Tín ngưỡng thờ Mẫu là một sinh hoạt văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức của người Việt, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là hình thức thờ cúng người mẹ hoá thân là các Thánh Mẫu cai quản miền trời (Thiên phủ), rừng núi (Nhạc phủ), sông nước (Thoải phủ) được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần nhằm cầu mong sức khoẻ, tài lộc và may mắn.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp của tín ngưỡng bản địa với một số tôn giáo du nhập khác gồm Đạo giáo và Phật giáo. Các nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được truyền dạy qua nhiều thế hệ theo phương thức truyền miệng. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được coi là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của người Việt với sự kết hợp mang tính nghệ thuật các yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, lời ca, điệu múa,…
Tái hiện thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ảnh: tuoitre.vn
Theo thư tịch và huyền thoại, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là tiên nữ giáng trần, sau đó quy y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong Tứ bất tử của Việt Nam. Người dân Việt Nam thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hay huyền thoại có công trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước được thánh hóa. Từ thế kỷ XVI, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng có vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức của người dân. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang tính cởi mở nên mọi người đều có thể tham gia và người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu, các vị thánh bản địa và tôn trọng, tiếp nhận các vị thần, các yếu tố văn hoá của một số các dân tộc thiểu số. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao,… thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được lan toả và được thực hành ở nhiều địa phương các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Địa điểm thực hành tín ngưỡng chủ yếu gắn với không gian các đền, phủ, điện,… Trong đó, Mẫu Liễu Hạnh còn được thờ tại nhiều đền, phủ trong cả nước, tiêu biểu như phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (Thanh Hóa) và đền Bắc Lệ (Lạng Sơn),… Chủ thể của thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các thủ nhang (người trông coi đền, phủ và hàng ngày thờ cúng thần linh, pháp sư, thầy cúng (người tổ chức các nghi thức hành lễ), thanh đồng (gồm các ông đồng và bà đồng, đóng vai trò trung gian trong việc giao tiếp giữa con người với các đấng thần linh), hầu dâng (ngồi 2 bên thanh đồng, giúp thanh đồng thắp hương, dâng lễ vật, thay trang phục, chuẩn bị đạo cụ khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…), cung văn (xướng nhạc và hát trong nghi lễ hầu đồng), con nhang đệ tử (những tín đồ của đạo Mẫu) cùng cộng đồng cư dân gắn bó với nhau thành bản hội, có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Thánh Mẫu mà đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các đền, phủ, điện thờ Mẫu. Hoạt động chính của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là các nghi lễ hầu đồng và những lễ hội dân gian. Mỗi nghi lễ hầu đồng có từ 5 - 36 giá. Mỗi giá hầu một vị Thánh với trang phục, điệu múa, bài hát, lễ vật khác nhau. Âm nhạc và bài hát trong nghi lễ hầu đồng được gọi là hát chầu văn (hát văn). Mỗi làn điệu hát văn gắn với một vị Thánh, kể về truyền thuyết, công trạng của họ. Những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tin rằng nghi lễ hầu đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh, gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình tới thần linh như cầu mong sức khoẻ, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt,…
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: daidoanket.vn
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với việc thờ cúng các vị Thánh có công với đất nước, với nhân dân đã thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, góp phần khơi dậy và giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ. Việc thờ cúng các Thánh Mẫu với hình tượng người Mẹ toàn năng luôn khoan dung, nhân ái, che chở cho con cái đã góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam, đồng thời thể hiện lòng từ bi bác ái và những giá trị nhân văn của người Việt từ xa xưa. Bên cạnh đó, các nghi thức Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là những hoạt động tập thể đã góp phần tạo ra ý thức cộng đồng và tạo mối liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng thực hành tín ngưỡng. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với các nghi thức lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hoá dân gian như trang phục, âm nhạc, nhảy múa… được thể hiện theo phong cách nghệ thuật trở thành một phương thức lưu giữ bản sắc văn hoá và lịch sử của người Việt. Trong qúa trình phát triển, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Nhưng dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn luôn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khoẻ, may mắn, tài lộc, những ước muốn vĩnh hằng của con người. Với những giá trị độc đáo và nổi bật, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO ngày 1/12/2016 diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cần được bảo tồn và phát huy phù hợp với đời sống đương đại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không tránh khỏi những bất cập khi một số thanh đồng, cung văn lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện mục đích cá nhân, lợi dụng lòng tin của mọi người để thu lợi, một số thanh đồng truyền phán nội dung dọa nạt, mang tính trần tục làm ảnh hưởng tới tâm lý những người xung quanh, nhiều nghi lễ hầu đồng bị biến tướng và thậm chí bị vật chất hoá làm ảnh hưởng đến hình ảnh di sản… Những bất cập này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, các thủ nhang, đồng đền, thanh đồng và những người tham gia thực hành tín ngưỡng phải nâng cao vai trò trách nhiệm, có ý thức đấu tranh đẩy lùi những bất cập, hạn chế và bảo tồn ý nghĩa, phát huy giá trị tốt đẹp của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Khánh An