Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống cách mạng xuất sắc, “ngôi sao sáng” trong bầu trời thơ ca cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX. Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam suốt bao năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, phản ánh những nét lớn trong các sự kiện quan trọng của thế kỷ, tham gia tích cực và hiệu quả vào đời sống tinh thần của dân tộc.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành (bí danh Lành) sinh ngày 04/10/1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Thọ Quang, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1936, Tố Hữu đã tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế và năm 1937 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Suốt cuộc đời, Tố Hữu trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng cao đẹp đã lựa chọn và là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” Vì vậy, thơ Tố Hữu là tiếng hát của trái tim hòa trong trạng thái tinh thần của những sự kiện lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX và bao giờ cũng hiện diện trong tư thế của lời ca reo vui. Đời thơ của Tố Hữu được tập hợp trong 7 tập thơ ra đời cùng với chiều dài của lịch sử dân tộc. Từ “Từ ấy” đến “Ta với ta” là một hành trình dài của nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất Việt Nam. Những thành tựu xuất sắc mà nhà thơ Tố Hữu có được cũng từ mối quan hệ gắn bó giữa tình cảm riêng và chung, giữa thơ và sự nghiệp cách mạng mà thời đại yêu cầu.
“Từ ấy” (1946) là tiếng hát chiến đấu của người thanh niên cộng sản, là "bó hoa lửa" đầu tiên trong đời nhà cách mạng - thi sĩ Tố Hữu. “Từ ấy” là sự thể hiện một cách chân thật cái tôi hết sức trong sáng và hồn nhiên, là tiếng hát và niềm vui của một người trẻ tuổi khát khao lý tưởng đã gặp được lý tưởng cách mạng, vượt qua gông cùm và đi theo con đường mà mình lựa chọn. Đó là con đường cách mạng đấu tranh vì độc lập, vì tự do của dân tộc.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.” (Từ ấy)
Con người ấy từ tuổi thanh niên đã "quăng thân vào gió bụi" của cuộc đời chiến đấu đầy gian lao, hiểm nguy, đã chịu tù đày, đã giáp mặt với cái chết. Trước sự lựa chọn giữa sống và chết để cống hiến cho lý tưởng cách mạng, Tố Hữu sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo tồn lý tưởng:
“Dẫu phải chết một phần ta, cứ chết!
Không kêu ca, không hối tiếc, than phiền.
Quyết không để cả đoàn tan nát hết.
Bạn thuyền ơi! Nỗ lực bơi chèo lên!” (Giờ quyết định)
Bước chân vào con đường cách mạng đầy chông gai, người thanh niên cộng sản dần càng thấu hiểu thế nào là trường tranh đấu nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận cảnh tù đày, cảnh tra tấn dã man của kẻ thù và không chịu khuất phục trước uy lực, sự tàn bạo của chúng.
“Ðời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa
Bạn đời ơi! Ta đã hiểu nhau rồi.” (Trăng trối)
Gắn bó với cách mạng, thơ Tố Hữu cũng là một phần của cách mạng và thơ đối với ông là phương tiện để phục vụ cách mạng. Thơ Tố Hữu đã “vẽ lại bức tranh lịch sử cách mạng” của nhân dân Việt Nam qua các chặng đường hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trung kiên. “Việt Bắc” (1947-1954) là chặng đường thơ của Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tập thơ ca ngợi cuộc kháng chiến, con người kháng chiến, phản ánh đầy đủ con đường chiến đấu gian lao, lòng anh dũng và sự trưởng thành của quân và dân Việt Nam qua những hình ảnh về cuộc kháng chiến.
"Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.” (Việt Bắc)
“Việt Bắc” còn là tiếng hát ân tình, lời ca reo vui khi nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám
Trên đường ta về lại Thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ! (Ta đi tới)
Nhà thơ Tố Hữu làm cách mạng và làm cách mạng bằng thơ. Trong suốt trong cuộc đời làm thơ, nhà thơ Tố Hữu đã luôn ý thức gắn bó với nhân dân và thời đại của mình bằng một phương tiện kỳ diệu bậc nhất của tình cảm, của tâm hồn, đó là thơ và đặc biệt là lối thơ bình dị. Nhà thơ Tố Hữu quan niệm rằng: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Nói đến thơ là nói đến sự đồng điệu của tâm hồn”. Do đó, thơ Tố Hữu “đi vào tim mỗi người một cách tự nhiên và thẳng thắn nhất, đó không chỉ là thơ, đó là tiếng nói hộ cho biết bao thế hệ" (Phong Lê). “Gió lộng” (1955-1961) là niềm tin yêu trước cuộc đời mới, là tiếng hát ca ngợi cuộc sống mới Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và bộc lộ tình cảm tha thiết với miền Nam. Đồng thời, “Gió lộng” cũng thể hiện ý chí thống nhất đất nước, tình cảm quốc tế vô sản với các dân tộc anh em trong niềm vui, Tố Hữu không quên nhớ về quá khứ để thấm thía những khổ đau của ông cha.
“Anh chị em ơi
Ba mươi năm đời ta có Đảng
Hôm nay ôn lại quãng đường dài…
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm...” (Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Tố Hữu reo vui với niềm vui chiến thắng và thể hiện niềm tự hào trước thành quả cách mạng dẫu biết rằng đất nước vẫn chưa được thống nhất toàn vẹn, con đường cách mạng còn nhiều gian nan nhưng truyền thống của lịch sử dân tộc sẽ mãi là nguồn động lự cho dân tộc Việt Nam bước vào chặng đường mới.
“Một vùng trời đất trong tay
Dẫu chưa toàn vẹn, cũng bay cờ hồng!
Việt Nam, dân tộc anh hùng
Tay không mà đã thành công nên người
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!” (Bài ca mùa xuân 1961)
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ quyết liệt và hào hùng của dân tộc cho tới ngày toàn thắng, thơ Tố Hữu là khúc ca bi tráng, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. “Ra trận” (1962-1971) và “Máu và hoa” (1972-1977) là hai tập thơ ra đời trong thời kỳ cả nước chiến đấu kiên cường, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cả hai tập thơ khẳng định phẩm chất con người Việt Nam và là khúc ca khải hoàn kết thúc cuộc chiến đấu, Bắc Nam một nhà, non sông liền một dải.
“Vì Độc lập, Tự do, núi sông hùng vĩ
Vì thiêng liêng giá trị Con Người
Vì muôn đời hoa lá xanh tươi
Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất.” (Xuân 68)
Là nhà thơ cách mạng, nhà thơ của nhân dân nên phần lớn sáng tác của Tố Hữu đều phục vụ cho cách mạng, cho đất nước và cho nhân dân. “Tố Hữu đã nâng tình thương mến đến mức một sự đam mê, đó là tình nhân loại mà thấm vào đến mỗi tia máu; đó là tình thân mến của người cộng sản” (Xuân Diệu). Thơ Tố Hữu viết trong thời kì sau chiến thắng 1975 chan chứa niềm vui, biểu lộ những chiêm nghiệm và suy nghĩ sâu sắc trước cuộc đời, giọng thơ vì thế trầm lắng, thấm đượm chất suy tư. “Một tiếng đờn” (1992) và “Ta với ta” (1999) là tâm tình sâu lắng trở về cõi lòng mình sau những năm tháng đã đi qua của cuộc đời và điều đáng trân trọng đó là: trước sau nhà thơ Tố Hữu vẫn kiên định niềm tin vào lý tưởng và con đường Cách mạng.
Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng sôi nổi, nhà thơ Tố Hữu không chỉ là nhà lãnh đạo cách mạng có nhiều công lao, thành tích to lớn mà ông còn để lại một sự nghiệp thơ ca đồ sộ, đáng ngưỡng mộ. Một nhà thơ cách mạng, một nhà tư tưởng lớn của dân tộc với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, nhà thơ Tố Hữu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và giải thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.
Khánh An