Có thể nói quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1945, kể từ khi đội biệt kích Con Nai của Mỹ nhảy dù xuống căn cứ địa Việt Bắc để giúp đỡ Việt Minh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam, chúng tôi giới thiệu những sự kiện chính trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ 78 năm qua
Giúp đỡ Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc
Tháng 5/1945, sĩ quan tình báo tiền trạm của Mỹ nhảy dù xuốngchiến khu Việt Bắc để tìm cách phối hợp và giúp đỡ Việt Minh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sở dĩ có việc này vì trước đó, quan điểm rất rõ ràng của Đảng Cộng sản Đông Dương và chủ tịch Hồ Chí Minh là đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Hành động cụ thể nhất là Việt Minh đã cứu được một phi công Mỹ, Trung úy William Shaw, chữa lành vết thương và sau đó đưa phi công này sang Trung Quốc về với lực lượng Đồng minh.
Sau hoạt động tiền trạm, tháng 7/1945, Hoa Kỳ cử một đội biệt kích mang mật danh Deer Team (Đội Con Nai), một đơn vị thuộc lực lượng OSS (tổ chức tiền thân của CIA) nhảy dù xuống Tân Trào và tổ chức huấn luyện quân sự cho lực lượng giải phóng quân của Việt Minh.
Hơn thế nữa, trong Cách mạng tháng Tám, Việt Minh và lực lượng OSS (Bộ đội Việt-Mỹ) với quân số khoảng 200 người đã phối hợp tiến công quân Nhật tại Thái Nguyên. Đây là lực lượng vũ trang nước ngoài đầu tiên chiến đấu cùng Việt Minh.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776. Có ý kiến rằng, khi viết bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh có thể đã được sự tham vấn của các sĩ quan Mỹ, lúc này vẫn đang ở Hà Nội.
Sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đối với Việt Minh chưa nhiều và diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng nó có ý nghĩa rất quan trọng trong buổi đầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Không hồi đáp thiện chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng xâm lược Nam Bộ, nhằm tái lập ách cai trị tại Việt Nam và Đông Dương. Trong những năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho giới chức Hoa Kỳ, mong muốn Hoa Kỳ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và có những động thái để giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tái thiết và xây dựng đất nước.
Tuy nhiên Hoa Kỳ đã ngoảnh mặt làm ngơ, bởi trong quan hệ quốc tế, quan hệ với các nước lớn luôn được đặt ra và ưu tiên. Hoa Kỳ thấu hiểu và không muốn làm phật ý Chính phủ De Gaulle, vốn trong phe Đồng minh chống phát xít.
Hồ Chí Minh. Võ Nguyên Giáp và toán Con Nai tại Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
Ủng hộ Pháp và can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Đông Dương
Càng ngày, lập trường của Hoa Kỳ càng xa với lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và việc Hoa Kỳ ủng hộ Pháp xâm lược Đông Dương diễn ra như một lẽ tự nhiên. Không những thế, sự can thiệp của Hoa Kỳ ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Nó được đánh dấu bằng việc ngày 19/03/1950, các chiến hạm của Hoa Kỳ đã vào cảng Sài Gòn, làm bùng nổ những cuộc biểu tính phản đối dữ dội của nhân dân miền Nam Việt Nam. Kể từ đó, viện trợ của Hoa Kỳ cho Pháp tại cuộc chiến tranh Đông Dương đã tăng lên nhanh chóng, năm 1953 chiếm đến 78% chi phí chiến tranh của Pháp tại Đông Dương. Ngày 3/11/1953, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã đến thị sát mặt trận tại Chợ Ghềnh, Ninh Bình, trong nỗ lực giúp Pháp thực thi Kế hoạch Navarre.
Thay chân Pháp thành "ông chủ mới" tại miền Nam Việt Nam
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi với chiến thắng thuộc về nhân dân Việt Nam. Hoa Kỳ lúc này đã công khai can thiệp vào Việt Nam với việc hậu thuẫn dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm và quốc gia Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.
Trong những năm 1954-1960, Hoa Kỳ đã từng bước loại bỏ vai trò của Pháp tại Việt Nam và Đông Dương, trở thành "ông chủ mới" tại miền Nam Việt Nam. Trong thời gian này, Hoa Kỳ đã đồ hàng tỷ USD vào miền Nam Việt Nam giúp chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng thể chế Việt Nam Cộng hòa. Đây được coi là giai đoạn phát triển vàng son của chế độ Sài Gòn, nhưng cuối cùng đã chấm dứt bởi cuộc Đồng khởi của nhân dân miền Nam và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/12/1960.
Tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”
Trước sự vùng dậy mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, Hoa Kỳ ngày càng can thiệp sâu hơn và cùng chính quyền Sài Gòn thực thi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” trong những năm 1961-1964. Số lượng cố vấn Mỹ tăng nhanh lên đến vài chục nghìn, đã giúp xây dựng quân đội Việt Nam Cộng hòa thành một quân đội mạnh. Cùng với nó, các chuyến gia Hoa Kỳ và phương Tây giúp chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng và thực thi “quốc sách ấp chiến lược”, một chính sách đã thực hiện thành công tại Malaysia để hỗ trợ chính quyền thân Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm này, cách mạng miền Nam ngày càng trưởng thành. Cách mạng miền Nam với phương châm 3 mũi giáp công, 3 vùng chiến lược, đã từng bước làm thất bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà xương sống của nó là quốc sách ấp chiến lược và quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa đã bị đập tan. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn.
Hoa Kỳ đổ quân vào Đà Nẵng, trực tiếp xâm lược Việt Nam, ngày 8/3/1965 (Ảnh tư liệu)
Tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân vào trực tiếp xâm lược miền Nam và tăng cường ném bom, bắn phá miền Bắc
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ sụp đổ, Hoa Kỳ chuyển sang tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 5/8/1964, Hoa Kỳ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân. Ngày 8/3/1965 Hoa Kỳ chính thức đổ quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Những tiểu đoàn lính viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng và từ đó cho đến năm 1968 - 1969 số quân Mỹ đổ vào miền Nam ngày càng tăng, từ chỗ hỗ trợ chiến đấu đến trực tiếp tham chiến, đỉnh cao năm 1969 lên đến gần 550.000 quân.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và buộc Hoa Kỳ phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình tại Hội nghị Paris. Hình thái vừa đánh vừa đàm diễn ra kéo dài gay go quyết liệt từ năm 1968 đến cuối năm 1972 thì Hoa Kỳ buộc phải ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam ngày 27/01/1973, sau khi thất bại trong chiến dịch tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội cuối năm 1972.
Rút quân và "bỏ rơi" Việt Nam Cộng hòa
Thực hiện Hiệp định Paris, ngày 29/03/1973, những người lính chiến đấu Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam Việt Nam chấm dứt hơn 8 năm trực tiếp đưa quân xâm lược miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ. Nếu tính cả thời gian từ năm 1954, khi Hoa Kỳ hỗ trợ chế độ Ngô Đình Diệm thì thời gian là 18 năm Hoa Kỳ can thiệp và xâm lược Việt Nam để bảo vệ “biên giới của thế giới tự do”.
Hoa Kỳ rút quân, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không còn được Hoa Kỳ hậu thuẫn, bộc lộ bản chất của một chính quyền và quân đội đánh thuê, đã sụp đổ nhanh chóng. Miền Nam Việt Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, đánh dấu bằng chiến thắng 30/4/1975 lịch sử.
(Còn tiếp)
Bình Nguyễn