Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từng nổi tiếng với câu nói: “Tôi chỉ ra đi khi nào người Mỹ không chấp nhận tôi”. Hạ tuần tháng 4 năm 1975, Người Mỹ buộc Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi, nhường chỗ cho người khác, hy vọng thành lập được một chính phủ liên hiệp, ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của Việt Nam Cộng hòa. Do vậy, ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã buộc phải từ chức
Lễ từ chức của Nguyễn Văn Thiệu diễn ra khoảng 7 giờ 30 tối ngày 21/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Trước chính giới Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu đã trình bày một bài diễn văn khá dài, khoảng 2 giờ đồng hồ, với một số nội dung sau:
Ca ngợi công lao của mình
Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, trong 10 năm (1966-1975), được cử tri miền Nam Việt Nam bầu lên qua các cuộc bầu cử dân chủ, ông ta đã “chèo lái” con thuyền Việt Nam Cộng hòa trong bối cảnh rất khó khăn và đạt được nhiều thành tựu. Nguyễn Văn Thiệu nói: “ Những vị Tổng thống ở những quốc gia lớn, người ta đã tự hào, người ta chỉ có 6, 7 hay 10 cơn khủng khoảng. Người ta đã viết được một cuốn sách, người ta tự hào là người anh hùng, chính trị gia lỗi lạc. Tôi trong 10 năm nay, ý tôi muốn nói, tử vi mà nói, năm nào cũng xấu, tháng nào cũng xấu, ngày nào cũng xấu, giờ nào cũng xấu... không có lúc nào sướng, đã không sướng, đã không hưởng thụ, cũng không tìm cách hưởng thụ”.
Nói như vậy, nhưng chính quyền Sài Gòn và bản thân Nguyễn Văn Thiệu được xếp vào loại chính phủ tham nhũng. Các cuộc đấu tranh phản đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu độc tài, tham nhũng diễn ra thường xuyên tại Sài Gòn. Không lâu trước đó, báo chí Sài Gòn còn đăng công khai bản tuyên bố của lực lượng chính trị đối lập, nêu rõ: “Sau 10 năm nắm chính quyền, ông Nguyễn Văn Thiệu đã đưa đất nước vào tình trạng kinh tế, xã hội, chính trị và quân sự càng ngày càng bi đát;
Ông Nguyễn Văn Thiệu đã tỏ ra bất lực trong vấn đề giải quyết chiến tranh. Ông và chánh phủ của ông không biểu hiện được nguyện vọng của dân để đối thoại hữu hiệu với phía bên kia hầu chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình, cứu nguy nạn đói vì thất nghiệp đang hoành hành tại miền Trung;
“Còn ông Nguyễn Văn Thiệu là còn tham nhũng, còn độc tài, nhân dân còn đói khổ, chiến tranh còn tiếp diễn và dân tộc sẽ diệt vong".
Nguyễn Văn Thiệu cũng kể công mình là người cực lực phản đối những điều khoản bất lợi của Hiệp định Paris với Việt Nam Cộng hòa như quân đội miền Bắc được ở yên tại chỗ tại miền Nam Việt Nam. Thiệu nói: “Cái văn bản Hiệp định đó là văn bản Hiệp định Hoa Kỳ bán miền Nam Việt Nam cho cộng sản. Và tôi đã có đủ can đảm nói với ông ngoại trưởng Kissinger lúc đó rằng, nếu như ông chấp nhận bản Hiệp định này, nghĩa là ông chấp nhận bán cái miền Nam này cho cộng sản”.
Thực tế thì dù có phản đối, nhưng khi Hoa Kỳ đã muốn tìm một lối thoát danh dự, khi Hoa Kỳ chính là người quyết định ai sẽ nắm quyền ở Sài Gòn, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc phải ký Hiệp định Paris.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tham dự một sự kiện của chế độ Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, mình được bầu nên bởi cử tri miền Nam, nên nếu bị buộc phải từ chức, phải có cuộc trưng cầu dân ý của nhân dân miền Nam, để bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến. Tuy nhiên, Thiệu muốn chứng minh rằng mình không phải là người tham quyền, cố vị mà muốn từ chức một cách đơn giản, bàn giao chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương để cứu miền Nam Việt Nam khỏi sụp đổ nhanh chóng, hy vọng sau khi mình từ chức, Hoa Kỳ có thể đổ người, đổ của vào cứu miền Nam Việt Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Nguyễn Văn Thiệu nói: “Tôi nghĩ rằng cái hành động tôi từ chức hôm nay, biết đâu ngày mai từ chỗ 322 lên chỗ 722 hay nó lên 1 tỷ mốt, rồi thì tới tấp cầu hàng không chở xe tăng, đạn pháo qua đây viện trợ. Tôi hy vọng như vậy...Tôi cũng hy vọng rằng cái lúc mà tình thế quân sự căng thẳng tại quân khu 3, quân khu 4, ông Thiệu đi rồi, thì biết đâu ông Tổng thống Hương, còn 3-4 ngày, còn 1 tuần thì chuyện nó có thể lật được. Nếu như tôi để ngày mai, ngày mốt mà tôi mới từ chức mà cộng sản thực sự nó tấn công thì e nó quá trễ, lúc đó nó quá dở, trễ quá rồi làm không được.. Không sớm hơn mà cũng không trễ hơn, bởi vì tôi nghĩ rằng cái thời gian đến ngày hôm nay còn thay đổi cục diện được quân sự của cả chiến trường”.
Thực tế thì Nguyễn Văn Thiệu cố bám giữ quyền lực đến cùng. Nhưng đến ngày 21/4/1975, khi Hoa Kỳ “quay lưng”, Đại sứ Hoa Kỳ Martin gần như ra tối hậu thư, Nguyễn Văn Thiệu mới buộc phải từ chức.
Đổ lỗi cho Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng hòa
Đây là nội dung xuyên suốt, là “sợi chỉ đỏ”” trong bài diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu. Tại nhiều đoạn, Nguyễn Văn Thiệu với những lời lẽ khá gay gắt đổ lỗi cho Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh, cho rằng Hoa Kỳ là “một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo”:
“Người Mỹ đánh giặc ở đây, không đánh được, đi về, đặt ra một cái chương trình Việt Nam hóa, chúng ta chấp nhận dù không muốn Việt Nam hóa. Việt Nam hóa rồi, hứa cộng sản hành động thì sẽ phản ứng, mà không phản ứng, thì thử hỏi cái đó là cái gì. Thất hứa, thiếu công bằng, thiếu chính nghĩa, vô nhân đạo đối với một đồng minh đang chịu đau khổ, trốn tránh trách nhiệm của một đại cường quốc…”.
“Tôi đã nói với người Mỹ, mấy ông bảo chúng tôi làm những việc mà chính mấy ông với nửa triệu binh hùng tướng mạnh, xài gần 300 tỷ USD trong 6 năm trời, nhưng không muốn nói là bị cộng sản đánh bại ở Việt Nam thì cũng phải nói một cách khiêm nhường là mấy ông không có thắng lợi ở Việt Nam mà mấy ông tìm một cái lối ra danh dự”
Nguyễn Văn Thiệu trách cứ Hoa Kỳ đã không viện trợ vũ khí cho Việt Nam Cộng hòa sau khi rút đi, nhưng thực tế khối lượng vũ khí Hoa Kỳ để lại và viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng hòa rất lớn.
Khi rút đi, Hoa Kỳ giao lại cho Việt Nam Cộng hòa những căn cứ quân sự đã xây dựng, chứ không phá bỏ nó như quy định trong điều 6 Hiệp định Paris. Đến trước ngày 27/1/1973, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho quân đội Việt Nam Cộng hòa 700 máy bay, 500 đại pháo, 400 xe tăng, 2.000.000 tấn vật tư và viện trợ khác, trị giá khoảng 750 triệu USD. Sau khi Hiệp định được ký kết, Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho miền Nam Việt Nam 90 máy bay, 100 đại pháo và khối lượng lớn vật chất quân sự.
Nguyễn Cao Kỳ từng thừa nhận, miền Nam Việt Nam lúc đó trở thành một trong năm quốc gia có lực lượng không quân mạnh nhất thế giới với khoảng 1.000 máy bay chiến đâu, hơn 500 máy bay lên thẳng.
Một chính khách Hoa Kỳ cho rằng số vũ khí Hoa Kỳ viện trợ đủ để cho Việt Nam Cộng hòa chiến đấu đến hết thế kỷ.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với chính quyền Washington thời còn mặn nồng (Ảnh tư liệu)
Thừa nhận quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉ là đội quân đánh thuê, phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ
Bài diễn văn có đoạn: Nguyễn Văn Thiệu trách cứ Hoa Kỳ cắt giảm Viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa từ 1,4 tỷ USD xuống còn 700 triệu USD, rồi xuống còn 300 triệu USD, đã vậy, con số đó “treo lắc lư cả năm trời. Trong cái khoảng thời gian đó, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã mất hết 60 % tiềm năng chiến đấu… Quý vị có thể tưởng tượng trong thời gian Hoa Kỳ cắt viện trợ của chúng ta, mà chúng ta mất hết 60 % tiềm lực chiến đấu thì cái gì sẽ xảy ra ? Số thương vong gấp bội, bởi vì không có phương tiện không quân yểm trợ… nội thương vong vì pháo của chúng ta lên rất cao, rồi chết lại lên cao, vì không có trực thăng để tải thương. Thậm chí, vô nhà thương mà một cái băng phải băng đi băng lại tới hai lần, thật là vô nhân đạo với một chiến sĩ bị thương”.
Sau khi trách cứ Hoa Kỳ cắt viện trợ, Nguyễn Văn Thiệu nói: “Bây giờ, với cái quân đội này, súng thiếu, đạn thiếu, thuốc thiếu, xăng thiếu, máy bay thiếu, không có B52 lại bảo tôi làm cái chuyện đội đá vá trời thì có khác gì mấy ông cho tôi 3 Mỹ kim, mà bảo tôi đi máy bay hạng nhất, qua ở phòng ngủ 1 ngày 30 Mỹ kim, ăn một ngày 4-5 miếng thịt bò, uống một ngày 7-8 ly rượu. Không làm được. Phi lý”.
Giới quân sự Hoa Kỳ trước đó cũng tính toán về mối quan hệ giữa viện trợ của Hoa Kỳ đối với sức sống còn của Việt Nam Cộng hòa. Cụ thể là nếu viện trợ là 1,4 tỷ USD thì Việt Nam Cộng hòa có thể giữ được những khu đông dân cư của cả 4 vùng chiến thuật. Nếu giảm xuống 1,1 tỷ USD thì phải bỏ Quân khu I. Nếu giảm xuống 900 triệu USD thì khó giữ được Quân khu I và Quân khu II. Nếu viện trợ dưới 600 triệu USD thì Việt Nam Cộng hòa chỉ có thể giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy, tính toán của giới quân sự Hoa Kỳ cũng như sự thừa nhận của Nguyễn Văn Thiệu là sức chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như sự tồn tại của chế độ Sài Gòn hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Không còn hay còn ít viện trợ, chế độ Sài Gòn chắc chắn sẽ sụp đổ.
Kêu gọi tử thủ Sài Gòn, nhưng sau đó bản thân mình nhanh chân chạy trước
Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bảo vệ Sài Gòn bị đập tan, Sài Gòn bị quân giải phóng uy hiếp nặng, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cũng hùng hổ tuyên bố “tử thủ Sài Gòn”.
Khi buộc phải từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, nhường chỗ cho người khác với hy vọng có thể đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, ngăn cản cuộc tiến công đánh chiếm Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Dù mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ...”.
Nhưng đó cuối cùng cũng chỉ là những lời nói đầu môi. Đừng nghe những gì Nguyễn Văn Thiệu nói, hãy nhìn những gì Nguyễn Văn Thiệu làm. Chỉ 4 ngày sau khi tuyên bố sẽ sống chết cùng anh em chiến hữu, Nguyễn Văn Thiệu đã bí mật lên máy bay thoát khỏi Sài Gòn vào đêm 25/4/1975 với một lý do sau này được hợp pháp hóa là dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam Cộng hòa đến viếng Tưởng Giới Thạch, mặc dù lãnh tụ Trung Hoa dân quốc đã chết cách đó 3 tuần lễ và tang lễ cũng đã tổ chức vào ngày 16/4/1975.
Quỳnh Chi