Là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo nhất được xây dựng trong triều đại phong kiến xưa ở Việt Nam, Thành nhà Hồ trải qua sáu thế kỷ với bao giông bão của lịch sử, vẫn uy nghi sừng sững như một biểu tượng văn hóa trường tồn cho đến hôm nay.
Thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397 đời vua Trần Thuận Tông (1388 – 1398). Ảnh: Internet
Thành nhà Hồ còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389-1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400-1407).
Giữa vùng bình địa rộng lớn, Thành nhà Hồ nổi bật với kiến trúc độc đáo bằng đá kiên cố có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 800m và chu vi trên 3,5 km. Thành phía ngoài xây bằng đá, bên trong xây bằng đất đầm nện chắc, mở bốn cửa theo bôn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Tường thành đá bên ngoài xây bằng những khối đá nặng trung bình 10-16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép theo hình chữ công “X” tạo nên sự liên kết kiên cố. Đất đắp bên trong thoai thoải dần. Thành qua thời gian trên 6 thế kỷ đã bị bào mòn và có chỗ bị sạt lở, nhưng di tích còn lại vẫn dày khoảng 4-6m, chân thành rộng khoảng trên 20m. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn, bằng đá, riêng cửa Nam là cửa chính có ba cổng ra vào, dài trên 34m, cao hơn 10m. Hào bao quanh thành cho đến nay vẫn còn có đoạn rộng khoảng 10-20m và La thành bảo vệ vòng ngoài. Theo sử liệu, trên thành còn xây tường bằng gạch mà khảo cổ học đã phát hiện khá nhiều, trên nhiều viên gạch còn khắc tên đơn vị các làng xã được điều động về xây thành. Ngoài ra còn nhiều kiến trúc khác, trong đó đàn Nam Giao xây trên sườn phía Tây Nam núi Đốn Sơn bằng đá qui mô khá lớn. Hiện các kiến trúc cung điện, tường gạch bên trên thành cùng các bộ phận bằng gạch, gỗ bị sụp đổ, hủy hoại và tòa thành cũng không tránh khỏi có phần bị sạt lở, nhưng gần như tổng thể kiến trúc bằng đá vẫn tồn tại.
Trong lịch sử giao lưu văn hóa, Thành nhà Hồ là biểu hiện quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở thời kỳ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông và Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình và cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á. Thành nhà Hồ cũng thể hiện dấu ấn tư tưởng độc đáo, khi được xây dựng trong vùng đồng bằng được bao bọc bởi nhiều dãy núi đá, với 2 con sông Mã và sông Bưởi bao bọc xung quanh và hội tụ về phía trước. Không gian và bố cục kiến trúc Thành nhà Hồ thể hiện rõ việc tiếp thu mạnh mẽ tư tưởng Nho giáo, coi kinh đô của một nước là biểu tượng của vương quyền và vua là Thiên tử theo tư tưởng thiên mệnh. Tất mọi vương triều phương Đông đều có tư tưởng này, nhưng ở vương triều Hồ thì tư tưởng này được thể hiện triệt để hơn.
Di tích thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2011. Ảnh: Internet
Kiến trúc Thành nhà Hồ là kết quả của sự kết hợp và sáng tạo các truyền thống xây dựng của cả Đông Á, Đông Nam Á và Việt Nam. Trong đó, kỹ thuật xây dựng đá lớn là kết tinh trí tuệ và kinh nghiệm của không chỉ bất kỳ một nền văn hóa nào, tạo nên bước đột phá của công nghệ xây dựng. Đây là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Tân Nho giáo thực hành cuối thế kỷ XIV của Việt Nam ở một thời kỳ mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước Tân Nho giáo, cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á, và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành nhà Hồ so với chuẩn mực Trung Hoa. Bên cạnh đó, việc lựa chọn vị trí đặt kinh đô chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc về vùng đất được chọn và việc vận dụng rất khéo léo các yếu tố cảnh quan thiên nhiên theo quan niệm của dịch lý và phong thủy phương Đông. Điều đó khiến cho Thành nhà Hồ trở thành một trong những ví dụ điển hình của một kinh đô mang phong cách kiến trúc Đông Á.
Với những giá trị nổi bật về kiến trúc và tư tưởng, ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, bởi tạo nên những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, và thỏa mãn các đòi hỏi về tính toàn vẹn và tính xác thực theo Công ước Di sản thế giới.
Thành nhà Hồ đến nay vẫn để lại cho hậu thế niềm tự hào và ngưỡng mộ sâu sắc, bởi đây là tòa thành duy nhất của Việt Nam xây bằng đá và giữ kỷ lục là công trình được người Việt Nam thiết kế xây dựng nhanh nhất khi hoàn thành chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 1/1397 đến tháng 3/1397). Di tích là bằng chứng về sự giao thoa văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, giao thoa văn hóa Đông - Tây, cũng là bằng chứng về trình độ xây dựng độc đáo của cha ông ta từ hơn 6 thế kỷ trước và xây dựng được một cảnh quan có giá trị phong thủy đặc biệt với sông, núi bao quanh. Di sản này còn gắn với một triều đại ngắn ngủi nhưng đặc biệt trong lịch sử dân tộc, đi cùng với tên tuổi nhà cải cách và canh tân hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 15 với việc mở mang trường học, đề cao chữ nôm, phát hành giấy bạc. Bức tường thành kỳ vĩ vừa mang thần thái của phương Đông truyền thống, vừa in đậm dấu ấn của một cuộc cách tân đất nước.
Di tích này đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân xứ Thanh, mà còn là của chung mỗi người con đất Việt. Trải qua biết bao triều đại, những giá trị về thẩm mỹ, những dấu ấn về tư tưởng chấn hưng dân tộc vẫn lặn sâu trong đá, kỳ vĩ như bức tường thành, và như thể còn vẹn nguyên, khi chúng ta rũ bỏ xuống tấm rêu phủ thời gian hơn 600 năm kia.
Trần Thơ