày 24-8-1945 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman hứa: “Trong mọi trường hợp, đối với Đông Dương, Chính phủ của tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quay trở lại xứ ấy” và quyết định cho Pháp vay dài hạn 650 triệu USD.
Ngày 2-9-1945, tại lễ ký văn kiện đầu hàng của Nhật tổ chức ở Tokyo, tướng Mỹ Douglas MacArthur khuyên tướng Pháp Leclerc đem nhiều quân nhất có thể đến Đông Dương trong cuộc tái chinh phục xứ xở này.
Mỹ còn viện trợ vũ khí và cho tàu chở quân Pháp sang Đông Dương.
Anh giúp Pháp thực hiện tham vọng tái chiếm Đông Dương
Vì Anh có nhiều thuộc địa ở châu Á, nên Anh chủ trương “giữ nguyên trạng”, thuộc địa của đế quốc nào trả lại cho đế quốc đó. Do đó, ngày 24-8-1945, Anh ký với Pháp một hiệp ước công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Thiếu tướng Douglas D.Gracey, người cầm đầu 20.000 quân Anh - Ấn ở miền Nam Đông Dương tuyên bố không giấu giếm: “Việc Pháp kiểm soát Đông Dương cả về dân sự lẫn về quân sự chỉ là vấn đề thời gian trong vài tuần lễ mà thôi”.
Để chuẩn bị cho cuộc tái xâm lược, Tướng Gracey lệnh giới nghiêm và thiết quân luật Sài Gòn. Lợi dụng điều đó, Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, quân Pháp - gồm số tù binh được Gracey trang bị súng ống và các đơn vị mới đến - nổ súng vào trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ, trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, Bưu điện, Nhà đèn, Kho bạc, Đài Phát thanh...
Lực lượng quân xâm lược Pháp ở Sài Gòn lúc này có một đại đội thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5e RIC) 600 người, tù binh Pháp tái vũ trang thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11 (11eRIC) 1.500 người, Pháp kiều có vũ trang (500 người). Ngoài ra, thực dân Pháp đã dựa vào quân đội Hoàng Gia Anh (gần 20.000 người) và 7 tiểu đoàn Nhật (5.000 người) để mưu toan đánh chiếm và bình định Nam Bộ trong một thời gian ngắn và dùng Nam Bộ làm bàn đạp đánh chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
Trong báo cáo gửi Hội đồng các tham mưu trưởng Đồng Minh, đô đốc Mountbatten, Tư lệnh quân đội Anh ở Đông Nam Á, thừa nhận: “Ngày 23-9-1945, thiếu tướng Gracey đồng ý để người Pháp tiến hành một cuộc đảo chính (Coup d’État). Được Gracey cho phép, họ đã nắm quyền kiểm soát nền hành chính ở Sài Gòn và thiết lập chính quyền của Pháp”.
Riêng quân đội Anh, trong tháng 9 và tháng 10 năm 1945 đã 4 lần đụng độ trực tiếp với bộ đội Việt Minh.
Nhân dân Nam Bộ đứng lên mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Với lực lượng ít hơn trất nhiều, với vũ khí thô sơ hơn rất nhiều, các lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt quân xâm lược ngay từ đầu.
Trong một trận đánh tại cột cờ Thủ Ngữ, quân đội Anh đã phải ngả mũ, xếp hàng, bồng súng kính phục hương hồn những người lính Việt Minh đã kiên quyết hy sinh để bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng của họ, không cho quân Anh kéo lá cờ tam tài lên.
Giữ vững lời thề “Độc lập hay là chết”, Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai2 chỉ sau 28 ngày đêm được hít thở không khí độc lập tự do. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để Xứ ủy và chính quyền cách mạng chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc chiến đấu mà ai cũng có thể thấy trước là sẽ vô cùng ác liệt và gian khổ. Song trải qua 28 ngày đêm ngắn ngủi ấy, người dân Nam Bộ cảm thấy gắn bó với nền độc lập tự do mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại, quyết tâm chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập tự do ấy.
Nhân dân Nam Bộ đứng dậy kháng chiến bảo vệ nền độc lập non trẻ
(Ảnh tư liệu)
Ngày 23-9-1945 đi vào lịch sử như “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, mở đầu cho cuộc chiến đấu “gian lao mà anh dũng” trong suốt 30 năm của Nam Bộ “đi trước về sau”.
Ngay sáng sớm ngày 23-9-1945, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Đồng chí Hoàng Quốc Việt, đại diện Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự Hội nghị.
Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ”. Sau khi nhắc lại lời thề “Độc lập hay là chết!” trong Lễ Độc lập tại Sài Gòn ngày 2-9-1945, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và kết thúc Lời kêu gọi bằng câu: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.
Công nhân các nhà in khẩn trương in Lời kêu gọi thành truyền đơn, áp phích và ngay từ chiều ngày 23-9 được tán phát trong dân, dán lên tường, lên thân cây... khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, tỉnh Tân Bình, tỉnh Gia Định. Một lượng lớn bản in được cấp tốc chuyển đến khắp các tỉnh Nam Bộ.
Ủy ban kháng chiến Nam Bộ còn cho rải trong những khu vực bị Pháp chiếm truyền đơn bằng tiếng Pháp giải thích chính nghĩa của dân tộc Việt Nam: “Cuộc chiến tranh mà chúng tôi đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, giống như cuộc chiến tranh mà Phong trào kháng chiến Pháp đã tiến hành chống chủ nghĩa Hitler” và kêu gọi người Pháp ở Sài Gòn “đừng chiến đấu cho bọn chủ đồn điền và bọn có cổ phần trong Ngân hàng Đông Dương”.
Ủy ban nhân dân Nam Bộ cũng ra Tuyên cáo kêu gọi “toàn dân hãy đoàn kết bảo vệ quốc gia”, “thi hành triệt để kế hoạch phá hoại và chống quân địch”.
Nhận được điện báo cáo của Nam Bộ, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra ngay Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp... làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục...
Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”.
Ngày 26-9-1945, qua làn sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ” và khẳng định “Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Huấn lệnh của Chính phủ cổ vũ mạnh mẽ lớp lớp quân dân Nam Bộ xốc tới thực hiện lời thề “Độc lập hay là chết!”.
Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí với quyết định của Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ, đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ, quyết định tổ chức những đội quân Nam tiến. Quyết định của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình thế nóng bỏng ở Nam Bộ là kịp thời, đúng đắn thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý chí quyết chiến quyết thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc của nhân dân ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Nam Bộ, tiêu biểu là nhân dân Sài Gòn đã nhất tề đứng dậy chống quân xâm lược, mở ra trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến.
Quỳnh Chi