Được thành lập vào tháng 6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền Phong nhanh chóng trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, tập hợp đông đảo lực lượng thanh niên và các giai cấp, tầng lớp xã hội, đóng vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945 tại Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ
Thanh niên Tiền Phong là một tổ chức chính trị-xã hội, hoạt động chủ yếu tại Nam Bộ trong năm 1945. Tổ chức Thanh niên Tiền Phong chính thức ra mắt vào ngày 1/6/1945, nhằm mục đích tập hợp lực lượng thanh niên làm nhiệm vụ giải phóng nước nhà.
Thanh niên Tiền Phong hoạt động theo muc đích, tôn chỉ, điều lệ, hệ thống tổ chức và nhân sự dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Tiền Phong. Đoàn kỳ là lá cờ vàng sao đỏ, đoàn ca là bài hát Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Đồng phục đoàn viên là quần soọc trắng, sơ mi tay ngắn.
Nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy đối với hoạt động của Thanh niên Tiền Phong, Hội đồng quản trị Thanh niên Tiền Phong được thành lập, gồm: Chủ tịch: Kha Vạng Cân, Phó Chủ tịch: Huỳnh Kim Hữu; Tổng thư ký: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Tổng thứ ký: Nguyễn Việt Nam[[1]].
Sau khi thành lập, Thanh niên Tiền Phong trở thành phong trào quần chúng rộng rãi từ Sài Gòn đến khắp các tỉnh thành ở Nam Bộ. Từ tổ chức Thanh niên Tiền Phong đã cho ra đời hàng loạt tổ chức khác, như Phụ nữ Tiền phong, Phụ lão Tiền Phong, Thiếu nhi Tiền Phong. Tại các sở ngành, nhà máy, xí nghiệp đều có cơ sở của Thanh niên Tiền Phong. Tham gia tổ chức Thanh niên Tiền Phong không chỉ có thanh niên, còn có nông dân, công nhân và các giai cấp tầng lớp khác.
Một buổi diễu hành của Thanh niên Tiền Phong (Ảnh tư liệu)
Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (tháng 6-8/1945), nhưng tổ chức Thanh niên Tiền Phong giữ vai trò quan trọng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ. Dù thời gian đã qua đi, nhưng không thể phủ nhận vai trò lịch sử của Thanh niên Tiền Phong đối với cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ. Giá trị lịch sử của Thanh niên Tiền Phong thể hiện ở một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Thanh niên Tiền Phong ra đời nhằm mục đích giải phóng dân tộc.
Mặc dù Thanh niên Tiền Phong ra đời từ yêu cầu của thống đốc Nhật ở Nam Kỳ là Minoda Fujio và Ida - Quyền Tổng trưởng Thanh niên - Thể thao Đông Dương, nhưng Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) đã “tương kế tựu kế”, thông qua những trí thức nổi tiếng lúc bấy giờ như Lê Văn Huấn, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Huỳnh Tấn Phát… thành lập Thanh niên Tiền Phong - một tổ chức lợi dụng công khai để tập hợp, mở rộng lực lượng thanh niên thành “đạo quân chính trị” dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Khi gia nhập tổ chức, mỗi đoàn viên đều cam kết 5 điều, trong đó cam kết: Thanh Niên Tiền Phong sẵn sàng hiến thân cho Tổ Quốc; thực hiện lời thề: Thanh niên Tiền Phong luôn luôn hết lòng hy sinh cho Tổ quốc. Trong buổi tuyên thệ ở vườn Ông Thượng vào ngày 1/7/1945 và ngày 18/8/1945, Thanh niên Tiền Phong nêu cao khí thế và tinh thần yêu nước, tranh đấu để “đem lại cho nước ta một địa vị độc lập trên trường quốc tế”[[2]].
Sau ba tháng hoạt động, số đoàn viên Thanh niên Tiền Phong phát triển nhanh chóng, với tổng số 1.200.000 đoàn viên ở 21 tỉnh thành Nam Bộ. Riêng Sài Gòn có 200.000 đoàn viên/800.000 số dân thành phố[[3]]. Một số địa phương như Bà Rịa, Hà Tiên tuy chưa có Đảng bộ cấp tỉnh, nhưng lực lượng đoàn viên Thanh niên Tiền Phong cũng phát triển nhanh. Số đoàn viên Thanh niên Tiền Phong này trở thành lực lượng chủ lực trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ.
Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Sở dĩ thế và lực của Thanh niên Tiền Phong phát triển nhanh chóng sau thời gian ngắn hoạt động là do Đảng bộ ở miền Nam đã xoáy sâu vào lòng yêu nước, khát vọng giành độc lập của thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, Thanh niên Tiền Phong là lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ.
Sau khi hay tin Nhật đầu hàng (15/8/1945), Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) xác định: Thời cơ khởi nghĩa đã tới, phải tranh thủ thời cơ khi Nhật đầu hàng, quân Đồng Minh chưa tới Sài Gòn mà tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Liền sau đó, Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) thành lập Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ và phát lệnh khởi nghĩa vào lúc 18 giờ ngày 24/8/1945. Đến 22 giờ ngày 24/8/1945, hầu hết bộ máy cai trị của chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn đã về tay các đội Thanh niên Tiền Phong. Cùng lúc này, Thanh niên Tiền Phong, công nhân có vũ trang, cắm cờ đỏ sao vàng trên xe cam nhông chạy khắp thành phố biểu dương khí thế khởi nghĩa.
Sáng ngày 25/8/1945, có trên một triệu người Sài Gòn và các tỉnh lân cận vũ trang bằng đủ loại súng, tầm vông, giáo mác, cờ đỏ, búa liềm… rầm rập tiến vào trung tâm thành phố. Đến trưa ngày 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn giành thắng lợi. Báo Tiến (cơ quan ngôn luận của Thanh niên Tiền Phong) tường thuật về cuộc biểu tình lịch sử như sau: “Dân chúng ở mọi giai cấp, trẻ, già, lớn, bé, đàn ông, đàn bà tấp nập trên các nẻo đường… Trước mỗi đoàn, cờ cách mạng (cờ đỏ sao vàng của Việt Minh- TG) cực to mở đường, thỉnh thoảng kèm theo cờ Thanh niên Tiền Phong nền vàng điểm sao năm cánh đỏ, các bài Thanh niên hành khúc, Quốc tế ca, Lên đàng… được hát vang lên hòa nhịp bước đều của đoàn cách mạng”[[4]].
Cùng với Sài Gòn, các tỉnh Nam Bộ cũng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng 8 năm 1945. Tỉnh Tân An là địa phương thí điểm khởi nghĩa giành chính quyền ở miền Nam. Tại đây, Đảng bộ tỉnh đã thông qua hoạt động công khai và sôi nổi của Thanh niên Tiền Phong để tập hợp lực lượng rộng rãi quần chúng nhân dân. Chiều ngày 21/8/1945, cuộc khởi nghĩa nổ ra và chính quyền địch không có sự phản kháng, quân đội Nhật đóng tại đây giữ thái độ trung lập, cuối cùng cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi. Ở các tỉnh Nam Bộ còn lại, Thanh niên Tiền phong trở thành một tổ chức tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân và giữ vai trò là lực lượng chủ yếu trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh, như: Bạc Liêu khởi nghĩa thành công vào ngày 23/8; Gò Công là ngày 24/8; Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Sóc Trăng, Long Xuyên khởi nghĩa giành thắng lợi ngày 25/8; Biên Hòa, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc khởi nghĩa thắng lợi ngày 26/8; Rạch Giá là ngày 27/8; Hà Tiên khởi nghĩa thắng lợi vào ngày 28/8.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ trong vòng 8 ngày cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Bộ đã giành thắng lợi. Thắng lợi này là sự kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, dùng bạo lực của đông đảo quần chúng với lực lượng chủ lực là các đội Thanh niên Tiền Phong, nhân dân Nam Bộ đã giành lấy chính quyền.
Thứ ba, cờ đoàn Thanh niên Tiền Phong thể hiện tinh thần dân tộc và cách mạng.
Sau khi thành lập vào tháng 6/1945, Thanh niên Tiền Phong đã lấy cờ vàng sao đỏ năm cánh làm đoàn kỳ, đảo ngược với lá cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng năm cánh). Điều này cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, giáo sư Trần Văn Giàu trong Hồi ký đã giải thích về cờ đoàn Thanh niên Tiền Phong như sau: Cờ đỏ sao vàng từng xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ vào năm 1940. Sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập (5/1941) đã lấy cờ đỏ sao vàng làm cờ của Việt Minh. Do đó, nếu Thanh niên Tiền Phong lấy cờ này làm đoàn kỳ thì không thể tồn tại công khai và hoạt động công khai (trong tình hình còn chính quyền địch và quân đội Nhật chiếm đóng). Vì vậy, Thanh niên Tiền Phong phải lấy cờ vàng sao đỏ làm đoàn kỳ. Nền cờ màu vàng là của màu dân tộc, màu đỏ là màu cách mạng, sao đỏ là hướng dẫn đi đúng con đường cách mạng. Do đó, có thể khẳng định lá cờ màu vàng sao đỏ năm cánh của Thanh niên Tiền Phong đã thể hiện tinh thần dân tộc và đi theo con đường cách mạng vô sản.
Trương Nhụy
[1]] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2012, tr. 137
[2]] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2012, tr. 138
[3]] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2012, tr. 138
[4]] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2012, tr. 156-157