Không phải là một chiến thắng quân sự lớn tầm chiến dịch, làm thay đổi cục diện chiến tranh, nhưng chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Đồng Tháp Mười và Nam Bộ trong những năm nhân dân miền Nam chìm đắm trong đau thương và uất hận trước kẻ thù hung bạo
Ngày 26-9-1959, tại Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung, giáp ranh hai huyện Hồng Ngự và Thanh Bình, một phân đội của Tiểu đoàn 502 với 42 tay súng đã phục kích trên đồng nước, đánh bại cuộc càn quét cấp trung đoàn của E 43/ F 23 chủ lực Quân đội Sài Gòn.
Đây là chiến thắng lớn nhất của quân và dân miền Nam kể từ năm 1954 cho đến thời điểm đó, có ý nghĩa to lớn.
"Tiếng sấm đầu mùa" đối với cách mạng miền Nam Việt Nam
Chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung mở đầu phương thức đấu tranh vũ trang tại miền Nam
Chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung là sự kiểm nghiệm trong thực tiễn, một minh chứng đúng đắn cho đường lối cách mạng giải phóng miền Nam của Đảng vạch ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II)
Đường lối và phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam thể hiện tập trung trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giải phóng miền Nam bằng bạo lực cách mạng.
Ngày 23-9-1959, Liên tỉnh ủy Trung Nam Bộ chỉ đạo đổi phiên hiệu “Tiểu đoàn 502 Giải phóng quân Bình Xuyên” tỉnh Kiến Phong thành “Tiểu đoàn 502 bộ đội địa phương” tỉnh Kiến Phong và chủ trương đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền. Quyết định dừng chân đánh địch tại Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung của lực lượng vũ trang Kiến Tường nằm trong chủ trương của Xứ ủy.
Chiến thắng này làm cho Xứ ủy Nam Bộ thấy rằng đã đến lúc cần thiết phát động đấu tranh vũ trang, đề nghị Trung ương Đảng cho phép đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, duy trì và mở rộng căn cứ địa (trong điện gửi Trung ương Đảng ngày 11 và 24-10-1959). Thắng lợi này tiếp tục là cơ sở để Trung ương Đảng khẳng định chủ trương cho phép đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ đấu tranh vũ trang là hoàn toàn đúng đắn.
Chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung là chiến thắng quân sự lớn nhất của quân và dân Nam Bộ kể từ năm 1954 cho đến thời điểm đó.
Với lực lượng vũ trang nhỏ bé xây dựng được, từ cuối năm 1958, Xứ ủy Nam Bộ chủ trương mở một số trận tiến công quân sự và đẩy mạnh phong trào diệt ác trừ gian để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đang xuống thấp.
Ta đã giành một số thắng lợi trong trận đánh Trại Be (Biên Hoà), chi khu quân sự và quận lỵ Dầu Tiếng, Nhà Xanh (Biên Hoà), Xẻo Rô (Rạch Giá) trong những năm 1957-1959, nhưng cho đến thời điểm đó, chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung là chiến thắng quân sự lớn nhất, “gọn gàng” nhất, gây bất ngờ nhất đối với địch, trở thành một mốc lịch sử đáng ghi nhớ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Nam Bộ.
Trong chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung nổi bật tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết đoán, kịp thời của cấp ủy Đảng và chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng trong lãnh đạo, chỉ huy cũng như bước phát triển về chiến thuật của bộ đội ta trong chiến đấu.
Ýtưởng dừng chân chiến đấu chống càn xuất phát từ việc quan sát, phân tích tình hình một cách nhanh chóng, chính xác và đưa ra quyết tâm kịp thời. Lực lượng ta tuy ít hơn về quân số và trang bị kém hơn, nhưng thông thạo địa hình, có kinh nghiệm tác chiến trên đồng nước, đang khao khát được chiến đấu. Đó là thuận lợi của ta và khó khăn của địch so với các trận đánh đồn. Cơ hội tiêu diệt địch xuất hiện và Ban chỉ huy quyết định phục kích chờ địch.
Tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung, được xây dựng tại xã
An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp năm 2004
Chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung là kết quả của sự chớp thời cơ thuận lợi tiêu diệt địch, thể hiện tinh thần quyết đoán, dũng cảm của tiểu đoàn 502 bộ đội Kiến Tường. Điều đó cũng được minh chứng bằng hiệu suất chiến đấu rất cao. Cả trận Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung, ta diệt gọn hai đại đội của D 2 và D3, E43, bắt sống 105 tù binh, trong đó có nguyên Ban chỉ huy D3/E43 và Ban chỉ huy C 12/D3, thu tại chỗ 127 súng, 12 máy thông tin và nhiều quân trang, quân dụng. Trong khi đó, lực lượng ta chỉ hy sinh 1, bị thương 3 đồng chí. Mặc dù chỉ là lực lượng vũ trang địa phương, nhưng do “biết địch, biết ta” nên đã quyết đánh và đánh thắng không những một trận mà liên tiếp hai trận trong một ngày.
Chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung còn cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, binh vận. Đấu tranh binh vận thể hiện trong trận Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung trên hai phương diện sau:
Thứ nhất, hàng trăm tù binh địch đã được giải thích chính sách khoan hồng của cách mạng và được phóng thích, đập tan luận điệu tuyên truyền phản động của Mỹ -Diệm: “Việt cộng mổ bụng, moi gan lính cộng hoà”, làm cho họ giác ngộ và từ bỏ con đường chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, hoặc thay đổi thái độ đối với cuộc chiến tranh.
Thứ hai, với phương châm “diệt một, làm rã nhiều tên”, ta đã thu gom thẻ bài của binh sĩ bị chết, bị bắt, gửi về cho gia đình họ, tạo nên một cuộc đấu tranh của hàng trăm gia đình binh sĩ kéo lên quân lỵ Hồng Ngự đòi chồng, con, làm cho ảnh hưởng của trận đánh lan rộng khắp vùng Đồng Tháp Mười, kẻ thù thêm hoang mang lo sợ, nhiều binh sĩ rã ngũ.
Thắng lợi của đấu tranh binh vận ở đây là hệ quả tiếp nối của thắng lợi quân sự. Cấp ủy Đảng và lực lượng vũ trang địa phương đã nhanh nhạy nắm thời cơ đấu tranh binh vận, khuyếch trương chiến thắng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của ba mũi giáp công.
Chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung nâng cao uy tín của lực lượng vũ trang cách mạng, hạ uy thế lực lượng vũ trang địch, cổ vũ nhân dân vùng Đồng Tháp Mười nổi dậy phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ. Sau chiến thắng, khí thế đấu tranh của nhân dân huyện Hồng Ngự lên cao. Ngày 19-12-1959, nhân dân xã Thường Lạc nổi dậy khởi nghĩa, trở thành một trong những xã nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, giành quyền làm chủ sớm nhất tỉnh Kiến Phong.
Tỉnh ủy Kiến Phong phát động phong trào nhân dân vũ trang nổi dậy phá bung khu trù mật Ninh Hoà, Cả Cái, Tân Thành. Tiểu đoàn 502 còn hỗ trợ nhân dân đấu tranh bức rút các đồn Vĩnh Huê, Cầu Sắt, giải phóng các xã Thạnh Mỹ, Phong Mỹ và giành quyền làm chủ 2/3 số xã trong khu vực Đồng Tháp Mười.
Chiến thắng Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung góp phần vào quá trình xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Lực lượng vũ trang Kiến Phong nói riêng và Khu Trung Nam Bộ nói chung có sự thay đổi về chất, không phải chỉ ở chỗ bỏ danh nghĩa giáo phái, mà thực sự có bước trưởng thành về kỹ, chiến thuật, tăng thêm vũ khí trang bị. Liên tỉnh ủy Trung nam Bộ chỉ đạo giao một phần vũ khí thu được và lực lượng vũ trang của Kiến Phong về xây dựng lực lượng vũ trang của Liên tỉnh và một số tỉnh bạn. Vũ khí thu được cũng được trang bị thêm cho tiểu đoàn 502 và 23 đội công tác vũ trang của các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Mỹ An. Đó là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, hỗ trợ phong trào nhân dân đồng khởi.
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng
Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung, năm 2019
Dấu hiệu thất bại của quân đội Sài Gòn do Hoa Kỳ xây dựng, trang bị và huấn luyện
Đây là thất bại quân sự bất ngờ nhất, nặng nề nhất của địch cho đến thời điểm đó.
Đến năm 1959, Chính quyền Sài Gòn đã xây dựng được một đội quân với 150.000 quân chủ lực, ngoài ra còn có hơn 100.000 bảo an, dân vệ3. Để hỗ trợ các lực lượng địa phương đẩy mạnh “tố cộng, diệt cộng”, địch tăng cường hành quân càn quét bằng lực lượng chủ lực cơ động, nhất là ở những vùng có lực lượng vũ trang cách mạng hoạt động. Lực lượng chủ lực quân đội Sài Gòn hành quân càn quét hầu như không vấp phải sự kháng cự nào đáng kể chứ chưa nói đến thất bại.
Chính vì vậy, thất trận nặng nề tại Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung làm cho Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn sửng sốt.
Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải thừa nhận: vào thời điểm cuối năm 1959, điều rất đáng lo ngại là Việt cộng đã dám tấn công vào các đơn vị lớn của quân đội Nam Việt Nam, trong đó phải kể đến một trận phục kích của Việt cộng, đánh bại hai đại đội chủ lực thuộc Sư đoàn 23 của quân đội Sài Gòn, giết nhiều lính và thu hầu như toàn bộ vũ khí.
Sự lo ngại đó không phải không có cơ sở vì chỉ 4 tháng sau đó, lực lượng vũ trang cách mạng đã tấn công căn cứ Tua Hai, tiêu diệt địch ngay tại hang ổ của chúng.
Thất bại tại Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung góp phần khoét sâu mâu thuẫn nội bộ ngụy quân, ngụy quyền, chấm dứt thời kỳ ổn định tạm thời của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đẩy chế độ tay sai của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam vào khủng hoảng.
Trước thất bại lớn tại Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung, nguỵ quân, nguỵ quyền quay sang chỉ trích, đổ lỗi cho nhau, khiến cho nội bộ càng thêm lục đục, rạn nứt.
Việc Chính quyền Sài Gòn thành lập “Hội đồng Quân kỷ”, xét xử, tống giam và kỷ luật hàng chục sĩ quan, hạ sĩ quan, các phe nhóm, các cá nhân coi đây là một cơ hội để đấu đá, thanh trừng nội bộ.
Đến những năm 1958-1959, chế độ tay sai thực dân mới của Hoa Kỳ được xây dựng và củng cố tương đối ổn định nên Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ, có kế hoạch chuẩn bị khai thác và kinh doanh. Nhưng cũng từ nửa cuối năm 1959, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam vùng lên, bắt đầu quá trình khởi nghĩa từng phần, tiến lên “đồng khởi”, chấm dứt thời kỳ ổn định tạm thời, đẩy chế độ tay sai của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam lâm vào khủng hoảng.
Một chính quyền, một quân đội do nước ngoài dựng lên, đại diện cho các thế lực phản động và phi nghĩa sớm muộn cũng sẽ bị đánh bại bởi phong trào cách mạng của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tiếng súng chiến thắng tại Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung báo hiệu một thời kỳ mới đã đến, thời kỳ nhân dân miền Nam Việt Nam vùng dậy, làm chủ vận mệnh của mình.
An Lê