Đạt được thắng lợi bước đầu quan trọng, trong những năm 1981-1984, lực lượng an ninh tiếp tục mưu trí, dũng cảm thực hiện Chuyên án CM -12, phá vỡ hoàn toàn âm mưu xâm nhập, phá hoại của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”
Trong thời gian này, một mặt ta vẫn tiếp tục chuẩn bị việc đón nhận chuyến xâm nhập tiếp theo của lực lượng gián điệp, biệt kích, đồng thời tiến hành các biện pháp điều tra đối với các mảng khác trong nội địa có liên quan đến CM-12 như cụm Lê Quốc Quân, cụm Lê Chơn Tình và cụm Hồ Tấn Khoa trong đạo Cao Đài. Tổ An ninh K4/2 được giao nhiệm vụ chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị, công an các địa phương liên quan như Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, An Giang… đấu tranh với các chuyên án có liên quan.
Cùng với đó, từ các bức điện Lê Quốc Túy gửi về cho “Tổ đặc biệt”, ta biết ý định của địch là đưa vào 3 chuyến trong tháng 9/1981 với khối lượng vũ khí khoảng 40-50 tấn và 6 tên gián điệp biệt kích. Vì vậy, công việc chuẩn bị của ta không chỉ đón “hàng” mà còn bắt bọn gián điệp biệt kích, tổ chức khai thác để phục vụ công tác nghiệp vụ tiếp theo.
Trong phiên liên lạc tiếp theo, trung tâm địch thông báo cho “Tổ đặc biệt” biết là 2 tàu xâm nhập sẽ khởi hành vào ngày 6/9/1981. Qua các biện pháp trinh sát khác, ta cũng nắm được quá trình chuẩn bị, tên tuổi cụ thể của nhóm gián điệp biệt kích sắp xâm nhập và chỉ huy chuyến xâm nhập này là T.N.C, có ám danh là K19.
Trong những ngày hạ tuần tháng 8/1981, công việc chuẩn bị vô cùng khẩn trương. Sau khi nghiên cứu kỹ, ta quyết định chọn các bãi đổ cho kế hoạch CM-12 ở vùng phía tây mũi Cà Mau chứ không ở phía đông. Kế hoạch được báo cáo lên Bộ trưởng Phạm Hùng và được Bộ trưởng phê duyệt.
Tổ nghiên cứu xử lý tin Phòng 5 trong đấu tranh chuyên án CM-12 (Ảnh tư liệu)
Đúng như dự đoán, “Tổ đặc biệt” nhận được điện của trung tâm địch gửi, cho biết khoảng 20 giờ ngày 9/9/1981, tàu sẽ đến bãi đổ. Đúng 19 giờ 10 phút ngày 9/9/1981, hai chiếc tàu đã vào đến bờ biển Minh Hải, sớm hơn dự định gần một tiếng đồng hồ. T.N.C (K19) cho hai chiếc tàu neo cách cửa sông ông Đốc khoảng 2km chờ các “chiến hữu” ra đón. Sau khi hai bên gặp nhau, trao đổi những điều cần thiết, K19 lệnh cho bọn trên tàu ném “hàng xuống biển”, khiến cho việc vớt vũ khí tương đối vất vả, mãi tới tối 10-9-1981 mới xong và chất lên ba chiếc tàu. Trong lúc đó, 6 tên gián điệp biệt kích đi theo người của “Tổ đặc biệt” khoảng 4km, tới một con kinh, thì ở đây đồng chí Mười Lắm chỉ huy 12 chiến sĩ an ninh của ta đã mai phục và bắt gọn. Diễn biến trận đánh nhanh gọn, không một tiếng súng.
Kế hoạch CM-12 tiếp tục giành được những thắng lợi quan trọng. Đúng như kế hoạch của Túy – Hạnh, ta đã khéo léo “tương kế tựu kế”, Mai Văn Hạnh xâm nhập vào Việt Nam và được ta tổ chức “đón tiếp” khá chu đáo. Sau khi biết Mai Văn Hạnh vào trong nước an toàn, ngày 16/4/1982, Lê Quốc Túy điện cho Mai Văn Hạnh chỉ đạo các K trong quốc nội chuẩn bị để đón Túy. Như vậy, Túy cũng nóng lòng được vào Việt Nam như Hạnh. Kế hoạch đưa đón Mai Văn Hạnh được thực hiện thắng lợi. Đây là một thành công quan trọng, tạo được niềm tin cho bọn đầu sỏ để tiếp tục duy trì Kế hoạch CM-12.
Trong cuộc họp ngày 12 và 13/3/1984, kế hoạch kết thúc CM-12 được vạch ra. Bộ Nội vụ chủ trương: khôn khéo dụ Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh từ nước ngoài về nước, bắt gọn cả người, tàu xâm nhập, vũ khí, điện đài và đưa toàn bộ bọn gián điệp xâm nhập từ năm 1981 đến nay ra xét xử công khai. Nếu Túy và Hạnh chưa vào thì ta chưa kết thúc kế hoạch này. Nhưng nếu tình hình không hoàn toàn theo đúng kế hoạch của ta thì cũng cần phải bắt cho được một trong hai tên đầu sỏ.
Để buộc địch phải thực hiện theo kế hoạch, ta khéo léo tác động để Túy cùng vào với Hạnh. Tuy thông báo là Túy có thể cùng vào với Hạnh, nhưng đến ngày 9/5/1984, Trung tâm chỉ huy của địch có thông báo là chuyến xâm nhập mới hoãn lại và sau đó chỉ có C5 (Mai Văn Hạnh) vào vì Túy bị bệnh bất ngờ nên C5 phải trở về Pháp sắp xếp công việc của C4. Qua các nguồn tin, ta biết đúng là Lê Quốc Túy bị bệnh thận nặng, phải dùng máy lọc máu thận. Ban Chỉ đạo quyết định vẫn thực hiện kế hoạch theo phương án 2, nghĩa là một tên đầu sỏ vào ta cũng kết thúc chiến dịch.
Cuối tháng 8/1984, Lê Quốc Túy thông báo cho cơ sở trong “quốc nội” biết là trong thời gian khoảng đầu tháng 9 thì Mai Văn Hạnh sẽ vào và “không thay đổi” kế hoạch nữa.
Tác giả bài viết tại Di tích Hòn Đá Bạc ghi dấu chiến công của Công an nhân dân Việt Nam
Chiều 9/9/1984, các đồng chí trong Ban Chỉ huy tiền phương ra Hòn Đá Bạc. 20 giờ kém 15 phút, tàu địch xuất hiện. Hai tàu của ta áp sát hai tàu của chúng. Đồng chí Tám Thậm (Trần Phương Thế) xuống đón Mai Văn Hạnh và đưa lên xuồng máy để đưa vào đất liền theo kế hoạch. Trong lúc đó, những tên gián điệp biệt kích có nhiệm vụ cảnh giới vẫn ôm súng không rời vị trí, mặc dù anh em thủy thủ của ta dụ sang tàu “nhậu lai rai”. Trước tình hình đó, kế hoạch nổ súng đánh phủ đầu để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kế hoạch được thực hiện. K64 khai hỏa bằng một loạt AK-47. Quân ta nhất loạt nổ súng áp đảo bọn gián điệp biệt kích. Bị bất ngờ, không kịp chống cự, đứa bị bắn chết, đứa nhảy xuống biển… Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng 2 phút 7 giây. Bọn biệt kích gián điệp bị tiêu diệt 12 tên, còn 7 tên khác bị bắt sống. Ta thu hai tàu cùng toàn bộ vũ khí, phương tiện của chúng, kết thúc thắng lợi trận đánh quyết định.
Hơn 3 năm liền thực hiện kế hoạch CM12, từ tháng 9/1981 đến tháng 9/1984, nhiều cán bộ chiến sĩ An ninh đã vượt qua bao khó khăn gian khổ, đọ trí từng phút, từng giờ với kẻ thù, lập nên những chiến công to lớn. Kế hoạch CM12 thắng lợi đã phá tan âm mưu và ảo vọng của những kẻ phản cách mạng do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Từ khi bắt đầu chuyên án cho tới lúc kết thúc, lực lượng Công an đã bắt và diệt 146 tên gián điệp, biệt kích xâm nhập (trong đó có 2 tên đầu sỏ); thu trên 300 tấn vũ khí (trong đó có 3.679 súng các loại, 90 tấn đạn, 1.200kg chất nổ…); 116 triệu đồng, trên 10 tấn tiền Việt Nam giả bằng 371.750.000 đồng; nhiều tài liệu, thuốc chữa bệnh; 2 tàu xâm nhập. Trong nội địa, ta phá 10 tổ chức phản động, bắt 1.018 tên…[1]
Kế hoạch CM12 là một chiến công lịch sử to lớn của lực lượng An ninh ta kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó khẳng định trình độ tổ chức, trình độ nghiệp vụ, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng an ninh, tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của những cán bộ chiến sĩ tham gia kế hoạch CM12.
Trong quá trình đấu tranh, chúng ta đã triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch nghiệp vụ với sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong ngành, giữa Trung ương với Công an địa phương, giữa Công an với đơn vị Quân đội và được các tầng lớp nhân dân hết lòng đùm bọc, hỗ trợ. Từ thực tiễn đấu tranh chúng ta đã sáng tạo ra nhiều cách đánh mới, góp phần củng cố, hoàn thiện lý luận về đấu tranh phòng chống phản cách mạng trong bối cảnh lịch sử mới.
Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung thống nhất của lãnh đạo Bộ cũng như Ban chỉ đạo kế hoạch. Nhờ có sự chỉ đạo tập trung thống nhất mà chúng ta có đủ điều kiện huy động được lực lượng tinh thông, dày dạn kinh nghiệm nhất và thống nhất hành động trong một thời gian dài. Cũng nhờ có sự chỉ đạo tập trung thống nhất mà các lực lượng trinh sát trực tiếp tham gia kế hoạch cũng như Công an các tỉnh, thành phố đã liên tục tổ chức điều tra, bóc gỡ những tổ chức phản động lớn liên quan đến Kế hoạch CM12 nhưng vẫn đảm bảo được bí mật tuyệt đối của kế hoạch.
Để ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc này, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng 2 tập thể và 3 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Với những ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM-12 là Di tích Lịch sử quốc gia[2].
Minh Phương