Tiếp theo Kế hoạch CM12, Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện Kế hoạch ĐN10, tiếp tục đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Từ ngày 14 đến 18/12/1984, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức xét xử sơ thẩm, đồng thời chung thẩm vụ án gián điệp Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh. Phiên tòa gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Sau khi lực lượng phản cách mạng trong Kế hoạch CM- 12 bị đưa ra xét xử công khai thì Kế hoạch ĐN-10 vẫn tiếp tục được thực hiện đến đầu năm 1988 mới kết thúc trọn vẹn.
Vì sao có Kế hoạch ĐN - 10? Thông qua CM – 12, ta phát hiện ra âm mưu xây dựng một căn cứ mật ở Đồng Nai – Bà Rịa của lực lượng phản động ngay từ năm 1981. Với chủ trương “tương kế tựu kế”, để đánh địch một cách lâu dài và linh hoạt hơn, ta thiết lập một bộ phận khác với “Tổ đặc biệt” ở Minh Hải. Bộ phận này đặt tại Đồng Nai và cũng có một điện đài liên lạc với Trung tâm chỉ huy của địch ở Thái Lan. Ta đặt tên cho điện đài này là ĐN-10, đây cũng chính là tên của Kế hoạch ĐN – 10, được viết tắt của Đồng Nai và ngày quyết định cho tiến hành kế hoạch đấu tranh này.
Về địa bàn hoạt động của Kế hoạch ĐN – 10 chủ yếu là ở Đồng Nai, sau này có một số hoạt động ở Kiên Giang, An Giang và trên đất bạn Campuchia. Đồng chí Lê Tiền được phân công phụ trách Kế hoạch ĐN -10. Tham gia Kế hoạch có đồng chí Nguyễn Khánh Toàn và một số cán bộ công an từ các tỉnh Sông Bé, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Tây Ninh…. Đặc biệt, công tác hợp tác quốc tế với lực lượng an ninh Campuchia được triển khai phối hợp tốt. Như vậy, Kế hoạch ĐN-10 khởi phát từ trong lòng Kế hoạch CM-12 và tiếp nối Kế hoạch CM-12.
Ngày 16/8/1982, phiên liên lạc đầu tiên của điện đài ĐN-10 do điện báo viên thuộc nhóm Mai Quốc Túy trước đây bị ta bắt và được thuyết phục, giáo dục đã làm việc cho ta. Phiên liên lạc đầu tiên của ĐN-10 thành công. Trung tâm địch không hề nghi ngờ gì cả. Lê Quốc Túy chỉ thị ĐN-10 tiếp tục nghiên cứu, nắm tình hình để tổ chức phá hoại ở khu vực miền Đông.
Tháng 9/1984, ĐN-10 tung tin cho Lê Quốc Túy biết rằng CM-12 bị Mai Văn Hạnh “lật đổ”, một vài cốt cán của “tổ đặc biệt” ở Cà Mau chạy sang nhóm ĐN-10. Lúc này, Lê Quốc Túy vẫn cho duy trì liên lạc với điện đài của ĐN-10 mà ta thiết lập từ 1982.
Đến đầu năm 1985, Lê Quốc Túy sau khi theo dõi tin tức về vụ án CM-12 công bố công khai trên báo chí, Túy chỉ đạo toán K55 phải “ngưng mọi hoạt động, cắt đứt tất cả liên lạc với các hệ thống” để đề phòng bị “cộng sản theo dõi”. Sau đó, Túy chỉ thị cho toán K55 “Nên thanh tra tất cả. Hủy bỏ các cơ cấu cũ để tổ chức cơ cấu mới” và “Bằng mọi cách phải giữ liên lạc với tổng đài. Chuyển tin phải ngắn gọn”.
Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, phụ trách tổ công tác (bìa phải), (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an) chỉ đạo trinh sát khám xét số gián điệp biệt kích bị bắt (Ảnh tư liệu)
Đến cuối tháng 5/1985, Lê Quốc Túy chỉ thị K55 “Nếu tình hình bớt gay gắt nên nghiên cứu kỹ lưỡng bãi đổ. Đã có kế hoạch. Nếu cơ hội cho phép nên tìm hiểu tổ đặc biệt Cơ hội rất hay cho chúng ta trên vấn đề ngoại giao. Phần đồng bào hải ngoại ở Úc châu, Canada và Hoa Kỳ sẽ có Đại hội gồm tất cả các Hoàng Cơ Minh và đồng bọn đảng phái chính trị họp lại vào tháng 7 và tháng 8 để yểm trợ Mặt trận mình. Mặt trận của Hoàng Cơ Minh cũng xin gia nhập với mình nhưng D chưa nhận. Hoàng Cơ Minh thì đang trốn vì tội lạm dụng tài chính của đồng bào”.
Tiếp tục “tương kế tựu kế”, ta cho K55 báo cáo là đã chọn được một địa điểm gần biển nhưng an toàn. Đó là núi Mây Tàu ở khu vực Bình Thuận, giáp Xuyên Mộc (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay). Tất nhiên, Mây Tàu cũng chỉ là một căn cứ giả để tạo cho Lê Quốc Túy có ảo tưởng về khả năng phát triển lực lượng nội địa.
Qua nguồn tin, ta biết được Túy đã liên hệ với “đồng minh” đưa một toán về khu vực Biển Hồ của Campuchia, từ đó xâm nhập Việt Nam và phân tán theo từng toán trong nội địa để hoạt động. Tiếp đó, Lê Quốc Túy cũng chỉ thị lực lượng “quốc nội” (trong Kế hoạch ĐN-10 của ta) là nghiên cứu đường qua Campuchia, cử F14 và một “phụ tá” chuẩn bị qua Phnôm Pênh hoặc vùng phụ cận để tìm cơ sở đứng chân hoạt động, móc nối với một số cơ sở Cao Đài sinh sống ở Campuchia và tiếp đón số quân mới xâm nhập từ Thái Lan về...
Để đối phó với địch trên đất Camphuchia, Việt Nam đã đề nghị Campuchia tạo điều kiện giúp đỡ để thực hiện kế hoạch. Trong thời kỳ này, Đoàn chuyên gia An ninh của Việt Nam tại Campuchia đã góp phần tích cực cho Kế hoạch ĐN-10.
Thông qua các nguồn tin, Cơ quan An ninh truy tìm được đường dây mà Lê Quốc Túy và đồng bọn gửi tiền về tiếp tế cho số còn lại. Được sự hậu thuẫn của các quan thầy, Lê Quốc Túy vẫn như con thiêu thân lao vào tổ chức thực hiện âm mưu đưa quân về nước để xây dựng lực lượng, cơ sở và hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Vào khoảng tháng 8-9/1986, Túy và ba tùy tùng từ Pháp bay qua Thái Lan để chỉ đạo thực hiện kế hoạch mới.
Trung tuần tháng 8/1986, chúng cử một toán “tiền trạm” gồm hai người Việt gốc Khmer vượt biển xâm nhập vào đảo Kô Tang thuộc tỉnh Kông Pông Som. Chúng chôn giấu điện đài, vũ khí ở đó và vào tìm đường lên bờ vào Phnôm Pênh.
Ngày 22/8/1986, ta bắt được hai tên và cho thu lại điện đài. Sau khi giáo dục, cảm hóa và khai thác số mới xâm nhập, ta biết ý đồ mới của Lê Quốc Túy, từ đó xây dựng đường dây để đón nhận bọn xâm nhập theo đường biển.
Để chủ động trước tình hình mới, Ban chỉ đạo kế hoạch vạch ra phương hướng là phải bằng mọi biện pháp buộc địch phải từ bỏ kế hoạch đó và chấp nhận kế hoạch xâm nhập thẳng vào Hà Tiên theo tính toán của ta. Một số biện pháp và nhiệm vụ cụ thể được Ban chỉ đạo Kế hoạch ĐN-10 cho triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Hà Tiên, Phnôm Pênh, Kô Kông...
Ông Hồ Việt Lắm (Mười Lắm), nguyên Phó Trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (giờ thuộc tỉnh Cà Mau), là 1 trong 2 cán bộ công an được cài sâu vào tổ chức của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh với vai trò “Kinh Kha quốc nội” mang mật danh NK.A2.
Thông qua Kế hoạch ĐN-10, ta gửi những bức điện nêu lên những nét mới của tình hình kinh tế xã hội của đất nước cho Lê Quốc Túy làm cho Túy thêm tin tưởng và dựa vào “lực lượng nội địa” do ta điều khiển. ĐN-10 “báo cáo” một số thông tin về đại hội Đảng, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, tình hình mở cửa cho Việt kiều về thăm và làm ăn ở quê hương, cho kinh tế tư nhân phát triển... theo hướng có lợi cho việc triển khai Kế hoạch ĐN-10.
Việc Lê Quốc Túy muốn lập thêm một mảng để đứng chân tại Phnôm Pênh cũng không thực hiện được do ta thiết lập được một đầu mối mới tại Campuchia để liên lạc với “Tổng hành dinh” của địch. Nhưng sau đó, ta nêu lý do khó khăn và đề nghị Lê Quốc Túy chỉ duy trì liên lạc với điện đài của toán K55.
Ngày 22/1/1987, Lê Quốc Túy chấp thuận kế hoạch ta đưa ra, nhưng điều chỉnh là “cá” sẽ vào ngày mùng 2 Tết (tức là 30/1/1987), mang theo 100 kg thuốc nổ, 3 máy truyền tin, không có vũ khí, “tài chánh” sẽ ghi bằng giấy, “cá” sẽ bỏ lại. Tuy nhiên, sau đó do bị trục trặc nên toán K47 đến 3/2 (mùng 6 Tết) mới vào được. Ta đồng ý nhưng lấy lý do F3 và SK111 đi công tác vắng, nên cho ĐN-10 đề nghị Lê Quốc Túy cho toán xâm nhập đúng ngày giờ quy định.
Kế hoạch đón bắt được phân công cho đồng chí Nguyễn Khánh Toàn chỉ huy chung. Đồng chí Việt Thanh chỉ huy trận đánh. Các đồng chí tham gia kế hoạch này được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Ta đã bố trí lực lượng khảo sát, ém quân ở Phú Quốc từ trước đó khoảng một tháng. Gần đến sáng 4/2/1987, chúng mới đến đảo nhưng lại không đúng điểm hẹn ở phía Đông Nam đảo mà lại dạt vào phía Đông Bắc đảo. Sau đó, người của ta dẫn cả ba đến điểm ta bố trí, bắt gọn toàn bộ toán xâm nhập.
Gần 10 ngày sau, ta mới cho F3 liên lạc với trung tâm địch mặc dù biết Lê Quốc Túy đang nóng lòng chờ tin. Phấn khởi sau khi tưởng toán K47 xâm nhập thành công, Lê Quốc Túy quyết định thăng cấp “Đại tá” cho F3, tức K55 và “bổ nhiệm” “kiêm” chức “Chỉ huy trưởng lực lượng du kích vùng Tây Nam biên giới Việt Miên…Như vậy, thêm một lần nữa Lê Quốc Túy lại rơi vào bẫy của ta mà không hề hay biết.
Từ đầu năm 1987 đến tháng 4/1988, hầu hết công tác chỉ đạo trực tiếp Kế hoạch ĐN- 10 do đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đảm nhiệm.
Qua thông tin mà Lê Quốc Túy thông báo cho ĐN-10, ta đã truy tìm, xác minh và bóc gỡ một số đầu mối của Túy ở trong nước. Tổ chức phản cách mang của Lê Quốc Túy bị ta xóa sổ gần như hoàn toàn. Chỉ còn một số tên ở nước ngoài sống lay lắt và ảo tưởng vào Lê Quốc Túy. Chưa kịp thực hiện những ý đồ chống phá, Lê Quốc Túy bị chết đột ngột ở Paris (Pháp) vào ngày 25/1/1988 vì trọng bệnh. Bọn tay chân của Túy ở Thái Lan như rắn mất đầu.
Ngày 4/3/1988, Hiển, kẻ có quyền lực cao nhất sau Túy ở Thái Lan gửi bức điện cuối cùng cho ĐN-10 với nội dung: “Đã đến lúc phải báo sự thiệt cho các bạn rõ là C4 mất không có để lại di chúc gì cả. Mặt trận ta không có người thay thế, hướng đi tới trong tương lai rất là xa vời... Vì thế, vì quyền lợi của tất cả chúng ta và sự sống còn của mình, chúng ta phải giải tán toàn bộ... “
Kế hoạch ĐN-10 kết thúc.
Như vậy, Kế hoạch ĐN-10 có một vị trí, vai trò quan trọng trong tổng thể kế hoạch đấu tranh chống phản cách mạng. Trong thời gian hơn 3 năm (9/1984 - 1/1988), lực lượng An ninh Việt Nam mưu trí, sáng tạo, kiên trì tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ và thu hút được hầu hết số gián điệp, biệt kích còn lại của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước Việt Nam” do Lê Quốc Túy cầm đầu ở nước ngoài vào Việt Nam, đập tan mưu đồ “phục quốc” của các thế lực phản động từ trong trứng nước.
Minh Phương