Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trong những năm 2014-2016, lĩnh vực văn hóa đã đạt những thành tựu đáng khích lệ
Xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa, văn học -nghệ thuật
Hệ thống các cơ sở đào tạo tăng cả về số lượng cơ sở lẫn quy mô đào tạo; các cấp bậc đào tạo và hình thức tổ chức đào tạo được đa dạng hóa. Năm 2015, cả nước có 29 cơ sở đào tạo đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch trực thuộc Bộ trong đó có: 2 Viện nghiên cứu (có đào tạo trình độ Tiến sĩ), 12 Đại học/Học viện, 12 Cao đẳng/Cao đẳng nghề, 2 trung cấp, 1 trường khác ( Trường CBQL VHTDTT). Với số lượng cán bộ, giáo viên, giảng viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ 4.199, trong đó cán bộ quản lý 811 người, giảng viên 1.847 người, giáo viên 191 người, khác 1.251 người. Số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ 12.493 người, tiến sĩ 10 người, thạc sĩ 725, Đại học 5.190, Cao đẳng 2.551, cao đẳng nghề 1.135, trung cấp 1.298, trung cấp nghề 101, sơ cấp nghề 1.483[1].
Hình thức tổ chức đào tạo đa dạng, gồm chính quy và không chính quy; các hệ ngắn hạn và dài hạn; các loại hình công lập và ngoài công lập, cơ sở đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa - nghệ thuật đã phủ kín hầu hết các tỉnh/thành phố, phần lớn tập trung ở các đô thị, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học và gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được phân bố ở các trung tâm đào tạo chính là Hà Nội ,Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Bắc,Việt Bắc, Huế, Đồng Nai. Nhà nước điều chính chế độ tiền lương, trợ cấp, danh hiệu Nhà nước đối với những người hoạt động trong các loại hình nghệ thuật đặc thù và các trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người. Năm 2016, có 18 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình về văn học nghệ thuật đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; 9.518 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình về văn học nghệ thuật đạt giải thưởng Nhà nước.
Di tích Đại Nội Kinh thành Huế
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc
Đến tháng 12/2016[2], cả nước có 3.329 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó: 1.546 di tích lịch sử, 1.549 di tích kiến trúc nghệ thuật, 89 di tích khảo cổ, 145 di tích danh lam thắng cảnh; Cả nước có 25 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, trong đó: 08 di sản văn hóa và thiên nhiên, 11 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 06 di sản tư liệu. Trong đó có những di tích được ghi danh với nhiều danh hiệu, không có ở các di sản khác của Việt Nam và cũng hiếm thấy ở các nước trên thế giới như: Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh 5 danh hiệu: Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản văn hoá thế giới (1993), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2003) và 3 di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới: Mộc bản triều Nguyễn (2009) là Di sản tư liệu thế giới và Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016) là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 23/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.
Hát Xoan Phú Thọ là di sản đầu tiên trong các nước thành viên được UNESCO chuyển từ Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tháng 11/2011, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Năm 2015 Ủy ban Liên Chính phủ đã đồng ý đặc cách cho Việt Nam xây dựng Hồ sơ trình UNESCO đưa Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương xây dựng Hồ sơ. Đầu năm 2016, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã thẩm định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép trình Hồ sơ lên UNESCO.
Về Lễ hội, theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), đến năm 2015, nước ta có 7.966 lễ hội được tổ chức, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 322 lễ hội lịch sử cách mạng.
Di tích lịch sử cách mạng Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)
Xây dựng thể chế và thiết chế văn hóa
Xây dựng, củng cố và hoàn thiện thể chế văn hóa là cơ sở quan trọng để phát huy tối đa các nguồn lực, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện thể chế và thiết chế văn hóa nhằm thúc đẩy văn hóa ngày một phát triển.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín khóa XI nhấn mạnh nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Hiện thực hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đã ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để ngành văn hóa hoạt động một cách thuận lợi. Hệ thống pháp luật về văn hóa nói chung, về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng được hoàn thiện. Cùng với hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tương đối đồng bộ, có giá trị pháp lý cao, tạo hành lang pháp lý để ngành văn hóa hoạt động một cách thuận lợi.
Hệ thống thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa thôn bản, trung tâm văn hóa huyện, thị, tỉnh thành; hệ thống rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, bưu điện văn hóa...) không ngừng được đầu tư xây dựng. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, năm 2016, hệ thống các thiết chế văn hóa không ngừng được củng cố, tăng cường xây dựng và từng bước hiện đại[3]
Hệ thống thiết chế văn hóa đã được xây dựng đồng bộ trên khắp các tỉnh, thành phố, từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ các giá trị tinh thần ngày càng cao của đông đảo nhân dân. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cấp chính quyền, sự tham gia, hưởng ứng của người dân trong kiến tạo, xây dựng hệ thống thiết chế thiết yếu, đảm bảo cho nhu cầu vui chơi giải trí; trao đổi, tìm kiếm thông tin, tri thức; rèn luyện thể lực, thể thao; kết nối, giao lưu giữa những nhóm cộng đồng, dân cư, tạo không khí thi đua phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết, tạo động lực và niềm tin để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù còn một số hạn chế nhưng những thành tựu trong quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam trong những năm 2014- 2016 đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải phát huy cao độ bản bản sắc văn hóa dân tộc - sức mạnh nội sinh (sức mạnh mềm của dân tộc) kết hợp với sức mạnh thời đại; đồng thời, phát huy sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam.