Lễ Óoc Om Bóc - Cúng Trăng của đồng bào Khmer Sóc Trăng được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 10 âm lịch (theo lịch của người Khmer) cùng với hội thi Lôi protip lung linh sắc màu, thu hút hàng trăm ngàn người dự. Thực hành nghi thức thả đèn nước ngoài yếu tố tâm linh còn nhắc nhở cộng đồng người Khmer Sóc Trăng luôn có ý thức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.
Hội thi Lôi prôtip trong Lễ hội Óoc Om bóc – Đua Ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng trên sông Maspéro. Ảnh: LTS
Từ xa xưa, quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer đã xem các yếu tố tự nhiên như cây cối, đất đai, nguồn nước… đều do chư thiên cai quản và xem đó là môi trường, là ngôi nhà chung cho sự sống của vạn vật và muôn loài. Từ đó, Phật giáo Nam tông Khmer nghiêm cấm lạm sát các loài sinh vật và tránh làm bẩn nguồn nước, đồng thời khuyến khích tín đồ bảo vệ môi trường thiên nhiên. Môi trường thiên nhiên được phản ánh qua quan niệm tâm linh và Phật thoại, đồng thời cũng thể hiện bằng những việc làm thiết thực nhằm giáo dục cho Phật tử Khmer về tình yêu thương muôn loài, tôn trọng tự nhiên và những gì thiên nhiên ban tặng cho con người.
Nhằm thể hiện tầm quan trọng của các yếu tố môi trường tự nhiên liên quan trực tiếp đến đời sống của con người và hoạt động sản xuất nông nghiệp như không khí, đất đai, nguồn nước… nên các yếu tố này đều được thiêng hóa qua những nghi lễ, truyền thuyết và Phật thoại1. Song song đó, để khuyến khích tín đồ bảo vệ môi trường thiên nhiên, người Khmer Sóc Trăng cũng nhắc nhở nhau về Luật nhân quả (Karma), thực hành lối sống cân bằng giữa con người với môi trường tự nhiên.
Chính từ nhận thức đó nên hầu hết các nghi thức, lễ hội của người Khmer Sóc Trăng đều gắn liền với thiên nhiên, đặc biệt là nước. Vì là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nên đối với họ “nước là một dạng vật chất có mặt trong vũ trụ từ rất sớm và là biểu trưng cho sự sống”. Nước kết hợp với đất, lửa và gió tạo nên vạn vật, trong đó có cả con người. Nước được lưu giữ trong các dòng sông, ao hồ… do rắn thần Naga2 canh giữ và được thần linh ban phát cho con người.
Người Khmer phân chia nước thành ba loại: Đó là nước của tầng trời - loại nước thiêng, nước của thánh thần. Loại nước này mang sự mầu nhiệm, chỉ dành cho các Chư Thiên (Têvada) sử dụng. Nó có thể làm cho con người chết đi sống lại, xấu xí trở nên xinh đẹp, yếu đuối trở nên mạnh mẽ… Kế tiếp là nước của trần gian là nước trong thế giới tự nhiên ban tặng cho con người, như nước mưa, nước sông suối, nước ngầm… Trong đó, nước mưa là thứ nước tinh khiết, trong sạch, thường được dùng làm lễ vật dâng cúng cho Chư Phật và cũng dùng để thanh tẩy cơ thể, sinh hoạt hằng ngày. Cuối cùng là nước của thế giới ma quỷ - thứ nước dơ bẩn nơi cống rãnh, đầm lầy… dành cho những ai phạm phải tội lỗi, làm điều ác, sau khi chết biến thành ma quỷ, phải chịu cảnh đọa đày.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, cho dù có sự gắn bó và tôn trọng tự nhiên nhưng người Khmer Sóc Trăng cũng canh cánh nỗi lo về những hiện tượng tự nhiên bất thường xảy đến. Cho nên, một năm mới của họ thường được khởi đầu bằng tục cầu mưa với mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa và trước khi thu hoạch mùa màng, họ tổ chức lễ Cúng Trăng để tạ ơn Thần Mặt Trăng đã cho vụ mùa bội thu, cuộc sống no ấm. Do đó, Lễ Óoc Om bóc được tổ chức vào thời điểm kết thúc mùa mưa, tức là thời điểm giao mùa từ mùa mưa sang mùa nắng nhằm ngày rằm tháng 12 (Tháng Kđoek, theo lịch Khmer)3.
Lễ Óoc Om Bóc gồm có nghi lễ cúng Trăng, nghi lễ thả đèn nước (Lôi protip) và nghi lễ thả đèn gió (Qòng Hot Kon). Theo truyền thuyết Phật giáo, người Khmer Sóc Trăng tổ chức thả đèn nước dưới sông để cúng dấu chân còn lưu lại của Đức Phật trên sông Na Mi Thi hoặc làm mô hình tháp Mô La Mu Ni - nơi cất giữ búi tóc của Phật Thích Ca trên thượng giới. Nghi lễ này mang ý nghĩa đức Phật hạ giới độ trì chúng sinh, còn người dân thì tạ lỗi với Thần Đất và Thần Nước vì đã bị làm ô uế qua quá trình sản xuất trong năm. Như vậy, trong số các nghi thức trong lễ Óoc Om Bóc thì nghi lễ thả đèn nước là hành vi mang tính thiêng hóa nguồn nước, thể hiện một sắc thái văn hóa, trong đó hàm chứa giá trị văn hóa dân gian mang tính nhân văn qua văn hóa ứng xử với nguồn nước, đồng thời phản ánh tính chất đặc thù của nền văn minh lúa nước, gắn chặt với tự nhiên bởi thiên nhiên vừa là nơi che chở, vừa là nơi nuôi dưỡng sự sống của mọi người, góp phần tăng cường ý thức của mọi người trong đó có người Khmer Sóc Trăng trong việc bảo vệ nguồn sống của cộng đồng.
Nghi lễ thả đèn nước trong lễ Óoc Om Bóc mặc dù mang đậm tín ngưỡng nông nghiệp và màu sắc tôn giáo nhưng thực chất đó chính là hình thức mà người Khmer Sóc Trăng muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với thiên nhiên mà cụ thể là thần Nước, thần Đất. Đồng thời cầu xin sự tha thứ của các Thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến đất, nước, đến môi trường xung quanh. Bởi vì theo quan niệm của họ thì trải qua một năm lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, con người đã làm ô uế, tổn hại đến thiên nhiên nên phải làm lễ cúng để tạ lỗi. Mặt khác, thông qua nghi thức lễ thả đèn nước trong lễ hội Óoc Om Bóc, người Khmer Sóc Trăng muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ cho con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành trong năm sau.
Ngày xưa, đèn nước thường được mỗi gia đình làm đơn giản bằng thân và bẹ chuối có gắn vài cờ đuôi nheo, chung quanh cắm đèn cầy, nhang và các vật cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo, muối… rồi thả trôi theo dòng nước sau khi thực hành nghi thức đút cốm dẹp4. Dần dà, nghi thức thả đèn nước ít được thực hiện tại nhà mà được tổ chức tập trung tại chùa. Lúc này, đèn nước được làm khung như một chiếc kiệu bằng cây, sau đó đặt các thức cúng như lúa gạo, mắm muối, thịt, trái cây… lên trên, xem đây là lễ vật để tạ ơn Thần Đất, Thần Nước. Sau nghi thức lễ cúng Trăng, đèn nước được rước một vòng phum sóc hoặc sân chùa với sự hộ tống của đội múa trống Sa-dăm và người trong phum sóc, rồi đặt trước chùa. Tiếp đến, các vị sư mang nhang, đèn đến cắm vào chiếc đèn nước và tiến hành nghi thức thả đèn bằng những câu tụng của các vị Achar với nội dung thể hiện lòng tạ ơn Mặt Trăng, Thần Đất, Thần Nước đã giúp đỡ cho con người được sinh tồn đến hôm nay và mong tha thứ lỗi lầm do đã làm ô uế Đất, Nước trong quá trình sản xuất. Sau đó, mọi người cùng rước đèn nước ra ao trong chùa hay con kênh, rạch ở gần chùa để thả cho đèn trôi theo dòng nước. Mọi người tin rằng, qua hành vi tạ lễ đó, mọi lỗi lầm mà họ mắc phải đối với Thần Đất, Thần Nước sẽ được tha thứ.
Ngày nay, lễ nghi và đồ cúng trên đèn nước vẫn như ngày xưa, chỉ khác về hình thức là những chiếc bè, kiệu nay được làm mô phỏng theo kiến trúc chánh điện chùa, tháp Khmer và được trang trí rực rỡ, lộng lẫy bằng hoa lá, giấy kiếng bóng và những dây đèn chớp đủ màu, góp phần làm cho chiếc đèn nước tăng thêm nét thẩm mỹ, sinh động, lung linh trên mặt nước… Những năm gần đây, ngành Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội thi nghi thức hóa thả đèn nước trên đoạn sông Maspéro, Tp. Sóc Trăng, đã trở thành một trong những điểm nhấn hấp dẫn của Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo, phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng và du lịch hàng năm.
Nghi lễ thả đèn nước trong lễ Óoc Om Bóc theo cách nghĩ xưa của người Khmer Sóc Trăng, đơn giản là sự tạ ơn của người dân nông nghiệp với các đấng siêu nhiên, các vị thần bảo trợ cho mùa màng, là biểu hiện của sự trân quý với nguồn nước, với môi trường nhưng ngày nay còn có một ý nghĩa mang tính thời sự là góp phần thiết thực kêu gọi mọi người hãy bảo vệ nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt và môi trường tự nhiên đang ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ý nghĩa của nghi lễ thả đèn nước hôm nay không chỉ cho thấy sự hòa hợp của con người với thiên nhiên mà còn đề cao các giá trị văn hóa của tộc người. Đồng thời là cách tốt nhất để lưu giữ và truyền lại cho đời sau nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Khmer Sóc Trăng nói riêng và người Khmer Nam Bộ nói chung./.
-------------------------------
1. Truyền thuyết dân gian Khmer về bốn vị Thần mà người Khmer xưa tôn thờ gọi là Theate Buône như Preas Thorani (Thần đất), Thần Nước (Preas Kong Kea), Thần không khí (Preas Peay), Thần mặt trời (Preas Akki) thực chất là bốn chất cơ bản trong tự nhiên là chất rắn, chất lỏng, chất khí và chất nóng đảm bảo cho sự sống của con người.
2. Naga (Niek trong tiếng Khmer) là linh vật thân cận nhất của Đức Phật, xuất hiện trong suốt cuộc đời hành đạo và nhập diệt của Ngài.
3. Nhằm ngày 15 tháng 10 theo âm lịch và khoảng ngày 15 đến cuối tháng 11 theo dương lịch, tùy theo lịch của người Khmer.
4. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, tr 66.
Lâm Thanh Sơn