Trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã thi thố nhiều chiến thuật quân sự tân kỳ, trong đó có chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” được cho là phù hợp với đặc điểm của một vùng sông nước mênh mông, chằng chịt. Nhưng chung số phận với các chiến thuật khác từng áp dụng, chiến thuật “Hạm đội nhiỏ trên sông” nhanh chóng bị phá sản
Từ chủ trương và chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" đứng trước nguy cơ phá sản, Lầu Năm góc chuyển hướng sang chiến lược "chiến tranh cục bộ" hòng cứu vãn những thất bại nặng nề của chúng trên chiến trường và ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quyền Sài Gòn.
Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ thua đau ở miền Nam. Tuy nhiên, chúng vẫn không cam chịu thất bại. Chúng tiếp tục can thiệp sâu hơn vào chiến trường Việt Nam, đẩy cuộc chiến tranh lên quy mô chiến lược mới.
Từ cuối năm 1965, số lính Mỹ được đưa vào chiến trường miền Nam Việt Nam lên đến 180.000 quân và số lính đồng minh của Mỹ tham chiến ở chiến trường miền Nam khoảng 20.000 quân[1].
Dựa vào sức mạnh quân sự, Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc hành quân “tìm diệt” nhằm lực lượng vũ trang giải phóng.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 11 và 12. Trên cơ sở phân tích một cách toàn diện, sâu sắc chiến lược mới của Mỹ, Trung ương đã ra nghị quyết và đề ra chủ trương xác định rõ “nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta, của nhân dân ta suốt từ Nam đến Bắc”[2].
Thực hiện chủ trương của Đảng và lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, đầu năm 1966, Khu ủy Khu 8 mở hội nghị nhằm quán triệt Nghị quyết 11, 12 của Đảng, xác định mục tiêu, tính chất của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và đề ra chủ trương sử dụng "phương châm, phương thức" hai chân, ba mũi kết hợp quân sự, chính trị, binh vận đánh Mỹ cũng như đánh ngụy".
Từ giữa năm 1967, trên chiến trường Mỹ Tho, địch tăng cường lực lượng quân sự rất đông hòng đối phó với phòng trào cách mạng nơi đây.
Tiếp đó, Tỉnh ủy mở hội nghị quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Khu ủy Khu 8, đánh giá lại tình hình trong tỉnh và phát động "căm thù Mỹ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ và giữ thế hợp pháp cho dân", qua đó tăng cường xây dựng lực lượng, sẵn sàng đối đầu với Mỹ.
Tàu chiến Mỹ trên sông Hàm Luông, năm 1968 (Ảnh tư liệu)
Giữa tháng 7/1967, Khu ủy chủ trương chuẩn bị một bước cho chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào cuối năm, trước mắt mở chiến dịch mùa khô tiến công lộ 4, đồng thời chuẩn bị lực lượng, trận địa để chủ động đánh các cuộc càn quét lớn hai bên Nam - Bắc lộ 4 của Mỹ - ngụy nhằm giải tỏa lộ 4, tiêu hao nhiều sinh lực địch nhằm dồn địch lún sâu hơn vào thế bị động chiến lược.
Thực hiện chủ trương của Khu ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương triển khai kế hoạch mùa mưa theo từng đợt nhằm đánh phá lộ 4 và chuẩn bị sẵn sàng đánh bại vào cuộc phản công chiến lược của địch nhằm giải tỏa lộ 4, đặc biệt là chuẩn bị chu đáo mọi mặt để đối đầu có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn mới của Mỹ" "sử dụng lực lượng cơ động đường sông để tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta".
Trận chiến trên sông Ba Rài đập tan chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của địch
Rạng sáng ngày 15/9/1967, địch tổ chức triển khai hai cuộc càn ở hai bên Nam - Bắc lộ 4 nhằm giải tỏa thế bao vây chia cắt lộ 4 của ta.
Cuộc hành quân này không chỉ nhằm mục đích đánh chiếm, bình định địa bàn chiến lược và tiêu diệt Tiểu đoàn bộ binh 263 - bộ đội chủ lực Quân khu 8, mà còn để thử nghiệm nhằm khẳng định một chiến thuật mới (chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”) mà chúng dự kiến triển khai rộng rãi trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long, với hy vọng sẽ thoát khỏi những bế tắc của Mỹ - ngụy ở vùng này.
Để thực hiện chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, lính bộ binh Mỹ đóng quân trên những chiến hạm vốn là doanh trại của hải quân Mỹ đóng ở ven sông Tiền, thuộc khu vực căn cứ Đồng Tâm. Từ trên những chiến hạm, lực lượng bộ binh Mỹ được bố trí vào các “xuồng thiết giáp đổ bộ”, có sự yểm trợ của các tàu chiến nhỏ (được trang bị pháo 40 ly hoặc 20 ly và súng cối 81 ly).
Cuộc càn phía Bắc lộ 4 mang tên Cửu Long 63/11/67 do khu chiến thuật Mỹ Tho chỉ huy, lực lượng tham gia gồm 1 trung đoàn thuộc sư đoàn 7 ngụy đang đóng ở khu vực dưới ngã tư Văn Cang (Cái Bè) và các tiểu đoàn bảo an, dân vệ thuộc tiểu khu Định Tường đang đóng ở Cai Lậy. Nhưng lực lượng này chủ yếu mới chỉ di chuyển trên lộ 4.
Cuộc càn phía Nam lộ 4 mang tên Cohart, chủ yếu ở khu vực sông Ba Rài, do Bộ chỉ huy lữ đoàn 2 bộ binh Mỹ chỉ huy. Quân Mỹ dùng “xuồng thiết giáp đổ bộ” bí mật chở quân từ sông Tiền vào sông Ba Rài, khu vực xã Cẩm Sơn (địa bàn mà Tiểu đoàn bộ binh 263 của ta vừa mới cơ động tới và triển khai đội hình tác chiến trong đêm 14/9/1967). Trận chiến đấu đã diễn ra liên tục, quyết liệt, ròng rã suốt ngày 15/9/1967. Lực lượng này gồm có 3 tiểu đoàn bộ binh. Theo kế hoạch, một tiểu đoàn bộ binh cơ động đường bộ bằng xe M. 113 từ Cai Lậy vào lộ Ba Dừa hình thành cánh quân án ngữ phía Đông; hai tiểu đoàn còn lại được cơ động bằng xuồng thiết giáp đổ bộ từ sông Cửu Long theo sông Ba Rài vào. Tiểu đoàn đi đầu gồm 3 đại đội, 2 đại đội A, B của tiểu đoàn 3/60 ( tiểu đoàn 3-trung đoàn 60), đại đội C của tiểu đoàn 5/60 có nhiệm vụ đổ quân lên phía Bắc xã Cẩm Sơn tại khu vực vàm Bà Xá, ấp 4 xã Cẩm Sơn. Mỹ đặt tên khu vực nầy là "Bãi trắng. Tiểu đoàn 3/47 đi sau có nhiệm vụ đổ quân lên phía Nam thuộc ấp 3 xã Cẩm Sơn, đặt tên khu vực này là "Bãi đỏ".
Lính Mỹ trên một con tàu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Mỗi đại đội đi trên 3 tàu đổ bộ, có 1 tàu hộ tống, đi trước đoàn tàu có hai tàu không chở quân làm nhiệm vụ quét mìn. Ngoài ra còn một tàu cứu thương và một tàu chỉ huy (CCB) chạy xen kẽ. Đoàn tàu thứ nhất vào vàm Ba Rài. có tất cả 16 chiếc dưới quyền chỉ huy của Trung tá hải quân FE. Rhodes lúc 3 giờ 15, theo sau là đoàn tàu thứ hai chở tiểu đoàn 3/47. Cùng lúc đoàn tàu chuẩn bị vào sông Ba Rài thì Trung tá Wercer. M. Doly, chỉ huy tiểu đoàn 3/60 ngồi trên chiếc trực thăng chỉ huy bay đi bay lại dọc sông Ba Rài nhiều lần để quan sát trận địa.
Trực thăng của địch quần đảo dọc sông Ba Rài ngang qua đội hình của Tiểu đoàn 263 nhiều lần nhưng do sương mù dày đặc, địa hình rậm rạp và ngụy trang cẩn thận nên địch không phát hiện được lực lượng ta.
6 giờ 20 sáng, ba chốt đánh tàu bố trí sát mé sông Ba Rài, cách đội hình chính của đại đội bộ binh không xa đã phát hiện được tàu địch và xin lệnh đánh. Đồng chí Nguyễn Hoàng Kha, đại đội trưởng đại đội 2 lệnh cho 3 chốt đánh tàu chờ địch chạy ngang qua mới bắn, khi bắn phải bảo đảm trúng đích, đồng thời điện báo cho Ban chỉ huy tiểu đoàn về việc xuất hiện của tàu địch.
6 giờ 30, một số tàu địch chạy ngang 3 chốt hỏa lực, được lệnh cả 3 chốt đồng loạt nổ súng, ngay từ đầu 1 chiếc tàu phá mìn trúng đạn lủi sang bờ Tây sông Ba Rài, 1 số chiếc khác bị trúng đạn nhưng vẫn còn chạy được. Địch quá bất ngờ có khựng lại, nhưng ngay sau đó thì tăng tốc vượt lên, với ý định vượt qua các tổ hỏa lực của ta, đổ quân lên bờ đánh ngược lại nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Tuy nhiên, quân Mỹ đã không thực hiện được ý định trên vì tất cả các tàu của chúng tiếp tục bị các tổ hỏa lực của ta bố trí dọc theo sông Ba Rài nổ súng làm cho nhiều chiếc khác bị trúng đạn. Những chiếc tàu bị trúng đạn không còn chạy được thì dạt sang bờ phía Tây và bắn trả bằng tất cả các loại vũ khí được trang bị, số tàu khác vẫn tăng tốc vượt lên chạy về hướng Bắc.
Chiếc tàu rà phá mìn thứ hai và một số tàu chở quân chạy được đến trước đội hình chiến đấu của trung đội trinh sát, trung đội đặc công. Trung đội trinh sát, trung đội đặc công dùng B40, B41 bắn chiếc tàu rà phá mìn thứ hai chìm ngang dòng sông chỉ còn một lối nhỏ làm cho các chiếc tàu khác còn lại khó có thể qua được. Đoàn tàu nhanh chóng tan vỡ đội hình, số còn lại chạy tới, chạy lui trong đội hình hỏa lực của ta nên tiếp tục bị trúng đạn, bị đánh chìm.
Địch sử dụng M79, súng máy M60, cối 61, 81 ly, súng tiểu liên M16 trên các tàu bắn trả quyết liệt. Pháo binh địch từ các cụm pháo chung quanh, có cả cụm pháo hạng nặng 105, 155 ly trên tàu chiến của Mỹ đang neo đậu phía bên kia cù lao Tân Phong bắn dữ dội vào khu vực hai bên bờ sông thuộc ấp 1, ấp 4 xã Cẩm Sơn. Song do công sự của các chiến sĩ hỏa lực của tiểu đoàn 263 được bố trí sát mép nước và trải dài trên một đoạn sông hơn 1.500 m, công sự của các đại đội bộ binh còn lại được bố trí cận tiền duyên nên hỏa lực của địch hầu như không hiệu quả.
Gần 7 giờ, trước sự tấn công dũng mãnh của ta, địch có chống trả nhưng vì số tàu bị hỏng và thương vong ngày càng tăng, địch buộc phải ra lệnh cho tất cả các tàu còn lại phải rút lui ra khỏi trận địa. Đại đội 2, các đơn vị trinh sát và đặc công báo cáo đã bắn cháy và bắn hỏng hơn 10 tàu địch.