Người Đan Lai sinh sống ở vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát thuộc xã miền núi Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là một nhóm địa phương của dân tộc Thổ, sống tập trung ở đầu nguồn các con khe như khe Khặng (xã Môn Sơn), khe Nóng, khe Bu (xã Châu Khê), khe Mọi (xã Lục Dạ),… Trong quá trình di cư từ vùng Thanh Chương lên vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát, đồng bào Đan Lai hoà nhập vào môi trường mới, sống gần gũi với cộng đồng các dân tộc khác như người Kinh, người Thái và có quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá với các tộc người nơi đây giúp cho người Đan Lai sớm thể hiện sự linh hoạt trong ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội để phù hợp với cuộc sống ở nơi cư trú mới.
Vợ chồng người Đan Lai tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (Ảnh do tác giả cung cấp)
Theo truyền thuyết của người Đan Lai, hàng trăm năm trước, người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh sinh sống ở huyện Thanh Chương. Do bị một bạo chúa trong vùng bắt phải nộp 100 cây nứa bằng vàng nhưng họ không tìm được nên sợ bị giết hại đã phải bồng bế, dắt nhau rời làng trốn vào rừng sâu. Họ ngược dòng sông Giăng đi tới nơi sơn cùng thuỷ tận đến khi tối mịt, cả đoàn người mệt mỏi mới dám tựa vào gốc cây, hang đá nghỉ lưng chờ trời sáng để đi tiếp. Điểm dừng chân cuối cùng của họ là một vùng núi non hiểm trở, cây cối hoang sơ, không có một dấu chân người, đó là vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát bên dòng sông Giăng đầy thác ghềnh hung dữ. Cuộc chạy trốn đầy bi thương này đã đẩy tộc người này cách ly với đời sống xã hội đương đại của dân tộc khiến họ rơi vào cảnh bần cùng, khốn khó giữa chốn rừng thiêng, nước độc. Để tồn tại và duy trì cuộc sống, họ phải sinh sống hái lượm và phải chấp nhận hôn nhân cận huyết. Hằng ngày họ phải vạt cây gỗ để làm dụng cụ săn bắt, hái lượm, lấy vỏ cây rừng làm khố, đào củ mài, tìm củ nâu trong rừng để sống qua ngày. Trong quá trình sinh sống, người dân đã dần dần tiếp xúc với một số dân tộc thiểu số khác như người Thái, người Thổ và tiếp nhận thêm vào tiếng mẹ đẻ của mình các từ ngữ của các dân tộc khác để che giấu thân phận và nguồn gốc của mình. Họ tự đặt tên cho dòng họ của mình là Đan Lai.
Nhà của người Đan Lai ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tộc người Đan Lai có nhiều tập tục lạ lùng như ngủ ngồi, đẻ ngồi,… Đây là những tập tục ăn sâu vào máu thịt từ người già đến trẻ con trở thành thói quen của người Đan Lai. Trong đó, tục ngủ ngồi là tập tục độc đáo, khác biệt của người Đan Lai.
Do trước đây người Đan Lai chủ yếu sống du canh du cư, di chuyển nhiều nơi sinh sống trong rừng, để tránh sự tấn công của thú dữ và sợ quan quân truy đuổi nên khi ngủ người Đan Lai thường quây quần bên bếp lửa và lấy khúc gỗ dựa vào cằm để ngồi ngủ. Khi ngủ ngồi, người Đan Lai có thể gục mặt xuống đầu gối hoặc có thể dùng một hoặc hai chiếc gậy, nắm tay trên đầu gậy và gục mặt xuống ngủ. Trước mặt luôn là đống lửa vừa để sưởi ấm vừa soi rọi ánh sáng, vừa giúp mọi người canh chừng thú dữ và sẵn sàng chống chọi với muông thú hoang dã khi bị tấn công. Lâu dần thành thói quen, ngủ ngồi đã thành một tập tục của người Đan Lai. Tục ngủ ngồi đã tồn tại và ăn sâu vào tâm trí của người Đan Lai. Trẻ con lớn lên chỉ cần biết ngồi vững là đã phải học cách ngủ ngồi. Người Đan Lai không chỉ ngủ ngồi quanh bếp lửa mà còn có thể ngủ trên cây để tránh thú dữ mỗi khi đi săn bắt, hái lượm không kịp về bản. Do đó, người Đan Lai dù có dựng nhà gỗ to thì mọi người vẫn duy trì tục ngủ ngồi và không có thói quen nằm giường. Từ những đêm ngồi mải miết bên đống lửa, những người Đan Lai còn sáng chế ra một bài cúng dành cho tổ tiên của mình với tên “Xin Lộ Ma Nha” - nghĩa là an nghỉ muôn đời. Trong bài cúng có đoạn: “Hỡi những âm hồn xấu xa của tên bạo chúa đừng bao giờ đến bên linh hồn ông cha ta/ Góc rừng và những bước chân trên mảnh đất này sẽ bám lại mãi không thôi/ Hỡi dấu chân nai, đi gieo hạt lúa/ Theo dấu chân hổ, đi trồng hạt ngô/ Lang thang đầu suối, bâng khuâng lưng đèo/ Sống đời nghèo khổ/ Như dòng suối nhỏ/ Như gió rừng chiều/ Như những giấc mơ/ Người về bến đổ, suối reo hát ca/ Hỡi những cánh chim hãy về làm bạn…”.
Tục ngủ ngồi của người Đan Lai (Ảnh do tác giả cung cấp)
Hiện nay được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, người Đan Lai đã thay đổi phương thức sản xuất làm lúa nước, trồng trọt và chăn nuôi,… nên người Đan Lai đang đổi thay tích cực và tự tin hòa nhập với các dân tộc anh em. Do đó, tập tục ngủ ngồi của Đan Lai đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, tập tục này vẫn được người Đan Lai tái hiện lại trong những nghi lễ, lễ hội truyền thống và trở thành một điểm nhấn thu hút sự quan tâm của khách tham quan du lịch.
Khánh An