Sau giải phóng miền Nam, các thế lực phản động trong nước và quốc tế không ngừng hoạt động chống phá công cuộc xây dựng đất nước ta. Quân và dân ta, nòng cốt là lực lượng công an nhân dân, đã sớm phát hiện và đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại ngay từ trong trứng nước âm mưu và hoạt động chống phá của chúng
Kế hoạch CM -12 là tên một chiến dịch phản gián của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Hai chữ CM lấy hai chữ cái đầu của Cà Mau, số 12 là ngày xuất phát của toán gián điệp biệt kích (12-5-1981). Đây là kế hoạch đón lõng và bắt giữ lực lượng biệt kích cùng khối lượng lớn vũ khí và tiền giả của tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” thâm nhập vào Việt Nam từ vùng biển tỉnh Cà Mau trong những năm 1981-1984.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, các thế lực thù địch bên ngoài tăng cường các hoạt động phá hoại cách mạng Việt Nam. Chúng ráo riết chỉ đạo, hỗ trợ bọn phản động trong và ngoài nước tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong đó, nổi lên là hoạt động của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do hai tên Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Để thực hiện mục tiêu “giải phóng Việt Nam”, kế hoạch của chúng được chia ra làm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ năm 1977 đến năm 1980: Nhiệm vụ của giai đoạn này là móc nối tìm quan thầy để tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ về tài chính, phương tiện, vũ khí, xây dựng căn cứ, tuyển mộ và tổ chức huấn luyện để xây dựng và phát triển lực lượng. Đồng thời tìm cách móc nối với các tổ chức, đảng phản động trong nước để bàn kế hoạch phối hợp hành động.
Giai đoạn 2: Từ năm 1980 đến năm 1984. Đây là giai đoạn chủ yếu nhằm tổ chức xâm nhập người, vũ khí và phương tiện về trong nước, xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng trong nước, tiến hành các hoạt động phá hoại, tổ chức chiến tranh du kích.
Giai đoạn 3: Bắt đầu từ năm 1985. Nhiệm vụ của giai đoạn này là tiến hành các hoạt động vũ trang, cướp chính quyền, chủ yếu là các vùng núi, vùng biển, với phương châm lấy “nông thôn bao vây thành thị” kích động quần chúng nổi dậy, tổ chức thành lập chính phủ, dùng đài phát thanh tranh thủ dư luận quốc tế và kêu gọi các nước giúp đỡ… để tiến tới chiến tranh giành chính quyền trong cả nước.
Tài liệu tuyên truyền của tổ chức phản động do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu
Một ngày thượng tuần tháng 1/1981, đồng chí Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) gọi điện thoại cho Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm ở thành phố Hồ Chí Minh, thông báo có toán người xâm nhập bất hợp pháp ở biên giới Tây Nam, yêu cầu cho triển khai công tác xác minh và truy bắt.
Ngày 11/1/1981, Công an tỉnh Tà Keo (Campuchia) thông tin cho phía Việt Nam biết một tên Khmer Đỏ ra đầu thú chính quyền cách mạng Campuchia tại Tà Keo. Y khai có tham gia dẫn đường cho 23 tên gián điệp biệt kích xâm nhập Việt Nam.
Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, được sự đồng ý của chính quyền Campuchia, đồng chí Huỳnh Thanh Việt, Giám đốc Công an tỉnh An Giang và một số cán bộ an ngay lập tức lên đường sang Tà Keo, Campuchia. Qua trực tiếp xét hỏi tên Săm Sua, đoàn Công an An Giang nhận thấy có khả năng những lời khai của tên Săm Sua là thật.
Ngày 12/1/1981, đồng chí Mười Việt báo cáo lãnh đạo Bộ về việc có một toán gián điệp biệt kích mang vũ khí, điện đài xâm nhập Việt Nam. Tiếp đó, ngày 13/1, Công an Kiên Giang điện báo cáo lãnh đạo Bộ Nội vụ biết về việc có một toán gián điệp, biệt kích xâm nhập. Theo báo cáo thì ngày 8/1/1981, bộ đội làm kinh tế ở Bình Sơn (Kiên Giang) đã bắn chết một tên gián điệp, biệt kích từ nước ngoài xâm nhập về Việt Nam. Qua nguồn tin của quần chúng, Công an Kiên Giang đã thu được 12 súng AK báng gấp, 7 lựu đạn, 2 tay quay máy phát điện dùng cho điện đài và một số quân trang, quân dụng. Đáng chú ý là có một số phù hiệu đề là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng miền Nam Việt Nam”… Như vậy, bằng chứng rõ ràng cho thấy có dấu hiệu đây là một tổ chức phản cách mạng đưa quân xâm nhập vào Việt Nam.
Trong khi đang khẩn trương triển khai công tác truy bắt bọn gián điệp biệt kích xâm nhập thì Công an Kiên Giang bắt giữ được một tên trong số bọn chúng, là Trần Minh Hiếu. Được cán bộ công an động viên, giáo dục và thuyết phục, hắn khai nhận là một trong số 23 tên gián điệp, biệt kích và quá trình xâm nhập của toán gián điệp cùng nơi ẩn náu của tên toán trưởng Lê Hồng Dự và kế hoạch của chúng sẽ gặp nhau và ngày 15 và 30 hàng tháng ở bến Ninh Kiều. Nhờ đó, Công an Kiên Giang và Hậu Giang đã tổ chức bắt giữ Lê Hồng Dự tại Cần Thơ.
Để tiến hành đấu tranh với tổ chức này, về mặt tổ chức chỉ đạo, trên phạm vi hoạt động khá phức tạp và rộng của bọn phản động, lãnh đạo Bộ Nội vụ nhất trí thành lập Ban chuyên án do đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo và K4/2 trực tiếp thực hiện.
Ngày 27/1/1981, tại Văn phòng Bộ Nội vụ ở phía Nam đã diễn ra một cuộc họp rất quan trọng bàn về chủ trương, phương hướng, biện pháp đấu tranh và phương pháp làm việc trong vụ gián điệp biệt kích mới xảy ra. Bên cạnh đó, trên cơ sở khai thác bọn xâm nhập, tổng hợp các nguồn tin, lãnh đạo Bộ phán đoán địch sẽ tiếp tục tổ chức xâm nhập bằng đường biển. Do đó, thế trận chặt chẽ, liên hoàn được Công an các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Kiên Giang triển khai với các phương án sẵn sàng đón bắt bọn xâm nhập.
Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, Thủ lĩnh của "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam"
Đúng như dự đoán, ngày 12/5/1981, chiếc tàu của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh chở 16 tên gián điệp, biệt kích khởi hành từ R đi xâm nhập Việt Nam. Cùng đi có một chiếc tàu hải quân nước ngoài hộ tống. Chúng dự định đổ bộ vào vàm sông Ông Đốc.
Ngày 14/5/1981, Cơ quan trinh sát kỹ thuật phát hiện một tàu lạ ở hải phận Việt Nam và nhận định: tổ chức của Lê Quốc Túy đã tổ chức xâm nhập bằng đường biển. Phát hiện có tính chất mở màn này lập tức được báo cáo lên Bộ Nội vụ và Ban chuyên án. Các lực lượng An ninh ở vùng biển Minh Hải – Kiên Giang và tập trung hơn cả là phía biển Kiên Giang – Cà Mau được triển khai. Suốt dọc bờ biển từ Hà Tiên đến Cà Mau dài 350km đã được canh phòng chặt chẽ.
Đúng 21 giờ ngày 15/5/1981, chiếc tàu của lực lượng gián điệp, biệt kích cập bờ biển khu vực Bãi Ghe gần vàm sông Ông Đốc (Minh Hải). Được lệnh lên bờ, chúng lục đục xuống tàu, lội bì bõm, nặng nề đi theo hướng Tây, tính vượt đầm lầy vào U Minh, rồi phân tán ra từng nhóm và hẹn nơi tập kết. Mạnh tên nào tên nấy tìm nơi ẩn nấp.
K64 là mật danh của một thành viên trong toán biệt kích đã tính toán một nước cờ mà không hề nói với ai. Đó là, quyết định sẽ ra đầu thú lập công chuộc tội và mong muốn được trở về với vợ con và gia đình. Và thế là K64 ra đầu thú tại Cơ quan Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải.
Trước cơ quan An ninh, K64 đã thành khẩn thú nhập mọi tội lỗi của mình. Từ lời khai của K64, chỉ trong vòng một ngày sau, lực lượng công an đã tóm gọn toán gián điệp biệt kích xâm nhập đêm 15/5/1981, thu giữ toàn bộ 3,5 tấn vũ khí. Thắng lợi đầu tiên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã mở ra cho ta hướng đấu tranh mới, thông qua chiến thuật “Dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch”.
Sau thắng lợi ban đầu là việc liên lạc giữa CM-12 và “Tổng hành dinh” đã được “nối”, cơ quan an ninh bàn kế hoạch đón chuyến xâm nhập mới của địch. Kế hoạch được vạch ra rất khẩn trương và được báo cáo lên Bộ trưởng Phạm Hùng. Sau đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo: Thu hút, đánh bắt hết các lực lượng xâm nhập theo kế hoạch của ta. Thông qua Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh để bóc gỡ lực lượng bí mật của chúng ở trong nội địa.
(Còn tiếp)
Minh Phương