Dấu tích còn sót lại của nền văn hóa Chăm Pa cổ nằm trong một thung lũng kín đáo có đường kính chừng 2km giữa bốn bề đồi núi thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20km và cách thành phố Đà Nẵng gần 70km cùng về phía Tây Nam. Đây chính là Thánh địa Mỹ Sơn, một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Di tích Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Internet
Thánh địa Mỹ Sơn với vẻ đẹp hoang sơ và mang đậm dấu ấn tâm linh, là một trong những điểm du lịch độc đáo nhất của tỉnh Quảng Nam, thu hút hàng ngàn du khách từ trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm. Du khách khi đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng những đền đài in dấu ấn của năm tháng, mà còn được tận hưởng một bầu không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên thanh mát, lắng nghe những vang vọng của núi rừng để thấy lòng mình bình yên và lắng lại. Cảnh quan càng được tô đậm thêm màu hoài cổ khi từng mảng tường gạch, từng bức tượng đá nơi đây như còn phảng phất những hào hùng của lịch sử. Và chính dấu ấn lịch sử gắn với nơi đây càng làm tăng lên vẻ huyền bí của một công trình kiến trúc dường như đã khuất bóng thời gian.
Mỹ Sơn từng là nơi tổ chức cúng tế cũng như là khu vực lăng mộ các vua quan, hoàng thân quốc thích của những vương triều Chăm Pa xưa. Theo nội dung được ghi trên tấm bia có niên đại khoảng thế kỷ IV – sớm nhất ở Mỹ Sơn, vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền dâng cúng vua Bhadravarman, vị vua sáng lập dòng vua đầu tiên vùng Amaravati vào cuối thế kỷ IV, được đồng hóa với thần Siva, trở thành tín ngưỡng thờ thần - vua cùng tổ tiên hoàng tộc.
Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ VII - XIII, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của vương quốc Chăm Pa xưa. Tổ hợp của công trình kiến trúc này nằm rải rác trên các ngọn đồi trùng điệp, phản ánh văn hóa truyền thống của người Chăm Pa cổ. Khi được phát hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX và được nghiên cứu vào những năm đầu thế kỷ XX, Mỹ Sơn còn tồn tại 68 công trình kiến trúc. Tuy được trùng tu bởi E.F.E.O (Viện Viễn Đông Bác cổ, một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học) trong những năm 1937 - 1944 nhưng do bị bom đạn tàn phá nặng nề trong những năm chiến tranh mà ác liệt nhất là vào năm 1969, nơi đây chỉ còn lại 32 di tích, Trải qua bao nhiêu bể dâu, thời gian đã tàn phá rất nhiều công trình kiến trúc của khu di tích khiến cho nơi đây chỉ còn khoảng 20 đền, tháp còn giữ được dáng vẻ ban đầu theo thống kê năm 1975.
Bị quên lãng trong một thời gian dài lên đến hàng thế kỷ, phải đến năm 1885 nơi đây mới được phát hiện và nhờ những giá trị về kiến trúc, văn hóa, mà địa danh này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, như một minh chứng duy nhất về nền văn minh châu Á đã bị biến mất. Như vậy, sau phố cổ Hội An thì Thánh địa Mỹ Sơn chính là di sản văn hóa thế giới thứ hai của tỉnh Quảng Nam, nổi bật với những giá trị lớn lao mà di tích lịch sử này gìn giữ và truyền lại cho thế hệ chúng ta.
Biểu diễn nghệ thuật tại Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Internet
Tại Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ có kiến trúc đền tháp độc đáo mà các giá trị về văn hóa tinh thần cũng vô cùng quý giá và đắc sắc như lễ hội, nghệ thuật, theo như đánh giá của UNESCO thì đây như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá.
Vào tháng 7 hằng năm theo lịch của người Chăm, Thánh địa Mỹ Sơn diễn ra lễ hội Kate. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của người Chăm, được tổ chức để tưởng nhớ các vị thần linh và ông bà tổ tiên đã phù hộ độ trì và mang đến sự bình an may mắn, mưa thuận gió hòa. Mở đầu lễ hội là nghi thức cúng cầu an diễn ra ngay tại khu di tích, tiếp đó là các nghi thức rước kiệu, rước nước, trình diễn các điệu múa Chăm cổ, các bài dân ca truyền thống, các nhạc cụ của người Chăm như trống paranưng, kèn saranai, lục lạc, tù và, đàn nhị.
Bên cạnh Lễ hội truyền thống thì điệu múa Chăm Pa chính là nét văn hóa tinh thần quý giá của Thánh địa Mỹ Sơn, kết tinh những giá trị tươi đẹp nhất còn lưu giữ được từ rất nhiều thế hệ. Các điệu múa ngày nay được sử dụng trong biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch, nhưng xưa kia đây là những điệu múa được trình diễn trong các lễ hội truyền thống như một nghi thức dâng lễ, hay bái vọng thần linh. Vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền tháp. Những cô nàng vũ nữ Chăm thường đội trên đầu cây nến, nước, hoa trái, trầu cau để dâng mừng trông thật sống động. Hay điệu múa Apsara là điệu múa dành cho sân khấu. Sự uyển chuyển, mượt mà ca ngợi vẻ đẹp, tôn đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho các vũ công. Mỹ Sơn còn có nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như nghệ thuật diễn xướng dân gian, điệu múa cắn lửa, vũ điệu dâng lễ, múa đội nước…
Ngày nay nhiều hiện vật tiêu biểu như các thần linh mà người Chăm thờ phụng, những mẫu vật thờ, những tượng vũ nữ hay những cảnh sinh hoạt cộng đồng… tại khu tháp cổ Mỹ Sơn đã được trưng bày tại một số bảo tàng trong nước và quốc tế. Những hiện vật được giới thiệu tuy không nhiều nhưng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vô giá, là bằng chứng sống động xác thực lịch sử một dân tộc từng có một nền văn hóa vượt trội, đáng tiếc lại không còn hưng thịnh qua không gian và thời gian…
Một góc kiến trúc Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Internet
Trải qua một quá trình dài, mỗi giai đoạn lịch sử hay triều đại đều mang dấu ấn riêng với những đường nét kiến trúc khác biệt. Giờ đây, những dãy đền đài thâm u, huyền bí và trầm lắng dưới ánh chiều tà giống như hào quang còn vương lại từ một nền văn hóa rạng rỡ của một dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đền tháp ở Mỹ Sơn đã trở thành những kiệt tác ghi dấu một thời huy hoàng không chỉ của nền kiến trúc Chăm Pa mà còn của cả nền văn hóa khu vực, một nét son văn minh xa xăm của lịch sử nhân loại.
Trần Thơ