Mạng xã hội là một thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ, là sản phẩm tiến hóa của con người, là tiêu chí đánh giá văn hóa, văn minh nhân loại, trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.
Tham gia mạng xã hội, có đủ thành phần, nhiều cung bậc cảm xúc, với muôn vàn thái độ, động cơ, âm mưu, thủ đoạn, dụng ý. Phần đông, họ tham gia mạng xã hội vì mục đích kết nối bạn bè, tìm kiếm thông tin, chia sẻ cảm xúc, tận dụng cơ hội kinh doanh online. Song, cũng có người lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi trái pháp luật, giăng chiêu trò lừa đảo, tuyên truyền xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo đảng, Nhà nước. Lại có một bộ phận ảo tưởng nghĩ rằng, mạng xã hội là cái sân nhà mình, nên muốn làm gì, nói gì, thậm chí chửi gì là tùy sở thích, không hề biết mình đang vi phạm pháp luật!
Thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để chống phá cách mạng, quấy nhiễu cuộc sống bình yên của nhân dân, đã là điều hết sức nguy hại, cần phái đấu tranh ngăn chặn, xử lý. Song, lại có những kẻ nhân danh “công dân dám đương đầu với cái xấu”, “doanh nhân có nhiều đóng góp từ thiện”… dùng mạng xã hội để chửi bới, văng tục, xúc phạm danh dự, uy tín người khác. Sau mỗi lần Livestream như thế, họ lại hả hê khoái chí, phấn chấn, nhảy hát, tiệc rượu “ăn mừng” như vừa đạt được thành tích, chiến công. Cũng còn vô số hành vi phản văn hóa trên mạng xã hội: khiêu dâm, chửi thề, bạo lực, vẽ trò trộm cướp, gạ tình, bán dâm… làm cho mạng xã hội thêm rác. Rồi lại có người mỗi khi đi đâu, làm gì, mua bán cái gì, nấu nướng món gì cũng tung lên mạng khoe.
Ăn theo những kẻ chửi đổng trên mạng xã hội là những cá nhân, nhóm người không có chính kiến, thiếu bản lĩnh, khiếm khuyết văn hóa, hùa vào để tung hô, tâng bốc, thậm chí còn tấn công những chính kiến lên án hành động vi phạm của “thần tượng”. Trong số đó, lắm kẻ có học hàm, học vị, công tác ở cơ quan có danh tiếng. Bởi vậy, dư luận xã hội băn khoăn, đặt ra câu hỏi: phải chăng, mạng xã hội là cái ao nhà của kẻ tiền nhiều, thiếu hiểu biết pháp luật, nhiễu loạn về thuần phong mỹ tục, ảo tưởng sức mạnh biến thành phương tiện cá nhân, tùy hứng vung tay, múa miệng mà không cần biết nghĩ đến hậu quả của hành động phi pháp?
Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu cư dân mạng cần có hiểu biết và tuân thủ pháp luật, tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi tương tác, đặc biệt là việc đăng tin, ảnh, viết nhận xét, bình luận, chia sẻ… cần phải được suy nghĩ, cân nhắc thận trọng, có khách quan, trên tinh thần xây dựng, hướng tới văn hóa, văn minh. Đứng trước thông tin trên mạng xã hội, cần có tư duy phản biện, lập luận logic để kiểm chứng độ tin cậy; cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chia sẻ, tránh hiện tượng “tay nhanh hơn não” đưa ra nhận xét, bình luận không đúng sự thật hoặc vô ý tuyên truyền truyền cho địch.
Là người Việt, khi tham gia mạng xã hội, cần có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ trong sáng của tiếng Việt, nhân lên sự hiểu biết pháp luật. Nếu có trách nhiệm với dân, với nước, cần tranh thủ tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) và bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021) để cho nhiều người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội. Cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cần phát huy vai trò nêu gương, mẫu mực về văn hóa khi tham gia mạng xã hội; tích cực phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức, cơ quan, nhà trường và gia đình trong xây dựng, xử lý vi phạm văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Mỗi một người nên cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, chú ý điều chỉnh hành vi ứng xử văn hóa trên mạng xã hội, chắc chắn môi trường mạng xã hội sẽ lành mạnh hơn, người sử dụng mạng cảm thấy an tâm, được bảo vệ, quyền tiếp cận các thông tin sạch của người dân không bị hạn chế. Theo đó, thế lực thù địch ngày càng hết đất dụng võ!
Lê Mật