Mùa lễ hội năm nay đã diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, diễn biến khó kiểm soát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tất cả các lễ hội ngừng không tổ chức. Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, tiêu chí hàng đầu được BQL các di tích, BTC lễ hội và chính quyền địa phương đẩy mạnh năm nay là tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc mọi khuyến cáo, chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về các giải pháp phòng chống dịch cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2020 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Kế hoạch nhằm tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, quy định của nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, bảo đảm yêu cầu giáo dục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu tuyên truyền nhằm giảm bớt những hình ảnh phản cảm, chen lấn, xô đẩy, thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong lễ hội, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh trong hoạt động này.
Với nội dung này, Bộ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu việc giới thiệu những nét đẹp văn hóa ứng xử văn minh trong lễ hội; những mô hình, ban tổ chức lễ hội làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Nội dung, hình thức tuyên truyền ngắn ngọn, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn xã hội, phong tục, tập quán, đặc điểm văn hóa Việt Nam.
Trên thực tế, trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp. Hầu hết các lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp. Đáng chú ý, nhiều lễ hội từng là “điểm nóng”, khiến dư luận bức xúc bởi những hình ảnh không đẹp, đi ngược định hướng xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, đến nay cũng đã dần đi vào nề nếp như lễ hội đền Trần, chùa Hương, lễ hội chọi trâu tại một số tỉnh, thành… Hội Phết Hiền Quan sau nhiều đi tìm phương án tổ chức tốt nhất, trước mùa lễ hội 2020, cơ quan quản lý cũng đã đưa ra yêu cầu tạm dừng tổ chức nếu không có các phương án đảm bảo an toàn.
Diễn biến chưa được lường trước đối với mùa lễ hội năm nay là sự ập đến và tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19, khiến cho các lễ hội đồng loạt tạm dừng tổ chức để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Yêu cầu dừng tổ chức lễ hội được đưa ra tại các Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL và được các địa phương, BQL các di tích và BTC lễ hội nghiêm túc chấp hành. Cùng với đó, Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng ban hành các văn bản yêu cầu không tổ chức lễ hội, không tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Như vậy, bức tranh sinh hoạt lễ hội mùa 2020 hiện lên với một diện mạo, bối cảnh chưa từng có. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt này cũng được nhìn nhận, đánh giá dưới một góc độ khác. Nhiều địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội đã khẩn trương thay đổi kế hoạch nhằm điều chỉnh phương án tổ chức, đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất. Các lễ hội lớn dịp đầu Xuân như Lễ hội Đền Trần, lễ hội chùa Hương, Yên Tử… đều cắt bỏ các hoạt động phần hội, chỉ tổ chức nghi lễ dâng hương thành kính. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội, nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm.
Từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, tại các địa phương, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật, trong đó có các quy định về thực hiện nếp sống văn minh đã được đặc biệt chú trọng, Nghị định với nhiều nội dung điều chỉnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội như: lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân. Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Nghị định cũng nhấn mạnh quy định về trách nhiệm của người tham gia lễ hội: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội. Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường. Không tổ chức, tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội…
Ngay từ đầu mùa lễ hội 2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản gửi yêu cầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các lễ hội, di tích. Các đoàn công tác của Bộ cũng liên tục kiểm tra việc dừng, giảm quy mô tổ chức lễ hội trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình…“Nhìn chung, các địa phương đã thực hiện rất nghiêm túc việc dừng, giảm quy mô tổ chức lễ hội theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ VHTTDL cũng như quy định tại điều 8 Nghị định 110 về việc “tạm ngừng tổ chức lễ hội khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương… bên cạnh các lễ hội lớn gắn với những di tích, trọng điểm thu hút đông người đồng loạt dừng tổ chức, một số di tích- danh thắng trước diễn biến phức tạp, khó lường đã tạm dừng việc mở cửa đón khách, tránh tụ tập đông người. BQL các di tích,, BTC các lễ hội và chính quyền địa phương đều chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong thực thi pháp luật về thực hiện các nếp sống mới thời chống dịch Covid-19, phổ biến nhất là những như yêu cầu như bắt buộc đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn, đo thân nhiệt, không tụ tập đông người…
Theo vhttcs.org.vn