Cấm vận Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày 30/4/1975, lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ, có hiệu lực đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1964, được mở rộng cho toàn bộ Việt Nam. Năm 1976, thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, nước Việt Nam mới mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong những năm 1976-1977, có những lúc tưởng như quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ấm lên, sau khi Hoa Kỳ ra tín hiệu muốn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau chiến tranh, nhưng rồi nó lại nhanh chóng xấu đi. Và kể từ năm 1978, sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ Kinh tế, Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm vận chặt chẽ đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Giai đoạn 1975-1991 chính là giai đoạn khó khăn của Việt Nam bởi các cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, bởi chính sách cấm vận ngặt nghèo của Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Trong khi đó, quan hệ với Liên Xô, một mối quan hệ nồng ấm và chặt chẽ từ năm 1965 cũng bắt đầu bước vào một giai đoạn mới. Bản thân Liên Xô cũng phải đối phó với cuộc khủng hoảng của chính mình và đã tự sụp đổ vào năm 1991. Khi đó công cuộc đổi mới của Việt Nam đã tiến hành được 5 năm và đã có được những thành tựu bước đầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Joe Biden năm 2015 tại Hoa Kỳ (Ảnh tư liệu)
Chính sách ngoại giao rộng mở và bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ
Bước vào công cuộc đổi mới, chính sách ngoại giao rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã phát huy kết quả. Công cuộc bình thường hóa quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ được xúc tiến mạnh mẽ.
Từ ngày 11/11/1991, chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Ngày 03/02/1994, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Quan hệ giữa hai nước bước sang một giai đoạn mới.
Quan hệ ngoại giao nồng ấm, hợp tác toàn diện
Ngày 5/8/1995, Warren Christopher khánh thành đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội khi ông có chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Tháng 5/1997, hai nước trao đổi đại sứ, ông Lê Văn Bang trở thành đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và ông Douglas Peterson trở thành đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Từ ngày 16 đến ngày 19/11/2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam. Từ ngày 10/12/2001, Hiệp định Thương mại song phương chính thức có hiệu lực, sản phẩm của Việt Nam được giảm thuế từ mức trung bình là 40% xuống trung bình 3% khi vào Hoa Kỳ.
Từ ngày 19 đến 25/6/2005, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ. Trong thời gian này, Việt Nam nỗ lực vận động tham gia tổ chức thương mại thế giới WTO và được Hoa Kỳ ủng hộ.
Ngày 31/5/2006, hai nước ký kết Hiệp định song phương về việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Từ ngày 17 đến ngày 20/11/2006, Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush thăm Việt Nam và tham dự APEC 2006.
Sau đó không lâu, từ ngày 18 đến ngày 23/6/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ. Từ ngày 23 đến ngày 26/6/2008, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ.
Từ ngày 24 đến ngày 26/7/2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ. Năm 2013 cũng là năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng cấp. Hoa Kỳ trở thành đối tác toàn diện của Việt Nam.
Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ ghé thăm Đà Nẵng, tháng 3/2018 (Ảnh tư liệu)
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện hướng tới nâng cấp quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ
Ngày 02/10/2014, Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam. Năm 2015 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước khi từ ngày 6 đến ngày 10/7/2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ, được đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia. Hai nước thông qua tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Từ ngày 22 đến ngày 24/05/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang thăm Việt Nam và thông báo Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ngày 25/5/2017, Hoa Kỳ chuyển giao tàu tuần tra USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam, sau đó đổi tên là tàu CSB- 8020.
Từ ngày 29 đến ngày 31/5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ. Từ ngày 11 đến ngày 12/11/2017 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và dự hội nghị APEC.
Ngày từ ngày 5 đến tháng ngày 09/03/2018, tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đã có chuyến ghé thăm lịch sử tại thành phố Đà Nẵng Việt Nam. Lần đầu tiên một con tàu cỡ này đến thăm kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tiếp đó, từ ngày 5 đến ngày 9/03/2020, Việt Nam tiếp đón tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Hoa Kỳ.
Cùng với bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trao đổi kinh tế có bước tiến mạnh mẽ. Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trị giá 79,6 tỷ USD. Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD vào năm 2021.
Ngày 24/7/2021, chiếc tàu tuần duyên John Midgett, thuộc lớp tàu Hamilton đã loại biên của Mỹ được chuyển giao cho cảnh sát biển Việt Nam, mang tên CSB-8021. Việc chuyển giao hai tàu tuần tra và các hoạt động hỗ trợ trị giá hơn 51 triệu USD đã góp phần nâng cao năng lực bảo vệ lãnh hải của Cảnh sát biển Việt Nam.
Trong đại dịch Covid-19, quan hệ giữa hai nước càng được củng cố. Mặc dù chịu thiệt hại lớn do dịch bệnh, Hoa Kỳ vẫn có chương trình trợ giúp vắc xin cho các quốc gia đang phát triển. Ngày 25/7/2021, Hoa Kỳ tặng 5 triệu liều vắc xin Moderna cho Việt Nam trong đại dịch. Hoa Kỳ cũng đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam và đã cam kết hỗ trợ 19,8 triệu USD giúp việt nam ứng phó với đại dịch. Trong thời gian tiếp theo, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam trên 40 triệu liều vắc xin covid - 19, góp phần giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch.
Từ ngày 24 đến ngày 26/8/2021 Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam. Ngày 12/05/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ tổ chức tại Washington DC.
Ngày 19/6/2022, tàu bệnh viện USNS Mercy thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận quân sự Hoa Kỳ cập cảng Vũng Rô, Phú Yên, đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình đối tác Thái Bình Dương 2022.
Ngày 29/03/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden điện đàm, nhất trí thúc đẩy phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Hoa Kỳ hướng đến việc nâng cấp quan hệ song phương với Việt Nam sau 10 năm mối quan hệ này dừng lại ở “đối tác toàn diện”.
Tháng 3/2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Tổng thống Hoa Kỳ thông báo dự kiến chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2003.
Cuối tháng 8/2023, Hoa Kỳ thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 10-11/9/2023.
Bình Nguyễn