Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ Việt Nam, Bác viết “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”[i]. Và cho đến hôm nay, thành quả mà non sông, cơ đồ dân tộc ta tạo dựng được trong tiến trình đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển, đều thể hiện sự đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam. Có thể nói, dù trong chiến tranh hay hòa bình, những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam đều được giữ gìn, phát huy, tôn vinh và lan tỏa.
Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh internet
Khó có ngôn từ nào diễn tả hết vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, bởi đó là một vẻ đẹp hết sức toàn diện: Nó không chỉ là vẻ đẹp về hình thức, dung nhan, đó còn là vẻ đẹp của tâm hồn, cốt cách; nó không chỉ có sự nhẹ nhàng, duyên dáng, nó còn là sự mạnh mẽ, kiên cường; nó không chỉ là vẻ đẹp của truyền thống, mà còn là vẻ đẹp của thời đại. Phụ nữ Việt Nam vì vậy mà hội tụ các phẩm chất: sự anh hùng, thủy chung, sự nghĩa tình, nhân hậu, giàu đức hy sinh, tính chịu thương chịu khó…Khi ca ngợi người phụ nữ Việt Nam, Bác Hồ đã từng dành tặng Tám chữ vàng, đó là:“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Phụ nữ Việt Nam bất khuất, anh hùng: Điều này được minh chứng hùng hồn trong lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, với những nữ anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, hay Nguyên phi Ỷ Lan, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định…Để rồi “Nhiều người đã trở thành anh hùng”, như cách miêu tả của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
“Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng”[ii].
Đó là ý chí tự chủ, tinh thần độc lập với câu nói đầy hào hùng, khí phách của Bà Triệu “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi vòng chìm đắm”, chứ quyết không chịu“cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Đó là tinh thần của những “Người mẹ cầm súng”, như nữ anh hùng Nguyễn Thị Út với quyết tâm diệt ngoại xâm qua câu nói giản dị mà đầy khảng khái “Còn cái lai quần cũng đánh”. Hay trong tác phẩm nổi tiếng “Last night, I dreamed of peace” (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình), bác sĩ Đặng Thùy Trâm – người con gái Hà Nội, dù có đối diện bao gian khổ khó khăn, nhưng vẫn luôn cất lên “bài ca hy vọng” để xoa dịu những cơn đau của thương binh, và vẫn sống, chiến đấu với một tinh thần thép: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”[iii], và “Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.”[iv].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Internet
Phụ nữ Việt Nam cũng là hiện thân cho sự nhân hậu, đảm đang, chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh. Dù có “Ba lần tiễn con đi” và “hai lần khóc thầm lặng lẽ”, những người vợ, người mẹ vẫn luôn can trường cho một niềm tin lớn lao, cho một ngày đất nước được độc lập thống nhất, cho một ngày “đất nước trọn niềm vui”.
Dân tộc ta trên con đường đổi mới, hội nhập và mở cửa hiện nay, người phụ nữ Việt Nam ngày càng thể hiện sự hiện đại, văn minh, sự “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước với tinh thần phát huy mạnh mẽ “truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời kỳ mới, thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân và vai trò trong gia đình, tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu đẹp, tự tin hội nhập quốc tế; cùng khơi dậy niềm tự hào, khát vọng cống hiến; trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước Việt Nam thân yêu”[v]. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã được Forbes bầu chọn vì những thành tựu lớn trong kinh tế, là những phụ nữ có ảnh hưởng hay phụ nữ truyền cảm hứng. Nhiều phụ nữ cũng thành công trên các đấu trường khoa học, thể thao, đấu trường nhan sắc quốc tế, vv…Nhìn chung, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hay gìn giữ hòa bình quốc tế, phụ nữ Việt Nam đều thể hiện tốt vai trò, vị trí của mình.
Đảng và nhà nước ta rất quan tâm, chú trọng đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, qua đó tôn vinh sự đóng góp lớn lao của phụ nữ với sự nghiệp đổi mới. Ở chiều ngược lại, đó cũng là điều kiện, môi trường thể chế, là hành lang pháp lý cho sự tham gia của phụ nữ một cách có hiệu quả. Điều này được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là được Luật hóa, Hiến định trong Hiến pháp và nhiều Bộ luật liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, vv…
Nhìn chung, phụ nữ Việt Nam đang thực hiện tốt vai trò, chức năng trong gia đình, trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa, quá trình “hiện đại hóa các giá trị truyền thống” và “truyền thống hóa các giá trị hiện đại”. Đối với xã hội, phụ nữ đã tham gia mạnh mẽ, sâu rộng vào công cuộc đổi mới, tận dụng các thế mạnh của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trong tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề, ở khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Qua đó, từng bước hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” như tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chiến lược xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.
Từ tất cả những truyền thống, thành quả đó, chúng ta thêm phần tin tưởng, tự hào về người phụ nữ Việt Nam, có niềm tin lớn lao với sự nghiệp xây dựng CNXH, xây dựng nước Việt Nam ta giàu mạnh, hùng cường.
[i] Bác viết ngày 8-3-1952, trong Thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ.
[ii] Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm “Đất nước”
[iii] Trích nhật ký Đặng Thùy Trâm
Nhâm Hồ