Chiến thắng 30/4/1975 kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là một trong những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Vậy, nguyên nhân nào đã làm nên thắng lợi vĩ đại đó ?
Khát vọng độc lập, thống nhất đất nước và cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[1].
Và rồi:
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
… Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước
… Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm![2]
Phóng viên, nhà báo Pháp Jean Michel Hertrich, người từng có mặt ở Việt Nam từ những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhận xét: “… lý tưởng của Việt Nam trước hết là sự thống nhất của Việt Nam, sự thống nhất của cả ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ mà dân chúng ở đây đều cùng chung một nòi giống và nói chung một thứ tiếng…”[3].
Mục 7, Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva (21/7/1954) xác nhận thời gian Việt Nam tổ chức hiệp thương Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước là 7/1956. Song Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã cự tuyệt tổng tuyển cử.
Từ tháng 3/1965, Hoa Kỳ và đồng minh bắt đầu đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đồng thời từng bước mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Vì thế, nhân dân Việt Nam đã phải kiên cường đứng lên kháng chiến bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân Mỹ, quân các nước đồng minh của Mỹ, không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam… là một minh chứng tiêu biểu về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến.
Xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (Ảnh tư liệu)
Khát vọng độc lập, thống nhất, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến tạo nên sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Là động lực thôi thúc nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, vừa nỗ lực lao động, sản xuất, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, để những tuyến đường mòn Hồ Chí Minh ngày đêm nhộn nhịp, không ngừng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Là nguồn sức mạnh nội lực góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975 - một chiến thắng trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và của 30 năm chiến tranh cách mạng, hiện thực hoá khát vọng độc lập, hoà bình và thống nhất Tổ quốc.
Bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã nhận định, đánh giá đúng tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch, độc lập, chủ động đề ra đường lối, quyết tâm chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn và miền Nam.
Sau thắng lợi của chiến dịch đường số 14 - Phước Long, Đảng nhận định Mỹ khó có khả năng đưa quân chiến đấu trở lại miền Nam. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 và dự kiến nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Khi chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà quyết định rút bỏ địa bàn trọng yếu Tây Nguyên làm xuất hiện thời cơ chiến lược cho cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nhanh chóng bổ sung chỉ đạo chiến lược với quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất trong thời gian nhanh nhất. Kế hoạch thời cơ được thực hiện với việc mở đòn tiến công chiến lược thứ hai để giải phóng Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng. Ngày 26/3/1975, toàn bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng, chiến dịch Trị Thiên - Huế kết thúc thắng lợi và ngày 29/3/1975, Đà Nẵngđược giải phóng.
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng nhận định thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Cách mạng đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay. Không để chậm”[4].
Ngày 14/4/1975, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị gửi điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”[5]
Để tập trung trí tuệ lãnh đạo chiến dịch toàn thắng, Đảng cử 3 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị tham gia chỉ đạo chiến dịch. Đồng thời tập trung toàn bộ lực lượng quân sự có thể huy động được, tiến công Sài Gòn - Gia Định từ 5 hướng. Bên cạnh đó, một lực lượng quân chủng Hải quân, Đặc công sớm được điều động ra giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm giành thắng lợi toàn diện, triệt để. Cùng thời gian, các lực lượng vũ trang và nhân dân ở đồng bằng sông Cửu Long thực hiện tiến công và nổi dậy giải phóng địa bàn này.
Với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, 5h30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đến 11h30 phút, ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Nhân dân Sài Gòn chào mừng ngày giải phóng (Ảnh tư liệu)
Mối quan hệ giữa Mỹ - Việt Nam Cộng hoà rạn nứt sâu sắc
Sự rạn nứt của mối quan hệ Mỹ - Việt Nam Cộng hoà thể hiện rõ trong quá trình thương lượng, đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định Paris.
Ngày 17/1/1973, Tổng thống Nixon gửi thư cho Nguyễn Văn Thiệu nói rõ: “… Đã nhiều lần tôi trả lời với ngài, vấn đề then chốt ở đây không phải là tính chất đặc biệt của hiệp định và qua đó là hứa hẹn hợp tác lâu dài của hai nước và sự viện trợ từ phía chúng tôi. Rõ ràng chính sự viện trợ này mà tôi đã và đang hành động. Nếu các ngài từ chối không ký Hiệp định thì các ngài đừng trông mong gì vào khả năng giúp đỡ của chúng tôi. Ý kiến trong Quốc hội và công luận không cho phép tôi làm khác…”[6].
Như vậy, vào giai đoạn cuối của cuộc đàm phán Paris, Hoa Kỳ đã sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để buộc Việt Nam Cộng hòa ký kết hiệp định.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quan hệ Mỹ - Việt Nam Cộng hòa tiếp tục xấu đi. Mỹ tiếp tục gây sức ép buộc Việt Nam Cộng hòa ký vào Thông cáo chung liên quan đến việc thi hành hiệp định Paris.
Độ mặn nồng của quan hệ Mỹ - Việt Nam Cộng hòa thể hiện ở mức độ viện trợ hạn chế của Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt từ sau khi Nixon buộc phải từ chức (09/8/1974) do vụ Watergate.
Ngày 3/4/1974, Uỷ ban quân lực Thượng nghị viện Mỹ bỏ phiếu phủ quyết việc tăng ngân sách viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng hòa, giảm viện trợ trong tài khoá 1974-1975 cho Việt Nam Cộng hòa xuống dưới 1 tỉ USD.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lâm vào tình trạng khó khăn, thiếu thốn mọi mặt. Tổng thống Thiệu chua chát thừa nhận phải “chiến đấu theo kiểu con nhà nghèo”. Bên cạnh đó là những mâu thuẫn nội bộ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sự chống đối lẫn nhau giữa các phe nhóm ngày càng mạnh mẽ, quân đội ngày càng mất dần khả năng và tinh thần chiến đấu.
Thực tế đó làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng theo chiều hướng có lợi cho cách mạng miền Nam, góp phần để quân và dân ta củng cố quyết tâm sớm giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình, ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng”[7].
Chiến thắng 30/4/1975 nói riêng, thắng lợi của 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và 30 năm chiến tranh cách mạng nói chung là sự hội tụ của nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân trên.
Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, của niềm tin, chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, "dù cho sông cạn đá mòn, nhân dân Nam, Bắc là con một nhà".
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.2011, t. 4, tr.3
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.534
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.356
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, t.36, tr.96
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.36, tr.109
[6] Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L.schecter: Từ toà Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh,1990, tr.213
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.12, tr.109