Tháng ba, khi những cánh hoa gạo rải thảm đỏ lên đường làng ngõ xóm, khi gió xuân mang chút se lạnh cuối cùng an ủi nàng Bân, thì các gia đình người Việt lại nô nức đón tết Hàn Thực trong niềm vui sum họp.
Bánh trôi bánh chay, món bánh truyền thống trong ngày tết Hàn Thực. Ảnh minh họa
Có giả thuyết cho rằng, tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tương truyền, đời Xuân Thu (770 - 221 TCN) ở Trung Hoa, vua Tấn Văn Công gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, được một hiền sĩ trung thành là Giới Tử Thôi phò giúp. Có những ngày khốn cùng, thần tử đó đã cắt thịt của mình để dâng lên vua làm thức ăn qua cơn đói khát. Nhờ thế, nhà vua đã vượt qua đại nạn và sau này giành lại được ngôi báu. Tuy nhiên, khi phong thưởng cho người có công, vua lại quên mất công thần Giới Tử Thôi. Tấn Văn Công ân hận, sai người triệu vời Tử Thôi về triều nhận công ban thưởng nhưng lúc này Tử Thôi đã cùng mẹ vào núi Điền Sơn quy ẩn, không màng danh lợi. Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng để ép Tử Thôi, nhưng Thôi vẫn kiên quyết không ra, cùng mẹ nằm lại trong rừng lửa. Nhà vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian, vào dịp đó hàng năm phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3.3 đến mồng 5.3 âm lịch). Từ đó ngày mùng 3.3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực (tết ăn đồ nguội).
Chưa có tại liệu thực sự đáng tin cậy để khẳng định tết Hàn Thực của người Việt chúng ta hôm nay có phải có nguồn gốc từ Trung Hoa hay không. Do vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam nằm ở cửa ngõ giao liên giữa Bắc và Nam, Đông và Tây, lục địa và hải đảo…, nên văn hóa Việt Nam ngay từ sớm đã có điều kiện giao lưu, tiếp xúc, tiếp biến với các nền văn hóa khác trên thế giới. Nhưng vốn dĩ sớm có một nền văn hóa bản địa phát triển rực rỡ “phi Hoa”, “phi Ấn”, với phẩm chất linh hoạt, cởi mở, khả năng thích ứng cao, nền văn hóa Việt Nam đã có quá trình tiếp biến văn hóa linh hoạt, biến cái ngoại sinh thành cái nội sinh, phù hợp với tâm hồn, cốt cách của dân tộc Việt. Và điều đó cũng giúp ta khẳng định rằng, cho dù tết Hàn Thực (cũng như một số lễ tết khác) có nguồn gốc từ Trung Hoa thì cũng đã có sự biến đổi nhất định cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người Việt, với phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết Hàn Thực xưa nay vẫn luôn ấm tình người Việt.
Bánh trôi ngũ sắc. Ảnh minh họa.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, tết Hàn Thực của người Việt không liên quan đến Giới Tử Thôi. Nếu bánh trôi bánh chay với người Trung Hoa chỉ gắn liền với phong tục ăn đồ ăn nguội và chay tịnh, để nhớ về công trạng và thương xót cho số phận của một nhân vật truyền thuyết dã sử, thì với người Việt, nó lại là biểu tượng gắn với cội nguồn gốc rễ thiêng liêng của cả dân tộc, giống nòi. Những chiếc bánh trôi, bánh chay dẻo dính nằm kề sát bên nhau trên chiếc đĩa tròn quần tụ như hình bóng “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ, nhắc nhớ cháu con về cội nguồn người Việt và tình đoàn kết, gắn bó theo nghĩa đồng bào ruột thịt muôn đời thắm thiết của ngàn ngàn lớp lớp người Việt Nam. Nhiều sự tích cũng truyền rằng, nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương dựng nước, trở thành phong tục đẹp được đời đời kế tiếp truyền lại đến ngày nay, dù trải bao thăng trầm, biến thiên vẫn không hề đứt đoạn và phai nhạt.
Mặt khác, Tết Hàn Thực của người Việt gắn liền với tiết Thanh Minh, là dịp để con cháu dù gần xa, đến ngày mùng 3.3 âm lịch cũng cố gắng về nơi quê hương bản quán, cùng nhau tảo mộ gia tiên, cùng nhau thăm nom bố mẹ ông bà, cùng gia đình vui sum họp. Tết Hàn thực với người Việt là dịp để cháu con tưởng nhớ công lao của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, nên mang vẻ đẹp của văn hóa gia đình Việt Nam.
Không chỉ gợi nhớ về cội nguồn, những chiếc bánh nhỏ xinh, tròn trịa, trắng ngần, trải qua bao công đoạn nhào nặn, bao đợt sôi trào trong nước “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” khiến người ta liên tưởng đến thân phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam cũng như dân tộc Việt Nam vừa đau thương vừa anh hùng, trải qua bao thác ghềnh thử thách vẫn tự tin, tỏa sáng và sống cuộc sống xứng đáng…
Nói tết Hàn thực ấm tình người Việt, còn bởi người Việt ăn đồ chay, đồ nguội theo cách riêng của mình. Vào ngày 3.3, cũng như người Trung Hoa, người Việt Nam vẫn có tục ăn đồ chay, đồ nguội. Nhưng ở trong mỗi căn bếp gia đình Việt, vào những ngày này, vẫn không kiêng lửa. Bánh trôi, bánh chay được làm bằng bột nếp nhân đường và đỗ xanh, nấu chín rồi để nguội mới đem thưởng thức, cũng là một cách để ăn đồ nguội, đồ chay.
Món bánh này cũng được người Việt làm theo cách rất riêng. Bánh được làm từ nguyên liệu chính là những hạt gạo tẻ trộn gạo nếp, thường là nếp cái hoa vàng đặc sản của nông thôn Việt Nam với mùi hương thơm lừng, ngây ngất như mang cả hương vị thanh trong của đất trời. Mỗi nguyên liệu cần chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng mới có thể cho ra đời những chiếc bánh thơm ngon như ý muốn. Bột gạo nước sau khi xay xong sẽ được làm khô, viên lại thành những viên tròn. Sau đó, để làm bánh trôi, người ta sẽ nhồi nhân đường rồi viên tròn lại. Còn bánh chay sẽ được nhồi nhân đỗ xanh đã được nấu chín. Bánh làm xong sẽ thả vào nồi nước sôi to lửa, và đun sôi nhiều lần cho đến khi nào bánh nổi lên mới đạt yêu cầu. Khi bánh chín liền được vớt ra và chuyển ngay vào nước nguội để bánh nguội và không bị dính. Công đoạn cuối cùng là bày bánh ra đĩa, trang trí tùy sở thích và gu thẩm mỹ của mỗi người, nhưng thường phải bọc bằng lớp mỏng vừng rang dậy mùi và vài sợi dừa nạo trắng tinh. Còn những chiếc bánh chay được làm thêm nước dùng từ đường, bột sắn dây… để tăng độ ngọt và độ sánh.
Hai loại bánh này ăn ngon nhất khi để nguội. Cái cảm giác được cắn những chiếc bánh trắng, mềm, dẻo rồi từ từ nhai chậm rãi để tận hưởng vị ngọt thanh của đường phèn, vị bùi bùi của nhân đỗ xanh, vị thơm lừng của vừng rang chín tới, vị béo ngậy của cùi dừa non… thật khiến người thưởng thức có cảm xúc thú vị vô cùng. Ngày nay, với sự khéo léo sáng tạo của đôi tay người phụ nữ Việt, bánh trôi bánh chay còn được tạo màu ngũ sắc, trông thật hấp dẫn, sinh động. Đó là màu xanh của dứa, màu đỏ của gấc, màu tím từ khoai môn, màu trắng từ bột nếp, màu vàng nhạt của vừng… và cả nhân bí đỏ, đậu đỏ,… mang đến những đĩa bánh vừa mang mùi vị đặc trưng của cha ông lại bắt mắt, tinh tế.
Mâm cúng tết Hàn Thực. Ảnh minh họa.
Tết Hàn thực ngày nay phổ biến nhất ở khu vực miền Bắc với các tỉnh thành xung quanh Hà Nội. Và trong từng mâm cỗ cho ngày Tết Hàn thực mỗi gia đình ở từng vùng miền cũng có chút khác biệt. Các gia đình miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng cúng Tết Hàn thực bằng món bánh Coóng phù giống bánh trôi đồng bằng Bắc Bộ nhưng khi ăn có chan thêm nước. Còn với người miền Nam, Tết Hàn thực đơn giản hơn khi chỉ dùng món chè trôi nước với nước dừa thơm nhưng cũng đủ làm nên nỗi nhớ cho người con xa xứ.
Món bánh trôi, bánh chay được khéo léo làm ra rồi cẩn trọng đặt lên bàn thờ gia tiên là một cách để người Việt tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục, nhớ về cội nguồn gốc rễ của mình, cũng là khát vọng về mái ấm gia đình tràn ngập yêu thương nơi đó có bàn tay dịu hiền của người vợ, người mẹ. Cùng với món bánh đặc trưng, trên ban thờ mỗi gia đình còn thêm mâm ngũ quả và bình hoa thơm cho bàn thờ ngày Tết Hàn thực thêm hoàn mỹ. Mâm cỗ thanh tao và trang trọng dâng lên bàn thờ gia tiên đó như sợi dây tâm linh kết nối các thế hệ trong gia đình Việt, là phong tục đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, cần được gìn giữ và phát huy sâu rộng trong cộng đồng người Việt.
Quang Hoa