Thủ pháp ngôn ngữ (cách thức sử dụng ngôn ngữ để đạt được mục đích) trong nhiều tác phẩm mang phong cách bút chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu bôn ba nơi đất khách quê người để tìm con đường đi cho dân tộc đến nay vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu bôn ba nơi đất khách quê người để tìm con đường đi cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ khảo sát thực tiễn cuộc sống của các tầng lớp nhân dân ở nhiều nước tư bản, nhiều dân tộc thuộc địa; không chỉ làm nhiều công việc để sống và hoạt động cách mạng mà Người còn viết nhiều tác phẩm mang phong cách bút chiến với thủ pháp ngôn ngữ đa dạng để phản ánh tình trạng đói nghèo cùng cực của nhân dân An Nam, tội ác của thực dân Pháp, sự đớn hèn của phong kiến tay sai; qua đó, vừa để nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu được những sự thật rùng rợn, kinh tởm đằng sau cái gọi là “khai hóa văn minh ở xứ Đông Dương”, đồng thời truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
Các tác phẩm mang phong cách bút chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung nhiều nhất và đa dạng nhất trong khoảng thời gian đầu những năm 20 của thế kỷ XX khi Người hoạt động ở Pháp với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, tiêu biểu trong số này có thể kể đến: Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Con người biết mùi hun khói, Tâm địa thực dân, Những thảm họa của nền văn minh, Tội ác của chủ nghĩa thực dân, Các quan cai trị, Sự quái đản của nền văn minh, Vi hành, Bản án chế độ thực dân Pháp, Vấn đề bản xứ… đã đả kích một cách trực tiếp hoặc gián tiếp chế độ thực dân ở Đông Dương với lời văn sâu cay mà rất gần gũi, tạo ấn tượng mạnh mẽ tới người đọc. Đạt được hiệu quả như vậy là nhờ Nguyễn Ái Quốc đã rất tinh tế và khéo léo trong việc sử dụng các thủ pháp ngôn ngữ để làm toát lên ý đồ của mỗi bài viết. Các thủ pháp ngôn ngữ này bao gồm:
So sánh: Được sử dụng nhiều nhất trong các tác phẩm bút chiến với mục đích làm rõ sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân An Nam nói riêng và xứ Đông Dương nói chung. Với cách đặt vấn đề bằng cách sử dụng các cụm cấu trúc mang ý nghĩa so sánh như: “người Âu với người bản xứ”, “một bên là… bên kia là”, “trong khi… thì”, “coi như”, “giống như”…, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra các dẫn chứng thực tế về cảnh sung sướng của “những ông quan cai trị”, “nhà khai hóa” với cuộc sống không khác gì con vật của người dân An Nam; về cái gọi là “những thành tựu vĩ đại của công cuộc khai hóa văn minh” trong các báo cáo của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương với cảnh tồi tàn, đói khổ, kìm kẹp, bắt bớ, bắn giết dã man cũng ở nơi đây. Ví dụ, để nói về sự bất bình đẳng trong việc đảm bảo các quyền cơ bản nhất của người dân xứ An Nam, Người viết: “Trong khi tính mệnh của một người An Nam bị xem như thân con chó, không đáng giá một đồng trinh, thì ngài Tổng thanh tra Rêna, bị sướt có một chút da ở cánh tay mà được lĩnh 120.000 phrăng tiền bồi thường. Ôi bình đẳng! Bình đẳng quý hóa thay!”[1]. Hay để lật tẩy cái gọi là “bảo hộ”, Nguyễn Ái Quốc đã có sự so sánh vô cùng lý thú:“Ở Đông Dương, chúng ta đang sống dưới sự “bảo hộ” của nước Pháp. Bảo hộ có nghĩa là che chở. Nước Pháp đang để cho hàng triệu anh em chúng ta chết đói, trong khi đó hàng nghìn người khác bị đưa sang Tiểu Á làm bia đỡ đạn. Người ta che chở cho chúng ta như vậy đó!”[2]. Còn nói về “khai hóa văn minh” – một việc làm vốn mang lại sự tốt đẹp, mới mẻ, tiến bộ theo đúng nghĩa đen của từ này, nhưng dưới con mắt của thực dân Pháp, công cuộc khai hóa văn minh ở Đông Dương lại trở thành chiêu bài mị dân, che đậy cho nhứng thứ thối nát nhất mà thực dân Pháp tiến hành ở đây, thực tế ấy đã được Nguyễn Ái Quốc bóc trần bằng cách so sánh vô cùng xót xa: “một nghìn năm trăm ty rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có mười trường học cũng cho bấy nhiêu làng”[3]. Không chỉ tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở An Nam, nói lên tiếng nói thống khổ của nhân dân bị áp bức, thủ pháp so sánh còn được sử dụng để châm biếm triều đình tay sai nhà Nguyễn, nhất là vua Khải Định khi ông này đến Marseille để tham dự Hội chợ triển lãm về thuộc địa do thực dân Pháp tổ chức: “Ngài đã đến – hay nói cho đúng hơn là người ta đã đưa ngài đến, coi như một món hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ”[4], đồng thời đề cao tinh thần yêu nước của các vị vua, văn thân, sĩ phu như: vua Duy Tân, vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…
Miêu tả: Nếu so sánh được sử dụng như một thủ pháp để làm toát lên sự đối lập đến thê thảm giữa một bên là thực dân Pháp và người dân An Nam thì thủ pháp miêu tả lại có tác dụng như ngọn đèn pha soi rọi những ngóc ngách sâu thẳm nhất sự cùng cực, bi thương của người dân An Nam; sự sơ xác, kiệt quệ của một đất nước thuộc địa trong cái gọi là “bảo hộ” của thực dân Pháp; sự sung sướng, hỉ hả dựa vào bóc lột, tra tấn, đàn áp không có giới hạn những người bản xứ của “những nhà khai hóa văn minh”… ,ví dụ như đoạn trích sau: “Đôi khi để mua vui, một anh sốpphơ nào đó hắt cả một thùng nước suối xuống lưng những người bán hàng khốn khổ. Lập tức có những tiếng rú lên vì đau đớn,… vết thương trơ cả thịt với những tiếng kêu không còn gì là của con người nữa!”[5] và đây nữa: “Một tên lính khác muốn ép một người đàn bà An Nam hiến thân cho con chó của nó, chị ấy không chịu. Tên lính dùng lưỡi lê đâm vào bụng chị”[6]. Không chỉ vậy, biện pháp miêu tả còn được sử dụng để đả kích sự lố lăng đến nực cười của cả hệ thống chính quyền thực dân đối với những hành vi xấu hổ, đáng lên án mà những tên tay sai của chúng tiến hành trên đất An Nam: “Một viên khâm sứ, can tội hối lộ, hành hung, biển thủ, làm và sử dụng giấy tờ giả mạo, lại được tặng đệ tam đẳng Bắc đẩu bội tinh và thăng lên chức quyền toàn quyền”[7] hay những hành vi dị hợm, không giống ai của Khải Định… Có thể nói, với thủ pháp miêu tả, Nguyễn Ái Quốc đã rất khéo léo trong việc sử dụng một số từ, cụm từ gây ấn tượng mạnh về cảm xúc và mang tính liên tưởng cao cho người đọc như: “tống giam”, “mắng chửi”, “nắm tay đấm”, “lấy gậy vụt”, “túm tóc kéo lê”, “đập đầu vào tường”, “lấy kiếm chích vào đùi”, “đánh gãy ngón tay”, “chôn xuống ngập đến cổ những người lính trái ý… chỉ cho đào lên khi họ đã gần chết”[8]… giúp cho nhân dân tiến bộ ở các nước châu Âu, nhất là tại chính nước Pháp hiểu rõ hơn những thủ đoạn tàn bạo, vô nhân tính mà thực dân Pháp tiến hành ở các nước Đông Dương.
Thủ pháp sử dụng các minh chứng của chính những người lính Pháp ở Đông Dương viết để tố cáo tội ác của bọn thực dân
Sử dụng các minh chứng tội ác trong những bản báo cáo, bản tin hay chỉ đơn giản là những bức thư tay mà Nguyễn Ái Quốc có dịp đọc được để tố cáo ngược lại chính bè lũ thực dân là một trong những phương pháp đấu tranh vô cùng độc đáo vì đó là những bằng chứng của những người trong cuộc, không ai có thể chối cãi được. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy thủ pháp này trong các tác phẩm như: Tội ác thực dân, Sự quái đản của công cuộc khai hóa, Các quan cai trị… Ví dụ sau đây được trích từ cuốn nhật ký của một người lính Pháp ở An Nam vô tình được chứng kiến cảnh man rợ của một tốp lính Pháp khác là một minh chứng rõ nét: “ Bọn lính đòi tiền, rượu và thuốc phiện… chúng nổi giận lấy báng súng nện một cụ già ngất đi… , đem thiêu trong một đống củi cành cây làm trò vui với nhau. Trong khi đó những tên khác hãm hiếp hai phụ nữ và em gái nhỏ, chán rồi, chúng giết em bé…, chặt ngón tay người thiếu nữ đã chết để cướp lấy chiếc nhẫn và chặt cổ để cướp lấy chiếc vòng.”[9]
Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn sử dụng thủ pháp mượn hình ảnh để đả kích, nhắc nhở, cảnh báo thực dân Pháp và bè lũ tay sai của chúng. Phần lớn các tác phẩm sử dụng thủ pháp ngôn ngữ này như: Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi Hành,... Ví dụ, trong Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, Nguyễn Ái Quốc đã mường tượng về cuộc gặp gỡ trong mơ giữa vị hoàng đế An Nam là vua Khải Định và vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, qua đó mượn hình ảnh bà Trưng Trắc để nhắc nhở, phê phán thái độ đớn hèn trước thực dân xâm lược của nhà vua: “Chẳng thể bao giờ trong niên giám nước mi lại có một vua Nam nào chịu làm tôi tớ đến như mi… Giờ thì mi lại sắp làm tệ hại hơn nữa, Mi sắp ca ngợi công đức của những đứa bóc lột và hiếp đáp dân mi… Mi sắp tâng bốc công ơn vô ngần và tưởng tượng của nền văn minh đã thâm nhập sơn hà xã tắc của mi bằng mũi nhọn của lưỡi lê và bằng họng súng canông”[10].
Bên cạnh đó, để thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân tiến bộ trên thế giới mà trước hết là nhân dân Pháp đối với cuộc đấu tranh của nhân dân An Nam, trong một số tác phẩm bút chiến của mình, Nguyễn Ái Quốc đã rất tinh tế trong việc sử dụng thủ pháp “khu biệt đối tượng” để tách “nhóm đối tượng” cần trực tiếp lên án và “nhóm đối tác” cần thu hút, tập hợp để có thể huy động sự ủng hộ, giúp đỡ đối với cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai của nhân dân An Nam: “Chúng tôi nhấn mạnh những chữ, tên người trong lũ thực dân gian ác, các viên chức tàn bạo, vì chúng tôi biết rằng có những người thực dân chính trực, những viên chức công bằng…”.
Cũng cần nói thêm rằng, không chỉ có miêu tả, so sánh, dùng “gậy ông đập lưng ông”, khu biệt đối tượng đấu tranh mà còn rất nhiều thủ pháp ngôn ngữ khác đã được Nguyễn Ái Quốc sử dụng rất linh hoạt với tần suất khá nhiều, như: biện pháp liệt kê với các cụm từ như: trong số, hàng mấy chục ngàn, kẻ này, người kia…; biện pháp sử dụng một số từ, cụm từ có biểu cảm mạnh: “từ miệng ông phun ra”, “không thể tranh cãi nổi”, “thằng khốn nạn, thằng nói láo” … hay như cách sử dụng các câu hỏi mang tính chất vấn: Phải chăng? Hay không? “liệu rằng… nữa hay không”, “có phải vậy không?”, “nữa hay thôi”, “như vậy nghĩa là thế nào?” cùng với các mệnh đề cổ vũ, khuyến khích nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân và phong kiến tay sai.
Về tổng thể, có thể thấy thủ pháp ngôn ngữ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong các tác phẩm bút chiến rất đa dạng, mang lại nhiều tác dụng tích cực trong việc cung cấp cái nhìn toàn diện nhưng lại rất cụ thể về những khổ đau, mất mát mà đất nước và nhân dân An Nam phải chịu đựng dưới sự cai trị hà khắc, mất hết tính người của những tên thực dân Pháp tàn bạo núp dưới danh nghĩa “bảo hộ”, “khai hóa văn minh”, qua đó không những tố cáo các tội ác này trước ánh sáng công lý, thức tỉnh nhân dân tiến bộ trên thế giới mà còn khơi dậy nỗi khổ đau khi nước mất nhà tan, ý thức đấu tranh giải phóng. Chính bởi vậy mà khi đọc, ta như thấy được hình bóng một người kể chuyện với nhịp điệu nhẹ nhàng nhưng vô cùng cuốn hút; lời lẽ dễ hiểu nhưng thâm thúy, sâu cay; câu từ không dài nhưng có sức lay động lòng người, để lại cho chúng ta những bài học quý báu khi viết những tác phẩm bút chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Theo đó:
Trước hết, cần phân định rõ chủ thể đấu tranh và nội dung đấu tranh, bởi lẽ hiện nay các thủ đoạn xuyên tạc, phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng ta của các thế lực thù địch là hết sức đa dạng về nội dung (có thể là xuyên tạc một hoặc một số vấn đề nào đó có liên quan đến tác phẩm, cuộc đời, con người của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin; về chủ trương, đường lối của Đảng…) và chủ thể thực hiện (các thế lực thù địch chống phá ở ngoài nước hoặc một số cá nhân ở trong nước bị mua chuộc, dụ dỗ…). Do đó, phân định rõ đối tượng và nội dung cần đấu tranh, lên án sẽ giúp chúng ta xác định được thủ pháp ngôn ngữ cần phải sử dụng cho phù hợp để đạt được mục đích; tránh được lối viết dài dòng, lan man, không có “trọng tâm, trọng điểm”.
Thứ hai, cần đa dạng trong cách sử dụng các hình thức ngôn ngữ, nội dung cần ngắn gọn, không nên đi quá sâu vào các vấn đề lý luận thuần túy vì như thế dễ gây ra sự khó hiểu, nhàm chán đối với người đọc; ngược lại cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa các luận điểm cần đấu tranh với các chứng cứ từ thực tiễn, trong đó đặc biệt chú ý đến việc sử dụng các ví dụ minh họa có thật trong thực tiễn để bổ sung cho những lập luận của mình. Có như thế các luận điểm đấu tranh, phản bác mới có tính thuyết phục, tăng tính cuốn hút.
Thứ ba, trong khi sử dụng các thủ pháp ngôn ngữ để đấu tranh, phản bác cần làm nổi bật lên được những thành tựu của đất nước có liên quan đến nội dung đấu tranh, phản bác. Việc làm này chính là tạo ra một “trục đối xứng” vô cùng cần thiết để người đọc tự suy nghĩ, tự cảm nhận, tự đánh giá, qua đó ngày càng củng cố, tăng cường tình cảm, niềm tin vào chế độ, vào Đảng, vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập 1, tr.113
[2] Sđd, tr.27-28
[3] Sđd, tr.26
[4] Sđd, tr.101
[5] Sđd, tr.61-62
[6] Sđd, tr.374
[7] Sđd, tr.392
[8] Sđd, tr.64
[9] Sđd, tr.373-374
[10] Sđd, tr.98-99
Hà Sơn