Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang đến nay, dù đã được trùng tu lại, nhưng dấu ấn của thời gian vẫn phủ bóng cổ thành, như dáng hình lịch sử còn vương lại bên bờ Lô giang vẫn miệt mài trôi chảy hàng thế kỷ.
Cồng Tây Môn thành nhà Mạc ở Tuyên Quang. Nguồn ảnh: Internet
Câu nói dân gian “Chè Thái, gái Tuyên” không những gợi cho người ta liên tưởng tới nét đẹp tinh hoa nổi bật của mỗi vùng miền đất nước, mà ẩn chứa đằng sau đó là những câu chuyện lịch sử và giá trị của di sản xa xưa. Người con gái Tuyên Quang đẹp vẻ đẹp đài các, sang trọng cũng gắn liền những lý do của lịch sử. Có nhiều ý kiến cho rằng, Tuyên Quang từng là nơi vương triều nhà Mạc định đô. Vùng đất có nhiều vua chúa quan lại nên có nhiều cung tần mỹ nữ, được dạy bảo lễ giáo gia phong từ bé. Khi nhà Mạc thất thế, nhiều người con gái vẫn sinh sống ở nơi đây, lập thân sinh con cái. Di sản của nhà Mạc lưu lại xứ Tuyên tưởng đâu còn lại là những bờ tường thành rêu phong cũ kỹ, mà ít ai ngờ còn là những thế hệ giai nhân tô đẹp cho diện mạo của cả một vùng đất.
Nhưng dẫu sao, điều ta dễ nhận ra nhất vẫn chính là hình ảnh kiến trúc thành cổ Tuyên Quang, di tích lịch sử nằm ở giữa thành phố, một trong số khá ít di tích còn lại của thời kỳ nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Thành nhà Mạc được xây dựng ở vị trí án ngữ giao thông đường thủy và đường bộ bên bờ sông Lô - Khu vực phát triển về thương nghiệp và các triều đại phong kiến. Từ thời nhà Lý đã đóng quân tại đây với tên gọi đồn Tam Kỳ (hay Tam Cờ). Năm 1592, thời chiến tranh Lê-Mạc, quân Nam triều (nhà Lê trung hưng) do Trịnh Tùng chỉ huy tiến ra bắc đánh chiếm Thăng Long. Vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị xử tử. Các quý tộc và quan lại rút về Cao Bằng. Để ngăn chặn quân nhà Lê, triều đình nhà Mạc đã cho xây dựng một tòa thành ở bên bờ sông Lô. Theo tương truyền, toàn bộ quá trình xây thành chỉ mất một đêm. Quân Mạc còn đắp trong thành một ngọn núi đất hơn 50m gọi là Thổ Sơn (núi Đất). Tòa thành còn là nơi giành giật giữa quân đội nhà Lê và nhà Mạc trong nhiều năm mỗi khi các vua Mạc mở cuộc tiến công từ Cao Bằng xuống Thăng Long.
Đến thời Nguyễn, thành mới được xây dựng lại cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính, được triều Nguyễn coi trọng là tòa thành trấn giữ mạn Bắc, che chở cho kinh thành Thăng Long, vì vậy trên văn bia còn khắc câu:
An biên viễn ải ưu kim ngọc
Tuyên thành vạn cổ trấn Thăng Long
(Ở nơi biên cương xa xôi nơi có nhiều vàng bạc/ Thành Tuyên Quang muôn đời là nơi che chở cho đất Thăng Long)
Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra ở thành cổ Tuyên Quang: cuộc chiến đấu của các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan chống Pháp năm 1884. Tháng 8 năm 1945, Giải phóng quân tiến công phát xít Nhật tại thị xã Tuyên Quang, bên cạnh thành cổ. Chỉ trong vài ngày, quân Nhật phải đầu hàng, bàn giao thị xã cho quân Giải phóng.
Ngày 20 tháng 3 năm 1961, lần đầu tiên kể từ khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển từ Thủ đô Kháng chiến (Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) về Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại quê hương cách mạng Tuyên Quang. Người đã có buổi nói chuyện với toàn thể nhân dân ở sân vận động phía bắc Thổ Sơn ngay trong thành cổ.
Năm 1991, Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang (hay còn gọi là thành Tuyên Quang) chính thức được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Thành nhà Mạc có những điểm độc đáo về kiến trúc, vì gắn với tốc độ xây dựng rất nhanh. Thành cấu trúc theo kiểu hình vuông, mỗi bề tường dài 275 m, cao 3,5 m, dày 0,8 m, diện tích 75.625 m2. Ở giữa mỗi mặt thành có một vành bán nguyệt, giữa vành bán nguyệt đó là cửa, trên cửa xây tháp, mái ngói. Trong tường có một con đường nhỏ xung quanh dùng làm đường tiếp đạn lên thành. Bao bọc tường thành là một lớp hào sâu ngập nước.
Vật liệu xây thành chủ yếu là loại gạch có kích thước lớn hơn nhiều so với gạch chỉ hiện nay, làm bằng thứ đất có nhiều quặng sắt rất rắn (đặc trưng của kiểu gạch thời Lê). Đến đầu đời nhà Nguyễn, thành được sửa chữa, gia cố thêm bằng loại gạch nhỏ. Trong thành chếch hướng bắc là núi Thổ (Thổ Sơn - núi đất) cao 50 m, dốc đứng, phải qua 193 bậc đá mới lên tới đỉnh. Thổ Sơn cũng chỉ đắp trong một đêm, toàn bộ Thổ Sơn nằm gọn trong thành, phạm vi kiểm soát của cao điểm rất rộng. Cửa đông khống chế đường bộ duy nhất thời đó và sông Lô là tuyến đường thuỷ quan trọng khi chưa có phương tiện cơ giới trên bộ.
Vẻ đẹp người con gái Thành Tuyên. Nguồn ảnh: Internet
Thành nhà Mạc trải qua nhiều biến động của lịch sử và sự phát triển của đô thị, đã bị xuống cấp nhiều. Ở giai đoạn trước, do quá trình đô thị hóa, xuất hiện các tuyến đường cắt ngang khiến thành cổ bị chia cắt. Hiện nay sau khi đã được trùng tu, thành cũng chỉ còn lại một phần dấu vết khi xưa với hai cổng thành phía Tây và phía Nam và một đoạn tường thành dài chưa đến 100m. Cổng Tây thành nằm trên địa phận tổ 8, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Đoạn tường thành còn lại duy nhất nằm trên góc đường Bình Thuận và Cổng Lấp. Xung quanh thành giờ là nhà cửa, phố chợ và tấp nập dòng người qua lại. Thấp thoáng phía sau những gương mặt xứ Tuyên rạng rỡ nét hiện đại, đôi khi ta phát hiện ra cả một nền móng lịch sử và văn hóa đầy tươi đẹp mà lặng lẽ như tâm hồn giai nhân xưa.
Trần Thơ