Hơn 50 năm qua, vẫn còn những ý kiến trái chiều xung quanh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Nhiều người đặt ra câu hỏi “Có mâu thuẫn giữa tổn thất về quân sự với thắng lợi về chính trị hay không, trong khi phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổn thất lớn về lực lượng nhưng lại đạt được mục tiêu đặc biệt quan trọng là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, đẩy “cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ” lên cao chưa từng có ?”
Người ta thấy dường như có sự mâu thuẫn giữa tổn thất của cách mạng miền Nam với thắng lợi mà cuộc tổng tiến công và nổi dậy đạt được. Một số nhà nghiên cứu lịch sử nhận định: trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tổn thất lớn về quân sự, nhưng thắng lợi về chính trị, ngoại giao.
Nếu chỉ so sánh đơn thuần về quân sự thì thấy rằng tổn thất của cách mạng miền Nam là rất lớn. Nhà báo Jhon Laurence, hãng tin CBS News, phân tích từ Sài Gòn: “Bộ Chỉ huy Mỹ coi Tết Mậu Thân là thắng lợi và ăn mừng. Cuối cùng, địch cũng xuất đầu lộ diện và ta đã nghiền nát chúng và đúng như thế thật”.
Tuy nhiên, thực tế lịch sử không đơn giản như thế. Lịch sử có những khía cạnh vượt ra ngoài lô gic thông thường. Tổn thất không đi liền với thất bại. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đã đạt được hai mục tiêu lớn là đánh bại ý chí xâm lược của giới chức hiếu chiến Mỹ và thức tỉnh lương tri của nhân dân tiến bộ Mỹ cũng như nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Thú nhận của giới chức Mỹ cho thấy rõ điều đó.
Nhà báo Jhon Laurence tiếp tục phân tích:“Ttrước đó, chính quyền vẫn nói với công chúng Mỹ suốt cuối năm 1967 đầu năm 1968 rằng, họ đang thắng cuộc chiến, rằng Mặt trận Dân tộc giải phóng và Bắc Việt đang bị triệt tiêu, rằng có thể thấy được khả năng kết thúc chiến tranh thắng lợi. Tết Mậu Thân buộc tướng lĩnh đánh giá lại. Khi nổ ra, nó trái ngược với tất cả những gì chính quyền và lãnh đạo ở Sài Gòn tuyên bố với công chúng Mỹ qua báo chí trong 4 hay 5 tháng trước đó”.
Dave Richard Palmer, tác giả cuốn sách Summons of the Trumpet (Tiếng kèn gọi quân) viết: “Từ duy nhất để mô tả phản ứng (ở Mỹ) ngay lúc đó là “kinh hoàng”... không thể tin được... một cuộc chiến tranh được báo cáo là đang thắng giờ đây đang nghiêng ngả trong tình thế nguy kịch”[1].
Phillip Brady, nhân viên cơ quan USAID cho rằng: “Mậu Thân làm tiêu tan ý chí tham chiến của Mỹ. Nó là cú sốc rũ sạch những tàn dư còn sót lại của ảo tưởng và huyễn hoặc đã đẩy ta vào con đường thảm họa. Từ đó trở đi, không ai còn tin nữa”.
Quân giải phóng tiến công Sài Gòn năm 1968 (Ảnh tư liệu TTXVN)
Leslie Gelb, nhân viên Lầu Năm Góc nói: “Lúc đó, lại nổ ra tranh cãi kịch liệt trong chính quyền Mỹ và phe diều hâu lập luận rằng, Mậu Thân là chút hơi tàn của Bắc Việt, là nỗ lực cuối cùng để chiến thắng, và họ đã thất bại. Chúng ta đã đánh bại, kết liễu được họ rồi”. Chúng tôi thì nói: “Đánh nhau bao nhiêu năm rồi, nếu họ còn làm được như thế, ta phải rút ra bài học về quyết tâm của họ trong cuộc chiến này, và giá ta phải trả”[2].
Ngày càng nhiều thành viên Đảng Cộng hòa của Tổng thống mạnh dạn bày tỏ nghi ngại. Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy nói “Cuối cùng, địch đã đập vỡ mặt nạ ảo tưởng chính thức. Không đánh bại hoặc bẻ gãy được ý chí của địch thì ta phải tích cực dàn xếp hoàn bình”.
Nhà báo Walter Cronkite, dẫn chương trình CBS, trở về sau khi đưa tin về Mậu Thân tin rằng không thể thắng được nữa. “Chúng ta đã quá thất vọng với sự lạc quan của lãnh đạo Mỹ ở Việt Nam cũng như ở Oasinhtơn, nên khó mà tin nổi những gỡ gạc an ủi của họ trong tình hình đen tối này. Hiện nay nói ta đang gần thắng đồng nghĩa với việc bất chấp bằng chứng, mà chỉ tin những người trước đó từng sai lầm. Nếu nói chúng ta bên bờ thất bại thì lại là bi quan vô lý. Kết luận thực tế, tuy khó chịu đựng nhưng đúng, là chúng ta đang sa vào bế tắc. Bản thân tôi ngày càng thấy rõ lối thoát hợp lý duy nhất là thương lượng, không phải với tư cách người thắng cuộc, mà với tư cách dân tộc có danh dự cam kết bảo vệ dân chủ, và đã nỗ lực hết mình”.
Ngày 10/3/1968, Báo New York Times đưa tin, quân đội yêu cầu gửi thêm 206.000 binh sỹ sang Việt Nam. Dư luận Mỹ đặt câu hỏi: “Nếu Mỹ đang thắng cuộc, nhiều người Mỹ thắc Mắc, Nếu Mậu Thân thực sự là thảm họa cho địch, tại sao vẫn cần thêm quân?”.
Ngày 26/3/1968, Nhóm Thông thái, tập hợp những chính khách diều hâu trong chính quyền Mỹ, từng khuyên tổng thống Johnson vững tay ở Việt Nam, nay lại khuyên ông thay đổi.
Dean Acheson, Ngoại trưởng thời Harry Truman, phát biểu: “Chúng ta không kịp hoàn tất nhiệm vụ trong thời gian còn lại, ta phải bắt đầu thoát ly”.
Ngày 30/3/1968, Viện Gallup công bố số liệu khảo sát cho thấy 63% công chúng không hài lòng với cách Jhonson điều hành cuộc chiến, đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi Tổng thống Jhonson quyết định tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Báo chí Mỹ bình luận: đây là thời khắc thê thảm nhất của nhiệm kỳ.
Tối 31/3/1968, Tổng thống yêu cầu được phát biểu trên cả ba kênh truyền hình. “Đồng bào Mỹ thân mến, tối nay tôi muốn nói với các bạn về hòa bình ở Việt Nam và Đông Nam Á”. Jhonson tuyên bố quyết định ngừng ném bom các khu đông dân quanh Hà Nội và Hải Phòng, nhưng phần phía Nam của Bắc Việt, các khu bàn đạp phía Bắc khu phi quân sự vẫn sẽ bị oanh tạc.
Rồi ông làm nước Mỹ và thế giới choáng váng khi tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai: “Tôi không tin mình nên dành thêm một ngày giờ nào cho bất đồng cá nhân hay đảng phái, hoặc nghĩa vụ nào ngoài nghĩa vụ cao quý của chức tổng thống của các bạn. Tôi sẽ không theo đuổi, và không nhận đề cử của đảng giữ thêm một nhiệm kỳ nữa”[3].
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford, sau vài tháng nhậm chức, từ lập trường chủ chiến đã chuyển sang chủ hòa, khẩn thiết yêu cầu Tổng thống ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc vì yêu cầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chỉ đàm phán thực sự khi Hoa Kỳ ngừng ném bom.
Ông nói với tổng thống “Ta chỉ có thể hy vọng thành công trên bàn đàm phán, chứ không thể thắng được cuộc chiến này”[4].
Ông nói thêm: “nếu leo thang thêm nữa, sẽ gây ra những nguy cơ lớn là làm nổ ra một cuộc khủng hoảng trong nước với quy mô chưa từng thấy”[5].
Dù phải bắt đầu xuống thang, nhưng trên thực tế, phong trào phản chiến tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Giới lãnh đạo Mỹ thừa nhận: Tết Mậu Thân đã đặt họ “trước một ngã rẽ trên đường đi” và “các giải pháp để lựa chọn đã phơi bày trong một thực tế tàn nhẫn”[6].
Các giải pháp đó là hạn chế rồi tiến tới chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàm đàm phán hòa bình tại Paris, Jhonson tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 và từ giữa năm 1969 rút dần quân Mỹ về nước.
Với những thừa nhận nói trên của giới quân sự và chính trị Mỹ, có thể khẳng định, thắng lợi trong đợt 1 Mậu Thân là rất lớn.
Tiếp đó, “thắng lợi trong đợt 2 và đợt 3 tổng tiến công và nổi dậy cũng rất lớn, ta không chỉ tiêu diệt được một lực lượng chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mà điều quan trọng là ta đã đánh bồi liên tiếp, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ Giôn xơn phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong bốn thành viên chính thức tham gia hòa đàm tại Pari. Những thắng lợi này góp phần cho ta thế mạnh chủ động đấu tranh ở Hội nghị Pari”[7].
Bình Nguyễn
[1] . Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II 1954- 1975, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 589.
[2] . Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 6.
[3] . Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 6.
[4] . Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 6.
[5] . Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954- 1975, tập V, Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 (xuất bản lần thứ ba), Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2015, tr. 166.
[6] . Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam, dẫn theo Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954- 1975, tập V, sđd, tr. 166.
[7] . Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập V, sđd, tr. 288.