45 năm trước, ngày 02/7/1976, Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976 - 1981) Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 45 năm qua, cái tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vang lên ở nhiều diễn đàn quan trọng của quốc tế. Sau 45 năm mang Quốc hiệu mới này, đất nước và dân tộc chúng ta đã có những bước tiến dài trên con đường xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc
1. Để có một giang sơn gấm vóc hôm nay, để có một đất nước nguyên vẹn hình hài hôm nay, để hằng ngày chúng ta được gọi hai tiếng Việt Nam thiêng liêng, để tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vang lên và được trân trọng trên các diễn đàn lớn của thế giới như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, chiến đấu, lao động, xây đắp nghìn đời của ông cha. “Hồng Bàng là Tổ nước ta/ Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang” (Hồ Chí Minh - Lịch sử nước ta”. Năm 2.879 trước Công nguyên, họ Hồng Bàng dựng nước, nước Việt có tên gọi là Văn Lang. Năm 228 trước Công nguyên, An Dương Vương đổi tên nước ta thành nước Âu Lạc. Nhà Hán chính thức thiết lập nền đô hộ trên đất nước chúng ta từ năm 111 trước Công nguyên và dân tộc ta mất nước 1.117 năm (111 trước Công nguyên - 938).
Trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc ấy, lớp lớp cha ông chúng ta đã không chịu khuất phục, luôn vùng lên đấu tranh để giành độc lập, lớp trước ngã xuống, lớp sau lại đứng lên. Cũng trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc ấy, đã có lúc chúng ta đã giành được độc lập trong một khoảng thời gian ngắn. Hai nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị đã làm cho kẻ thù kinh hồn, bạt vía “Ải bắc quân thù kinh vó ngựa” (Ngân Giang, Trưng Nữ Vương). Đất nước giành được độc lập năm 40 - 43 nhưng Trưng Vương, dù đã lên ngôi chưa kịp đặt Quốc hiệu. Năm 544, người anh hùng dân tộc là Lý Bí đã lãnh đạo nhân dân chống giặc Lương thành công, ngài lên ngôi và đặt Quốc hiệu Vạn Xuân với mong muốn đất nước sẽ trường tồn mãi mãi.
Dấu mốc vĩ đại trong lịch sử Việt Nam là năm 938, Ngô Quyền đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Triều đại kế vị sau đó với Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đã đặt Quốc hiệu nước ta là Đại Cồ Việt. Quốc hiệu này tiếp tục tồn tại dưới thời tiền Lê.
Năm 1010, Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long. Lý Thánh Tông (trị vì 1054 -1072), một vị vua tài năng mà sử thần Ngô Sỹ Liên đã không tiếc lời ca ngợi: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt” (Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên) khi lên ngôi vào năm 1054 đã đổi tên nước là Đại Việt. Quốc hiệu Đại Việt là Quốc hiệu được dùng lâu nhất trong lịch sử Việt Nam với gần 800 năm trải suốt các triều Trần và Hậu Lê. Trong khoảng thời gian ấy, có một giai đoạn ngắn từ 1400 - 1407, nhà Hồ đã đặt Quốc hiệu là Đại Ngu (nghĩa là Sự yên vui lớn).
Năm 1804, dưới thời vua Gia Long, Quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Tuy nhiên, lịch sử sau này cho thấy cái tên Việt Nam đã xuất hiện từ rất sớm trong các tác phẩm của các nhà văn hóa lớn của Việt Nam như Hồ Tông Thốc (Việt Nam Thế chí), Nguyễn Trãi (Dư địa chí), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trình tiên sinh quốc ngữ có câu “Việt Nam khởi tổ xây nền”).
Năm 1838, Vua Minh Mạng đặt Quốc hiệu là Đại Nam.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và sau đó chúng ta mất nước. Đất nước Việt Nam bị chia thành 3 kỳ với ba chế độ chính trị khác nhau.
2. Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau đó đã được Quốc hội khóa I chính thức quyết nghị thông qua, Quốc hiệu này là tên gọi của Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1976.
Trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đã có nhiều mưu đồ thâm độc nhằm chia rẽ và chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Ở miền Nam, thực dân Pháp đã dựng lên chế độ Nam Kỳ quốc và Quốc gia Việt Nam. Sau khi phế truất Quốc trưởng Bảo Đại của Quốc gia Việt Nam bằng một cuộc trưng cầu dân ý gian lận, chế độ Việt Nam Cộng hòa ra đời. Trong thời gian ấy ở miền Nam Việt Nam, các lực lượng yêu nước và kháng chiến đã thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969). Ngày 30/4/1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất và ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định đổi tên nước ta thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam. Quy định Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng, Quốc huy có dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”; đổi tên Tthành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam là Hà Nội.
Kỳ họp thứ nhất, quốc hội khóa VI thông qua các Nghị quyết về đặt tên nước, Quốc huy,
Quốc ca, Thủ đô và chính thức đổi tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố
Hồ Chí Minh, ngày 02/7/1976 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
3. Từ khi mang Quốc hiệu mới là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa đến nay, sau 45 năm, thế và lực của đất nước đã ngày càng lớn mạnh. Từ một đất nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên Liên hiệp quốc. Có lẽ cũng cần nhắc lại điều này, năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời song hầu như sau đó không có bất kỳ quốc gia nào đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiệp ước có tính chất quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 được ký giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Quân sự Hội Vũ Hồng Khanh với đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp Jean Sainteny. Bản hiệp định này đã có rất nhiều ràng buộc, trong đó có nội dung: “Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng”. Trước ngày thống nhất đất nước, Việt Nam chưa được kết nạp là thành viên Liên hiệp quốc. Sau khi mang Quốc hiệu mới là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này.
Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Từ đó đến nay, Việt Nam đã tiến những bước dài trên con đường hội nhập quốc tế, đã có 02 lần được bầu là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Kể từ sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, kinh tế Việt Nam đã tăng 12 lần, GDP đầu người tăng 8,3 lần, dự trữ hối đoái so với năm 1997 tăng 47,6 lần lên gần 100 tỷ USD. Tỷ lệ người nghèo từ trên 80% dân số thì nay chỉ còn dưới 03% và Việt Nam được nhiều tổ chức uy tín của quốc tế đánh giá là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo. Năm 2020, Việt Nam đã chính thức vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 04 ở Đông Nam Á, đứng thứ 37 trên thế giới và được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới v.v…
Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để đi tới khát vọng phồn vinh dân tộc ấy là cả một quãng đường dài và không hề trơn tru, bằng phẳng. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động với đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội hiện nay, con đường đi khát vọng phồn vinh dân tộc càng nhiều chông gai, thử thách. Thế nhưng, với truyền thống yêu nước, với bề dày và chiều sâu văn hóa dân tộc, dưới sự mách bảo thiêng liêng của Tổ tiên, đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta sẽ vững vàng để đi tới.
Vũ Trung Kiên