Sau những ngày Tết Nguyên Đán trọng đại, với đủ tiệc tùng, hội ngộ, lễ nghi…, những tưởng Tết Nguyên Tiêu (hay còn gọi là Rằm tháng Giêng, tết Thượng Nguyên, được bắt đầu từ đêm 14 và ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm) không còn được quan tâm nữa. Thực tế trong truyền thống và tâm thức người Việt, đây là ngày tết quan trọng mà mọi nhà, mọi người không hề lơ là.
Đi chùa lễ Phật vào ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: Internet
Dân gian ta có câu: “Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng”, hay: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, đã khẳng định vai trò của lễ tết này. Đây là ngày rằm quan trọng và linh thiêng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, gắn với những biểu tượng và ý nghĩa đặc biệt.
1. Lễ hội nông nghiệp
Nếu tết Nguyên Đán chủ yếu diễn ra trong không gian gia đình, họ tộc thì tết Nguyên Tiêu mở ra ở không gian cộng đồng, gắn liền với tập quán của cộng đồng người dân làm nghề nông trồng lúa nước. Sau một năm lao động vất vả, nhân dân tự thưởng cho mình một thời gian ngắn để nghỉ ngơi, du xuân, để sau đó tiếp tục bước vào mùa vụ cấy cày cho năm mới. Vào dịp này, nhiều nơi thường mở hội làng, với nhiều hoạt động lý thú như thả hoa đăng, đua thuyền bơi chải, đấu võ, múa, hát…
Lúc này đang tiết Lập xuân, trời ấm, hoa nở, sâu bọ phát triển, lan rộng khắp nơi phá hoại hoa màu. Vì vậy công việc cần thiết của nông dân lúc này là diệt sâu bọ. Đến tối ngày Rằm tháng Giêng, người ta sẽ ra đồng đốt cây, cỏ, lá khô để diệt sâu bọ bảo vệ mùa màng.
2. Lễ hội Phật giáo
Ở nước ta, tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Người theo đạo Phật tin rằng, vào ngày này, đức Phật giáng lâm tại các chùa chiền để chứng độ lòng thành của các tín đồ Phật giáo. Vào ngày này, chùa nào cũng ngào ngạt khói hương, tấp nập người lễ bái, tăng ni Phật tử tề tựu đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Họ lấy ngày này để tưởng nhớ đức Phật…
Hoạt động lễ hội trong ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: firstvietnam.vn
3. Ngày hội anh tài
Có ý kiến cho rằng, tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ tết Trạng Nguyên của người Trung Hoa. Vào ngày này, triều đình triệu vời các Trạng nguyên và những người đỗ đạt cao trong cả nước về kinh hội họp, đãi yến tiệc trong vườn Thượng Uyển. Nước ta thời phong kiến, tết Nguyên Tiêu cũng là dịp hội tụ anh tài. Cổ sử ghi lại thời vua Lê Thánh Tông, Tết Trạng nguyên được tổ chức một cách trọng thể ở kinh thành Thăng Long, khắp cả trong cung ngoài phố múa hát đàn ca tưng bừng, cờ hoa trang hoàng rực rỡ. Các nho sĩ cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, thi thố tài năng của mình bằng cách làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối, thổi sáo chơi đàn… nhằm ca ngợi ân đức của hóa công, vua chúa và triều đại.
Một số gia tộc, vào ngày rằm tháng giêng, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên ở nhà thờ họ. Qua đó, giáo dục cháu con về truyền thống học hành và sự hưng vượng của dòng họ, khuyến khích đạo học và khát vọng thành tài.
Với truyền thống trọng tài hiếu học, ngày tết Nguyên Tiêu ở nước ta đã được coi là dịp để tôn vinh hiền tài và sự học.
4. Tết muộn
Theo phong tục của người Việt, sau tết Nguyên Đán, dư âm của tết và việc đón chào năm mới vẫn còn nhiều, người dân tổ chức tết Nguyên Tiêu như một hình thức “ăn tết lại”. Nhiều vùng miền còn gói lại bánh chưng và tổ chức các hoạt động tế lễ, vui chơi như tết chính. Một số gia đình khá giả vẫn còn điều kiện và thú vui ăn tết kéo dài, chơi mai, đào nở muộn.
Hay những người có cảnh ngộ éo le, đặc biệt như ốm đau bệnh phát, có tang tế hoặc tha phương chưa kịp về quê đón xuân, vui tết… thì đợi đến ngày này để được ăn tết bù... Vì vậy, nó còn được gọi bằng cái tên bình dân là “Tết muộn” và trong trường hợp đó nó có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên Đán, mang đậm tính nhân văn.
Mâm cúng ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: Internet
5. Lửa và Thơ
Không phải ngẫu nhiên, khi nói về một lễ hội rằm – lúc trăng tròn và sáng nhất, ta lại nghĩ về lửa. Lửa của tết Nguyên Tiêu bắt đầu từ việc đốt lửa diệt sâu bọ, bảo vệ mùa màng. Nhưng lửa còn là biểu tượng nối dài một huyền thoại của văn minh nhân loại. Màu đỏ của lửa trong văn hóa Đông Á là biểu tượng của dương, màu của sự sống, của may mắn và nhiệt thành… Nó hoàn toàn ứng hợp với tâm lý vui tươi, phấn khởi của người dân trong những ngày đầu năm mới khi đất trời rộng mở, thiên nhân giao hoà, vạn vật sinh sôi. Ngày nay, vào ngày tết Nguyên Tiêu, người dân vẫn có tục treo đèn lồng như một sự truyền giữ bóng hình của lửa, truyền giữ niềm vui và sự sống tốt lành cho cuộc đời.
Tết Nguyên Tiêu vào dịp đầu xuân, đã qua cái rét cắt da và mưa dầm gió bấc của ngày đông tháng giá, cũng chưa đến cái nắng nóng của ngày hè oi ả, chỉ có mưa bụi lất phất, nắng xuân dịu dàng, trăng thanh gió mát, cây cối đâm chồi, trăm hoa đua nở, … là thời khắc tuyệt diệu gây nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Thế cho nên, tết Nguyên Tiêu gắn liền với thơ như một mối duyên trời định. Vào ngày này, cùng với các lễ hội mùa, hội làng, nhiều nơi tổ chức đố thơ, thả thơ, vịnh thơ, ngâm thơ… Ngày nay, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu Hà Nội vào đúng Rằm tháng Giêng, thu hút rất nhiều thi nhân mặc khách, thành một sinh hoạt văn hoá đẹp đẽ và hấp dẫn với người dân và du khách tứ phương.
6. Khát vọng tân niên
Nếu tết Nguyên Đán là “buổi sáng đầu tiên” của tân niên, thì tết Nguyên Tiêu là đêm vọng đầu tiên của năm mới, khởi đầu cho những ngày lễ hội linh thiêng của dân tộc. Trong những giờ khắc linh thiêng đó, con người thành kính và tín niệm về sự an lành cho cả năm. Theo các nhà thuật số, ngày này còn là ngày vía Thiên quan. Nhân ngày này, tại các chùa chiền, người ta thường làm lễ dâng sao giải hạn, cúng bái các vị thần tinh để mong được giải trừ tai ách quanh năm.
Một số nơi thả đèn hoa đăng vào dịp Tết Nguyên Tiêu. Ảnh: Internet
Đến ngày này, không ai bảo ai, mọi người nô nức lên chùa lễ Phật, phóng sinh, làm nhiều việc thiện… Khi tiếng chuông chùa ngân lên, cũng là lúc sông núi lắng sâu lời đồng vọng của mọi người mọi nhà cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, vạn vật tốt tươi, người người no đủ.
Một số ý kiến cho rằng, tết Nguyên Tiêu có nguồn gốc từ Trung Quốc, na ná với các nước đồng văn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc…. Thực hư cần đợi những luận cứ khoa học, nhưng có thể khẳng định rằng, với tinh thần giao lưu tiếp biến linh hoạt của văn hoá Việt Nam, tết Nguyên Tiêu của người Việt, nếu có nguồn gốc ngoại sinh, cuối cùng đã được Việt hoá. Người Việt làm lễ Thượng nguyên vì lòng tôn kính với chư Phật, với thần linh, gia tiên,… theo phong tục cổ truyền của dân tộc và trong niềm hân hoan của nhân dân ta về mùa xuân tươi mới mang khát vọng ngày mai tươi sáng cho nước Việt thân yêu. Tết Nguyên Tiêu ở nước ta vì vậy, mang những nét bản sắc Việt Nam, đi sâu vào tâm thức người Việt nhiều thế hệ, vừa thiêng liêng vừa gần gũi.
Quang Hoa