Ngoại giao Việt Nam ghi dấu ấn đầu tiên với Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. Với Hiệp định Sơ bộ, chúng ta có thêm thời gian vô cùng quý báu để xây dựng chế độ mới, củng cố lực lượng mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến được xác định lâu dài và gian khổ
Đối diện với cuộc công kích của các thế lực phản động
Trước và sau cuộc đàm phán và ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp, các quan điểm trái chiều, thiếu căn cứ của phái Tờrốtkít và lực lượng phản động Việt quốc, Việt cách… cho rằng: Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có tư tưởng “bán nước”, “đầu hàng”. Lúc này, các lực lượng phản động làm ra vẻ cách mạng và yêu nước nhất. Chúng kêu gọi, “không điều đình với ai hết”, “đánh đến cùng”, “thắng hay là chết”. Âm mưu của các thế lực phản động là đẩy cách mạng Việt Nam còn non trẻ nhanh chóng rơi vào cuộc đối đầu với thực dân Pháp. Lợi dụng lúc ta đánh Pháp, các thế lực phản động sẽ đứng ra thành lập Chính phủ bù nhìn, vu cáo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống hiệp ước của Đồng Minh, là phiến loạn, phản hòa bình. Quân đội Trung Hoa dân quốc sẽ nấn ná ở lại, tiếp tục âm mưu tiêu diệt cách mạng Việt Nam. Lực lượng phản động Việt quốc, Việt cách tiếp tục núp bóng quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa, thực hiện các âm mưu thâm độc của chúng. Đây là chủ trương có tính chất xuyên suốt của lực lượng phản động Việt quốc, Việt cách vì như ta đã thấy, sau khi ký Hiệp định sơ bộ, các phần tử phản động muốn đẩy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào chiến tranh với Pháp bằng âm mưu tổ chức vụ ném lựu đạn vào đội ngũ duyệt binh của quân đội Pháp nhân ngày Quốc khánh 14 -7-1946.
Luận điệu hiếu chiến của các lực lượng phản cách mạng không phải không lừa mị được một bộ phận quần chúng, những người có tinh thần yêu nước nhưng không thấy rõ tình hình phức tạp sau Cách mạng tháng Tám. Họ chỉ thấy rằng tại sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại ký kết hiệp định hòa bình với Pháp trong khi thực dân Pháp đang ra sức mở rộng chiến tranh và tàn sát dã man đồng bào, chiến sĩ ta ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở Nam Bộ. Chính vì thế, ngày 7-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bất ngờ xuất hiện và nói chuyện trước hàng chục vạn nhân dân Thủ đô để giải thích về việc ký Hiệp định Sơ bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi, Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”[1].
Ngoài các thế lực phản động với mưu đồ đen tối, khuynh hướng tả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng không muốn hòa hoãn với Pháp, xuất phát từ lòng yêu nước và chí căm thù giặc sâu sắc, nhưng nông nổi, không căn cứ vào bối cảnh lịch sử và so sánh lực lượng giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kẻ thù lúc đó. Thù trong, giặc ngoài, tuy còn có những mâu thuẫn với nhau về quyền lợi, nhưng đều có những toan tính của riêng mình và đều muốn bóp chết nền cộng hòa còn non trẻ. Thực dân Pháp, kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam, luôn chiếm ưu thế tuyệt đối về vũ khí, ngay trong những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám cũng như trong suốt 9 năm kháng chiến[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sĩ quan Pháp, sĩ quan quân đội Trung Hoa dân quốc, cùng đại diện ngoại giao của Mỹ và Anh sau lễ ký Hiệp Định Sơ bộ (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản)
Trước những luận điệu xuyên tạc, phản động, trước ý chí sôi sục muốn kháng chiến của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng, Trung ương Đảng giải thích: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”[3].
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đàm phán và ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp ký trong bối cảnh tình hình chính trị vô cùng phức tạp, cách mạng Việt Nam đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Trong nước, cùng một lúc, cách mạng Việt Nam phải đối phó với nhiều kẻ thù lớn mạnh: quân Pháp, quân Anh, Quân Trung Hoa dân quốc và những thế lực phản động người Việt theo sau chúng. Chưa bao giờ trên mảnh đất Việt Nam nhỏ bé lại có nhiều đội quân nước ngoài đến như vậy. Các đảng phái chính trị của những lực lượng phản động trong nước cũng mọc ra như nấm sau mưa. Hoạt động của các thế lực phản động trong Quốc hội và Chính phủ liên hiệp gây cho ta những khó khăn nhất định. Pháp được tăng cường lực lượng từ chính quốc và đang tiến công đánh chiếm nhiều nơi. Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đang gặp nhiều khó khăn. Về kinh tế, vấn đề lương thực còn căng thẳng, hậu quả n ậ đói năm 1945 càng nặng nề.
Về bối cảnh quốc tế, Liên Xô và các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới chưa thể trực tiếp giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Chính phủ Pháp và Chính phủ Trung Hoa dân quốc đã tạm thời hòa hoãn bằng Hiệp ước Pháp-Hoa.
Đó là những điều bất lợi vô cùng lớn, nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đàm phán mà chấp nhận chiến đấu ngay.
Cân nhắc tình hình, tương quan lực lượng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đàm phán với Pháp, chấp nhận nhượng bộ trên một số vấn đề, kể cả vấn đề được cho là cốt lõi, để đổi lấy hòa bình, để không phải sớm bước vào cuộc chiến đấu không cân sức.
Thắng lợi ngoại giao đầu tiên góp phần bảo vệ và xây dựng chế độ mới
Hiệp định Sơ bộ là thắng lợi ngoại giao quan trọng đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện thiện chí và tinh thần mong muốn hòa bình của nhân dân ta. Chính phủ Pháp phải công nhận quyền tự chủ và thống nhất đất nước của Việt Nam. Chính phủ Pháp thừa nhận Việt Nam là một đất nước tự do, không còn là thuộc địa của Pháp. Đây là một thắng lợi vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, phát biểu trước đồng bào Thủ đô ngày 7-3-1946, Người nói: “Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi lớn về mặt chính trị. Chúng ta đã trở thành một quốc gia tự do trên thế giới…Chúng ta luôn coi người Trung Hoa là anh em. Chúng ta có nhiều bè bạn… ”[4].
Hiệp định Sơ bộ góp phần phá tan âm mưu của quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa và các lực lượng tay sai, muốn đẩy cách mạng Việt Nam sớm rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn. Với việc ký kết Hiệp định, Việt Nam đã tạo tiền đề, để “đẩy” nhanh gần 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc ra khỏi đất nước, bớt đi một nguy cơ bất ổn về chính trị và gánh nặng về kinh tế. Âm mưu thâm độc“Diệt cộng, cầm Hồ” của Quốc dân Đảng Trung Hoa thất bại. Khi quân Trung Hoa dân quốc rút đi, lực lượng tay sai mất chỗ dựa, trở nên yếu thế so với cách mạng Việt Nam. Trên thực tế, khi quân đội Trung Hoa dân quốc rút về nước, nhiều phần tử phản động chủ chốt lo sợ và bỏ chạy theo chúng về nước.
Với Hiệp định Sơ bộ, cách mạng Việt Nam có thêm thời gian, dù là không dài, để khôi phục và xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm ở miền Nam, xây dựng và phát triển thực lực chính trị và vũ trang ở miền Bắc. Chỉ trong một thời gian ngắn khoảng 9 tháng, tranh thủ môi trường hòa bình tương đối do Hiệp định sơ bộ đem lại, quân và dân Việt Nam đã thực hiện được rất nhiều công việc quan trọng, có ý nghĩa lâu dài như xây dựng lực lượng cách mạng, trấn áp những lực lượng phản cách mạng. Về lực lượng chính trị, trong thời gian này, đã tranh thủ mở rộng mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, thành lập nhiều tổ chức của các tầng lớp nhân dân như Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đoàn kết các dân tộc thiểu số Việt Nam, các lực lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật…Về lực lượng vũ trang, đã xây dựng Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chỉ trong một thời gian ngắn, đưa lên 80.000 bộ đội thường trực và gần 1.000.000 dân quân, tự vệ ở hầu khắp các địa phương, ngày đêm tập luyện, ra sức nâng cao trình độ chiến đấu[5]. Những việc làm đó đúng theo của chủ trương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta[6]”.
Trong chỉ thị Hòa để tiến ngày 9-3-1946, Trung ương Đảng giải thích rõ: “Chúng ta hòa với Pháp để: 1, Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động (thực dân Pháp, Tàu trắng, bọn phản cách mạng trong nước), chúng sẽ đúc thành một khối và được bọn đế quốc Anh, Mỹ giúp sức để đánh ta trong khi các lực lượng hòa bình, tự do và tiến bộ trên thế giới (như Liên Xô, phong trào cộng sản ở Tàu và Pháp, cách mạng thuộc địa) chư thể trực tiếp giúp ta được.…2, Bảo toàn thực lực dành lấy giây phút nghỉ ngơi và củng cố vị trí mới đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào. Tóm lại, để chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới”[7].
Với chủ trương “Hòa để tiến”, đánh dấu bằng Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Việt Nam đã thoát khỏi tình thế phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc. Trong khoảng gần 1 năm có hòa bình tương đối đó, Đảng đã khẩn trương lãnh đạo xây dựng thực lực để vững vàng và chủ động phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, Hiệp định Sơ bộ là một thắng lợi ngoại giao quan trọng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chủ trương cũng như trong thực tiễn cách mạng sau Cách mạng tháng Tám, chủ trương “hòa để tiến” của Đảng đã tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam những bước tiến vượt bậc trong thời gian tương đối ngắn sau này.
Bình Thi
[1] . Võ Nguyên Giáp:Những chặng đường lịch sử, Nxb. CTQG, H. 1994, tr. 373.
[2] . Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tương quan lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch, đặc biệt về vũ khí. Tại thời điểm tháng 12 năm 1946, về pháo binh, Pháp có 108 khẩu, ta có 12 khẩu, Pháp có 32 chiếc xe tăng, xe thiết giáp, 98 máy bay, 70 tàu chiến, ta không có. Tại thời điểm tháng 12 năm 1950, Pháp có 216 khẩu pháo, ta có 25 khẩu, Pháp có 62 xe tăng, xe thiết giáp, 198 máy bay, 169 tàu chiến các loại, ta không có. Thời điểm tháng 3-1954, Pháp có 594 khẩu pháo, ta có 80 khẩu, Pháp có 50 máy bay, 391 tàu chiến, 10 trung đoàn, 6 tiểu đoàn, 10 đại đội xe tăng, xe thiết giáp trong khi ta vẫn chưa có các loại vũ khí này. Như vậy, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ưu thế về vũ khí nghiêng hẳn về phía địch. Theo sách Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945- 197- Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 487.
[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 43-44.
[4] Võ Nguyên Giáp:Những chặng đường lịch sử, Nxb. CTQG, H. 1994, tr. 373.
[5] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930- 1954), quyển 2 (1945- 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 116.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 46.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 49