Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng nguyên nhân cơ bản, chủ yếu, quyết định nhất là sự lãnh đạo đạo đúng đắn và tài tình của Đảng, trong đó có dự báo thời cơ chính xác và chớp thời cơ đúng lúc
Dự báo thời cơ chính xác
Dự báo thời cơ của Đảng ta được thể hiện rõ qua ba Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939, tháng 11/1940 và đặc biệt là Hội nghị tháng 5/1941. Qua các Hội nghị này, Đảng ta đã dự báo chính xác: “Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước (ý nói cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất) đã đẻ ra Liên Xô - một nước xã hội chủ nghĩa…thì cuộc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”(1). Nghĩa là, Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc khi Liên Xô và lực lượng dân chủ đánh tan phe Phátxít (Đức, Ý, Nhật) thì sẽ tạo cơ hội cho nhiều nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc thành công. Dự báo này của Đảng ta từ tháng 5/1941, trong khi tháng 6/1941 Liên Xô mới tham gia chiến tranh thế giới thứ II. Điều đó cho thấy, khả năng phân tích, nhìn nhận, đánh giá chính xác tình hình thế giới và dự báo tài tình của Đảng ta.
Tiếp đó, trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945), Đảng ta đã dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ: Thứ nhất, quân Đồng Minh vào Đông Dương đánh Nhật. Thứ hai, Nhật đầu hàng Đồng Minh.
Chớp thời cơ đúng lúc
Chỉ đạo chớp thời cơ của Đảng ta được thể hiện rất rõ vào Tháng Tám năm 1945, khi thời cơ đến. Thời cơ xuất hiện và tồn tại khoảng 20 ngày, từ khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh (15/8/1945) đến khi quân Đồng Minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta (05/9/1945), theo quy định của Hiệp định Potsdam.
Thực tế lịch sử cho thấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chớp đúng thời cơ quý báu này. Khi nhận được tin Nhật Hoàng đầu hàng, ngay lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Sau đó, Hội nghị Đảng toàn quốc và Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định phát động cuộc tổng khởi nghĩa.
Sau khi phát lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc, Cách mạng Tháng Tám đã diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn: Từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945. Và chiều ngày 2/9/1945, trên quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ chí Minh, đại diện cho Chính phủ lâm thời và cũng là đại diện cho hơn hai 20 triệu đồng bào ta và hàng trăm triệu đồng bào nô lệ trên thế giới, hùng hồn tuyên bố với dân tộc ta và cả thế giới biết rằng: “Dân tộc Việt Nam đã được hoàn toàn độc lập!”.
Lệnh Tổng khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa).
Chính vì Cách mạng Tháng Tám diễn ra nhanh, gọn và đỡ tổn thất nên có ý kiến (chủ yếu là các sử gia tư sản và các thế lực thù địch) cho rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công là do ăn may?! (Ý muốn nhấn mạnh đến yếu tố khách quan, thời cơ - Điều kiện khách quan thuận lợi để tiến hành một việc gì đó -TG). Vậy sự thật thế nào?
Một là, ngoài những cứ liệu lịch sử đã trình bày ở trên, về mặt lý luận, theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cách mạng muốn nổ ra và thành công không chỉ có thời cơ mà phải có tình thế cách mạng, với bốn điều kiện:
Thứ nhất, giai cấp thống trị không thể thống trị như cũ được nữa.
Cả thực dân Pháp và Phát xít Nhật đều không thể duy trì sự thống trị của mình. Thực dân Pháp đã đầu hàng quân Nhật; Quân Nhật lúc này cũng cực kỳ hoang mang, dao động…khi gần một triệu quân Quan Đông đang bị Hồng quân Liên Xô đánh cho tơi tả tại Mãn Châu – Trung Quốc, Nhật Hoàng đã tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh (15/8/1945). Và giai cấp địa chủ phong kiến lúc này mất chỗ dựa vào quan thầy Pháp, Nhật cũng đang run sợ trước làn sóng đấu tranh của nhân dân. Do đó, cả thực dân, đế quốc và địa chủ phong kiến không thể thống trị như cũ được nữa.
Thứ hai, giai cấp bị trị không chịu nổi sự thống trị như cũ được nữa.
Ở Việt Nam lúc này, các giai cấp, tầng lớp bị trị (công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc) đều không chịu nổi sự thống trị của thực dân, đế quốc và phong kiến. Có rất nhiều lý do, ngoài sự cai trị hà khắc và áp bức, bóc lột hết sức tàn nhẫn, vô nhân đạo…của kẻ thù còn có một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là: Nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu đồng bào ta, nạn đói vẫn đang tiếp tục đe dọa đến sự tồn vong của mỗi người dân Việt Nam. “Cách mạng hay là chết!” - Như mệnh lệnh của từng người dân với sinh mệnh của chính họ. Do đó, họ chỉ chờ có “Tiếng kèn xung trận” là xông lên như nước vỡ bờ để đoạt lại sinh mệnh cho chính bản thân họ. Sức mạnh ấy không gì ngăn cản nổi và có thế “tấn công lên tới cả trời”, đạp bằng tất cả…
Thứ ba, tầng lớp trung gian nghiêng về phía cách mạng.
Các tầng lớp trung gian trong xã hội ta lúc này cũng bắt đầu chao đảo, dao động và một số đã nghiêng về cách mạng. Tiêu biểu là chính phủ Trần Trọng Kim (thành lập ngày 17/4/1945), lúc này đã hoang mang, dao động cực độ ....
Thứ tư, lực lượng cách mạng và đội quân tiên phong đã sẵn sàng.
Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang và Đảng ta đã được chuẩn bị sẵn sàng qua ba cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và đặc biệt là giai đoạn 1939 -1945.
Như vậy, thời cơ chỉ là một yếu tố cấu thành tình thế cách mạng. Do đó, nếu Đảng ta không chủ động lãnh đạo và chỉ đạo nhân dân tạo ra những yếu tố cần thiết và cấp thiết để xuất hiện tình thế cách mạng và Đảng ta không chủ động dự báo chính xác và chỉ đạo chớp thời cơ đúng lúc thì thời cơ vẫn mãi chỉ là thời cơ mà thôi.
Hai là, nhấn mạnh yếu tố thời cơ là nhấn mạnh yếu tố may mắn, ngẫu nhiên, cho rằng yếu tố này giữ vai trò quyết định. Điều này là không đúng vì hai lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về mặt lý thuyết, yếu tố thời cơ, may mắn, ngẫu nhiên chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy làm nên thắng lợi. Không thể quyết định thắng lợi.
Thứ hai, về mặt thực tế, Nhật Hoàng đầu hàng quân Đồng Minh không chỉ tạo thời cơ cho cách mạng Việt Nam. Thời cơ này đến với tất cả các nước bị Nhật chiếm đóng (Trung Quốc và một số quốc gia Châu Á khác). Nhưng không phải nước nào cũng chủ động chớp thời cơ và giành thắng lợi như Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công có nguyên nhân cơ bản, quan trọng, quyết định là sự lãnh đạo của Đảng. Đó là, sự chủ động của Đảng trong lãnh đạo nhân dân chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho Cách mạng và đặc biệt là khả năng dự báo chính xác, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chớp thời cơ đúng lúc, giành thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu, giảm tối đa những tổn thất.
Quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân chuẩn bị và tiến hành Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, bài học về chủ động chuẩn bị điều kiện và nghệ thuật dự báo và chớp thời cơ.
Ngày nay, trong tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường…đã và đang mở ra cho nhân loại nói chung, dân tộc ta nói riêng, bao thời cơ và vận hội mới. Do đó, cần tiếp tục vận dụng sáng tạo bài học chủ động chuẩn bị điều kiện và nghệ thuật dự báo và chớp thời cơ - trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bài học này còn là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc vận dụng tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã thể hiện một cách sinh động thành công của việc phát huy ý chí tự lực, tự cường của dân tộc ta. Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước"(2). Do đó, tiếp tục phát huy bài học cách mạng Tháng Tám, trong thời kỳ mới, là hết sức cần thiết và cấp thiết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với những trù liệu đầy đủ, và khả năng dự báo, chớp thời cơ, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa nước ta tất sẽ thành công trong tương lai không xa.
Văn Minh
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.7, tr.100.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.110.