Cách đây 77 năm, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã quyết định lấy bài Tiến quân ca của Văn Cao làm bài Quốc ca cho nước Việt Nam mới đang phôi thai. Để có bài Quốc ca như ngày nay, không phải ai cũng biết bài hát cũng như tác giả của nó đã trải qua những thăng trầm lịch sử, những thay đổi theo thời cuộc để giai điệu hào hùng của bài hát ngân dài đến ngày nay
Ra đời và được lấy làm Quốc ca
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Việt Nam trải qua một nạn đói khủng khiếp trên phạm vi các tỉnh từ Quảng Trị trở ra. Sau này, thống kê cho thấy có đến 2 triệu người Việt Nam chết đói. Đây là thảm cảnh của nhân dân Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật.
Nhạc sĩ Văn Cao lúc này 21 tuổi, đã đạt được sự nổi tiếng của một nhà thơ, hoạ sĩ và nhạc sĩ sáng tác những ca khúc lãng mạn nổi tiếng như “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi” và “Bến xuân” cùng với một số ca khúc yêu nước theo chủ đề thanh niên lịch sử cho phong trào hướng đạo.
Sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội, trong không khí cách mạng khá sôi nổi Văn Cao tiếp xúc với những thành viên của Việt Minh, lúc này đang hoạt động bí mật. Việt Minh cho biết họ đã biết đến những sáng tác yêu nước của anh và muốn anh tham gia cuộc đấu tranh của toàn dân tộc, hướng tới cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Văn Cao kể lại, một người bạn đã nói với anh: “Chiến khu thiếu bài hát… Khoá quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta”.
Sống ở Hà Nội, qua báo chí bí mật và với tinh thần ham hiểu biết, tìm tòi của tuổi trẻ, Văn Cao, dù chưa bao giờ gặp những người lính Việt Minh, bộ đội cũng như du kích, chưa bao giờ lên căn cứ địa của các tỉnh Việt Bắc, nhưng anh cũng mường tượng ra hình ảnh của họ, cũng như tinh thần dũng cảm của họ, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Anh muốn sáng tác một bài hát giản dị sao cho những người lính ấy có thể hát được, hay bất cứ người dân nào có lòng yêu nước, có ý chí giải phóng dân tộc đều hát được. Vậy là bài Tiến quân ca ra đời.
Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc,
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước.
Sùng đằng xa chen khúc quân hành ca;
Đường vinh quang xây xác quân thù.
Thắng gian lao, đoàn Việt lập chiến khu.
Thề phanh thây uống máu quân thù.
Tiến mau ra sa trường.
Tiến lên ! Cùng tiến lên!
Chí trai là đây nơi ước nguyền.
Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phất phới
Giắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới.
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Dù thây tan xương nát không sờn
Gắng hy-sinh đời ta tươi thắm hơn.
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
Vũ trang đâu! Lên đường!
Hỡi ai ! Lòng chớ quên!
Bắc sơn cùng Đô-lương, Thái-nguyên.
Tiến quân ca, bản năm 1944, do ông Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao cung cấp (Ảnh tư liệu)
Câu kết nhắc đến cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, binh biến Đô Lương và xa hơn là cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, trong đó, khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) và Binh biến Đô Lương (13/1/1941) được coi là những tiếng súng báo hiệu thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ toàn dân đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, khởi nghĩa giành chính quyền. Khởi nghĩa Nam Kỳ không được nhắc đến, có lẽ là do thông tin về cuộc khởi nghĩa còn hạn chế.
Tiến quân ca được xuất bản với bút danh trên một tờ báo và trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh.
Từ ngày 16 đến 18/8/1945, Tại Quốc dân Đại hội Tân Trào, một hội nghị quan trọng ngay trước thềm tổng khởi nghĩa, Quốc dân Đại hội đã tuyên bố “Tiến quân ca” là Quốc ca.
Trong lúc đó, chiều ngày 17/8/1945, tại cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức, Việt Minh Hà Nội đã biến cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim thành cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Tại cuộc mít tinh, hội viên Việt Minh và quần chúng cách mạng đã hát hai bài Tiến quân ca của Văn Cao và Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi.
Trong những ngày sau đó, khi Hà Nội khởi nghĩa thành công, bài hát của Văn Cao được hát khắp nơi trong thành phố..
Trong khi bài “Tiến quân ca” được phổ biến ở miền Bắc thì tại Nam Bộ, Sài Gòn khi đó, quần chúng vẫn chào cờ và hát bài Quốc dân hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Trong những tháng cuối năm 1945 và đầu năm 1946, quốc kỳ và quốc ca vẫn được đưa ra bàn luận. Lý do là vì các đảng phái chính trị như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt cho rằng bài “Tiến quân ca” là bài hát của Mặt trận Việt Minh, cho dù Văn Cao lúc này là thành viên của Đảng Dân chủ Việt Nam chứ không phải Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tuy nhiên, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phê chuẩn bài Tiến quân ca làm Quốc ca vào ngày 8/11/1946.
Cũng trong năm 1946, Tiến quân ca đã được hát ở Pháp. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Pháp nửa cuối năm 1946, ban nhạc quân đội Pháp chơi Tiến quân ca tại sân bay ở Pháp khi Hồ Chí Minh bước xuống máy bay thăm Pháp.
Trong những hoạt động ngoại giao đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bài Tiến quân ca được dịch sang tiếng Anh và in trong tờ rơi của Đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thái Lan.
Từ năm 1946 đến 1954, bài hát theo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta đến ngày thắng lợi.
Sửa đổi lời bài hát và thăng trầm của tác giả
Tháng 9/1955, Bộ Truyên truyền đề nghị sửa phần lời của Quốc ca vì “có một số chữ và một số câu không được rõ nghĩa và có thể bị hiểu lầm”. Bộ Tuyên truyền cũng hỏi ý kiến nhạc sĩ Văn Cao và được ông đồng ý.
Tiến quân ca với những chỉnh sửa phần lời:
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu nước,
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước.
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca;
Đường vinh quang xây xác quân thù.
Thắng gian lao, bền tâm lập chiến khu.
Vì nhân dân chiến đấu không sờn
Tiến mau ra sa trường.
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.
Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới
Dắt giống nòi qua nơi lầm than
Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới.
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
Quyết hi sinh đời ta tươi thắm hơn.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường.
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.[1]
Lời hát “Thề phanh thây uống máu quân thù” có thể bị “hiểu sai, cho là tàn bạo đối với kẻ thù”. Lời hát “Dù thây tan xương nát không sờn” được đổi thành “Từ bao lâu ta nuốt căm hờn” để “nhắc lại lòng căm thù của nhân dân ta đối với kẻ địch”. Bốn câu cuối của lời một cũng được đề nghị dùng cho kết lời hai để làm chức năng của một điệp khúc. Việc thay thế này cũng bỏ đi lời hát nhắc đến các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Đô Lương và Thái Nguyên, được cho là những sự kiện không có ý nghĩa quá lớn, bởi dân tộc Việt Nam vừa giành chiến thắng vang dội trước thực dân Pháp là chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Tờ bướm ghi phần lời Tiến quân ca của Đỗ Hữu Ích, gây nên rắc rối bản quyền năm 1991Trong sự kiện Nhân văn giai phẩm những năm 1956-1958, Văn Cao bị mất tư cách hội viên Hội Nhà văn và Hội Mỹ thuật. Ông bị buộc phải đăng một bài tự phê bình thừa nhận mình đã có “rất nhiều sai lầm nghiêm trọng” trong quan điểm và sáng tác văn nghệ. Ông phải đi thực tế lên vùng miền núi Tây Bắc trong 6 tháng.
Trong lần thông qua Hiến pháp mới năm 1959, Quốc ca không được đề cập đến, Hiến pháp mới chỉ xác nhận hai biểu tượng quốc gia khác là Quốc kỳ và Quốc huy.
Ngày 2/7/1976, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam hợp nhất thành Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong dịp này, bài Tiến quân ca được in trên trang nhất báo Nhân dân, nhưng không đề tên tác giả, được công bố là Quốc ca của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 1980, khi Hiến pháp mới được phê chuẩn, bản Quốc ca chỉ ghi là “do Quốc hội thông qua”.
Cũng trong năm 1980, Quốc hội ra Nghị quyết về cuộc thi chọn quốc ca mới. Báo Nhân dân ra ngày 28/4/1981 thông báo sự kiện này. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trường Chinh và Phó Chủ tịch Xuân Thuỷ, cùng sự tư vấn của Bộ Văn hoá Thông tin, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, cùng với các nhạc sĩ và nhà thơ tiến hành đưa ra tiêu chí và điều lệ cuộc thi. Cuộc thi mở rộng cho mọi công dân Việt Nam và chỉ xét những bài hát viết sau năm 1975, nhấn mạnh đến yếu tố bối cảnh mới của đất nước thống nhất sau giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhà thơ Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ban Giám khảo.
Quốc hội cho rằng cần thiết viết một bản Quốc ca mới bởi vì “cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới”. Những nhà tổ chức muốn quốc ca phải phản ánh được “những kỳ tích chống ngoại xâm” và chuyển tải được “truyền thống đoàn kết đùm bọc lẫn nhau, của lao động xây dựng cần cù, dũng cảm và sáng tạo, đất nước của những khát vọng độc lập, tự do, hoà bình và hạnh phúc”.
Từ ngày19/5/1981 đến ngày 19/12/1981, Ban Giám khảo đã nhận được 1.420 tác phẩm của 1.181 tác giả. Sau vòng hai, danh sách còn 17 bài hát. Những bài hát này đều được thể hiện trước Quốc hội, sau đó in trên nhiều tờ báo lớn và tạp chí, được phát trên đài phát thanh cho công chúng nghe.
Ngày 10/7/1995, tác giả bài Tiến quân ca ra đi, nhưng tác phẩm của ông thì không thể thay thếTừ 17 bài hát, Ban Giám khảo lựa chọn lấy 5 bài cuối cùng để Quốc hội bầu chọn. Nhưng Quốc hội không chọn được quốc ca mới. Nhạc và lời bài “Tiến quân ca” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và khủng hoảng kinh tế-xã hội, người dân thì dường như không mấy hưởng ứng việc thay thế Tiến quân ca.
Năm 1991, Văn Cao tiếp tục vướng vào vấn đề bản quyền lời bài hát. Có những tờ bướm thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám in phần lời bài hát Tiến quân ca của ông Đỗ Hữu Ích. Kết quả điều tra của Cơ quan bảo hộ quyền tác giả cuối cùng đã kết luận Văn Cao chính là tác giả cả phần nhạc và phần lời của bài hát. Cuộc tranh cãi chấm dứt vào tháng 3/1992.
Sau đó, Hiến pháp mới năm 1992 ghi rõ “Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.
Qua những thăng trầm của tác giả cũng như bài hát, Tiến quân ca cuối cùng vẫn là không thể thay thế, được chọn làm Quốc ca, cho đến ngày nay.
Lê Minh
[1] Báo Nhân Dân ngày 17/9/1955.