Vào ngày này 54 năm trước, diễn ra cuộc thảm sát do quân đội Mỹ tiến hành tại thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ thảm sát diễn ra sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân với chiến thắng vang dội thuộc về quân giải phóng. Vậy có hay không việc quân đội Mỹ thua đau và nhắm đòn trả thù vào dân thường Nam Việt Nam ?
Câu trả lời là có.
Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thường rêu rao họ thắng lớn trong Mậu Thân. Nhưng thực tế các vụ tàn sát điên cuồng nhắm vào thường dân được đẩy mạnh trong năm 1968, 1969 cho thấy Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã bị giáng một đòn đau chí tử và quay sang tàn sát, trả thù bừa bãi vào thường dân, gây nên những tội ác tàn bạo.
Thứ nhất, trước Mậu Thân, Mỹ chưa gây ra một vụ tàn sát dân thường nào nổi tiếng, nhưng sau Mậu Thân, lính chiến đấu Mỹ đã tiến hành nhiều vụ thảm sát bằng vũ khí bộ binh, tiêu biểu là vụ thảm sát Sơn Mỹ, ngày 16/3/1968, giết hại hơn 504 người dân vô tội. Đây là vụ thảm sát quy mô nhất bị điều tra do một số lính Mỹ tiến bộ đứng lên tố cáo. Chắc chắn còn hàng trăm, hàng nghìn vụ thảm sát thường dân khác quy mô nhỏ hơn đã chìm vào bí mật, nếu được công khai thì núp dưới vỏ bọc “tiêu diệt Việt Cộng”.
Thứ hai, trước Mậu Thân, tội ác do Mỹ gây ra với dân thường tuyệt đại đa số bằng bom, pháo, giết người mà “bàn tay vẫn sạch sẽ”, giết người mà không ai biết hoặc ít người biết, giết người mà không bị cắn rứt lương tâm, đổ cho bom pháo và khó tránh khỏi trong chiến tranh. Nhưng sau Mậu Thân, trong các vụ tàn sát, Mỹ sử dụng vũ khí bộ binh để tàn sát dân thường, đó là tội ác không chối cãi được, tàn bạo đến mức một số quân nhân Mỹ đã phản đối quyết liệt ngay tại mặt trận cũng như đã đứng làm chứng trước tòa án xét xử tội phạm chiến tranh của quân đội Mỹ sau đó.
Thứ ba, một số lính Mỹ tham gia thảm sát biện hộ rằng, họ phải tuân theo lệnh chỉ huy, rằng họ chỉ làm nhiệm vụ của một quân nhân, nhưng một số khác công khai thừa nhận giết dân thường vô tội để trả thù cho bạn bè, đồng đội họ đã thiệt mạng, như vậy rõ ràng có động cơ trả thù, dù không đúng đối tượng và không chính đáng.
Nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968 (Ảnh tư liệu)
Ngoài vụ thảm sát Mỹ Lai, hai dẫn chứng cho thấy Mỹ và Việt Nam Cộng hòa có sự trả thù nhắm vào dân thường.
Thứ nhất, Tướng Ewell, Chỉ huy Sư đoàn 9 Mỹ nói rằng “Ta hơi nhẹ tay quá khi thu phục lòng dân. Ở đồng bằng, muốn thắng Việt Cộng, phải dùng bạo lực”. Thực tế là hàng đàn trực thăng vũ trang của Mỹ quần đảo suốt ngày đêm trong những vùng được cho là căn cứ của Việt cộng, vùng tự do oanh kích, trông thấy người là sà xuống bắn giết, nhiều trực thăng hiện đại còn được trang bị thiết bị phát hiện dấu vết than củi và nước tiểu của người, nên hầu như không bỏ sót dấu vết nào của con người tại vùng tự do oanh kích.
Tướng Ewell báo cáo đơn vị mình trong 6 tháng đầu năm 1968 tiêu diệt được 10.899 Việt Cộng mà chỉ mất 242 lính Mỹ, tỷ lệ tổn thất là 45/1. Với chiến công đó, Ewell được thăng chức. Tuy nhiên, Đại tá Robert Gard, Chỉ huy pháo binh của Tướng Ewell nêu rõ: “Nếu mà nói ta giết quân chiến đấu địch với tỷ lệ 40/1 thì thật quá sức tưởng tượng của tôi, tôi không đồng ý với quan điểm bất cứ ai chạy cũng là địch, nhiều khi người ta chạy vì sợ”. Sau đó, Tổng thanh tra quân đội Mỹ ước tính trong khoảng 11.000 người Sư đoàn 9 Bộ binh nhận đã giết, có hơn một nửa là thường dân không vũ trang[1].
Thực tế là hàng đàn trực thăng vũ trang của Mỹ quần đảo suốt ngày đêm trong những vùng được cho là căn cứ của Việt cộng, vùng tự do oanh kích, trông thấy người là sà xuống bắn giết. Chúng ta lưu ý đây mới chỉ là số liệu báo cáo của 1 đơn vị và trong khi Sư đoàn 9 Mỹ tăng cường tàn sát thường dân thì các sư đoàn Mỹ khác không sang Việt Nam để ngồi chơi.
Lê Xuân Khoa, trong tác phẩm Việt Nam 1945-1975, chiến tranh và bài học lịch sử cũng viết: “Về mặt quân sự, chính sách lùng và diệt địch và việc sử dụng hỏa lực thật mạnh một cách bừa bãi, nhiều khi chỉ để phòng ngừa sự tiến công của địch, thường gây thương vong cho thường dân vô tội. Một số quy tắc chiến đấu của quân đội Mỹ trong chiến tranh chống du kích đã giết hại nhiều người dân hơn bộ đội cộng sản. Chẳng hạn, “bắn một người Việt Nam không mang vũ khí đang bỏ chạy là đúng, nhưng bắn một người đang đứng yên hay đang đi là sai”. Thực tế thì chỉ có thường dân mới không có vũ khí và bỏ chạy, còn Việt cộng thì ẩn núp kín đáo ở một chỗ. Một quy tắc chiến đấu khác là “bộ binh dùng lựu đạn lân tinh (phosphorous grenades) để tấn công một ngôi làng là sai, nhưng phi công chiến đấu ném bom lửa (napalm) xuống đốt phá ngôi làng đó là đúng”[2]. Điều này thì ai cũng biết rõ là sức công phá của quả bom napalm so với một quả lựu đạn lân tinh khủng khiếp đến mức nào. Chính nhiếp ảnh gia Nick Út của hàng thông tấn AP đã đoạt giải thưởng Pulliser với bức ảnh bé Kim Phúc bị bỏng do bom napalm khủng khiếp chạy trên đường làng sau khi làng em bị ném bom.
Một đơn vị SEAL hoạt động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: National Archives)
Thứ hai, cũng sau Tết Mậu Thân, CIA chỉ đạo mở chiến dịch Phượng Hoàng nhằm đánh vào cơ sở hạ tầng của Việt Cộng. Chiến dịch này đã sát hại ít nhất 20.000 người, trong đó phần lớn cũng là dân thường. Phương thức sát hại chủ yếu là khủng bố và ám sát, không cần xét xử, giết lầm còn hơn bỏ sót.
“Trong thời gian diễn ra chiến dịch Phượng Hoàng, CIA bị tố cáo là đã sử dụng các hình thức tra tấn một cách có hệ thống. Theo lời K. Barton Osborn, một sĩ quan tình báo quân đội tham gia chiến dịch thì đã có nhiều hình thức tra tấn dã man như đóng đinh vào tai người bị hỏi cung cho tới chết, trích điện vào chỗ kín của đàn ông và đàn bà... Trong suốt 18 tháng viên sĩ quan này tham gia chiến dịch, anh ta không thấy bất cứ người nào còn có thể sống sót sau quá trình hỏi cung”[3].
Một cựu binh Mỹ mô tả:“Đầu tiên, mấy ông thần ở Sài Gòn lên danh sách đen. Dựa trên danh sách này, bọn tôi phối kiểm với tình báo quận, huyện. Rồi thì phối hợp các nguồn tin. Đêm sau, hoặc vài đêm sau, mấy đứa cao bồi trong toán công tác mò vào làng gõ cửa nhà dân, bảo “Mẹ mày, đùa tí chơi”. Rồi, Đoàng ! Không có kiểm soát trách nhiệm gì hết”[4]. Việc giết thường dân bị nghi là Việt Cộng đã diễn ra hoàn toàn như một trò đùa.
Ngay cả lực lượng biệt kích hải quân Mỹ (SEAL) cũng tích cực tham gia chiến dịch Phượng Hoàng với hành động vô cùng tàn bạo. Tối 25/2/1969, một toán biệt kích SEAL do trung úy Bob Kerry dẫn đầu tới ấp 5, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Nhóm biệt kích này dùng dao găm cắt cổ ông Bùi Văn Vát (66 tuổi) và bà Lưu Thị Cảnh (62 tuổi). Ba đứa cháu nội của ông Vát (6 tuổi, 8 tuổi và 10 tuổi) trốn trong ống cống cũng không thoát. Biệt kích Mỹ lôi 3 cháu nhỏ ra, đâm chết 2 cháu gái và mổ bụng cháu trai. Sau đó, nhóm SEAL lùng sục hầm trú ẩn của các gia đình khác, bắn chết 15 dân thường, trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai, mổ bụng một bé gái”[5]. Năm 1998, Bob Kerry mới thú nhận tội ác này. Ông ta nói với Tạp chí Time "Có một điều tôi sẽ nhớ đến lúc chết. Khoảng 14 xác phụ nữ và trẻ em, tôi không nhớ rõ. Tôi trông chờ nhìn thấy xác Việt Cộng với vũ khí, nhưng không… Hình ảnh đó bạn không bao giờ xua tan được”.
Georges Boudarel viết trong cuốn Võ Nguyên Giáp rằng: “Tại các vùng nông thôn, tràn ngập những kẻ sát nhân của “kế hoạch Phượng Hoàng” được giao trách nhiệm đánh đập, tra tấn Việt Cộng, căn cứ vào cách cho điểm phức tạp, được lập trình sẵn trong máy tính, các xóm ấp được xếp thành năm loại và được xử lý thích đáng”[6]. Một số ghi chép khác cho thấy số tiền được chi ra để thưởng cho những kẻ bắt người hoặc giết người là rất lớn. Thậm chí chỉ tiêu (quota) Việt cộng trong từng xóm làng cần phải bị bắt, bị giết cũng làm cho việc bắt bớ, giết chóc tăng cao nhắm vào thường dân vô tội.
Không thua đau, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã không gia tăng các hành động tội ác đến mức tột cùng và bừa bãi đến như thế. Do đó, việc kết luận Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ, bị thua đau trong tổng tiến công và nổi dậy là hoàn toàn có cơ sở.
Lê Minh
[1] . Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 7.
[2] . Lê Xuân Khoa: Việt Nam 1945- 1975, chiến tranh và bài học lịch sử, Tiên Rồng xuất bản, Hoa Kỳ, 2004.
[4]. Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 7.
[5] .Https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/biet-kich-seal-tac-dong-chien-tranh-viet-nam-the-nao-853770.tpo.
[6] . Georges Boudarel: Võ Nguyên Giáp, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2012, tr. 150.