Nhân Tết Nhâm Dần - 2022, tản mạn đôi chút về những chuyện liên quan đến cọp trong nền văn hóa Việt Nam hẳn đem lại nhiều điều thú vị. Cọp là mãnh thú săn mồi hàng đầu hết sức hung hãn, mạnh mẽ khiến các loài vật khác khiếp đảm, nên được xưng tôn là chúa sơn lâm. Cọp có rất nhiều tên gọi khác nhau như hổ, dần, hùm, hầm, beo, kễnh, khái, kẹ, Ông ba mươi… Nhiều ý kiến cho rằng, người dân rất sợ loài thú dữ này, nhất là nơi rừng sâu núi thẳm, vì vậy, họ thường thêm các chữ “ông”, “ngài” để tỏ lòng tôn kính và kiêng kỵ gọi tên chính thức theo lối “kỵ húy” nên đặt ra nhiều tên khác để mà gọi.
Cọp được xưng tôn là chúa sơn lâm. Ảnh: Internet
Cọp xuất hiện phổ biến nhất ở châu Á nên nhiều nước nơi đây coi đây là biểu tượng của sức mạnh và quyền uy; xem cọp là một linh vật trong 12 con giáp hội tụ nhiều phẩm chất đặc trưng như sức mạnh vô song, sự dũng mãnh, can trường, hiên ngang, lanh lợi. Văn hóa tâm linh người Việt đề cao biểu tượng hổ, tại các đình, miếu, chùa thường chạm khắc hình hổ nhằm thể hiện sự oai nghiêm và linh thiêng. Hình ảnh, tên gọi, tính cách, sức mạnh của loài cọp cũng ảnh hưởng sâu sắc trong văn học nghệ thuật qua những tranh vẽ, các câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao… Hổ còn là tượng trưng cho uy quyền, sự can trường của những dũng tướng nơi trận mạc…
Với người Việt Nam xưa, dù cọp đã đi vào đời sống văn hóa, tâm linh, văn học nghệ thuật… song cọp vẫn là một mối đe dọa, gieo rắc nỗi khiếp sợ trong nhân dân. Bởi vậy, con người tìm nhiều cách xua đuổi hoặc săn bắt loài hổ nhằm đem lại cuộc sống an lành và cũng thể hiện tinh thần dũng cảm, tài năng chiến đấu với mãnh thú. Có nhiều cách thức để bắt hoặc giết hổ, song cách phổ biến nhất là dân làng hoặc thợ săn thường dùng bẫy (có nhiều loại bẫy khác nhau). Đây là cách thức khá an toàn đối với con người khi bắt giữ mãnh thú này, bởi chúa sơn lâm có sức khỏe vô song, ra đòn bằng những cú vồ, tát kinh hồn và cắn cổ đối phương gây sát thương, chết chóc.
Tương truyền, người Sán Dìu ở vùng trung du Bắc bộ có tục đi săn hổ vào mùa xuân hoặc khi phát hiện dấu vết của mãnh thú ở gần bản làng. Họ quan niệm đầu xuân mà săn được chúa sơn lâm sẽ có được sức khỏe và sự may mắn trong năm. Nếu săn được, họ sẽ dùng thịt hổ làm đồ cúng báo công và cầu mong tổ tiên phù hộ cho bản thân và gia đình.
Miền Trung nổi tiếng với truyền kỳ làng săn hổ Thủy Ba (thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Trai tráng trong làng Thủy Ba đoàn kết lại chiến đấu chống mãnh thú, dần dần có kinh nghiệm, bắt được nhiều cọp và trở nên nổi tiếng. Nhờ vậy, nhiều nơi có cọp quấy nhiễu, họ đã mời các thợ săn dũng cảm và thiện nghệ ở Thủy Ba giúp họ bắt cọp. Cũng vì vậy, dưới triều Nguyễn, nhiều lần thanh niên trai tráng làng Thủy Ba được vua ban sắc đi đến những nơi có hổ quấy phá dân chúng để bắt. Theo các cụ già ở làng Thủy Ba, nghề săn hổ “thất truyền” khoảng năm 1943, sau khi giặc Pháp đốt phá hết tất cả các dụng cụ, vũ khí “chuyên dụng” để bắt hổ.
Vùng cận sơn huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam có Hội vây cọp hết sức độc đáo, đặc sắc. Gọi là hội bởi sự tụ hội đông đảo người của nhiều làng, nhiều xã, thậm chí cả tổng, cả huyện tham gia, đã thể hiện tinh thần đoàn kết diệt trừ ác thú. Hội ở đây còn hiểu là ngoài mục đích bắt cọp, còn có tính chất giao lưu, hội hè, đình đám, vui chơi giải trí trong mùa xuân. Hội vây cọp thường diễn ra thời trước năm 1945, vào mùa xuân. Khi phát hiện dấu vết của cọp đang ẩn nấp ở những ngọn núi, đồi gần làng mạc mà có thể tổ chức cuộc vây, các thanh niên trai tráng trong làng sẽ đem các vật dụng săn thú rừng như lưới, phên, rào, giáo, mác… ra vây hãm. Lý hương sẽ cho người đi báo các làng khác, xã khác, báo chánh tổng để được hỗ trợ vây bắt cọp. Điều đặc sắc là không chỉ thanh niên, đàn ông đi vây cọp, mà còn có cả đàn bà, con gái, trẻ em cùng đem rất nhiều đồ đạc đi theo để đóng trại lập hội mùa xuân. Lực lượng vây cọp tiến hành thu hẹp dần vòng vây, cọp bị lưới, rào bủa vây, những lưỡi mác, gậy tầm vông nhọn hoắt đe dọa, chỗ thì thòng lọng, bẫy chờ sẵn. Cộng với các loại âm thanh, nhạc khí gõ lên inh ỏi khiến cho “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Người dân các làng, xã lân cận đi theo tổ chức hội mùa xuân với các hoạt động náo nhiệt như hát hò, diễn tuồng, trò chơi, sòng đánh bạc, chòi bán rượu chè… cứ vậy diễn ra năm, bảy ngày, thậm chí 10 ngày, cho đến khi bắt cọp xong mới giã hội.
Tuy nhiên, đó là chuyện thời xưa, còn thời hiện đại, khi các loại súng đạn trở nên phổ biến thì con người lại chính là nỗi ám ảnh của loài hổ. Hiện nay, quần thể hổ ở Việt Nam suy giảm nghiêm trọng, từ một quốc gia có số lượng hổ khá nhiều, nay đang đối mặt với nguy cơ “tuyệt chủng trong tự nhiên”. Sở dĩ có điều đó, bên cạnh việc mất sinh cảnh sống do rừng tự nhiên bị thu hẹp, hổ ở Việt Nam còn bị săn bắt, buôn bán khó kiểm soát. Nhất là khi, dân gian tương truyền nhiều bộ phận của hổ được dùng làm đồ trang trí, trang sức quý hoặc các loại thuốc bồi bổ sức khỏe tốt. Các thống kê về hổ trong tự nhiên: năm 1970 còn khoảng 400 cá thể, năm 1998 còn khoảng 200 cá thể, năm 2015 chỉ còn dưới 5 cá thể.
Năm 1994, Việt Nam đã tham gia Công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp); đã xây dựng một hệ thống chính sách, văn bản luật và dưới luật về bảo vệ và cấm buôn bán động thực vật hoang dã tương đối đầy đủ; đang có nhiều biện pháp nỗ lực bảo tồn hổ và phục hồi môi trường sống cho hổ. Ngoài ý nghĩa bảo tồn sự phong phú, đa dạng các loài động, thực vật trong tự nhiên theo tinh thần Công ước CITES (một trong những Công ước quốc tế có đông thành viên tham gia nhất: 178 quốc gia), chúng ta cũng gìn giữ, bảo tồn cho các thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng loài vật oai hùng, mạnh mẽ nhất của núi rừng: chúa sơn lâm.
Gìn giữ và phát triển loài hổ cũng là gìn giữ một biểu tượng văn hóa đã thấm sâu vào tâm thức nhân dân, vào thế giới tâm linh, trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam… Và cũng là để gìn giữ một linh vật trong 12 con giáp còn hiện tồn, sinh trưởng và phát triển chứ không chỉ có trong huyền thoại, sử sách và các tác phẩm nghệ thuật./.
Đình Anh