Là một bộ phận quan trọng của đất nước với hơn 50% dân số và gần 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước đã được các cấp hội phụ nữ cụ thể hóa đến cơ sở. Từ đó, nhiều mô hình hay, phong trào thiết thực đã xuất hiện, được triển khai và nhân rộng có hiệu quả trên các lĩnh vực như: xóa đói giảm nghèo, giúp vốn phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới-đô thị văn minh…
Các phong trào thi đua đó không chỉ giúp chị em phụ nữ có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, cải thiện thu nhập, làm giàu trên quê hương mà còn giúp giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; cải thiện bộ mặt nông thôn, đô thị. Thông qua các phong trào đó, vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên khẳng định mình trong gia đình và xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%.
Tuy vậy, so với nam giới, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, các chị luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, cơ hội học tập, việc làm để chăm lo gia đình. Định kiến giới dù đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng có lúc, có nơi, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn trong nhiều gia đình. Phụ nữ không được ưu tiên trong các lựa chọn về học tập, cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến trong sự nghiệp. Tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, ở một số nơi, cách thức tổ chức phong trào thi đua, cuộc vận động của phụ nữ còn mang tính hình thức, chưa hấp dẫn, chưa thiết thực. Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm; thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn về đời sống, việc làm của hội viên, phụ nữ tại một số địa phương còn hạn chế. Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong một số lĩnh vực, đối tượng phụ nữ còn chậm. Vai trò đại diện cũng như việc lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong một số vụ việc xâm hại chưa thực sự mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả...
Để phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, ngày càng đi vào thực chất trong thời gian tới, các cấp Hội cần đa dạng hóa nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; nắm vững tình hình và xử lý tốt các vấn đề phát sinh từ cơ sở, tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Các cấp Hội cần tích cực tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ; luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; đa dạng hóa các hình thức tập hợp để thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia Hội. Về phần mình, mỗi chị em phụ nữ cần xóa bỏ tâm lý tự ti, an phận, nỗ lực vươn lên tự khẳng định mình trong gia đình và xã hội. Có như vậy, công tác bình đẳng giới mới đạt hiệu quả cao. Vai trò của phụ nữ mới càng được coi trọng.
Đó cũng là những yêu cầu đặt ra cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Đại hội này. Tin tưởng rằng, Đại hội sẽ đề ra được những mục tiêu, giải pháp mang tính đột phá hơn nữa, đưa phong trào phụ nữ ngày càng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.
Nguyễn Đức