Nói về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đa số mọi người chỉ nhớ đến những ngày tháng 2 năm 1979, khi Trung Quốc đưa 60 vạn quân tràn sang biên giới phía Bắc nước ta. Nhưng ít ai biết rằng thực ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài trong suốt 10 năm, từ năm 1979 đến năm 1989, trong thời gian đó, năm 1984 là một trong những năm cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất. Nhiều người đã từng nghe nghe đến những cụm từ như “Giỗ trận Vị Xuyên”, “Cối Xay Thịt”, “Lò Vôi Thế Kỷ”... Nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận và biết rõ nguồn gốc những cụm từ khủng khiếp này
Sau khi buộc phải rút quân khỏi biên giới phía Bắc, Trung Quốc chuyển sang tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống phá Việt Nam. Trên phương diện quân sự, Trung Quốc chuyển sang tiến công bằng pháo binh và lấn chiếm, chiếm đóng trái phép lãnh thổ Việt Nam. Chiến trường Hà Tuyên trong những năm 1984 - 1985 là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến đấu. Địa bàn tỉnh Hà Giang ngày nay chính là nơi khởi nguồn của những cụm từ chúng ta vừa kể đến ở trên.
Đại tá Nguyễn Kim Chung, Nguyên Chỉ huy phó Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên cho biết: cuộc chiến Vị Xuyên năm 1984 tuy diễn ra rất ngắn nhưng cực kỳ khốc liệt. Những địa danh, những mỏm đồi mang tên Cối Xay Thịt, Lò Vôi Thế Kỷ, Thác Gọi Hồn, Ngã Ba Cửa Tử đã nói lên sự kinh hoàng của cuộc chiến này.
Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1984, Trung Quốc đã mở nhiều chiến dịch dọc biên giới với Việt Nam từ Lai Châu, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Chúng mở các đợt pháo kích lớn, bắn hàng trăm nghìn quả đạn pháo, cối vào các vị trí chiến lược sâu trong lãnh thổ nước ta và tiến quân chiếm đóng nhiều điểm cao thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép điểm cao 1509 còn gọi là Núi Đất (người Trung Quốc gọi là Lão Sơn hoặc Lao Sán) cùng nhiều điểm thấp hơn quanh điểm cao này như 685, 772....
Trước tình hình đó, cuối tháng 6 năm 1984, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức tiến công để giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm đóng. Ngày 12 tháng 7 năm 1984, các các trung đoàn thuộc Sư đoàn 356, 312, 316, 313 thực hiện chiến dịch MB84 tại Vị Xuyên. Trung đoàn 876 Sư đoàn 356 đánh cao điểm 722; Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đánh cao điểm 233 Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đánh cao điểm 1030... cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc được đẩy lên mức độ quyết liệt nhất.
Những cao điểm từng là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trên mặt trận Vị Xuyên
nhìn từ Đài hương 468 (Ảnh: Hoàng Thế Cương)
Tuy nhiên, do công tác nắm tình hình đối phương chưa kỹ cũng như phương án tác chiến không hợp lý, nên cuộc chiến đấu giành lại điểm cao 1509 cũng như các điểm cao khác không thành công. Sau khi chiếm được điểm Núi Đất, Trung Quốc đã làm đường và xây dựng căn cứ hỏa lực rất mạnh, đặc biệt là hỏa lực pháo binh của địch, chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với bộ đội ta. Địch xây đường sá để ô tô chuyển đạn dược đến tận trận địa, trong khi đó, mỗi quả đạn cối, đạn pháo ta bắn đi được gùi bằng sức người qua những dốc đá tai mèo lởm chởm. Hỏa lực của địch tại trận địa rất mạnh, mặc dù có pháo binh yểm trợ nhưng ta bắn 1 thì đối phương đáp trả 10. Ta khai hoả vài giờ đồng hồ thì pháo địch bắn trả đến 10 ngày. Pháo của địch nhả đạn sáng rực trời đêm, cày sới từng mét đất, mỏm đá, gốc cây, ngọn cỏ, nơi trận địa pháo và triển khai lực lượng của ta. Mỗi vách núi, ngọn đồi địch đã trút vào đó hàng trăm ngàn quả đạn pháo, khiến cho nhiều quả đồi như Đồi Đài, Đồi Cô Ích, điểm cao 772, Đồng Chuối…. đã biến thành “Cối xay thịt người” thành “Lò vôi thế kỷ”.
Đạn pháo của địch đã biến những đồi núi đá vỡ ra trắng xóa thành vôi bột, trông xa không khác gì một lò nung vôi khổng lồ. Đặc công và bộ binh ta phải lần những vách đá tai mèo tại Đồi Đá Pháp, Đồi Cô Ích, bò lên chiếm chốt trong khi địch pháo kích ngày đêm đến mức như nung đá thành vôi, nên hy sinh rất nhiều.
Trong chiến dịch MB84, chủ công là Sư đoàn 356 rơi vào trận địa pháo của địch lên thiệt hại vô cùng lớn. Chỉ riêng Trung đoàn 876 trong ngày 12 tháng 7 đã có hơn 593 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng trăm chiến sĩ bị thương. Cộng với thương vòng của các sư đoàn khác trong cuộc tiến công, con số hy sinh lên đến trên 1.000 chiến sỹ. Cụm từ “Giỗ trận Vị Xuyên” ra đời từ đó.
Thắp hương tưởng nhớ đồng đội hy sinh tại chiến trường Vị Xuyên
(Ảnh: Tuổi trẻ online)
Sau chiến dịch MB84, nhận rõ chiến thuật “công đối công” không phát huy tác dụng mà còn gây thiệt hại nặng cho bộ đội ta, Ban Chỉ huy Mặt trận rút kinh nghiệm, mở các chiến dịch vây lấn, sử dụng bộ binh và đặc công, có pháo binh yểm trợ từng bước bao vây, lấn sát trận địa địch. Sau 2 tháng chiến đấu, bộ đội ta giành lại nhiều điểm cao, có những điểm cao chỉ chiếm lại được một phần, hình thành thế phòng ngự xen kẽ bám sát địch, trong đó có những công sự phòng ngự chỉ cách địch từ 15 đến 20 m, thậm chí nơi gần nhất có chỗ chỉ 7 m. Từ đó, thế trận phòng ngự kéo dài cho đến những năm 1988-1989. Nhiều chiến sĩ bộ binh và đặc công của ta cắm chốt nhiều năm liền, khi trở về râu ria tóc tai được miêu tả như những “người rừng”.
Từ năm 1984 đến năm 1989, tại chiến trường Vị Xuyên có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng nghìn người bị thương; hàng trăm bản làng bị phá hủy. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, nguyên Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, hiện là Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên) cho biết: trong gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên, đến nay vẫn còn trên 3.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập về nghĩa trang, nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên vẫn còn hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi.
Cuộc chiến đấu bi hùng bảo vệ biên giới phía Bắc tại Vị Xuyên, Hà Giang đã đi vào lịch sử, cho thấy quyết tâm giữ vững từng tấc đất quê hương Tổ quốc và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với với việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia ngày nay.
Hòa Bình